THÀNH LẬP VÀ TÔN CHỈ CỦA OOMOTO GIÁO (Bài 2)
Cập nhật 2015-09-08 10:29:48
(Lễ sanh Ngọc Duyên Thanh)
Oomoto có nghĩa là "Cội nguồn lớn" (Great Source, Great Origin), còn được gọi là Oomoto-kyo (Religion of Oomoto), là một Giáo phái được thành lập năm 1892 bởi Bà Deguchi Nao (1836- 1918). Những vị Lãnh đạo tinh thần kế tiếp của Giáo hội Oomoto đều là Nữ, tuy nhiên Ông Deguchi Onisaburo (1871-1948), con rễ Bà Nao Deguchi, người đồng sáng lập Oomoto giáo, đã được coi là một bộ mặt quan trọng như là một vị Lảnh đạo tinh thần (seishi) của Oomoto giáo. Ông là vị Hội trưởng đầu tiên của "Nhân loại Ái Thiện Hội"( Aizenkai Jinrui)(dịch theo tiếng Anh có nghĩa là Universal Love and Brotherhood Association = ULBA), một cơ chế về Thế đạo của Giáo hội nầy.
Từ giữa thế kỷ thứ 19, hàng trăm Giáo phái , có nền tảng từ Thần đạo (Shinto) và một số từ Phật giáo đã được thành lập. Hàng chục Giáo phái còn tồn tại, một số ít trong đó được bành trướng và phát triển. Trong số đó Oomoto giáo không phải là Giáo phái lớn nhất, nhưng được kể ra như một Tôn giáo mới có nhiều ảnh hưởng vì nhiều lý do, như từ Giáo phái nầy phát sinh ra nhiều hệ phái khác phát huy tình huynh đệ, hoặc như đã tạo ra đức tin về sự hòa hợp mà ngày nay nhiều tôn giáo Nhật đang thực hiện, hoặc có tính cách đại chúng sâu rộng, và nhiều khi có lịch sử bi đát trong 50 năm đầu tiên của Giáo hội.
Oomoto giáo là một cao trào tôn giáo ở Nhật Bản có đông đảo người tin theo trong thời gian giữa 2 Thế chiến, được coi như một mẫu mực của nhiều Giáo phái trong nước. Giáo phái nầy được coi là một Tôn giáo mới của Nhật Bản có nguồn gốc từ Thần Đạo (Shinto), một tôn giáo cổ truyền của Nhật Bản. Thần Đạo (Shinto) có nghĩa là "Con đường của các vị Thần" (the way of God), để phân biệt với "con đường của Phật" (the way of Buddha), tức là chí hướng của người Nhật từ xa xưa muốn tách rời ảnh hưởng của Phật giáo để trở về bản sắc của dân tộc Nhật. Nền tảng của Oomoto giáo ở Thần đạo nên Oomoto giáo đề cao bản sắc cao quý của người Nhật bản và đề cao giá trị cao quý của con người để tạo nên một thế giới thương yêu và tình huynh đệ thay vì hận thù và bạo lực.
Mặt khác, Oomoto giáo có nguồn gốc thiêng liêng, bắt nguồn từ lời mặc khải của một Đấng Thiêng liêng, tự xưng là Ushitora no Konjin, qua Bà Nao Deguchi, rằng 3000 năm trước, một vị Thần (kami) đã báo cho Ngài biết rằng Họ có thể đã thi đua chế ngự thế giới và yêu cầu Ngài để cho Họ làm như thế. Ngài ẩn dật ở trên một hòn đảo 3000 năm nay, và bây giờ Ngài thấy những gì lời tiên tri đã ứng hiện, nên đã xuống thế.
Phối hợp các điều sơ dẫn nói trên, chúng tôi thấy việc thành lập Oomoto giáo có tính cách Thiêng liêng, nhưng mục tiêu phải đạt của Oomoto giáo lại có tính cách thế tục là nhằm phục vụ cuộc sống thực tại của con người để cải tạo thế giới nầy thành hài hòa tốt đẹp hơn, chớ không phải tiến đến một đời sống tâm linh nhằm đạt một hạnh phúc mơ hồ sau khi chết.
I- Thành Lập Oomoto giáo.
Oomoto giáo bắt đầu bằng 2 lần huyền diệu do các Đấng Thiêng liêng truyền dạy, một lần cho Bà Nao Deguchi và một lần cho ông Kisaburo Ueda, rồi dạy 2 người phải gặp nhau để lập một tôn giáo theo ý của Đấng Ushitora no Konjin.
* Huyền diệu thứ nhất: Truyền dạy của Đấng Thiêng liêng cho Bà Nao Deguchi.
Bà Nao Deguchi (1837- 1918) quê quán ở một Thành phố nhỏ ở Ayabe (Thị trấn Kyoto), vào đêm 3 tháng 2 năm 1892 tức đêm giao thừa âm lịch, đã trở thành người được một Đấng tự xưng là Ushitora no Konjin, chọn lựa và truyền đạt lời mặc khải từ cõi Thiêng liêng. Lịch sử Oomoto giáo bắt đầu từ ngày đó.
