- Trang chủ
- Tài liệu giáo lý
- LUẬN ĐẠO VẤN ĐÁP
LUẬN ĐẠO VẤN ĐÁP
Cập nhật 2012-02-15 10:19:08
ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ
TÒA THÁNH TÂY NINH
LUẬN ÐẠO VẤN ÐÁP
Người soạn: Người in:
NGUYỄN TRUNG HẬU LÂM QUANG BÍNH
Quyển sách nầy có trình Hội Thánh xem.
Sách dành cho chư Ðạo Hữu mới nhập môn.
Hội Thánh Giữ Bản Quyền
______________________________________________________________________________________
LUẬN ÐẠO VẤN ÐÁP Trang 2 / 25
______________________________________________________________________________________
LUẬN ÐẠO VẤN ÐÁP Trang 3 / 25
MỤC LỤC
1. Tiểu Tự
2. Ðôi lời kính cáo cùng chư Ðạo Hữu
3. Ý tưởng về Chơn Ðạo
4. Ý tưởng về Chơn Giáo qui nguyên
5. Vấn đáp về ÐÐTKPÐ
6. Vấn đáp về các bực Thiên Phong
7. Vấn đáp về việc tu hành
8. Vấn đáp về việc cúng kiếng phượng thờ
Danh mục những quyển sách trong kết tập "ÐẠI ÐẠO CHƠN LÝ YẾU LUẬN"
______________________________________________________________________________________
LUẬN ÐẠO VẤN ÐÁP Trang 4 / 25
______________________________________________________________________________________
LUẬN ÐẠO VẤN ÐÁP Trang 5 / 25
TIỂU TỰ
Trong quyển sách "LUẬN ÐẠO VẤN ÐÁP" nầy, tác giả sắp ra người ngoại Ðạo
đến vấn Ðạo một nhà tu theo "Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ". Người cật vấn có ý rõ thông
đạo lý thể nào, lời hỏi tuy có chiều nghiêm khắc mà giữ lối thanh tao, nên kẻ hầu đáp vui
lòng ứng đối.
Tác giả tài sơ trí siển, biết Ðạo bao nhiêu bày giải bấy nhiêu, mong rằng quyển
sách hèn mọn nầy giúp ích trong muôn một cho chư Ðạo Hữu mới nhập môn, cùng phá
tan cái màn u ám của kẻ mơ hồ, ấy là sở vọng của tác giả vậy.
Cholon, le 2 Septembre 1927
Bảo Pháp NGUYỄN TRUNG HẬU
______________________________________________________________________________________
LUẬN ÐẠO VẤN ÐÁP Trang 6 / 25
ÐÔI LỜI KÍNH CÁO
CÙNG CHƯ ÐẠO HỮU
Hội Thánh nhóm ngày mồng 6 tháng 8 năm Ðinh Mão đã công nhận và hoan
nghinh quyển sách "LUẬN ÐẠO VẤN ÐÁP" của tác giả là Ðạo Hữu Nguyễn Trung Hậu.
Lời giải phân chánh lý, câu văn từ trôi chảy, ai nghe qua cũng đều hiểu. Ấy là một quyển
sách rất cần ích cho chư Chức Sắc Thiên Phong đã lãnh phần trách nhậm lớn lao để phổ
thông Thiên Ðạo.
Vì vậy nên tôi ra công ấn tống quyển sách nầy. Xin chư Hiền Hữu hãy đọc rồi
chiêm nghiệm cho kỹ càng, hầu đối đáp với người chưa rõ tôn chỉ Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ
Ðộ.
Quyển sách nầy sẽ dùng làm việc cần ích trong Ðạo, còn tác giả thì dưng trọn bản
quyền cho Hội Thánh.
Nay kính,
Thái Phối Sư LÂM QUANG BÍNH
______________________________________________________________________________________
LUẬN ÐẠO VẤN ÐÁP Trang 7 / 25
Ý TƯỞNG VỀ CHƠN ÐẠO
Một người lạc bước vào rừng đương hồi tấn thối lưỡng nan, không ngồi một chỗ
mà đợi hùm tha, rắn cắn, mà cũng không lẽ quanh lối nầy, quẹo ngõ kia cho mệt nhọc và
mất ngày giờ lại càng lạc lầm thêm nữa. Vậy phải làm sao bây giờ? Cứ nhắm tới đi hoài,
dầu không nhầm đường chớ cũng ít lạc, lại có lẽ ra khỏi rừng sâu hang thẳm mà lánh hùm
ngây, rắn dữ.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Rừng trần tục nầy vẫn nhiều người lạc đến: Muốn tìm đường Ðạo để thoát khỏi
rừng kia, nhưng chẳng biết đâu mà kiếm. Ðương cơn tấn thối lưỡng nan, không lẽ ngồi
một chỗ cho ra người vô đạo, rồi đợi hùm tha rắn cắn là lũ Quỷ Vô Thường, mà cũng
không lẽ quanh lối nầy, quẹo ngõ kia cho lạc vào đám Bàng Môn, Tả Ðạo. Vậy phải làm
sao bây giờ? Cứ nhắm thẳng đi tới, thì là Chánh Ðạo. Ta cứ biết rằng Ðấng Tạo Hóa sanh
ra ta, ta cứ thờ phượng Ngài thì khỏi sai đường, lạc lối, dầu không đến nơi Bồng Ðảo,
Niết Bàn chớ cũng thoát khỏi rừng trần tục mà lánh luân hồi chuyển kiếp. Ta đã kính
trọng Ðấng Tạo Hóa, thì ta cũng phải kính trọng những vị Quan viên Chức sắc của Ngài,
tức là Thánh, Thần, Tiên, Phật vậy.
______________________________________________________________________________________
LUẬN ÐẠO VẤN ÐÁP Trang 8 / 25
Ý TƯỞNG VỀ
TAM GIÁO QUI NGUYÊN PHỤC NHỨT
Phàm muốn tu bổ một cái nhà hư nát, trước hết ta phải lo cất một cái nhà tạm khác
cho có chỗ náu nương, rồi mới dỡ nhà hư cất lại. Nếu không phòng bị như vậy, lúc dỡ
nhà lấy đâu đùm đổ? Mà muốn cất cái nhà lại cho vẻ vang chắc chắn, không lẽ bỏ hết cây
ngói cũ mà mua cả đồ mới cho tốn hao vô ích, mà ta phải lựa coi cây nào còn tốt thì dùng,
ngói nào còn nguyên thì lợp, rồi mua thêm chút ít đồ mới cho đủ dùng mà thôi. Ðó là cử
chỉ của kẻ biết quan phòng, tiết kiệm.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Tam Giáo (Nho, Thích, Ðạo) vẫn là cái nhà Ðạo của ta từ xưa, đã trải bao tuế
nguyệt, phong sương cho đến rường xiêu cột ngã. Thế mà ta đã có cái nhà tạm khác rồi:
Tức là lòng tôn sùng tín ngưỡng Trời, Phật, Thánh, Thần của ta vậy.
