CÔNG CUỘC TRUYỀN BÁ ĐẠO CAO ĐÀI Ở HẢI NGOẠI (BÀI 1)

Cập nhật 2012-05-17 08:57:54

LTS – Nhân việc tân Lễ Sanh Ngọc Cảnh Thanh (Trần Quang Cảnh) nhận nhiệm vụ của Hội Thánh để phụ trách về vấn đề hải ngoại, HH. Hà Ngọc Duyên, nguyên Chủ Bút tờ Đặc San “Bản Tin Đại Đạo” xuất bản từ năm 1990 đến năm 2006, duyệt xét lại việc truyền bá Đạo Cao Đài cho người ngoại quốc trong 86 năm qua.

Bài viết được chia ra thành 3 bài (Bài 1, Bài 2 và Bài 3) để quý đồng đạo tiện theo dõi.

* Thời kỳ mạt pháp, Đạo Cao Đài xuất thế.                                                   

Thánh giáo của Đức Chí Tôn dạy rằng: “Thời kỳ mạt pháp nầy, khiến mới có Tam Kỳ Phổ Độ…”  (Thánh Giáo ngày 27 tháng 6 năm Bính Dần – 4/8/1926- Thánh ngôn Hiệp tuyển- TNHT).

 

Nhơn lọai đang bước vào thời kỳ mạt pháp. Thánh giáo Cao Đài đã nói trước: “Càn khôn càng náo nhiệt, ngày tận diệt đã hầu kề”. Chiến tranh xảy ra mọi nơi vì kỳ thị tôn giáo, kỳ thị chủng tộc, vì nạn bá quyền do lòng tham lam vị kỷ có nguy cơ đưa thế giới nầy đến vô vàn thảm hoạ. Thiên tai xảy ra trên khắp hành tinh nầy, như bảo tố, sóng thần, lũ lụt, động đất, hạn hán, núi lửa bộc phát dữ dội, địa cầu đang bị hâm nóng, nhiều nơi đất có nguy cơ bị chìm xuống khỏi mặt biển…Thêm vào đó, nhiều bệnh chướng không phương cứu chửa, và nạn đói kém xảy ra nhiều nơi đe dọa sinh mạng hàng triệu con người. Các biến cố trên đã được Đức Chí Tôn và các Đấng Thiêng liêng tiên triệu ngay từ thời mới lập Đạo (1926) và được coi là Thiên điều khó tránh. Thực ra,  tác nhân chính là Con người, vì đã có những Con người hiện nay mất cả phẩm giá đạo đức của mình, trở nên hung hăng hiếu sát, chỉ biết vì quyền lợi riêng tư mà quên điều nghĩa nhân, truyền thống. Thánh giáo của Đức Chí Tôn đã dạy : “Nhân loại tàn sát nhau, bởi không biết dùng khoa học làm việc phải, nên nó mới biến thành chia rẽ và chiến tranh” (Thánh Giáo ngày 1/10/1926 – TNHT  ).

Chính những con người ngày nay, vì mê say danh lợi, hầu hết không còn luân thường đạo lý, chỉ hành động theo thú tánh của mình nên tàn ác, tham lam, vị kỷ, như Thánh giáo đã nói: “Cang thường điên đảo, phong hóa suy vi, những mãng ghét lẫn nhau, giành xé nhau; mỗi Tôn giáo phân chia, Đạo nước nhà chẳng đoái, chánh tà, tà chánh nan phân, còn chút hơi thở ở cõi trần, mà tính tình dọc ngang chưa chịu dứt, một mai khi xuống Diêm đài, khổ a tỳ bảo sao không buộc trói”, và từ đó mà “Thế giới phải chịu trong vòng hắc ám. Tinh thần đạo đức đã tiêu mất, sự thù hận tràn ngập khắp hoàn cầu”.( TG 27/10/1926, và TG 21/1/1927 -TNHT ). Làm sao dẹp được lòng thù hận trong mỗi con người? Đức Chí Tôn dạy rằng: Phải trở về Lương tâm của mình để làm tròn Đạo làm người trước tiên, vì Lương Tâm của mổi người là cái “Đài Cao” trong mỗi con người, phải trau giồi sao cho đạt được phẩm vị con người, tức Nhơn phẩm, Đức Chí Tôn khẳng định “Giáo lý của Thầy sẽ là Đại đồng” ( TG 28/10/1927- TNHT), và giảng dạy: “ Nhân loại là một, một về chủng tộc, một về Tôn giáo, một về tư tưởng”. Bởi lẽ: “Người sống trên thế gian nầy, dầu thuộc giống dân nào, cũng chỉ có một Cha chung mà thôi, ấy là Trời đang chế ngự số mạng của các con. Tại sao các con lại chia rẽ nhau vì sự bất đồng đạo lý, mà chính tất cả các con đều phải chung chịu đau khổ để rửa tội của các con ở cõi thế gian nầy”. ( TG 28/11/1926-TNHT )