Bà Nao Deguchi sanh năm 1837 ở Ayabe là một nông dân nghèo và dốt nát xuất thân từ gia đình bần cùng. Trong cuộc sống khốn khổ đó, những gì Bà kiếm được đều chi hết cho việc nuôi 5 đứa con và người chồng tàn tật. Cuộc đời đã bất hạnh đói khổ cùng cực đó, Bà lại gánh thêm bất hạnh khác là chồng Bà và 3 con lớn đột ngột qua đời. Cuộc sống của bà Nao Deguchi bắt đầu là thợ dệt (Thành phố cổ Ayabe có nghĩa là "nơi của những người thợ dệt") , rồi sống nghèo khổ tự mưu sinh bằng việc lượm đá để nuôi chính Bà và 2 đứa con nhỏ nhứt còn sống sót. Không ai biết tới Bà và bà cũng không còn gì để sống.
Trong lúc khốn cùng đó, một hôm Bà ngã bệnh nằm mê mang chờ chết trong gần 2 tuần lễ, thì Bà nằm mơ thấy đi vào một nơi cực kỳ nguy nga tráng lệ và gặp một Đấng Thiêng liêng rất cao trọng. Năm đó Bà được 56 tuổi. Từ ngày đó, lúc nào Bà cũng cảm thấy thân xác Bà bị một vị Thần linh nhập vào cho Bà nói. Cho đến một ngày, vị Thần đó cho biết chính là Đấng Ushitora no Konjin, vị Thần cao nhất trong Càn khôn vũ trụ. Đấng Ushitora no Konjin đến mặc khải cho Bà là giao trọng trách truyền bá mối Đạo 3000 năm trước cho Bà và qua giọng nói của Bà,Thần Ushitora no Konjin cho biết Ngài đã trở lại để thanh lọc và tái tạo thế giới nầy (to purify and reconstruct the world). Vị Thần đó chính là Thượng Đế, vì theo quan niệm của người Nhật có vô số vị Thần và Thượng Đế cũng chỉ là một vị Thần cao nhất. Đấng Ushitora nói chung là Thần gọi là Kami, nói riêng là Vị Thần cao nhất tức là God (Thượng Đế).
Rồi những sự mượn thân xác của Bà Nao và những lời mặc khải thiêng liêng xảy ra gần như hằng ngày, mỗi khi Đấng Ushitora no Konjin nói qua tiếng nói ồn ào của Bà Nao. Đấng Ushitora dạy Bà phải lập Đạo Oomoto. Sau cùng bà cầu nguyện với Đấng Ushitora no Konjin rằng sự truyền đạt ồn ào của Ngài làm Bà rối loạn, nên bà cần tìm cách khác để thông công với Ngài. Không lâu sau, Bà bắt đầu truyền đạt những lời nói, những lời tiên tri và những lời dạy của Ngài bằng cách tự động viết ra (automatic writing) tức chấp bút.
Dầu Bà không biết chữ, Bà dùng tay và bút lông tự động viết ra những gì mà chính Bà cũng không đọc được.Bà viết lên những việc siêu hình và cao xa , còn văn chương thì lưu loát, tuyệt tác. Nét chữ của Bà rất linh hoạt và đẹp phi thường làm mọi người ngạc nhiên, vì Bà mù chữ
Trong những ngày đầu, Bà rất khó khăn thuyết phục mọi người nghe theo những lời nói của Bà do mặc khải của Thiêng liêng là xác thật. Tuy nhiên việc chấp bút sau đó, thuyết phục được một số người tin, và chính bà Nao cũng nhận thấy rằng chính Bà có nhiều năng lực để lôi cuốn nhiều người theo. Sau năm 1895, nhờ sự gia tăng số người tin theo, Bà Nao trở thành người giảng dạy của tôn giáo Konkokyo. Những người theo Bà chỉ ở Ayabe, nhưng Đạo Oomoto vẫn nhỏ bé cho đến khi Bà gặp chàng thanh niên Kisaburo Ueda.
Từ 1892 đến 1919, Bà đã viết được 200.000 trang giấy từ những lời mặc khải thiêng liêng. Bà nhận được lời dạy của Vị Thần đó , tức là Thượng đế (God = Tenchi kane no Kami, the God of Konkokyo) rằng thế giới hiện tại sẽ chấm dứt, rồi một Đấng cứu thế (savior), là Miroku (tiếng Phạn: Maitreya = Di Lạc) sẽ được xuống thế, và một thế giới mới sẽ được thiết lập như một vương quốc của Ngài.
* Huyền diệu thứ 2: Truyền dạy của Đấng thiêng liêng cho Kisaburo Ueda.
Kisaburo Ueda (1871-1948) là con trai trưởng của một nông dân trong làng gần Kameoka, ngày nay là một phần của Thành phố Kameoka. Sau khi cha chết, ông sống cuộc đời phiêu bạt trong nhiều năm. Vào một đêm nọ, lúc ông được 26 tuổi, một đám côn đồ đánh đập ông rồi bỏ cho chết ở trong một vựa lúa. Các bạn của ông biết được mang ông vào một nhà thờ gần nhất để chửa trị. Tại đây nhờ sự mách bảo của Thần linh dẫn Ueda vào một hang ở núi linh thiêng Takakuma, trong thành phố quê nhà là Kameoka (Thị trấn Kyoto).
