PHÁI ĐOÀN HỘI THÁNH CAO ĐÀI TTTN HOÀN THÀNH SỨ MẠNG LỊCH SỬ TRONG CÔNG CUỘC GIAO HẢO VỚI DUY TÂM THÁNH GIÁO (WEIXIN SHENGJIAO) Ở ĐÀI LOAN.
Cập nhật 2018-07-17 07:36:23
Lễ Sanh Ngọc Duyên Thanh (16 July 2018)
I- Tầm quan trọng của chuyến viếng thăm Duy Tâm Thánh giáo ở Đài Loan của Phái đoàn Hội Thánh Cao Đài TTTN từ ngày 17/6-24/6/18.
Weixin Shengjiao (Duy Tâm Thánh giáo) ở Đài Loan đã gởi thư ngày 16/11/2017, của Hỗn Nguyên Thiền sư (Hunyuan Chanshi), người sáng lập Hiệp Hội xúc tiến Hòa bình thế giới của tôn giáo Weixin (Weixin World Peace Promotion Association), chánh thức mời Ngài Đầu sư Thượng Tám Thanh sang dự Hội nghị các Tân Tôn giáo (CESNUR Conference) tại Đại Học Weixin, Thành phố Nam Đầu (Nantou), Đài Loan. Hội nghị nầy chủ trì bởi Hiệp Hội xúc tiến Hòa Bình Thế giới của tôn giáo Weixin Shengjiao tổ chức từ 17-23/6/2018 tại Đại Học Weixin, Đài Loan.
Đại hội có chủ đề: “Truyền thống và canh tân trong các phong trào tôn giáo: Đông Á, Tây Phương và phạm vi liên hệ”(Tradition and Innovation in Religious movements: East Asia , the West and beyond).
Hội nghị nói trên vào năm 2018 có mời nhiều học giả tôn giáo trên thế giới và các tôn giáo Đài Loan đến dự để chiêm ngưởng tượng điêu khắc vàng, Đại kim thân của Đức Gui Gu Zi Wang Chan Laotsu (Quỹ Cốc Tử Vương Chân Lão Tổ) , cao 22 m, tại Thánh địa ở Bát Quái Sơn, tiêu biểu cho Duy Tâm Luận, sẽ tượng trưng cho Weixin thừa hưởng tính chính thống của văn hóa Trung Hoa trải dài 5000 năm.
Phái đoàn Hội Thánh Cao Đài sang Đài Loan tuy với danh nghĩa để tham dự Hội Nghị CESNUR năm 2018 (Hội nghị các tân tôn giáo) và tham dự lễ hoàn thành tôn tượng Đại Kim thân Đức Quỹ Cốc tử Vương Chân Lão tổ ở trường sở Duy Tâm Thánh giáo ở Đài Trung, và thăm viếng Tiên Thiên Cứu giáo Hồng Vạn ở Đài Bắc , nhưng thực chất trong chuyến đi nầy, Phái đoàn Hội Thánh đã hoàn thành 3 sứ mạng quan trọng làm nền tảng cho công cuộc phát triển Đạo Cao Đài ra trường quốc tế, như sau:
1/Ngài Đầu sư Thượng Tám Thanh , thay mặt Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh, ký Bản thỏa thuận hợp tác Hiệp Hội các Tân tôn giáo Đông Á gồm Duy Tâm Thánh Giáo Đài Loan (Weixin Shengjiao), Đại Tuần Chơn Lý Giáo (Daesoon Jinrihoe) Đại Hàn và Đạo Cao Đài Việt Nam.
Hiện nay có nhiều tân tôn giáo ở Đông Nam Á có tôn chỉ giống nhau và cùng xử dụng cơ bút đang tiến gần nhau , cùng hướng về TTTN là trung tâm, như Oomoto giáo (Nhật) Tiên Thiên Cứu Giáo Hồng Vạn (Đài loan, Tân Gia Ba , Mã Lai, Thái Lan), Đại Tuần Chơn Lý Giáo ( Đại Hàn), đã từng viếng thăm TTTN và giao hảo với Đạo Cao Đài TTTN, nay có thêm một tôn giáo cùng tôn chỉ và cùng xử dụng cơ bút là Duy Tâm Thánh Giáo (Đài Loan) rất ngưỡng mộ Đạo Cao Đài .