Hạ Ngươn nầy là buổi ta lo cất cái nhà Ðạo lại. Tức là chấn hưng Tôn Giáo. Cây
ngói đã có sẵn, không lẽ bỏ hết mà mua lớp mới, vậy thì vật nào hư nát bỏ đi, vật nào còn
tốt cứ dùng, rồi châm thêm đồ mới mà cất cái nhà Ðạo lại cho chắc bền cao ráo.
Cái nền nhà (Nho) thì ta cứ dùng như xưa, song phải đấp lên cao ráo, cho chắc
chắn hơn nữa. Tức là chấn hưng Nho Giáo.
Cột vách (Thích) thì ta bỏ cây nào sâu mọt và hư mục mà châm thêm cây mới. Tức
là chấn hưng Phật Giáo.
Ngói, kèo (Ðạo) thì ta cũng làm một thế. Tức là chấn hưng Tiên Giáo.
Ðoạn ta mới cất lên một cái nhà mới cao ráo, tốt xinh, chắc chắn, có thể bền bỉ
muôn đời. Cái nhà Ðạo mà ta cất đây tức là Ðạo Cao Ðài Thượng Ðế gọi là Ðại Ðạo Tam
Kỳ Phổ Ðộ.
Thế thì Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ là Ðạo chuyển Tam Giáo qui nguyên phục nhứt
theo lẽ tuần huờn.
Sao là tuần huờn? Việc chi cũng có thỉ, có chung, có tạo thế tức là có tận thế, cái
tận là cái cuối cùng, mà hễ cuối cùng chẳng dứt, thì phải qui nguyên trước lại gọi là tuần
huờn.
______________________________________________________________________________________
LUẬN ÐẠO VẤN ÐÁP Trang 9 / 25
LUẬN ÐẠO VẤN ÐÁP
CHƯƠNG THỨ I
VẤN ÐÁP VỀ ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ
1. Nghe rằng anh tu theo Ðạo Tiên phải chăng?
2. Thuở nay tôi nghe nói Ngọc Hoàng Thượng Ðế, sao bây giờ anh gọi là Cao Ðài
Thượng Ðế?
3. Cơ bút là tối trọng, anh nói rằng Thượng Ðế giáng cơ dạy Ðạo, mà lấy chi làm
chắc? Không biết chừng Thánh, Thần hoặc Ma Quỷ nhập cơ, rồi mạo danh
Thượng Ðế, chớ bực Chí Tôn đâu khứng giáng chốn phàm trần nầy là nơi âm khí
nặng nề ô trược?
4. Anh nói Thượng Ðế biến hóa vô cùng mà anh tưởng tượng Ngài ra thế nào?
5. Anh nói rằng Thánh, Thần, Tiên, Phật không dám mạo danh Thượng Ðế thì tôi
cho là phải. Song tôi còn e một nỗi là kẻ chấp cơ không thiệt chăng?
6. Anh mới nói Ðạo Gia Tô, Ðạo Lão, Ðạo Thích là Chánh Ðạo, thế thì Tam Giáo
đã có rồi, hà tất phải cần lập Ðạo khác?
7. Nếu muốn chuyển Tam Giáo, qui nguyên phục nhứt, sao Thượng Ðế không
chuyển Ðạo bên các xứ liệt cường cho dễ, lại lựa chi xứ Nam Việt là xứ nhỏ nhen,
hèn yếu, con cũng đồng con, sao lại thương người Nam hơn người nước khác, tôi
e mất công bình đi chăng?
8. Chẳng phải một nước Việt Nam hèn mọn mà thôi, thiếu gì nước khác còn thấp
hèn hơn nữa, như...
9. Tại sao lúc trước đàn nào cũng có cầu cơ mà bây giờ ngưng vậy?
Ðể tiện việc tham khảo phần trên đây được thêm vào. Nguyên bản
chánh không có.
VẤN: Nghe rằng anh tu theo Ðạo Tiên phải chăng?
ÐÁP: Nhiều người, vì thấy có cơ bút, tưởng rằng tôi tu Tiên, vì cơ bút do nơi Ðạo Tiên
mà ra chớ kỳ trung Ðạo mà tôi sùng bái là Ðạo của Ðức Cao Ðài Thượng Ðế gọi là Ðại
Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.
VẤN: Thuở nay tôi nghe nói Ngọc Hoàng Thượng Ðế, sao bây giờ anh gọi là Cao
Ðài Thượng Ðế?
______________________________________________________________________________________
LUẬN ÐẠO VẤN ÐÁP Trang 10 / 25
ÐÁP: Mỗi lần khai Ðạo, Ngọc Ðế đều lấy Thánh danh riêng, như đời Châu Sơ, Ngài
giáng thế bên Trung Hoa lập Ðạo Tiên, thì lấy Thánh danh là Lão Tử, qua lối Trung Châu
(giữa đời nhà Châu), Ngài giáng sanh bên Ấn Ðộ, lập thành Ðạo Phật, Ngài lại lấy Thánh
danh là Thích Ca Mâu Ni Phật. Ðời Hớn, giáng sanh lập Ðạo Thánh, Ngài lại lấy Thánh
danh là Jésus. Ngài phổ độ lần nầy là lần thứ ba bên Á Ðông, nên gọi là Tam Kỳ Phổ Ðộ.
Ngày nay, tùy theo thời thế, Ngài không giáng sanh như hai lần trước, chỉ dùng huyền
diệu Tiên bút mà truyền Ðạo, Ngài lại lấy Thánh danh là Cao Ðài.
Vả lại, Cao Ðài là Thánh danh tắt, chớ toàn danh là: Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát
Ma Ha Tát.
1. Cao Ðài là Ðài Cao, chỉ về chỗ cao thượng của Ðạo Nho,
2. Tiên Ông là chỉ về Ðạo Tiên,
3. Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát chỉ về Ðạo Phật. Thánh danh ấy gồm đủ Tam Giáo qui
nguyên phục nhứt vậy. Tuy vẫn gọi Thánh danh là Lão Tử, Thích Ca, Jésus, Cao
Ðài, chớ cũng một Chơn linh của Thượng Ðế.
VẤN: Cơ bút là tối trọng, anh nói rằng Thượng Ðế giáng cơ dạy Ðạo, mà lấy chi
làm chắc? Không biết chừng Thánh, Thần hoặc Ma Quỷ nhập cơ, rồi mạo danh
Thượng Ðế, chớ bực Chí Tôn đâu khứng giáng chốn phàm trần nầy là nơi âm khí
nặng nề ô trược?