Ueda qua mặc khải tiếp nhận sự chỉ dạy của thiêng liêng rất nhanh chóng trong 7 ngày. Không giống như Bà Nao, Ueda có rất nhiều kinh nghiệm từ bản thân, nên nhờ sự chỉ dẫn đó mà ông tạo được năng lực sáng suốt huyền bí để đi vào thế giới tâm linh, để thấy được quá khứ, hiện tại và vị lai của thế giới vật chất, lãnh vực của sự chết, và thế giới vô hình.
Ông hiểu biết nhiệm vụ của mình trong sự cứu rỗi tâm linh của nhân loại trong thời đại nầy. Sau tuần lễ nhận được sự chỉ dạy đó, Ueda thử lôi cuốn một số người và có một ít thành công. Tuy nhiên một thời gian không lâu sau đó, Thần Kami hướng dẫn Ueda và Thượng Đế (God) hướng dẫn Nao gặp nhau.
(Người Nhật tin vào vô số Vị Thần, độ 8 triệu, vì bất cứ điều gì cũng liên hệ đến một vị Thần. Những Vị Thần trú ngụ ở tầng cao nhất trên Thiên đàng gọi là Kami, chỉ rời khỏi đó khi được mời xuống các Đền thờ trong các nghi lễ. Những Vị Thần nầy luôn ẩn mình và truyền tải các thông điệp đến loài người qua những biến đổi của Thiên nhiên. Những tín đồ của Oomoto tin vào nhiều Vị Thần Kami. Những Vị quan trọng nhứt là Ookunitokotach, Ushitora Konjin và Hitsujisaru. Tất cả Kami đều là hình ảnh của một Thượng Đế ( God) duy nhứt . Có nhiều Kami được coi như Gods.
Đấng Ushitora đã hứa với Bà Nao rằng Bà cần gặp một người đàn ông, để người nầy giúp Bà lập Oomoto thành một tổ chức cần thiết cho sự xây dựng mới. Năm 1898, Bà Nao gặp Kisaburo Ueda, người đã được chọn lựa của thần linh. Ban đầu Bà Nao ngạc nhiên vì Ueda là thanh niên vụn về và còn trẻ. Nhưng rồi Bà Nao và Ueda quyết định đây là ý muốn của Thượng Đế (God) muốn họ phối hợp nhau. Họ thành lập Kimmeikai, cơ chế nầy sau đó trở thành Kimmei Reigakkai
Vào đầu năm 1900, Ueda kết hôn với con gái út của bà Nao là cô Sumiko (1882-1952), lúc đó 19 tuổi, rồi Ông lấy tên là Onisaburo Deguchi, và trở thành người đồng sáng lập Oomoto giáo.
Từ lúc đó, Bà Nao và ông Onisaburo Deguchi làm việc chung nhau tích cực để truyền bá lời dạy của Đấng Ushitora no Konjin và xây dựng một tổ chức tôn giáo để hoàn thành mục đích của Ngài đề ra.
Oomoto từ đó được thành lập dựa vào những chấp bút (ofudesaki) của Bà Nao và những kỷ thuật thông công thế giới vô hình của ông Onisaburo. Từ năm 1908, tổ chức nầy thay đổi nhiều tên khác nhau, rồi sau cùng sau năm 1916, được đổi từ tên Kodo Oomoto trở thành đơn giản Oomoto (great origin of the imperial way)
Tại sao phải có sự phối hợp một Nam và một Nữ? Oomoto dạy rằng Bà Nao có được sự tinh khiết cần thiết để làm nguồn tiếp nhận trực tiếp từ những lởi dạy của Thượng Đế, còn ông Onisaburo có được sự huấn luyện tâm linh và sự sáng suốt cần thiết để diễn đạt những câu mà Bà Nao tiếp điển viết ra. Những gì Bà Nao viết ra cũng được sao chép với sự xét lại cần thiết của người đối diện làm việc chung. Đấng Ushitora no Konjin nói rõ ràng rằng sự phối hợp của 2 cực đối nghịch là một chìa khóa dẫn đến sự tái lập thế giới.
Năm 1917, Ông Onisaburo bắt đầu xuất bản 7 quyển "Oomoto Shinyu" (Divine Revelations=Những mặc khải Thiêng liêng)), sách nầy diễn giải những bản viết của Bà Nao. Từ 1921 Ông Onisaburo rút tỉa kinh nghiệm của ông học hỏi ở Núi Takakuma, viết quyển " Tales from the Spiritual world" (Những mẫu chuyện từ thế giới tâm linh), với mục đích cửu rỗi nhân loại, gồm 83 quyển trong 81 tập. Năm 1925, ông Onisaburo đổi tên Oomoto thành “Nhân loại ái Thiện hội”.
Những bài viết của Bà Nao do chấp bút được gọi là "Ofudesaki", có nghĩa là viết từ bút lông (from the tip of the brush), và được sưu tập như một trong những Thánh kinh của Oomoto giáo... Những sách nầy được gọi là "Oomoto Shinyu" Quyển thánh kinh khác là "Reikai Monogatari" của Ông Onisaburo .
* Tổ chức của Oomoto giáo.