Phái đoàn Hội Thánh ký thỏa ước nói trên là khởi điểm cho việc hợp tác chính thức của các tôn giáo nầy trong tương lai để thực hiện lý tưởng chung, mà Ngài Đầu Sư Thượng Tám Thanh đã phát biểu trong Hội nghị là : phổ truyền tinh yêu thương và thúc đẩy Hòa bình thế giới, đúng theo quan điểm của Đạo Cao Đài là Công bình -Bác ái và Hòa bình Dân chủ .
2/Phái đoàn Hội Thánh tham dự Đại hội CESNUR năm 2018 do GSTS Massimo Introvigne tổ chức với sự bảo trợ của Duy Tâm Thánh Giáo từ 17/6 đến 23/6/18 , đã được Hội nghị dành cho thuyết trình nhiều nhất với 5 đề tài để phổ biến giáo lý Cao Đài, chứng tỏ Hội Nghị CESNUR rất kính trọng Đạo Cao Đài. Sự kính trọng nầy còn biểu lộ rõ nét trong việc Duy Tâm Thánh giáo mời Ngài Đầu sư Thượng Tám Thanh , là 1 trong 4 Vị lãnh đạo các tôn giáo đại diện cho hàng chục vị lãnh đạo hành chánh và tôn giáo khác, đứng ra đọc lời phát biểu.
3/Sau khi dự lễ bế mạc CESNUR ngày 21/6/18 tại trung tâm Duy Tâm Thánh giáo ở Thành phố Nam Đầu (Đài Trung), Phái đoàn Hội Thánh viếng thăm Đại Học Trường Vinh (Chang Jung Christian University ) ở Đài Nam. Phái đoàn Hội Thánh Cao Đài TTTN đã được GSTS Yung Lung Lee Viện Trưởng và toàn thể Giáo sư và Ban Giám hiệu trường đón tiếp trọng thể. Giáo sư Lee và Ngài Đầu sư Thượng Tám Thanh đã ký bản ghi nhớ hợp tác việc đào tạo sinh viên có Đạo Cao Đài TTTN muốn học tại trường Đại Học Trường Vinh. (Ghi chú: Đảo Đài Loan có diện tích khoản 38 ngàn cây số vuông (= 1/7 của Việt Nam ) , gồm 3 miền là Đài Bắc (thủ phủ của Đài Loan), Đài Trung và Đài Nam).
Xin nhắc lại: Vào tháng 11 năm 1974, Ngài Hồ Bảo Đạo có ký Thỏa ước 6 điểm với Oomoto giáo gọi là thỏa ước Bính Thân, trong đó có điểm trao đổi sinh viên. Bản Thỏa ước nầy chưa được Hội Thánh phê chuẩn thì biến cố 30/4/75 xảy ra. Bản ghi nhớ nầy làm sống lại Bản Thỏa ước 1974 và là khởi điểm cho việc trao đổi sinh viên Cao Đài với các tôn giáo nói trên.
II- DUY TÂM THÁNH GIÁO RẤT NGƯỞNG MỘ ĐẠO CAO ĐÀI.
Duy Tâm Thánh giáo là một tôn giáo nghe rất xa lạ. Tôn giáo nầy lấy chữ Tâm làm kim chỉ nam (mới có tên Duy Tâm), xuất phát do mặc khải từ Thượng Đế, qua Đức Quĩ Cốc Tử Vương Chân Lão Tỗ truyền xuống Ngài Hỗn Nguyên Thiền Sư bằng chấp bút và thông công trực tiếp.