ÐÁP: Phải, cơ bút là việc tối trọng, cho nên muốn thấu đáo diệu tánh bút cơ, cần phải gia
công tra cứu, nhứt là năng hầu đàn, phải dò Thánh Ngôn từ đầu chí cuối, rồi nghĩ suy, xét
nét đến cùng. Tôi cũng nên phân cho anh biết rằng nhiều bài Thánh Ngôn giáng cơ đều
dạy đạo lý sâu xa huyền bí, ngoài Thượng Ðế thì không vị Thánh, Thần, Tiên, Phật nào
dám lậu ra cho nhơn sanh biết được. Cơ bút là tối trọng, nếu không hiểu Ðạo và ít năng
hầu đàn, thì không thể nào phân biệt giả chơn cho được. Ðiệu bút cơ như âm nhạc, kẻ
thuở nay không thông thạo, không thế nghe đờn mà biết dở hay. Tuy cũng nghe như mọi
người, mà điệu cao thâm, giọng phù trầm, không phải nhà nghề, không bao giờ thấu được.
Ðiệu cơ bút như vàng, như ngọc, chưa dùng đến chưa hề biết thử ra sao. Sách có câu "Vị
thường thức kim, yên năng thí kim".
Thánh, Thần, Tiên, Phật là bậc quả cao, đức trọng, lẽ đâu dám coi luật Trời làm
nhẹ mà mạo danh Ngài? Dầu có giáng cơ dạy Ðạo thì cũng thọ mạng nơi Ngài, có vậy thì
cũng xưng danh thiệt mà thôi, hà tất phải giả danh cho phạm đến Thiên Ðiều? Còn nếu
nói rằng sợ ma quỷ nhập cơ rồi mạo danh Thượng Ðế thì lại càng sai lầm hơn nữa. Ma
quỷ vẫn thuộc âm thần, trọng trược, lành ghét, dữ ưa. Lẽ đâu chịu nhọc giáng cơ dạy đạo
mà dìu dắt chúng sanh vào đường ngay nẻo phải, há không trái ngay sở thích của họ đi
chăng? Mà nếu dạy đạo thì ma quỷ biết chi mà dạy? Nói cùng mà nghe, bất luận vì khuất
mặt nào, nếu giáng cơ dạy điều đạo đức, rồi thiên hạ nghe theo, cho đời được thái bình,
dân gian an lạc, thì chúng ta cũng nên sùng bái vì khuất mặt ấy. Cái chánh, cái tà cũng dễ
cho chúng ta phân biệt. Kìa như Ðạo Gia Tô, Ðạo Lão, Ðạo Thích đều là Chánh Giáo,
nên mới có muôn vạn người tín ngưỡng, Ðạo Cao Ðài mới có hơn một năm mà đã có
mấy mươi muôn người sùng bái, đó là một bằng cớ hiển nhiên chứng chắc là Chánh Ðạo.
______________________________________________________________________________________
LUẬN ÐẠO VẤN ÐÁP Trang 11 / 25
Lại nữa, về Thiên Ðạo thì chỉ có Ngọc Hoàng Thượng Ðế lập ra mà thôi, không phải
Ngài thì không ai lập được, mà lập được tức là Ngài vậy.
Anh lại nói rằng có lẽ đâu Thượng Ðế khứng xuống chốn phàm trần ô trược. Câu
hỏi nầy làm cho tôi rõ rằng anh chưa biết Ðạo là gì. Anh tưởng cho Thượng Ðế như
người phàm vậy, nên muốn giáng cơ nơi đâu cần phải đích thân đến đó. Thượng Ðế vẫn
biến hóa vô cùng, muốn giáng cơ nơi đâu, Ngài chỉ dùng điển quang truyền tín mà thôi,
có đâu xuống phàm mà anh phòng lo âm khí nặng nề ô trược.
VẤN: Anh nói Thượng Ðế biến hóa vô cùng mà anh tưởng tượng Ngài ra thế nào?
ÐÁP: Chúng ta không thế nào lấy trí phàm mà tưởng tượng hình dạng Ngài cho được.
Thượng Ðế không hình dạng riêng như người phàm vậy. Nếu Ngài giáng sanh bên Tây
Âu thì lấy hình dạng người Tây Âu, Ngài giáng sanh bên Ðông Á thì lấy hình dạng người
Ðông Á, Thượng Ðế vẫn là một khối linh quang vô cùng vô tận, nhờ đó mà nhơn loại,
thú cầm và thảo mộc mới có sự hằng sống. Cái ánh sáng chói rọi của các ngôi tinh đẩu là
Ngài, cái dạng non cao rừng thẳm là Ngài, cái vẻ nông sâu, biển cả là Ngài, chòm thảo
mộc sum suê, thạnh mậu là Ngài, cái giác tánh của thú cầm là Ngài, cái linh tâm của
nhơn loại là Ngài. Tóm lại vạn loại đều có chất sanh, mà cái chất sanh vẫn một phần
trong khối linh quang của Thượng Ðế, tức là Thượng Ðế vậy. Tôi giải sơ cho anh hiểu
chút ít vậy thôi, chớ không thể nào giải cho tận lý được. Muốn giải cho tận lý, thì không
khác nào giải cho một người đui từ trong bụng mẹ biết cái màu đỏ là làm sao.
VẤN: Anh nói rằng Thánh, Thần, Tiên, Phật không dám mạo danh Thượng Ðế thì
tôi cho là phải. Song tôi còn e một nỗi là kẻ chấp cơ không thiệt chăng?
Người Ðạo hỏi: - Anh thuở nay có hầu đàn chưa?
Người kia trả lời: . Có một đôi khi.
Người Ðạo hỏi: . Mỗi lần hầu đàn, anh phải tốn kém bao nhiêu?
Người kia trả lời: . Ðàn lập ra, tự do ai muốn đến hầu cũng được, miễn ăn mặc
cho trang hoàng thì đủ, khỏi tốn kém chi hết (Ðây tôi xin để lại hai chữ vấn đáp
như trước).
ÐÁP: Thế thì kẻ phò cơ dối giả có ích gì? Như một hai lần thì cho kẻ phò cơ dối giả cũng
còn có chỗ phải, chớ đàn lập ra năm nầy, tháng nọ, ai công đâu làm vậy? Mà nếu cho là
dối giả, thì kẻ chấp cơ dối giả lấy họ là phải hơn. Song họ dại gì mà dối giả lấy họ. Vả lại,
thiếu gì chuyện dối, lại cả gan mạo danh Thượng Ðế mà làm việc trò chơi?
VẤN: Anh mới nói Ðạo Gia Tô, Ðạo Lão, Ðạo Thích là Chánh Ðạo, thế thì Tam
Giáo đã có rồi, hà tất phải cần lập Ðạo khác?
ÐÁP: Ðạo đã có sẵn từ tạo Thiên, lập Ðịa, hễ có Ðời tức là có Ðạo. Hư Vô là Ðạo, Âm
Dương là Ðạo, Trời Ðất là Ðạo, nhơn vật là Ðạo. Tam Giáo là Ðạo chánh thuở nay, song
______________________________________________________________________________________
LUẬN ÐẠO VẤN ÐÁP Trang 12 / 25
bị tay phàm canh cải càng ngày càng xa Thánh giáo mà hóa Phàm giáo. Thượng Ðế lấy
làm đau đớn, hằng thấy nhơn sanh phải bị sa vào tội lỗi, mạt kiếp chốn A Tỳ, nên nhứt
định chuyển Tam Giáo qui nguyên phục nhứt chấn hưng Tôn giáo lại cho hoàn toàn, rồi
khêu sáng ngọn đèn thiêng liêng lên để dìu dắt bước đường cho kẻ có công tu hành mà
phải xảy chơn, lạc lối.