Vì Oomoto giáo có 2 người đồng sáng lập ở 2 nơi nên có 2 Thánh địa là Ayabe và Kameoka. Cơ sở Baisho-en ở Ayabe ( nơi Bà Nao nhận những mặc khải của Thượng đế), là trụ sở đầu nảo tinh thần, là trung tâm của nghi lễ và tôn giáo của Oomoto; còn cơ sở Ten'on- kyo ở Kameoka là trụ sở đầu nảo về hành chánh, giáo dục, là trung tâm truyền bá những mặc khải Thiêng liêng( Divine teachings). Người tín đồ Oomoto tin tưởng Vị Lãnh đạo tinh thần của họ trực tiếp thông công với cõi vô hình. Căn cứ vào đó, Vị nầy giải thích những lời dạy của Thượng Đế phù hợp với những hòan cảnh hiện nay (xã hội, chính trị). Vị Lãnh đạo tinh thần tham dự tích cực hầu hết những nghi lễ lớn nhỏ suốt trong năm. Vị Lãnh đạo Hành chánh, với sự giúp đở của một số ít người trong Ban chỉ huy, và nhiều người tình nguyện, thực hiện những giải thích của Vị Lãnh đạo tinh thần qua các chương trình hoạt động và chánh sách của Giáo hội.
Oomoto có ít hơn 200 ngàn tín đồ, phần nhiều ở Kameoka, một số ở Ayabe, số còn lại ở trụ sở giáo hội ở Tokyo. Oomoto có nhiều chi nhánh khắp nước Nhật, độ 60 chi nhánh, có chỗ có vài chục gia đình, có chỗ có hàng trăm gia đình. Mỗi chi nhánh có một người đứng đầu là đàn ông hoặc đàn bà phục vụ với tư cách tình nguyện. Mỗi chi nhánh giữ nhiệm vụ hàng tháng gọi là Tsukinamisai, phục vụ cho giáo hội nói chung, và cho các Đoàn Thanh niên, Thiếu nhi, Phụ nữ, Trung niên và Lão niên.
Oomoto không có Giáo sĩ chuyên nghiệp. Những công nhân góp nhiều thì giờ đảm nhận nhiệm vụ Giáo sĩ. Nam, Nữ, Thiếu niên sẵn sàng học giáo lý và nghi lễ, và thực hành việc Giáo sĩ. Phần nhiều các chi nhánh có nhiều tín đồ phục vụ tình nguyện nhiệm vụ Giáo sĩ trong công việc hàng tháng, đám cưới, đám tang và các nghi lễ khác.
II- Tôn chỉ của Oomoto giáo.
Oomoto giáo chịu ảnh hưởng của Thần đạo (Shinto), một tôn giáo cổ truyền có nền tảng trên dân tộc tính và văn hóa cao đẹp của Nhật. Tuy nhiên Oomoto giáo không hẳn hoàn toàn giống Thần đạo, nên được gọi là Tân Thần đạo (New Shinto). Do đó tôn chỉ của Oomoto giáo được thể hiện ở 4 điểm, tuy chịu ảnh hưởng của Thần đạo, nhưng cũng có những nét đặc thù của mình:
- Hướng Đức tin nơi Thượng đế.
- Hòa đồng giữa con người và vũ trụ.
- Tạo dựng một thế giới mới của nhân loại
- Mưu cầu kiến tạo hòa bình thế giới.
1- Hướng Đức tin nơi Thượng đế.
Thần Đạo ra đời từ những năm trước Công nguyên, tuy nhiên lúc nầy chưa có tên. Thần đạo lúc bầy giờ ra đời nhằm giải thích các hiện tượng tự nhiên (như sấm, chớp, mưa, gió..., hay những gì thuộc về thiên nhiên (mặt trời, mặt trăng, cáo, thỏ...). Các việc nầy đều trở thành biểu tượng của Thần linh. Sau khi Đạo Phật du nhập từ Trung Hoa và Triều Tiên vào khoảng năm 600 TTL, danh từ "Shinto" đã được đặt ra để gọi tên tôn giáo của Nhật , để diễn tả những đức tin bản xứ từ trước khi có sự ghi nhận của lịch sử. Shinto có nghĩa là "con đường của Thượng Đế" (The way of Gods), để phân biệt con đường của Phật" (The way of Buddha), tức là người Nhật có tinh thần độc lập muốn thoát khỏi ảnh hưởng của Đạo Phật đã áp đảo nước Nhật từ thời Trung cổ.
Tuy nhiên Thần đạo vẫn bị lu mờ bởi Phật giáo. Đầu thế kỷ thứ 9, Đại sư Kobo hợp nhất những tư tưởng của Phật giáo và tín ngưởng xưa để tạo ra Chân ngôn thông...Do đó, Người Nhật thờ Phật thay vì thờ Thần. Shinto dần dần bị Phật giáo áp đảo. Đến tận thế kỷ 18, thời Edo (1603-1868), Thần đạo được tách ra khỏi Phật giáo, do những người đề cao văn hóa dân tộc và rất ghét các tư tưởng du nhập từ nước ngoài vào. Tuy nhiên do ảnh hưởng của Phật giáo rất lớn, những nổ lực để đưa Thần đạo thành quốc giáo không thành công. Cho đến năm 1867, chế độ Mạc Phủ bị lật đổ, Thiên Hoàng Minh Trị lên ngôi, nhận ra tầm quan trọng của Thần đạo trong việc Thống nhất đất nước, trong thời điểm Nhật đối mặt với trào lưu quốc tế vào Nhật. Thần đạo bắt đầu được xem là công cụ để tiến hành thống nhất nước Nhật về văn hóa và dân tộc. Ngày 13 thảng 3 năm 1868, Minh Trị Thiên Hoàng chánh thức tách Thần đạo ra khỏi Phật giáo, khuyến khích Thần đạo phát triển. Dần dần Thần đạo trở thành Quốc giáo.