Theo tài liệu của Weixin Shenjiao, danh xưng Duy Tâm Thánh Giáo được tôn giáo nầy dịch từ danh xưng Weixin Shengjiao. Nhưng nếu không suy nghĩ sâu xa, chúng ta có thể hiểu sai rằng danh xưng Duy Tâm Thánh Giáo là những Thánh giáo chủ trương duy tâm, theo nghĩa tu vô vi, tham thiền nhập định, xa lánh hồng trần, tìm chỗ u nhàn ẩn thân luyện Đạo. Hiểu như vậy là không hiểu đúng giáo lý sâu xa của tôn giáo nầy. Phải đối chiếu cụm từ Weixin Shengjiao với cụm từ do chính tôn giáo nầy dịch sang tiếng Anh là “holy heart of hearts only”, và “heart or mind only teaching” có nghĩa là chỉ có Thánh tâm mà thôi. Duy Tâm Thánh giáo là tôn giáo chủ trương “duy Thánh tâm“. Cũng tương tự giáo lý Cao Đài dạy trở về phần sáng suốt linh diệu trong con người chính là Tâm Thánh của mình, hay là Thần.Đạo Cao Đài thờ Thiên nhãn chính là thờ Tâm Thánh của con người, mà theo Thánh giáo: ” Nhãn thị chủ Tâm. Lưỡng quang chủ tể. Tâm thị Thần. Thần thị Thiên. Thiên giã ngã dã”. Đạo Cao Đài hiện nay có tịch Đạo Thanh Hương rồi sẽ bước sang tịch Đạo Đạo Tâm.
Phái đoàn Đại diện Hội Thánh chỉ được biết đến tôn giáo nầy, trong kỳ tham dự Đại Hội CESNUR tại Đại Hàn từ 5/7/2016 đến 10/7/2016. Tôn giáo Weixin tỏ ra rất ngưởng mộ Đạo Cao Đài, nên đã gởi 2 Chức sắc tháp tùng Phái đoàn Hội Thánh Âu du tháng 5 năm 2017 qua Pháp (Bordeaux), Áo (Vienna) và Ý (Torino).
Vì có nhiều thiện cảm với Tôn giáo Cao Đài, vào tháng 11/2017, Weixin Shengjiao nhân dịp đến Trường Đại Học Xã Hội và Nhân Văn tại Saigon tham dự một buổi hội thảo về các tân tôn giáo Á Đông, đã dành thì giờ đến viếng Tòa Thánh Tây Ninh và nhân cơ hội này liền mời Ngài Đầu sư Thượng Tám Thanh và Phái đoàn Hội Thánh Cao Đài sang dự lễ Lễ Khánh thành bức tượng Đại Kim Thân Đức Quỹ Cốc Tử Vương Chân Lão Tổ vào tháng 6 năm 2018, tại Đài Loan.
Theo chúng tôi, Duy Tâm Thánh giáo ngưỡng mộ Đạo Cao Đài vì 4 lý do:
-Nhận lời mặc khải từ Thượng Đế do chấp bút.
-Cùng là tôn giáo duy Thánh tâm.
-Cùng có lý tưởng xây dựng nền hòa bình cho nhận loại.
- Duy tâm Thánh giáo và Đạo Cao Đài đều có quan niệm mang giá trị truyền thống dân tộc vào học thuyết tôn giáo hiện đại.
Giáo lý Cao Đài quy nạp bản chất văn hóa dân tộc và thể hiện dân tộc tính của người Việt Nam. Thêm vào đó, giáo lý Cao Đài còn nói lên bản chất đặc thù của Việt tộc là Bát quái Cao Đài ở Đền Thánh TTTN rất huyền bí, là nghịch chiều Bát Quái Hậu Thiên, xoay ngược chiều kim đồng hồ tức về Phía Tả (người Việt trọng phía Tả, người Hoa trong phía Hữu) thể hiện tinh thần truyền thống của người Việt Nam.
Nếu dùng Kinh Dịch truyền thống của Quỹ Cốc Tử để soi rọi Bát Quái Cao Đài hiện chưa được khám phá, có lẽ sẽ khám phá nhiều kỳ bí hiện ẩn tàng trong giáo lý Cao Đài hiện chưa ai biết .
Tương tự, Duy Tâm Thánh Giáo tự hào là kế thừa truyền thống chính thống Trung Quốc từ 5000 năm nay, chú tâm Kinh Dịch và đã được truyền bá bởi Gui Guzi Wang Chan Laotsu (Quỷ Cốc Tử Vương Chân Lão Tổ, còn gọi là Vương Thiền lão Tổ, vì Gui Guzi là ông tổ của Thiền), đã gây một ảnh hưởng quan trọng trong việc truyền bá truyền thống nầy cho người Trung Hoa trải qua 5 triều đại (Hán, Đường, Tống, Minh, Thanh) cho đến ngày nay. Năm triều đại là vòng chính của vòng tròn văn hóa Trung Hoa có Tư tưởng ảnh hưởng đến nền văn minh Đông Á một cách sâu rộng.