VẤN: Nếu muốn chuyển Tam Giáo, qui nguyên phục nhứt, sao Thượng Ðế không
chuyển Ðạo bên các xứ liệt cường cho dễ, lại lựa chi xứ Nam Việt là xứ nhỏ nhen,
hèn yếu, con cũng đồng con, sao lại thương người Nam hơn người nước khác, tôi
e mất công bình đi chăng?
ÐÁP: Vì e mất lẽ công bình thiêng liêng ấy nên Ngài mới chuyển Ðạo tại nước Nam. Vì
bấy lâu dân ta cam chịu phận hèn, nếu không nhờ mối Ðạo Trời, thì chẳng biết chừng nào
thoát khỏi vòng hắc ám.
VẤN: Chẳng phải một nước Việt Nam hèn mọn mà thôi, thiếu gì nước khác còn
thấp hèn hơn nữa, như...
ÐÁP: Phải, song mấy nước ấy còn kém bề đạo đức chưa đến hồi gội ơn võ lộ. Nước Nam
ta, tuy hèn mọn mặc dầu chớ nền đạo đức, mối luân thường còn nắm giữ. Thượng Ðế là
Cha cả, các nước vẫn con chung. Nước nào biết gìn giữ cang thường, biết trau giồi đạo
đức, thì tự nhiên được lấy phần hơn. Theo phàm đây, tỉ như một ông cha có ba bốn đứa
con, tuy ông cũng đồng thương, mà nếu muốn giao phần trách nhậm chi nặng nề một đứa
trong chúng nó, tự nhiên ông cũng lựa đứa nào cho đạo đức vẹn toàn mới khứng giao
trách nhậm ấy. Nước Nam ta vẫn là đứa con lựa của Thượng Ðế vậy.
VẤN: Tại sao lúc trước đàn nào cũng có cầu cơ mà bây giờ ngưng vậy?
ÐÁP: Lúc ban sơ, chúng tôi chưa hiểu Ðạo là gì, Thượng Ðế mới giáng cơ chỉ bảo về
việc phổ thông cùng trật tự trong nền Ðạo, nay đâu đó đều xong, luật Ðạo lập thành cứ
theo mà hành đạo. Buổi ban sơ chúng tôi như con nít mới học đi, Ngài dùng huyền diệu
cơ bút để dìu dắt bước đường cho vững, nay đã cứng gối rồi, Ngài để cho đi một mình mà
tự lập, nếu Ngài giáng cơ mãi, thì nhân lực ở đâu?
______________________________________________________________________________________
LUẬN ÐẠO VẤN ÐÁP Trang 13 / 25
CHƯƠNG THỨ II
VẤN ÐÁP VỀ CÁC BỰC THIÊN PHONG
1. Phần nhiều bực Thiên Phong trong Tam Kỳ Phổ Ðộ đều có vợ con lại làm ăn như
kẻ khác, vậy thế nào tu cho tiện?
2. Tôi lại dòm thấy trong hàng Thiên Phong vẫn còn nhiều vị tánh tình không mấy
tốt, bước đường đời của họ trải qua còn để lắm điều nhơ bợn.
3. Tu hành thì áo bã hài gai mới phải, sao mấy vị Thiên Phong ăn mặc chi hàng lụa
đủ màu, lại còn mão cao, khăn đẹp, e mất phẩm hạnh người tu đi chăng?
4. Tôi thường thấy có người mới nhập môn chưa chút chi gọi là công quả, mà cũng
được thọ Thiên Phong, té ra Thiên tước chẳng là rẻ lắm sao?
Ðể tiện việc tham khảo phần trên đây được thêm vào. Nguyên bản
chánh không có.
VẤN: Phần nhiều bực Thiên Phong trong Tam Kỳ Phổ Ðộ đều có vợ con lại làm
ăn như kẻ khác, vậy thế nào tu cho tiện?
ÐÁP: Như tu mà để vợ, bỏ con kia, thì mới gọi rằng tu không tiện vì để vợ, bỏ con là lỗi
phần nhơn đạo, mà hễ nhơn đạo không tròn, thế nào tu qua Thiên Ðạo? Vả lại, tu là tu,
còn con vợ là con vợ, hai điều không can dự với nhau. Tu là gì? Là trau giồi đức tánh, qui
chánh, cải tà, ai ai cũng trọn quyền tự do ấy hết. Cứ nói như anh vậy thì kẻ có vợ con
không được phép cải tà qui chánh hay sao? Tu hành đều có thứ lớp, ban sơ tập theo hạ
thừa, lần lần bước lên từng cấp, đến bực thượng thừa, tức nhiên phải đoạn hết trần duyên
mới có thể mong ngày đắc đạo. Mà thời kỳ ấy còn xa, nay cứ lần lựa bước nào hay bước
nấy, không thái quá mà cũng không bất cập. Nếu vì Thiên Ðạo mà phế hết nhơn tình thế
sự, rồi nhơn đạo không xong, thế nào qua Thiên Ðạo?
VẤN: Tôi lại dòm thấy trong hàng Thiên Phong vẫn còn nhiều vị tánh tình không
mấy tốt, bước đường đời của họ trải qua còn để lắm điều nhơ bợn.
ÐÁP: Ở đời ai đặng trọn lành, xưa như Ðức Khổng Tử là bực Chí Thánh, mà hằng bữa
còn phải xét mình thay! Tôi tưởng lại chẳng những là hàng Thiên Phong trong Ðạo mà
thôi, nhiều bực cao sang quyền quí cũng chưa tránh khỏi lỗi lầm trong bổn phận, nhưng
thấy chăng là tại mình vạch ra cùng không vạch ra đó thôi. Phương chi, biết lỗi mà ăn năn
tự hối là bực hiền đó. Một vị cao sang quyền quí bây giờ đây, biết đâu buổi trước không
phải là một người hạ tiện? Một kẻ bạo tàn bây giờ đó, biết đâu sao nầy không trở nên một
______________________________________________________________________________________
LUẬN ÐẠO VẤN ÐÁP Trang 14 / 25
người lương thiện? (*1) Cái cảnh ngộ, cuộc thế thời hay đổi dời tánh nết, biến cải nhơn
tâm, nếu lấy việc đã qua của một người mà bình phẩm việc của người ấy đương làm, tôi e
chưa chánh đáng vậy.
VẤN: Tu hành thì áo bã hài gai mới phải, sao mấy vị Thiên Phong ăn mặc chi
hàng lụa đủ màu, lại còn mão cao, khăn đẹp, e mất phẩm hạnh người tu đi chăng?