Những nghi lễ, kiến trúc, và các y phục đều căn cứ theo những tập quán cổ xưa, sau trở thành Thần đạo (Shinto). Oomoto giáo giống Thần đạo về tính chất quan trọng của sự hòa hợp giữa giữa Tạo vật, con người và các vị Thần (Gods) . Đó là đức tin chính yếu của cả hai.
Nhưng Oomoto giáo khác Thần đạo ở chỗ Thần đạo là Đa thần giáo (Polytheistic), tin tưởng có nhiều Vị Thần (Gods hay Kami). Oomoto dạy rằng có nhiều Vị thần Kami, nhưng tất cả đều có nguồn gốc từ một Vị Thần tối cao của vũ trụ (Supreme Gods of the Universe), như vậy có nghĩa là chỉ có một vị Thần tức God (Thượng Đế). Khi Tín đồ Oomoto cầu nguyện vị thần Kami bằng tên riêng, họ thừa hiểu đó chỉ biểu lộ một Vị thần duy nhất là God. Ngay chính danh xưng Oomoto cũng có nghĩa là "Great Source" hay "Great Origin", tức Nguồn gốc lớn, tức là Thượng đế.
Oomoto là Độc thần giáo (monotheistic), nhưng không giống như Đạo Du Đa, Thiên Chúa hay Hồi giáo. Các tôn giáo Độc thần theo Thánh Kinh nầy (Biblical monotheism) là Độc thần cực đoan (exclusive monotheism), có nghĩa là các tôn giáo nầy tin rằng chỉ có một Vị Thần duy nhất (God) và các vị Thần khác là sai. Những tôn giáo khác như Oomoto, là Độc thần giáo bao quát (inclusive monotheism), có nghĩa là các tôn giáo nầy tin rằng có rất nhiều Vị Thần gọi là Gods hiện hữu, nhưng thiết yếu, tất cả các vị Thần đó đều giống nhau và do từ một nguồn gốc. Oomoto dạy rằng tất cả các vị Thần gọi là Gods, tất cả tôn giáo, tất cả các nhà tiên tri (prophets) tất cả các Sứ giả (messenger) qua các thời gian đều xuất phát từ một Nguồn gốc là Vị Thần tức Thượng Đế tối cao của Vũ trụ (the Supreme God of the Universe). Điều nầy là lý do tại sao Oomoto tích cực phổ biến Đức tin, nhưng có rất ít Giáo sĩ truyền giáo đi thu phục tín đồ.
Căn bản giáo lý của Oomoto cho rằng Thượng đế (God) là vị Thần linh chế ngự toàn vũ trụ, và con người là tâm điểm của các công việc của Thượng giới và trái đất. Khi nào Thượng đế và con người trở thành một, sức mạnh vĩnh cữu (infinite power) sẽ được bộc phát.Thượng đế (God), với sự giúp đở của nhận loại, có hoạt động thanh lộc và tái tạo thế giới. Khi sứ mạng nầy hoàn thành, Thượng đế (God), nhân loại và tất cả tạo vật sẽ hiện hữu một cách hòa bình trên trái đất nầy và trong thế giới vô hình.
Oomoto tin tưởng Thượng Đế mặc khải qua các giai đoạn lịch sử của nhân loại đến nhiều dân tộc trong nhiều nền văn hóa khác nhau, tùy theo cách thích hợp với thời kỳ và địa phương đó. Chúng ta không thể tạo lập Đức tin ở những nơi không có Đức tin đó, nhưng phải nhận rằng những lời mặc khải từ Thiêng liêng của Bà Nao vào năm 1892 xảy ra vào giửa thế kỷ của phong trào tâm linh trải rộng khắp thế giới.Thời kỳ nầy trùng hợp với thời kỳ chính trị và kinh tế sôi động trong thế giới vật chất .Nhật Bản không đơn độc có Tân tôn giáo khai sinh. Nhiều tôn giáo khác đã được thành lập trong vòng 100 năm nay , kể ra một số ít có Đạo Mormons(1830), Bahai(1863), Christian Science(1879), Tao Yuan ở Trung Hoa ( 1921), và Cao Đài ở Việt Nam ( 1926).
Những tín đồ Oomoto thực hiện cách tốt nhất để sống cuộc sống tâm linh theo những qui tắc hằng ngày.Có nghĩa rằng họ phải có cái nhìn thấu đáo nhứt trong tất cả trường hợp và cố hiểu biết những tinh túy của những vấn đề đó; hướng tấm lòng đến Ánh sáng Thiêng liêng, hay sự sáng suốt của Thượng đế; cố gắng hiểu những ý muốn của Thượng đế ; tận dùng những điều cao quí cực điểm của Ngài trong mọi việc và mọi lúc; tin tưởng tối hậu cuộc sống của họ vào Thượng đế.