III- SỰ HÌNH THÀNH CỦA DUY TÂM THÁNH GIÁO.
Duy Tâm Thánh Giáo được thành lập năm 1984 bằng những sự kiện huyền bí bởi Đại sư Hỗn Nguyên (Hun Yuan). Số tín đồ hiện nay được ước tính có khoảng 1 triệu tín đồ.
Ngài có tên thật là Chang Ji-Jui, sanh vào ngày mùng 9 tháng Giêng năm Giáp thân (dl. 2/2/1944), tại Zhengiao-Nantou, Đài Loan, hiện nay còn sanh tiền. Năm 1982, trước khi lâm cơn bịnh nặng, Ngài Chang lập một công ty kinh doanh đất đai không dính líu gì tôn giáo, nhưng chú tâm nhiều năm về Dịch số (Yizing) và phong thủy (fengshui).
Rồi Ngài thoát cơn bịnh nặng nhờ một phép lạ huyền bí, từ đó Ngài nguyện hiến cuộc đời còn lại cho hoạt động tâm linh. Ngài tự cho đã nhận thông điệp từ cả 2 là Thượng đế (Jade deity) là một vị đại diện cho Thượng đế tối cao (Supreme God) và Gui Guzi, một tên quen thuộc của tôn giáo dân gian (phong tục, tập quán, tư tưởng, lối sống dân gian...) từ thời chiến quốc đến cuối đời Hán.
Cảm thấy Đấng thiêng liêng Gui Zuzi huyền bí nhập vào Ngài, Ngài lập một ngôi thờ tự, ở Đài Trung (Taichung), và thu nhận tín đồ. Năm 1984, Ngài đặt tên là Đền thờ Shennong, và tự nhận đã được mặc khải huyền bí cho Ngài tên và tước hiệu làm là Grand Master Hunyuan (Hỗn Nguyên Đại sư).
Năm 1987, Ngài đặt tên tôn giáo là Weixin Shengjiao, có nghĩa là Duy Tâm Thánh Giáo (Heart (or Mind) only teaching).
Năm 1989, Ngài dời Tổng hành dinh về tòa nhà đồ sộ ở thành phố Nantou, gọi là Đền thờ Hsien Fo Temple. Từ đây Weixin Shengjiao phát triển mạnh có 40 chi nhánh ở Đài Loan, ngay cả lục địa Trung quốc và ở các cộng đồng người Hoa ở hải ngoại như: Nhựt, Trung Hoa, Việt Nam, Úc, Tây Ban Nha , Hoa Kỳ.
Nhiều lớp học của Weixin đã được mở ra, do khuyến khích của Bộ Giáo Dục Đài Loan, và cũng có nhiều chương trình dạy Kinh Dịch (Yizing) cho trẻ em. Từ 1996 đến 2010 đã có 2 triệu trẻ em theo học. Nhiều giáo trình Weixin được thuyết trình ở Đài Loan, Trung quốc, Đại Hàn và Tây Phương.
*Học thuyết Weixin Shengjiao.
Học thuyết Weixin (Weixinism) là một lý thuyết có nguồn gốc của lich sử huyền bí Trung Hoa và nền văn minh xuất phát từ truyền thống của tôn giáo dân gian Trung Hoa (phong tục , tập quán, truyền thuyết , đời sống, tư tưởng...). Lịch sử Trung Hoa bắt đầu từ thời Bành Tổ (Kuntum).Văn minh Bành Tổ nẩy nở từ khi có loài người. Sự khôn ngoan của Bành Tổ truyền lại cho Phục Hy (Fuxi),vào thiên niên kỷ thư 3 TCN, người sáng tác ra Kinh Dịch. Sau Phục Hy là Tam Hoàng đế, mà Weixin Shengjiao coi là 3 Tổ tiên vĩ đại của Trung Hoa, lại cho là của cả Nhật bản, Đại Hàn và Việt Nam(?).