Muốn tránh nguy cơ bị hủy diệt, Nhân loại nhất thiết phải đi đến Đại đồng, đại đồng về tôn giáo, đại đồng về chủng tộc, đại đồng về tư tưởng. Đại đồng về Tôn giáo vì tất cả tôn giáo đều do Thượng Đế lập ra qua hóa thân trong xác phàm là Giáo chủ các tôn giáo. Đại đồng về chủng tộc, vì con người có cùng có một Cha chung là Thượng Đế, mà Đạo Cao Đài xưng tụng là Đức Chí Tôn. Tất cả, không phân biệt chủng tộc, màu da, ngôn ngữ, nam nữ, giàu nghèo, sang hèn đều bình đẳng và thương yêu nhau trong tình huynh đệ, vì tất cả đều do từ chơn linh của Thượng đế mà ra. Đại đồng về tư tưởng, vì đó là nội dung của  Bản “Thiên Nhân hòa ước lần thứ ba” giữa Trời và Người, được thể hiện ngắn gọn trong bốn chữ “Bác ái và Công Bình “ .

** Đạo Cao Đài trở lại trường Quốc tế.

 Bản Thiên Nhân hòa ước “Bác ái và Công bình” và chủ thuyết Đại đồng về Chủng tộc và đại đồng về Tôn giáo của Đạo Cao Đài là  mong ước của Nhân lọai hiện nay. Đó là phương thức để kiến tạo nền Hòa bình vĩnh cửu trên hành tinh nầy. Vì thế, Đạo Cao Đài hiện nay rất được Thế giới quan tâm tìm hiểu. Cụ thể, nhiều sách nghiên cứu tôn giáo, nhiều bài viết trên mạng bằng nhiều thứ tiếng đã chú tâm tìm hiểu Đạo Cao Đài, nhiều trường Đại học trên Thế giới cũng thuyết giảng chuyên đề hoặc giảng dạy về Đạo Cao Đài cho các sinh viên.

Trong tinh thần truyền bá Đạo Cao Đài ở Hải ngoại, sau năm 1975, Tín đồ Cao Đài ra hải ngoại rất nhiều, đã tự động thành lập các Hương Đạo, Tộc Đạo để vừa tu học, vừa  phổ truyền nền Đại Đạo đến nhiều nước trên Thế Giới. Các Thánh Thất được thành lập khắp các nơi nào có Tín đồ Cao Đài sinh sống. Nhiều Thánh Thất được xây theo mẫu Tòa Thánh Tây Ninh, xin kể: Ở Úc châu (TT New South Wales – Sydney, khánh thành ngày18/11/2000; ở Hoa Kỳ (Tiểu Bang Louisiana (TT New Orleans, Khánh thành ngày 25/11/2006); Tiểu Bang California (TT Orangewood, khánh thành ngày 23/12/2007), Tiểu Bang Kansas (TT Wichita, khánh thành ngày 5/9/2010, Tiểu Bang Texas (TT Dallas Fort Worth, làm lể an vị ngày 3/10/2009 ); ở Canada TT Montréal tuy không theo mẫu TTTN, nhưng là TT đầu tiên vốn là một nhà thờ Thiên chúa giáo, được xây dựng lại có dạng của mẫu TTTN. Những hình ảnh Đạo Cao Đài qua các công trình xây dựng Thánh Thất theo mẫu TTTN, và hình ảnh Tín đồ Cao Đài ở khắp nơi trên Thế giới, với Đạo phục trắng và khăn be đen truyền thống của dân tộc, là một cách truyền giáo thầm lặng nhưng hữu hiệu , đã tạo được sự  chú ý tìm hiểu của  người ngoại quốc ở địa phương.