Con người muốn đạt các mục tiêu đó, phải sống theo Bốn Thánh giáo (teachings) của Thượng Đế và Bốn Qui tắc thực hành (four principles).Đó là những căn bản của chỉ dẫn của Thiêng liệng đến tất cả đời sống nhân loại . Oomoto dạy rằng Thượng đế cho nhân loại tự do chọn lựa , tự ý quyết định tuân theo những giáo huấn và Qui tắc nói trên hay không. Bốn Thánh giáo và Bốn Qui tắc như thế nào, sẽ được giải thích trong các mục kế tiếp sau đây.
2 - Hòa hợp giữa con người và vũ trụ.
Theo truyền thống của Thần đạo, Oomoto tin tưởng vào tính cách quan trọng của sự hòa hợp giữa Con người và Thiên nhiên. Người Nhật rất sùng bái thiên nhiên và cảm thấy có sự ràng buộc giữa con người và thiên nhiên rất chặc chẽ như là một tôn giáo. Người Nhật lúc nào cũng có sự lôi cuốn bởi không gian bên ngoài như cát gió, tinh tú, sóng tiếng kêu côn trùng, tiếng thác nước đổ... Người Nhật tin rằng nguồn năng lực tuyệt diệu như thế vận chuyển trong thiên nhiên cũng là vận chuyển trong chính họ. Không có gì khác biệt. Không có ranh giới giữa Thần Thánh và con người. Vì lý do nầy, đối với người Nhật, tôn giáo và đời sống của một con người, hầu như không thể nói cái nào bắt đầu và cái kia chấm dứt. Người Nhật cảm nhận sự cảm hứng trong cái đẹp của môi trường chung quanh. Họ xây dựng những ngôi đền ở chỗ có vẽ đẹp ngoạn mục. Họ cố gắng giữ mình luôn hòa nhịp với tất cả vẽ đẹp của thiên nhiên. Cái văn hóa đó của người Nhật đã trở thành những qui định của Thần đạo, và nay ảnh hưởng đến Oomoto giáo.
Trong Oomoto, trong Thần đạo, và qua văn hóa cổ truyền của Nhật bản, những sự biểu lộ đó tự nó thể hiện ra trong tầm quan trọng của Cái đẹp và Nghệ thuật. Có những sự gần gũi giữa Thiên nhiên, Nghệ thuật và Tôn giáo. Tạo một vẽ đẹp trong nghệ thuật là một phương cách để giúp tạo sự thanh khiết và xây dựng lại thế giới. Ông Onisaburo nói: "Nghệ thuật là mẹ của tất cả tôn giáo". Trong một tác phẩm năm 1923, Ông giải thích: "Tất cả mọi việc dưới ánh mặt trời, được tạo ra bởi quyền lực to lớn của Đấng Tạo hóa, là một và tất cả sản phẩm nghệ thuật của Thượng đế. Tiếp xúc với Nghệ sĩ cao cả nầy, Chân lý thâm sâu của Đấng Tạo hóa soi sáng Ông, sống với ông, tác động vào Ông, đó là cửa ngõ của Cái đẹp (beauty), khi tôn giáo có ý định dẫn con người đến điều Tốt và chân lý".
Ông Onisaburo dạy rằng Thượng Đế là Nghệ sĩ Vĩ đại, con người phải vinh danh Ngài khi họ làm nghệ thuật. Tín đồ Oomoto tin tưởng làm nghệ thuật là sự thực hiện tôn giáo. Ông Onibusaro và Vị Lãnh đạo tinh thần Oomoto giáo, được bắt đầu bởi Bà Sumiko, là thí dụ cụ thể. Họ tất cả là những nghệ sĩ tài tử (amateur artists), trong vài trường hợp, làm những nghệ thuật cổ truyền bằng cách làm không chuyên nghiệp, như thực hiện về các chữ viết đẹp (calligraphy), về các bài thư tanka (tanka poetry), về bi kịch Noh (Noh drama), về lễ Trà (tea ceremony), về dệt, đồ gốm, và khác nữa. Vị Lãnh đạo tinh thần hiện nay, dệt vải, làm chén uống trà, và là người làm trà. Gần cuối cuộc đời, Ông Onibusaro thực hiện và trang trí gần 3000 tách uống trà, được thực hiện do gợi ý của Thiêng liêng. Nhiều tín đồ Oomoto thực hiện nghệ thuật để tự thăng tiến và để vinh danh Thượng đế. Một vài chi nhánh Oomoto có chương trình giúp hội viên học tanka poetry, calligraphy, martial arts, tea và Noh. Ngoài ra, các nghi thức cúng lễ ở các chi nhánh và ở mỗi trụ sở chính, và ở mỗi tư gia một tháng một lần gọi là Tsukinamisai cũng thể hiện sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên.. Trong các buổi lễ đó , tín đồ Oomoto bày tỏ lòng biết ơn của họ bằng cách thành kính bày lên bàn thờ nhữmg phẩm vật căn bản , như thực phẩm , vải vóc, các nhu cầu thường ngày.
Hòa hợp với Thiên nhiên thể hiện trong Bốn Lời dạy của Đấng Thiêng liêng là: Tiến đến sự hòa hợp với mọi đời sống và Vũ trụ; tiếp nhận chân lý từ cõi Thiêng liêng và các bài học của các Đấng đó; Thuận theo Thượng đế về những mẫu mực của phẩm hạnh của con người, xã hội và vũ trụ; Hướng về sáng tạo của bản năng.
3/ Kiến tạo một thế giới mới cho con người .