ÐÁP: Ðạo là việc trọng, cần phải lập chánh thể, cho có lớn nhỏ để dìu dắt nhau, anh
trước em sau cho có điều trật tự, mà hễ có chánh thể, cần phải mặc sắc phục khác nhau
cho biệt phân lớn nhỏ. Ba sắc áo đỏ, vàng, xanh đó chỉ về ba phái trong Tam Giáo:
1. Sắc đỏ thuộc về phái Ngọc (NHO)
2. Sắc vàng thuộc về phái Thái (THÍCH)
3. Sắc xanh thuộc về phái Thượng (ÐẠO)
Còn như Tín đồ thảy thảy mặc toàn sắc trắng, nghĩa là hễ bước chơn vào đường
đạo rồi, nhứt nhứt phải giữ lòng thanh bạch theo màu áo mình đó vậy, rồi mới mong bước
lên hàng Chức Sắc. Thiên phục chỉ để dùng trong khi hành lễ mà thôi, cũng như y phục
bên các Ðạo khác vậy, chớ không phô trương ra ngoài mà cho là lòe loẹt.
VẤN: Tôi thường thấy có người mới nhập môn chưa chút chi gọi là công quả, mà
cũng được thọ Thiên Phong, té ra Thiên tước chẳng là rẻ lắm sao?
ÐÁP: Ðạo mới mở ra, tự nhiên có điều dễ ấy rồi lần lần đổi dễ ra khó, nếu đợi cho có
công quả xứng đáng rồi mới phong Chức Sắc thì buổi ban sơ lấy ai hành đạo? Vả lại mấy
bực Thiên Phong đó vẫn có tiền căn, cựu phẩm chi đây, nên mới được Thiên ân dường ấy.
Song Chức Sắc Thiên Phong bất quá là Chức Sắc cho mượn trước để hành đạo vậy thôi.
Nếu chẳng lo phổ độ chúng sanh để bồi công, lập quả cho xứng đáng phẩm vị mình, rốt
cuộc rồi Thiên tước ấy có vinh diệu chi?
(*1) Nếu như Tào Tháo lúc toan thích khách Ðổng Trác mà rủi bị Ðổng Trác giết đi, thì đời nay ai không
cho Tào Tháo là trung cang nghĩa khí? Còn nếu như Quan Công đầu Tào buổi nọ rồi mang bịnh thác liền đi,
thì đời nay ai lại không cho là phản bạn?
______________________________________________________________________________________
LUẬN ÐẠO VẤN ÐÁP Trang 15 / 25
CHƯƠNG THỨ III
VẤN ÐÁP VỀ VIỆC TU HÀNH
1. Thời đại nầy là thời đại kim tiền, mạnh được yếu thua, khôn sống, bóng chết,
đương hồi lượn sóng cạnh tranh lừng lẫy, đuốc văn minh chói rọi Mỹ Âu. Nước ta
là nước thấp hèn, lẽ phải nôn nóng theo người, nếu cả nước cứ để dạ tham thiền,
lim dim niệm Phật, tôi e phải phế hết việc đời, rồi có ngày phải tuyệt chủng đi mà
chớ?
2. Sao Tạo Hóa không sanh nhơn loại cho trọn lành, để sanh chi kẻ hiền, người dữ,
rồi phải nhọc công giáo đạo?
3. Anh chắc có luân hồi, quả báo chăng?
4. Tạo Hóa phép tắc vô cùng, nếu Ngài dùng huyền diệu Chí Tôn, tôi tưởng một
ngày Ðạo lập đã thành rồi?
5. Anh gọi tu là trau giồi đức tánh, cải dữ làm lành. Tôi thuở nay cứ một mực làm
lành, không hung ác với ai, chẳng tham lam trộm cướp của ai, hà tất phải cần tu?
6. Tu hành có chắc thành Tiên, Phật chăng?
7. Theo lời anh giải đó, thì tu cũng là một điều tốt, song tu thì phải sớm khuya kinh
kệ, Rằm Ngươn phải đi chùa, một là mất hết ngày giờ, hai là phế việc làm ăn rồi
ra nghèo túng, ai vô mà chịu cho mình?
8. Nếu cả thế gian tu hết rồi thành Tiên Phật hết thì trái đất nầy phải bỏ không sao?
9. Theo lời anh nói, thì tu hành là thờ Trời, kỉnh Phật, giữ đạo luân thường, vậy thì
đủ rồi, cần gì phải ăn chay? Vậy chớ con trâu ăn cỏ cả đời, sao không thành Tiên
Phật?
10. Anh đã phân rằng nếu vẹn đạo tu hành, sự thành Tiên, Phật tự nhiên cũng đến,
bây giờ anh lại nói phải luyện Ðạo, mà luyện Ðạo tức là trông mong thành Tiên,
Phật. Lời anh giải đó, có khi tương phản nhau chăng?
11. Luyện Ðạo là làm sao và làm thế nào luyện thành Tiên, Phật?
12. Ðạo lập ra để độ tận chúng sanh, chớ chẳng phải độ riêng được ít người. Anh gọi
mầu nhiệm mà không chỉ, thế nào gọi là độ tận chúng sanh?
13. Tôi thường thấy nhiều người vào Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ rồi mà vẫn không thông
đạo lý chi cả, nếu vô Ðạo rồi mà không hiểu chi hết, cứ mỗi ngày cúng mãi, thì có
ích chi?
14. Tôi lại từng thấy nhiều người đã vào Ðạo rồi mà còn chơi bời theo lối rượu trà hút
xách. Thế sao gọi rằng tu?
15. Số người vào Ðạo kể đến hằng muôn, như vậy thì biết nhau sao hết phòng giúp đỡ
lẫn nhau?
Ðể tiện việc tham khảo phần trên đây được thêm vào. Nguyên bản
chánh không có.
______________________________________________________________________________________
LUẬN ÐẠO VẤN ÐÁP Trang 16 / 25
VẤN: Thời đại nầy là thời đại kim tiền, mạnh được yếu thua, khôn sống, bóng chết,
đương hồi lượn sóng cạnh tranh lừng lẫy, đuốc văn minh chói rọi Mỹ Âu. Nước ta
là nước thấp hèn, lẽ phải nôn nóng theo người, nếu cả nước cứ để dạ tham thiền,
lim dim niệm Phật, tôi e phải phế hết việc đời, rồi có ngày phải tuyệt chủng đi mà
chớ?
ÐÁP: Tôi đã giải trước rằng tu hành đều có thứ lớp, bực hạ thừa cũng làm ăn như thường,
duy tâm chí giữ được hiền từ, tánh tình chơn thật, cả nước đặng vậy, trăm họ thái bình,
muôn dân liền lạc, đối với nhau được chữ ôn hòa, không ganh hiền ghét ngõ, chẳng mong
lường gạt lẫn nhau, buôn bán giữ mực thiệt thà, cư xử một lòng thành tín. Nếu được vậy
thì khôn dại có ích chi?