Trong chiều hướng đó, Cơ Quan Truyền Giáo Hải Ngoại (CQTGHN) được thành lập bởi Đại Hội Cao Đài Hải ngoại kỳ 3 tại TT Montréal,  Thành Phố Montréal, Canada, vào ngày 5.9/ 1998, chiếu Thánh lịnh ngày mùng 3 tháng 7 năm Quí Dậu (dl. 1/8/73) của Ngài Hiến Pháp Trương Hữu Đức, và HH Trần Quang Cảnh được bầu làm Hội Trưởng Hội Đồng Đại Diện, trong 8 năm hoạt động (1998 – 2006), đã được nhiều Nhà nghiên cứu tôn giáo trên Thế giới tìm đến và phụ giúp công việc truyền giáo (chú thích 1). – Nhiều trường Đại học danh tiếng trên Thế giới như Harvard (Hoa Kỳ), Sorbonne (Pháp), và nhiều nhà nghiên cứu tôn giáo và sinh viên ở các quốc gia như Hòa Lan, Đức, Ý, Anh, Ái Nhĩ Lan, Áo, Ba Tây, Nhựt, Đài Loan,  v…v… đã liên lạc CQTGHN để xin tài liệu về Đạo Cao Đài. (Điển hình là Đại học Harvard, Đại học nổi tiếng số một của Hoa Kỳ, nơi đào tạo các lảnh tụ của Thế giới, có một trung tâm nghiên cứu về tôn giáo Thế giới gọi là Harvard University Centre for the study of World Religions, đã liên lạc CQTGHN để xin tài liệu). – Nhiều trường Đại học thuyết giảng hoặc giảng dạy về Đạo Cao Đài (Nga, Đức, Úc, Bangladesh ). – Nhiều Trung Tâm nghiên cứu Tôn giáo trên Thế giới cũng đã mời CQTGHN đến thuyết trình về Đạo Cao Đài (Trung Tâm CESNUR, Center for Studies on New Religions, ở Philadelphia). – Nhiều Cơ sở Tôn giáo cũng đã đến với CQTGHN và mong ước sẽ đến Tòa Thánh Tây Ninh để tìm hiểu trực tiếp Đạo Cao đài (như Đạo Oomoto giáo của Nhật (chú thích 2), Trung Tâm nghiên cứu Tôn giáo Thế Giới  thưộc VĐH Dhaka – Bangladesh). – Nhiều Nhóm Nghiên cứu Thần linh học như  Nhóm Nghiên cứu về Đức Victor Hugo (Pháp) đã mời CQTGHN đến thuyết trình về Thần Linh học Cao Đài (đặc biệt nói về “Sự liên hệ giữa  Đức Victor Hugo và Đạo Cao Đài”, và Đại hội lần thứ 4 về Thần linh học được tổ chức ngày 5/10/2004 tại Thủ đô Paris (Pháp) do 2 Cơ quan Thông Linh học Kardec (Pháp) và Nghị hội Thông linh Quốc Tế ở Brazil tổ chức, đã mời CQTGHN tham dự để thuyết trình về Cơ bút của Đạo  Cao Đài. CQTGHN quá nhiều việc, không đến được, nên chỉ cung cấp tài liệu. Trong dịp tưởng niệm 200 năm ngày sinh của Đức Victor Hugo, CQTGHN đã giúp đở tài liệu về Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn, và CQTGHN/ Pháp (sẽ nói sau) cũng được yêu cầu trợ giúp tài liệu nhân dịp triển lảm sách của Thành phố nầy vào tháng 4/2002, với đề tài: “Victor Hugo spirite”. Cũng liên quan đến tưởng niệm 200 năm ngày sinh của Đức Victor Hugo, một nhóm nghệ nhân tại quần đảo Jersey (Scotland), thuộc hội “The Jersey Public Art” đã nhờ CQTGHN cung cấp tài liệu về sự tương quan giữa Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn và Đạo Cao Đài, đồng thời hỏi về cách thông công của Đạo Cao Đài.