Học thuyết Weixin nầy tổng hợp và định lại vị trí nhũng giá trị truyền thống , tôn giáo Trung Hoa và triết học chánh thống đem vào thời hiện đại, liên hệ quan niệm Dich số và phong thủy, Bách gia chư tử (the hundred schools of Thought) và sự sùng bái Tam Hoàng Đế (three emperors) được coi là Tam Tổ vĩ đại (three great ancestors).Tam Hoàng không giống quan niệm Tam Hoàng Trung Hoa bấy lâu nay. Đó là Huangdi (Yellow emperor= Hoàng đế), Yandi (Flame emperor=Hỏa đế=Thần nông?) và Chiyou (Xi Vu).
Đăc điểm của Weixin là suy tôn Xi Vu, mà theo tôn giáo dân gian, Xi vu đã chống Hỏa đế và Hoàng đế. Weixin quan niệm Xivu là đại diện chủng tộc thiểu số, đã hàn gắn vết thương sau chiến tranh.Theo truyền thuyết Xi Vu là một thủ lảnh bộ lạc man rợ chống nhau với Hoàng Đế và bị Hoàng đế giết, nhưng theo Weixin thì Xi vu là đại diện cho văn minh thiểu số, nên được coi là một Tổ. Hiện nay, theo nghiên cứu của nhiều sử gia, Xi Vu chinh là thủ lảnh của Bách Việt ở phía nam lưu vực ông Hoàng Hà, chiến đấu anh dũng kịch liệt với Hoàng đế xâm lăng các bộ tộc Việt.
Học thuyết của Weixin Shengjiao chú trọng vào Dịch số (Yizing) và phong thủy (fengshui).Theo Weixin, Yizing không chỉ là hệ thống triết lý mà là một dụng cụ thực tế để thực hành bói toán, còn Fengshui cần để hòa hợp trong tòa nhà ở, nơi các bàn ghế, và thực tế là hệ thống giáo dục để làm sao sống hòa hợp với thiên nhiên (viết theo “Weixin Shengjiao religion” trong Google, và bài Weixinism của Massimo Introvigne)
Quỹ cốc Tử (Gui Guzi) được Weixin coi là thừa kế chính thức của Tam Tổ vĩ đại, được tôn sùng là Vương Chân Lão Tổ (Wang chan Laotsu). Những lời mặc khải của Gui Guzi và những bài viết sau nầy được cho là của Gui Guzi được sưu tập thành một quyển sách gọi là Weixin Canon. Do đó, Weixin chú trọng về Kinh Dich (I ching).
IV-Quỹ cốc Vương Chân Lão Tổ là một Đấng thế nào?
Trong truyện Phong Kiếm Xuân Thu của Tô Chẩn, kể chuyện Tần Thủy Hoàng thân chinh đem quân chinh phục 6 nước, có Đại Tướng Vương Tiễn làm Tiên phuông. Vương Thiền và em là Vương Ngao là những đại tiên, hạ san giúp Tôn Tẩn, phụ lực Nam Cực Tiên Ông , đệ tử Ngươn Thủy Thiên Tôn (có nghĩa là Thiên Tôn ngươn thủy của trời đất tức Thượng Đế), để chống lại Hải Triều Thánh nhân, đang giúp Tần Thủy Hoàng . Vương Thiền chỉ được mô tả như một vị Tiên giỏi về pháp thuật. Thật ra Vương Thiền là một bậc kiệt xuất , bí ẩn trong thời Xuân Thu Chiến quốc, nổi danh là Quỹ Cốc Tử Vương Chân Lão Tổ hay Vương Thiền Lão Tổ.
*Quỹ Cốc Tử(Gui Guzi) được phiên âm từ “Quy Kuc Tu”, là một nhân vật lịch sử của cổ đại Trung Hoa thời Xuân Thu Chiến quốc, được đồ đệ tôn Ngài là Vương Chân Lão Tổ hay Vương Thiền Lão Tổ, và tôn sùng Ngài như Lão Tử. Vì thế nên hình của Ngài cũng được vẽ giống như Lão Tử. Lão Tử là một hóa thân của Thái Thượng Đạo Tổ, chính là Thượng Đế. Ngài được sinh ở tỉnh Hà Nam, Thành phố Hoa Bích, thuộc dân tộc Hoa Hạ, là nhân vật rất kỳ bí, không biết rõ được tên Ngài, nên thường gọi tên Ngài là Vương Hủ. Vương Hủ sống trong thời Đông Châu Liệt Quốc của lịch sử Trung Hoa (771TCN- 256TCN, là năm Tần Thủy Hoàng gồm thâu lục quốc). Muốn biết tư tưởng của Vương Hủ thế nào, xin đặt cuộc đời Ngài trong bối cảnh thời Đông Châu của Trung Hoa lúc đó.