Ông Onisaburo trong quyển "God' s teachings" ,viết rằng Thượng đế đã dạy: "Ta sẽ thay đổi thế giới đầy hận thù, đố kỵ và bạo lực nầy thành một thế giới tốt đẹp, trong đó con người sống hài hòa, hạnh phúc vĩnh viễn với nhau".
Chính Bà Nao Deguchi dù không biết chữ, ngoài việc viết ra những mặc khải từ Thiêng liêng liên hệ đến thế giới vô hình, và viết ra những áng văn chuơng tuyệt tác, mà không ai ngờ được, luận bàn về sự phê phán đời sống và xã hội vật chất hiện hành. Bà Nao đã mặc khải lời của Đấng Ushitora No Konjin, dạy rằng Con người phải thay đổi lới sống bằng sự tôn vinh giá trị con người, và con người sinh ra vốn bình đẳng, không phân biệt giai cấp hay giàu nghèo sang hèn.
Muốn tạo dựng một thế giới mới tốt đẹp đó, Oomoto giáo chịu ảnh hưởng của Thần đạo, qui định rằng Con người phải thanh khiết bằng sự thanh lọc trí não và thể xác. (Qui luật 1). Ba qui luật sau dạy rằng con người phải: lạc quan và đặc biệt tin tưởng điều tốt lành của Thiên ý (Divine Will); Chủ nghĩa tiến bộ là con đường thăng tiến xã hội; Đoàn kết và hòa giải các sự phân hóa (dichotomies) (tốt và xấu, giàu và nghèo, con người và thiên nhiên, con người và Thượng đế). Bốn Thánh giáo có thể là qui luật cho cuộc sống đúng. Do thực hành Bốn Thánh giáo đó, con người có thể sống hòa hợp với Vũ trụ và dẫn đến cuộc sống tốt đẹp của Tâm linh và thể xác.
Tư tưởng tiến bộ nhằm đưa đến sự bình đẳng và hòa đồng trong xã hội đã đụng chạm chế độ chuyên chế thời đó, nên Oomoto giáo đã 2 lần bị chánh quyền phong kiến Nhật khủng bố, vào năm 1921 và năm 1935. Oomoto là một trong 7 tôn giáo bị giải tán. Vào năm 1921, Ông Onisaburo chỉ trích chế độ hoàng gia độc tài của Nhật về sự gia tăng chánh sách quân phiệt. Ông tin tưởng việc giải quyết sinh hoạt xã hội vật chất cần phải có giải pháp tâm linh. Chánh quyền can thiệp kiểm soát Oomoto giáo. Onisaburo và một số vị lãnh đạo bị bỏ tù, một số bị quản chế, một số nhà thờ bị tiêu hủy. Năm 1925, Hoàng Đế băng hà, chế độ ân xá được ban bố, tình trạng khủng bố lần đầu chấm dứt. Onisaburo trở lại cũng cố và phát triển Oomoto giáo.
Năm 1930 số tín đồ Oomoto giáo lên 2 triệu người. Lần khủng bố thứ 2 xảy ra vào năm 1935, do chế độ quân phiệt Nhật chỉ đạo, kéo dài tới gần hết Thế chiến thứ 2 mới kết thúc. Chánh quyền bãi bỏ các tổ chức chính trị cấp tiến, các sự tự do về tư tưởng, nghệ thuât và tinh thần. Có cả 1000 lãnh tụ Oomoto giáo bị bỏ tù, một số ngắn hạn, một số trong nhiều năm. Nhiều người bị tra tấn buộc họ bỏ Đức tin. Ông Onisaburo và Bà Sumiko không bị tra tấn, nhưng phải ra Tòa án, bị cáo buộc có tội và ở tù 6 năm. Phần lớn nhà thờ và cơ sở Đạo bị tiêu hủy, tất cả tài sản bị tịch thu. Sau Thế chiến 2, mỗi người đều được ấn xá, tài sản được trả lại, chánh quyền chịu trả tiền bồi thường. Ông Onisaburo được ra tù có thế chân vào năm 1942, và xây dựng lại Oomoto giáo từ 1946. Oomoto giáo hồi sinh được đổi tên là Aizen-en (Garden of Divine Love) dưới sự lãnh đạo của Giáo chủ Naohi Deguchi (con gái của Onisaburo và Sumiko), Giáo chủ đời thứ 3 của Oomoto giáo. Đến năm 1952, Bà đổi tên nầy trở lại là Oomoto. Vị Giáo chủ nầy hoạt động với chồng là Hidemaru Deguchi nhằm giáo huấn con người làm thanh khiết cái Tâm và Linh hồn của mình, để phụ trợ cho thời đại hòa bình thế giới vĩnh viễn. Năm 1990, Bà Kiyoto Deguchi, con gái thứ 3 của Giáo chủ Naohi Deguchi, trở thành Giáo chủ đời thứ 4. Trong lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Oomoto giáo, Điện "Chosei-den" (Hall of Immortality = Đại Điện bất tử), tức ngôi thờ Đấng tạo thành Vũ trụ, đã hoàn thành.
Giáo phái nầy có nhiều tên gọi, nhưng phổ biến là tên Oomoto. Ông Onisaburo từ chối nhận tiền bồi thường, nói rằng chánh phủ cần phải dùng tiền trùng tu đất nước sau chiến tranh. Hiến Pháp Nhật sau Thế chiến thừa nhận tự do tôn giáo nên Oomoto giáo không còn bị khủng bố nữa.