Cạnh tranh là một điều bó buộc trong luật đời, nhờ cạnh tranh mà đường nông
thương sanh hoạt, nhà kỹ nghệ mở mang, song phải dụng tinh thần, trí thức và do theo
công lý, đạo đức mà cạnh tranh, dùng võ lực mà cạnh tranh, tức là hiếp lẫn nhau về
đường mạnh yếu, đời mà mắc phải cái nạn cạnh tranh bằng võ lực ấy thì là đời dã man,
có đâu gọi là văn minh được? Ngày nào cả nhơn loại rõ thông đạo lý, rồi biết thương
nhau như con một cha, thì mạnh yếu có ích gì? Rồi ra tránh khỏi cái nạn giết lẫn nhau,
mà hễ không giết lẫn nhau nữa thì lo chi tuyệt chủng?
Nước ta thấp hèn về phần võ lực và học thức mà thôi, chớ chưa ắt thấp hèn về phần
đạo đức. Cái thua kém thì chịu đã đành, còn điều mà ta có thể hơn người, tức là đạo đức,
lại sao không lo trau giồi un đúc?
Kẻ tu đến bực thượng thừa là kẻ phế hết trần duyên lại là phần ít. Kìa như một sở
học đường, tuy vân số đến năm ba trăm sĩ tử, mà sau rồi lại được mấy người bước chơn
vào đường quan lại? Nếu bao nhiêu học sanh đều trúng thí rồi bổ vào hàng quan lại hết
bấy nhiêu thì ai đâu mà lo việc khác? Tuy nhiều thì nhiều thiệt, mà khi bước chơn ra khỏi
bốn vách học đường rồi, trong hàng sĩ tử cũng có kẻ rủi, người may, kẻ hay, người dở.
Cho nên nếu cả nước mà tu thì cũng chưa ắt tu đồng một bực thượng thừa hết. Tu bực
nào nhờ theo bực nấy, tỉ như học lớp nào biết theo lớp nấy, duy có một điều ích chung là:
Nếu cả thảy lo tu thì cả thảy được ít nhiều đạo đức, cũng như cả thảy học sanh lo học thì
cả thảy được ít nhiều học thức vậy. Thế thì dầu cho cả nước mà tu thì việc đời cũng
không bỏ phế.
VẤN: Sao Tạo Hóa không sanh nhơn loại cho trọn lành, để sanh chi kẻ hiền,
người dữ, rồi phải nhọc công giáo đạo?
ÐÁP: Con người thọ sanh đều được trọn lành, cái bổn tánh ấy do nơi điểm linh quang
của Tạo Hóa ban cho. Rồi ra có kẻ lành, người dữ là tại nơi biết cùng không biết trau giồi
Thánh chất đó thôi. Ðấng Tạo Hóa là Cha cả, nhơn loại vẫn con chung, cha nào lại chẳng
muốn cho trai lành, gái hạnh. Cha dầu muốn vậy mà con cãi quá thì mới sao? Vậy mới có
lành thưởng, dữ răn, luân hồi quả báo. Ấy là luật công bình thiêng liêng của Tạo Hóa.
______________________________________________________________________________________
LUẬN ÐẠO VẤN ÐÁP Trang 17 / 25
Ngài lại vì đức háo sanh không nỡ để cho sanh linh chịu nhiều hình phạt, mới lập Ðạo
cho mà nhờ. Ðạo vẫn là đường để dắt sanh linh thoát khỏi luân hồi, quả báo vậy.
VẤN: Anh chắc có luân hồi, quả báo chăng?
ÐÁP: Tôi có đủ bằng cớ chứng chắc rằng có luân hồi, quả báo, mà muốn cho anh hiểu rõ,
không phải luận vắn tắt mà rành, muốn luận cho rành, cần phải giảng giải dông dài mất
hết ngày giờ quí báu của chúng ta. Vậy xin anh hãy xem sách "Tiên Thiên Tiểu Học" nơi
trang 21, 22 (*) và sách "Luân Hồi Quả Báo" thì rõ thông.
(*) Sách "TIÊN THIÊN TIỂU HỌC" bài số 15: Kiếp Luân Hồi.
VẤN: Tạo Hóa phép tắc vô cùng, nếu Ngài dùng huyền diệu Chí Tôn, tôi tưởng
một ngày Ðạo lập đã thành rồi?
ÐÁP: Nếu Ngài dùng huyền diệu theo lời anh mới nói đó, kẻ dữ chỉ sợ oai linh của Ngài
mà theo Ðạo vậy thôi, chớ chẳng chi gọi là tín ngưỡng, mà người không tâm đạo, không
tín ngưỡng có đáng cho Ngài độ rỗi chăng? Vả lại, Ðạo Trời có lắm điều hư hư, thiệt thiệt,
ý Ngài muốn cho mọi người thong thả xét suy, kẻ có lỗi mà biết ăn năn tự hối mới đáng
cho Ngài cứu độ.
VẤN: Anh gọi tu là trau giồi đức tánh, cải dữ làm lành. Tôi thuở nay cứ một mực
làm lành, không hung ác với ai, chẳng tham lam trộm cướp của ai, hà tất phải cần
tu?
ÐÁP: Tôi đã nói rằng không ai dám gọi mình là trọn lành, Thánh Hiền xưa còn phải xét
mình hằng bữa. Ngày nay mình là người hiền đức, biết đâu cảnh ngộ sau nầy không biến
đổi mình ra người hung bạo? Tu là đem mình buộc vào luật Ðạo, có luật bó buộc mới có
thể giữ mình trong sạch luôn luôn. Vả lại mấy kẻ thuở nay hay làm lành lánh dữ, tuy vẫn
chẳng tu hành, mà tự nhiên đã có Ðạo rồi (Ðạo tâm), có một điều là không hay biết, vì
không hay tìm kiếm xét suy. Tôi đã nói rằng: Hễ có Ðời tức là có Ðạo. Con người sanh
ra thọ của Tạo Hóa một điểm linh quang, tức là Ðạo Trời vậy. Hình hài lại nhờ thọ tinh
cha, huyết mẹ, tức là Ðạo Cha Con, ở trong đất nước vua là Ðạo Vua Tôi, nhờ ơn Thầy
dạy dỗ, tức là Ðạo Thầy Trò, vân vân. Biết Thiên Ðạo mà theo, rõ Nhơn Ðạo mà giữ là
kẻ hoàn toàn. Nhơn Ðạo giữ tròn mà xa Thiên Ðạo là người khiếm khuyết vậy.
VẤN: Tu hành có chắc thành Tiên, Phật chăng?
ÐÁP: Làm lành để cầu danh, làm phải để được phước, tức là người không chơn chánh.
Tu là biết ơn Trời Ðất, biết đạo luân thường, cho tròn bổn phận làm người, chớ tu mà
trông thành Tiên, thành Phật thì chưa gọi là chơn tu. Song sự thành Tiên Phật đó, nếu vẹn
đạo tu hành, dầu không mơ tưởng, tự nhiên cũng đến.