*Tài năng của Quỹ Cốc Tử. Quỹ Cốc Tử là một người rất có trí tuệ và tài năng về quân sự, hiểu biết về Tâm lý học, Biện Luận ,Trị quốc. Ngài suốt đời sống trong rừng núi tu hành, nghiên cứu các thảo dược trị bịnh dưỡng thần. Ngài thông thạo pháp thuật , kiến thức sâu rộng. Ngài sống thọ, và được coi là ông tổ của thuật tướng số, bói toán và phong thủy. (Viết theo bài Đông Châu và Xuân thu chiến quốc trong trang Mạng google)
Về tên gọi Quỹ Cốc Tử có nhiều truyền thuyết. Có truyền thuyết nói Ngài sanh ở Quy cốc (Hà Nam), mà Quy đọc trại ra là Quỹ. Có truyền thuyết nói sau khi về ở ẩn, Ngài luôn sống trong rừng núi , ở trong một hang gọi là Quỹ cốc (Hang quỹ), vì chỗ đó núi cao, rừng rậm, âm khí nặng nề, không phải chỗ người ở, nên tự xưng là Quỹ Cốc Tử, và được người đời ca tụng là Quỹ Cốc Tiên Sinh (Theo tài liệu của Weixin -bản dịch Việt ngữ của Trần Thuận Sinh)
Có nhiều truyền thuyết khác nhau về Quỹ Cốc Tử. Có truyền thuyết nói Quỹ Cốc Tử thông minh thiên bẩm, 2 tuổi bắt đầu đọc sách, 5 tuổi bắt đầu học tập toán quái (bói toán), 10 tuổi làm Thầy xem bói. Trong Đạo giáo Quỹ Cốc Tử được công nhận là “Cổ chi chân tiên”, được tôn xưng là “Huyền đô Đạo Trưởng”. Tác phẩm lưu lại cho đời sau của Ngài là “Bản kinh âm phù thất thuật”, nội dung nói về đạo lý nghĩ ngơi và dưỡng sức. Ngoài ra còn có ”Bãi hạp sách” (còn gọi là Quỹ Cốc Tử), nội dung nói về kỷ xảo trong sách lược và biện luận. Tác phẩm thể hiện rõ tài hùng biện cao thâm và tinh diệu của Quỹ Cốc Tử. Cuốn sách nầy được xếp vào “Tứ bộ tạp giao” (Tứ khố hoàn thư) là bộ sách biên soạn trong suốt triều đại nhà Thanh, gồm 4 bộ là “Kinh , Sử, Tử, Tập”. Tạp giao là học thuyết đời Tiền Tần đang hợp tác các học thuyết làm một.
Vì tư tưởng “Tung hoành gia” của Vương Hủ khác xa so với Nho gia, nên các học giả đời sau không sùng bái sách nầy (Xem bài: Quỹ Cốc Tử, một một nhân vật bí ẩn đời Chiến quốc, trong trang Mạng Google)
Nếu Khổng Tử dạy Tam cang , ngủ thường, trung quân ái quốc, chủ trương thuyết “Chính danh định phận” (Quân quân-Thần thần- Phụ phụ -Tử tử có nghĩa là Vua ra vua, Tôi ra tôi, cha ra cha , con ra con) thì trong nước được yên, để ổn định xã hội Trung Hoa thời Chiến quốc đang tao loạn, không coi quyền vua ra gì, thì Vương Hủ chủ trương dạy học trò trở thành những nhà chinh trị lỗi lạc, túc trí đa mưu, giỏi cách cầm binh và thuật trị quốc để tóm thâu quyền lực cai tri chư hầu thời chiến quốc. Như Tô Tần (?-265 TCN) tay du thuyết lỗi lạc, chủ trương hợp tung 6 nước, Trương Nghi (309TCN) tay du thuyết nổi tiếng thời chiến quốc chủ trương liên hoành chống liên minh và hợp tung của Tô Tần, Bàng Quyên làm Tướng quốc nước Ngụy, Tôn Tẩn làm quân sư nước Tề, chống quân Tần Thủy Hoàng. Ngoài ra những người tự cho là đệ tử cuối cùng của Vương Hủ như: Lý Tư (280-208TCN), Thừa Tướng của Tần Thủy Hoàng, có công giúp Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa và xây dựng nước phong kiến tập quyền.