4- Mưu cầu kiến tạo hòa bình thế giới.
Như đã nói trên, Oomoto giáo chủ trương thế giới hiện tại sẽ cáo chung và một thế giới mới sẽ được khai sinh, trong đó, con người bình đẳng , sống hài hòa, thương yêu nhau, vì tất cả con người đều có căn nguyên từ một nguồn gốc vĩ đại là Thượng đế, Chúa tể của Càn khôn vũ trụ. Đấng Miroku(Di Lạc) sẽ giáng lâm để cai trị thế giới mới nầy. Để kiến tạo thế giới mới nầy, mỗi con người đều phải Thanh khiết, vì có Thanh khiết mới không hiềm khích hay ganh ghét nhau, tức là trên thế giới nầy không còn bạo lực vì con người đều biết thương yêu nhau. Mọi người sẽ cảm nhận tất cả đều có Cha chung là Thượng đế. Các tôn giáo vì có chung nguồn gốc là Thượng đế, nên sẽ không chống đối nhau, hay có ý đồ tiêu diệt lẫn nhau, vì tinh thần cục bộ " Đạo nầy Đạo nọ", hay cho là Đạo nầy đúng, Đạo kia sai. Thanh khiết là lời dạy căn bản của Thượng đế. Con người có Thanh khiết mới đến được với Thượng đế, mới hiểu được lời dạy của Thượng đế, tức là hòa nhập được với Thượng đế.
Nhân loại biết thương yêu nhau, vì có cùng một Cha chung, nên không còn phân chia chủng tộc. Các tôn giáo không còn phân chia nhau vì tất cả đều có nguồn gốc là Thượng đế, nên không còn phân chia tôn giáo.Vì thế Oomoto giáo cho mình là Tôn giáo có sứ mạng mang lại hòa bình cho nhân loại. Oomoto giáo tôn vinh giá trị con người và xây dựng con người đều trở nên Thánh thiện. Khi toàn nhân loại đều trở nên thánh thiện, sẽ sống hài hòa , thương yêu nhau, và không còn hận thù , bạo lực hay chiến tranh. Chính Giáo chủ đời thứ ba là Bà Naohi Deguchi đã tích cực giáo huấn tín đồ thanh lọc cái Tâm và Linh hồn của mình, vì con người có Thanh khiết mới kiến tạo một nền hòa bình vĩnh viễn trên thế giới.
Oomoto giáo thực hiện tôn chỉ hòa bình của mình bằng mưu cầu việc phổ truyền khắp thế giới quan niện một thế giới mới theo Giáo lý của Thượng đế. Do đó Oomoto giáo chủ trương một "thế giới ngữ"( Esperanto), áp dụng chung cho toàn thế giới, ngoài ngôn ngữ quốc gia mình. Esperanto là một ngôn ngữ quốc tế trung lập không liên hệ đến các ngôn ngữ khác, được sáng chế bởi Tiến sĩ L.L Zamenhop( 1859-1917), người Ba Lan gốc Do Thái. Sau lần đầu tiên nghe Thế giới ngữ, Ông Onisaburo tuyên bố đây là ngôn ngữ của Thiên đàng. Năm 1923, Ông chấp nhận Esperanto là ngôn ngữ quốc tế. Năm 1924 và cho đến nay, Oomoto giáo đã xuất bản sách và tạp chi bằng thế giới ngữ. Có khoảng 45.000 tín đồ học thế giới ngữ, trong đó có 1000 người thông thạo ngôn ngữ nầy. Ông Onisaburo dùng Thế giới ngữ trong hội hợp , để xuất bản sách, để viết trong phòng việc.
Mục tiêu của thế giới ngữ là giúp cho việc kiến tạo Hòa bình thế giới không có sự xung đột hay ganh đua về chính trị hay tôn giáo, vì tất cả mọi việc đều có cùng mục đích cho hòa bình, cho sự hài hòa và thịnh vượng cho hành tinh nầy và cho nhân loại.
Cũng trong tôn chỉ mang lại hòa bình cho nhân loại, Oomoto giáo chủ trương rất thực tiển là thương yêu và giúp đở con người trên thế giới, vì tất cả mọi người đều bình đẳng và có Cha chung là Thượng đế. Do đó, ngày 9/6/1925, Ông Onisaburo lập ra cơ chế Aizenkai Jinrui (Universal Love Brotherhood Association( ULBA) =Nhân loại Ái Thiện hội), lo về nhân sinh thế đạo, để phục vụ cho nhân loại.
Kết luận.
Oomoto giáo được thành lập do mặc khải của các Đấng Thiêng liêng. Oomoto giáo mưu cầu một thế giới mới trong đó, nhân loại thương yêu nhau, sống hài hòa nhau, không hận thù, không chiến tranh, vì tất cả cùng có một nguồn gốc là Thượng đế.Trong thế giới mới đó tất cả con người đều Thanh khiết, nên Thế giới mới đó là một thế giới hòa bình vĩnh viễn. Oomoto giáo tự cho là một Tôn giáo của Hòa bình./.
Lễ sanh Ngọc Duyên Thanh.
8/09/2015.
Xin xem bài 3: Những tương đồng khái quát giữa Đạo Cao Đài và Oomoto giáo