VẤN: Theo lời anh giải đó, thì tu cũng là một điều tốt, song tu thì phải sớm khuya
kinh kệ, Rằm Ngươn phải đi chùa, một là mất hết ngày giờ, hai là phế việc làm ăn
rồi ra nghèo túng, ai vô mà chịu cho mình?
______________________________________________________________________________________
LUẬN ÐẠO VẤN ÐÁP Trang 18 / 25
ÐÁP: Cúng kiếng ngoài giờ làm lụng, ít giờ rảnh chế bớt chút đỉnh cũng không sao, quí
chăng tại lòng thành kính đó thôi, còn việc Rằm Ngươn cúng chùa là tự lòng mình, rảnh
thì đi, không rảnh thì thôi, không ai bó buộc, ở nhà cúng mà thành còn hơn đi chùa mà
thất kỉnh. Anh lại nói rằng sự cúng kiếng làm cho phế bớt việc nhà. Ðiều ấy rất sai, theo
lời tôi mới giải, thì cúng kiếng là cúng kiếng, làm ăn là làm ăn, ngày giờ đâu đó khác
nhau, giàu nghèo là do mạng số hoặc ăn cần ở kiệm, hoặc phóng túng chơi bời, sợ tu mà
phải nghèo là không chánh đáng vậy. Duy có kẻ thuở nay hay tham lam, lường gạt người
thì mới sợ tu mà nghèo, vì sợ nếu tu, thì không dám tham lam lường gạt nữa, rồi ra mất
mối lợi đi.
VẤN: Nếu cả thế gian tu hết rồi thành Tiên Phật hết thì trái đất nầy phải bỏ không
sao?
ÐÁP: Nếu trái đất nầy phải bỏ không theo cách anh nói đó, thì cũng nên cầu cho nó bỏ
không, chớ có sao đâu phòng sợ? Ðiều khá tiếc là không được như vậy. Kẻ tu hành như
lúa, mà lúa trồng hoài ai lại thấy dư? Kẻ không tu như cỏ, mà cỏ phát hoài ai thấy tuyệt
chăng? Anh sợ cho thế gian hết người, thì không khác nào anh sợ cho cả thế gian hết cỏ
vậy.
VẤN: Theo lời anh nói, thì tu hành là thờ Trời, kỉnh Phật, giữ đạo luân thường,
vậy thì đủ rồi, cần gì phải ăn chay? Vậy chớ con trâu ăn cỏ cả đời, sao không
thành Tiên Phật?
ÐÁP: Ăn chay là một phần bó buộc trong luật Ðạo, giải ra đây thì dông dài lắm, xin anh
xem sách "Trai kỳ" thì rõ. Còn nói con trâu ăn cỏ cả đời mà không thành Tiên Phật là tại
nó không có linh tánh và không luyện Ðạo như người. Tỉ như muốn cất một cái nhà phải
cần có vôi ngói, cây, gạch, cát, đá, vân vân. Mà nếu mua mấy vật ấy rồi chất đống đó,
thế nào thành cái nhà cho được? Muốn thành cái nhà, phải cất, muốn thành Tiên Phật,
phải luyện Ðạo.
VẤN: Anh đã phân rằng nếu vẹn đạo tu hành, sự thành Tiên, Phật tự nhiên cũng
đến, bây giờ anh lại nói phải luyện Ðạo, mà luyện Ðạo tức là trông mong thành
Tiên, Phật. Lời anh giải đó, có khi tương phản nhau chăng?
ÐÁP: Có gọi là tương phản? Tôi đã nói rằng nếu vẹn đạo tu hành, dầu không mơ tưởng
mà tự nhiên cũng thành Tiên Phật. Cái luyện là một phần bó buộc trong đạo tu hành. Tu
phải luyện, không luyện, không trọn đạo tu vậy. Giả sử như anh ăn cơm, anh không vì no
mà ăn. Anh ăn là tại đói, cái đói nó buộc phải ăn, mà ăn tự nhiên phải no. Kẻ tu không vì
thành Tiên Phật mà luyện, luật Ðạo buộc tu phải luyện, mà luyện xong, tự nhiên thành
Tiên Phật. Kẻ tu mà không luyện Ðạo là giữ không trọn luật tu, cho nên khi thoát xác rồi,
linh hồn được chuyển kiếp lại làm người cao sang, phú quí mà hưởng hồng phước trần
gian, kẻ nào quả cao, đức dày hơn thì đặng thăng Thần, nhập Thánh mà thôi, chớ không
thành đặng Tiên, Phật là hai phẩm vị rất cao, rất trọng để thưởng người giữ trọn luật tu.
VẤN: Luyện Ðạo là làm sao và làm thế nào luyện thành Tiên, Phật?
______________________________________________________________________________________
LUẬN ÐẠO VẤN ÐÁP Trang 19 / 25
ÐÁP: Ðiều đó tôi không thể trả lời, vì là việc nhiệm mầu trong Ðạo, cần phải tu hành
mới trông rõ thấu.
VẤN: Ðạo lập ra để độ tận chúng sanh, chớ chẳng phải độ riêng được ít người.
Anh gọi mầu nhiệm mà không chỉ, thế nào gọi là độ tận chúng sanh?
ÐÁP: Chánh Phủ mở trường học ra ta có ý trông cho trẻ thơ học đến thành nghề mà lãnh
bằng "Tốt nghiệp". Nếu không được vậy là tại mình biếng nhác chẳng khứng học hành,
Chánh Phủ muốn vậy mà mình không muốn thì phải sao? Ðạo mở ra để độ tận chúng
sanh cho đến lãnh bằng "Tốt nghiệp Tiên Phật", không được vậy là tại mình chẳng khứng
tu hành, Trời Phật muốn vậy mà mình không muốn thì phải sao? Anh không chịu khổ
hạnh tu hành mà anh biểu chỉ cho anh cái nhiệm mầu trong Ðạo thì chẳng khác nào đứa
học sanh biếng nhác mà nài xin Chánh Phủ ban cho cái bằng "Tốt nghiệp" vậy.
VẤN: Tôi thường thấy nhiều người vào Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ rồi mà vẫn không
thông đạo lý chi cả, nếu vô Ðạo rồi mà không hiểu chi hết, cứ mỗi ngày cúng mãi,
thì có ích chi?
ÐÁP: Cúng kiếng là dấu kỉnh thành tỏ ra bề ngoài, còn kẻ mới nhập môn mà chưa thông
đạo lý cũng là việc thường tình. Tỉ như trẻ thơ mới nhập học thì thế nào làu thông kinh sử
cho được? Muốn hiểu phải học tập lần lần, mà số kẻ vào Ðạo đếm đến hằng muôn, không
thể dạy riêng từng người cho tiện. Vì lẽ ấy mà Hội Thánh đã định làm sách, dịch kinh cho
dễ phổ thông nền Chơn Ðạo.