Tóm lại Quỹ Cốc Tử là nhân vật thần bí trong nhiều nhân vật thần bí Trung Hoa, tiếng tăm lững lẫy thời Xuân Thu chiến quốc Trung Hoa, nhưng tư tưởng của Ngài không được ưa chuộng như tư tưởng Nho gia. Ngài không chỉ biết đến là nhà chính trị , ngoại giao, mưu lược tài giỏi, mà còn là có tánh thông minh , đoán mệnh ”trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”. Ngài lại là người có tài giáo dục đào tạo những học trò kiệt xuất đời Xuân thu chiến quốc như đã nói trên.
*Trở lại Kinh Dịch Trung Hoa. Kinh Dịch là hệ thống tư tưởng của Á đông cổ đại , diễn tả sự cân bằng thông qua đối kháng và thay đổi.Kinh Dịch là tinh hoa cổ học Trung Hoa, nói về thiên văn, địa lý, quân sự, nhân mệnh.
Kinh có nghĩa tác phẩm Kinh Điển, quy tắc bền vững, quy luật tạo hóa không thay đổi theo thời gian. Dịch là thay đổi thành phần bên trong trong vật thể nào đó để làm khác đi. Kinh Dịch có nguồn gốc huyền thoại từ Phục Hy (2862-2778TCN) là một trong Tam Hoàng Trung Hoa. Ngài tình cờ thấy trên mu rùa ở sông Hoàng Hà có tượng hình Bát quái mới soạn ra Bát quái là tổng hợp của ba Hào, liên kết các Hào thành các quẻ, tạo thành Tiên Thiên Bát Quái. Văn Vương nhà Châu diễn giải các quẻ. Chu Công Đáng con Văn Vương lập ra Hào từ, giải thích ý nghĩa của Hào của Quẻ, rất ảnh hưởng đến chánh quyền và văn học nhà Châu (1122-256TCN). Thời Xuân Thu (722-487TCN), Khổng Tử viết Thập Dực, giải thích Kinh Dịch, gọi là Hậu Thiên Bát Quái. Đời Tây Hán, Hán Vủ Đế, Thập Dực được gọi là Dịch Truyện, cùng với Kinh Dịch gọi là Chu Dịch. Kinh Dịch trở thành bộ sách kinh điển của văn hóa Trung Hoa cho đến ngày nay.
Nhưng Khổng Tử đã từng nói:”Nếu trời cho Ta sống thêm 10 năm nữa thì ta sẽ thông kinh Dịch. 50 mươi tuổi mới học Kinh Dịch cũng có thể không mắc phải sai lằm lớn”. Chính Ngài cũng sợ còn mắc phải sai lắm. Trong 50 năm qua, nhiều nhà khoa học và Khảo cổ đã phát động và viết sách nghiên cứu lại Kinh Dịch dựa trên các cơ sở phê phán và tìm kiếm các bản khắc mu rùa thời Thương và Châu, cũng như những bản khắc trên đồ đồng ở các nguồn gốc khác. Các cuộc tìm hiểu khoa học nầy được giúp đở rất nhiều bởi sự phát triển trong những năm 1970 gần đây của các nhà khảo cổ Trung Hoa. Họ đã đào những ngôi mộ gần như nguyên vẹn từ thời nhà Hán ở Mã Vương Đôi , gần Trường Sa, tỉnh Hồ Nam. Một trong những ngôi mộ chứa bản Kinh Dịch gần như nguyên vẹn vào khoảng thế kỷ thứ 2 TCN, quyển Đạo Đức Kinh và các tác phẩm khác, nói chung rất giống những bản còn tồn tại đến ngày nay tuy có một số sai biệt đáng kể.
Văn bản trong ngội mộ có những chú giải bổ sung Kinh Dịch mà trước đây người ta không biết và có vẽ được viết ra được cho là bởi Khổng Tử. Những văn bản ở Mã Vương Đôi sớm hơn vài thế kỷ so với bản mới nhất được công nhận. Các nhà khoa học so 2 mẫu Kinh Dich cho rằng đây là để phân biệt Kinh Dịch Truyền Thống và Kinh Dịch lưu truyền từ bấy lâu nay và được thần thánh hóa (Xem bài “Kinh Dịch”trong google).
Weixin Shengjiao tự hào là nói lên truyền thống Trung Hoa 5000 năm, như vậy quan niện Kinh Dịch của Vương Thiền Lão Tổ phải theo truyền thống Kinh Dịch Trung Hoa chớ không hẵn giống Kinh Dịch lưu truyền từ trước tới nay.
Học thuyết nổi tiếng của Quỹ Cốc Tử là Kinh Dịch. Theo Ngài cả Vũ trụ đang biến đổi và có khả năng hưng thịnh hay tiêu diệt (chớ không phải thay đổi trong quy luật tạo hóa).Tất cả là do Âm Dương hai cực phối hợp nhau, đạt điều kiện tốt hay kém. Ngủ hành của Kinh Dich về thời tiết biến hóa cũng có quan hệ nhau nhứt là Bát Quái. Qũy Cốc Tử nghiên cứu học thuyết dọc ngang, nhứt là Bát Quái, đưa triết lý ở vũ trụ biến hóa, và đặt câu hỏi tại sao xảy ra những liên hệ không hợp lý, những hiện tượng nầy phải được suy nghi bằng tâm linh của con người, phải tìm ra nguyên cớ xãy ra thế nào. Học thuyết của Qũy Cốc Tử có nội dung nghiên cứu đời sống con người, và biện luận các vật lý , hiện tượng biến hóa, nhứt là hiện tượng ý tưởng tâm linh giống như triết học Tây phương (Tài liệu của Weixin Shengjiao-bản dịch của Trần Thuận Sinh).
Kết Luận.Thánh giáo Cao Đài có dạy: “Sứ giả của ĐCT có mặt ở khắp mọi nơi, chờ ngày qui tụ về một mối”. Các tôn giáo ở các nước Đông Á có cùng tôn chỉ với Đạo Cao Đài và có cùng dùng cơ bút nay bắt đầu qui tụ về TTTN là “gốc Đạo”, vì theo Thánh giáo của Đức Lý Giáo Tông :“Chi chi cũng do ở Tây Ninh nầy mà thôi” và “TTTN là nơi các người ngoại quốc đến học Đạo”.
Đức Hộ Pháp đã từng nói : “Nước Trung Hoa sẽ thờ phượng Đạo đáo để”. Có thể việc Duy Tâm Thánh giáo đến với Đạo Cao Đài sẽ ứng với lời tiên tri đó không? Tận nhơn lực mới tri thiên mạng. ĐCT đã dạy : “Các con cứ làm , mọi việc Thầy đã định trước.” và “ Các con muốn điều chi thì Thầy đã định rồi”.
Tôn giáo không biên giới. ĐCT đã dạy :”Đạo là Đạo và Chánh trị là Chánh trị , không thể dung hợp nhau”. Không thể dùng chánh trị làm rào cản để phá đổ lý tưởng tôn giáo. Người tín đồ Cao Đài vững tin lời dạy của ĐCT là phổ truyền giáo lý của Ngài khắp năm châu, để thực hiện một thế giới Đại Đồng , trong một hoàn cảnh nhân loại hiện nay không còn tình người, thế giới hận thù xâu xé vì kỳ thị chủng tộc và phân chia tôn giáo.
Trong hoàn cảnh thế giới hỗn loạn hiện nay, tiếng nói của Đạo Cao Đài sẽ được nhân loại đón nhận một cách trân trọng.
Lễ Sanh Ngọc Duyên Thanh. (Washington DC ngày 16/7/2018)