VẤN: Tôi lại từng thấy nhiều người đã vào Ðạo rồi mà còn chơi bời theo lối rượu
trà hút xách. Thế sao gọi rằng tu?
ÐÁP: Nhiều người thì chưa ắt, nên nói một ít người làm phải hơn. Dầu đến năm bảy chục
người như vậy nữa, cũng chưa gọi là nhiều, vì nếu đem số năm bảy chục mà sánh với số
hằng muôn người vào Ðạo, thì năm bảy chục có nhiều đâu? Những kẻ rượu trà, hút xách
ấy, tuy chưa bỏ dứt, chớ cũng giảm được vài phần. Thà là có giảm rồi có dứt, còn hơn kẻ
khác kia, đã không giảm bớt chút nào, lại còn tăng thêm là khác. Tâm chí con người vẫn
nhiều bực, kẻ đại chí trong nhứt thời cũng đủ cải ác tùng lương, bực thường nhơn cần
phải lần lần tự hối.
VẤN: Số người vào Ðạo kể đến hằng muôn, như vậy thì biết nhau sao hết phòng
giúp đỡ lẫn nhau?
ÐÁP: Chẳng những hằng muôn mà thôi, Ðạo Trời ngày một mở mang, chư Tín đồ ngày
một tăng số, rồi đây hằng ức, hằng triệu có dư. Vì vậy mà mỗi nơi đều lập ra họ hàng,
trong mỗi Họ lại có người làm đầu để dìu dắt chư Tín đồ về đường Ðời và đường Ðạo.
Các Họ đều do theo một tôn chỉ, một qui củ mà hành động, thế thì nhiều Họ mà cũng như
một vậy. Về việc giúp lẫn nhau, chẳng những giúp đỡ người đồng Ðạo mà thôi, bất luận
người nào, dầu đồng Ðạo, dầu khác Ðạo, dầu kẻ nghịch thù cũng vậy, nếu ai nguy biến
mà mình có phương cứu được thì cũng phải ra tay tế độ, ái nhơn như ái kỷ, ấy mới gọi là
biết thương đồng loại.
______________________________________________________________________________________
LUẬN ÐẠO VẤN ÐÁP Trang 20 / 25
CHƯƠNG THỨ IV
VẤN ÐÁP VỀ VIỆC CÚNG KIẾNG PHƯỢNG THỜ
1. Vào Ðạo rồi, mỗi ngày buộc phải cúng Tứ Thời, buộc chi nhiều vậy, e mất hết
ngày giờ đi chăng?
2. Nếu Ðạo tâm mình mạnh, thì lo gì xao lãng?
3. Tại sao vẽ con Mắt mà thờ Thượng Ðế?
4. Vậy sao không thờ đủ hai con mắt?
5. Sao lại lập vị Thái Bạch, Quan Âm, cùng Quan Thánh chung với Thượng Ðế. Tôi
e trái đạo quân thần đi chăng? Vì có câu: "Quân Thần bất đồng tịch".
6. Mình có phép thờ vì Tiên Phật nào khác không?
7. Cúng kiếng phải tốn kém nhiều, như nghèo quá thì làm sao?
8. Vậy thì có lòng thành là đủ, cần chi phải cúng kiếng?
9. Tôi lại từng thấy một hai đàn mỗi lần đọc kinh, bày ra đờn địch rộn ràng chi vậy?
10. Giữa Thiên Bàn chong một ngọn đèn luôn luôn cả đêm cả ngày chi vậy?
11. Ðốt hai cây đèn phía ngoài là ý gì?
12. Tại sao phải cúng rượu, trà, hoa quả?
13. Mỗi lần cúng đốt chi tới năm cây nhang?
14. Mỗi lần lạy sao không chấp tay như thuở nay vậy, lại bày ra chi cho khác kiểu là
tay mặt úp ngoài tay trái, rồi ôm tròn nhau vậy?
15. Tại sao mà trước khi lạy phải chấm dấu lên trán, rồi chấm qua bên tả và bên hữu?
16. Tại sao mà lại phải cúi đầu ba lần, rồi mỗi lần cúi phải gật bốn cái vậy?
Ðể tiện việc tham khảo phần trên đây được thêm vào. Nguyên bản
chánh không có.
VẤN: Vào Ðạo rồi, mỗi ngày buộc phải cúng Tứ Thời, buộc chi nhiều vậy, e mất
hết ngày giờ đi chăng?
ÐÁP: Cúng Tứ Thời là cách tập mình chịu cực lần lần vì tu là khổ hạnh trăm bề, mà
muốn chịu nỗi khổ hạnh, trước phải tập lần. Vả lại, cúng kiếng có ích cho mình chớ
chẳng ích chi cho Thượng Ðế. Mỗi ngày có cúng, Ðạo tâm mới nở nang, tứ chi vận
chuyển, tinh thần cảm hóa, nếu bỏ qua việc cúng kiếng, chi cho khỏi Ðạo tâm mình một
ngày một xao lãng, sự kỉnh thành của mình một ngày một phui pha mà ra điều thất lễ.
VẤN: Nếu Ðạo tâm mình mạnh, thì lo gì xao lãng?
______________________________________________________________________________________
LUẬN ÐẠO VẤN ÐÁP Trang 21 / 25
ÐÁP: Ðó là phần ít, sợ là sợ cho kẻ mới nhập môn kìa, chớ kẻ có đạo tâm vững vàng,
dầu khổ hạnh bao nhiêu cũng không ngã lòng nản chí, nói chung mà nghe, nếu phải hy
sanh về Ðạo cũng
Các tin khác
- THÔNG ĐIỆP NĂM 1928 CỦA THẦN LINH LÉON DENIS LIÊN QUAN ĐẾN ĐẠO CAO ĐÀI (2024-10-20 13:15:23)
- KÝ SỰ BUỔI LỄ KHAI MẠC MÔN TÔN GIÁO CAO ĐÀI TẠI ĐẠI HỌC MISSOURI, HOA KỲ (2019-09-07 10:08:11)
- PHÁI ĐOÀN HỘI THÁNH CAO ĐÀI TTTN HOÀN THÀNH SỨ MẠNG LỊCH SỬ TRONG CÔNG CUỘC GIAO HẢO VỚI DUY TÂM THÁNH GIÁO (WEIXIN SHENGJIAO) Ở ĐÀI LOAN. (2018-07-17 07:36:23)
- LỊCH SỬ 60 NĂM BANG GIAO GIỮA ĐẠO CAO ĐÀI VÀ OOMOTO GIÁO THEO QUAN ĐIỂM CỦA MỘT HỌC GIẢ NGƯỜI NHẬT BẢN (1935-1995) (2017-08-26 00:44:12)
- THUYẾT TRÌNH VỀ ĐẠO CAO ĐÀI TẠI HỘI NGHỊ QUỐC TẾ VỀ CÁC TÂN TÔN GIÁO TẠI ĐẠI HÀN (2016-06-24 00:00:51)