                                 

Hình 1 : Dự Hội Nghị CESNUR ở Philadelphia

CQTGHN cũng đã được yết kiến Tổng Thống Bangladesh để giải thích cho Ngài nghe về Đạo Cao  Đài, và thuyết trình về Đạo Cao Đài tại VĐH Dhaka (Bangladesh) vào 17/3/2003, và  đến Bangkok (Thái lan) viếng thăm Trung Tâm Phật giáo nổi tiếng World Dhammakaya Center vào 23/3/2003,  trao đổi Đạo pháp với Tăng đoàn trưởng, Tỳ kheo Nicholas, được vị nầy tỏ ý  muốn có sự giao hảo tốt đẹp với Tôn giáo Cao Đài. CQTGHN đã đến Canada,  thuyết trình về Đạo Cao Đài cho Phái đoàn người Gia Nã Đại nghe  (Phái đoàn gồm 7 người, tất cả đều là thành viên của một tổ chức có tên là Kaleidoscope) ở  TT Montréal vào 17/10/2004, với sự tham gia của GSTS Nguyễn Huy thuộc VĐH Laval, Thành Phố Québec, Canada (tác giả: “Les trois Trésors du Caodaisme”).

Hình 2 -  Phái Đoàn Cao Đài tại Đại Hội Tôn Giáo Thế Giới ở Vancouver Canada

Đặc biệt, CQTGHN đã đến viếng thăm Liên đài Đức Phạm Hộ Pháp vào năm 2003 và yểm trợ cho Thánh Thất Kiêm Biên (Nam Vang) kiện đòi lại đất của Đạo đã bị chiếm đóng bất hợp pháp. Vụ kiện được Tòa  Thượng Thẩm  Nam Vang tuyên án Đạo Cao Đài thắng kiện,  nhưng kẽ chiếm đất ỷ thế không chịu trả . Vụ kiện vẫn còn đang tiếp tục đến ngày nay.

CQTGHN đã tham dự nhiều Đại hội Tôn giáo trên Thế giới, như: Hội nghị lần thứ 13 về các Tân Tôn giáo (CESNUR hay Center for Studies on New Religions) được tổ chức từ 2 đến 4/6/1999, tại Thành Phố Philadelphia thuộc Tiểu Bang Pennsylvania (Hoa Kỳ); Hội nghị Thế Giới của Liên hội cho Tự do Tôn giáo IARF ( International Association for Religious Freedom World Congress), tổ chức từ ngày 30/7 đến 4/8/1999 tại Thành Phố Vancouver (Canada); Đại Hội Tôn giáo CESNUR lần 14  từ 29 đến 31/8/2000, tại thủ đô Riga (Latvia); Đại hội Tôn giáo IARF lần thứ 31 tại Thủ đô Budapest (Hung gia Lợi) ngày28/7/2002.

Ngoài ra, CQTGHN cũng được mời nhưng vì nhiều lý do không tham dự được các Hội nghị Tôn giáo Thế giới khác như:

- Nghị Viện Tôn giáo Thế giới CPWR (Council for Parliament of  World’s Religions) tổ chức từ ngày 1 đến 8/12/1999 tại Thành Phố Cape town, South Africa (Nam Phi);

- Hội nghị Tôn giáo Thế giới tại Thành Phố Sao Paulo, Ba Tây (Brazil- Nam Mỹ) vào tháng 10/1998 để thuyết trình Đạo Cao Đài, trong chủ đề của Hội Nghị là: “Tự do Tôn giáo tại Nam Mỹ và Tân Thiên Niên Kỷ ” (Religious Freedom in Latin America and the new Millenium) (CQTGHN từ chối vì lời mời quá gấp, không đủ thời gian chuẩn bị thủ tục) [Xin kể một câu chuyện gần như thần thoại: Ông Dan Fefferman, Chủ tịch Ban Chấp hành của Tổ chức International Coalition for Religious Freedom, và là Trưởng ban tổ chức Hội nghị nói trên, là một người đã từng đến Việt Nam và đã viếng thăm TTTN, rất ngưởng mộ Đạo Cao Đài, do đó muốn mời Đạo Cao Đài tham dự Hội nghị, và thuyết trình về Đạo Cao Đài. Ông Fefferman, sau khi liên lạc với HH Trần Quang Cảnh, liền trình lên Hội Đồng Quản trị của Hội nghị, nên chỉ còn có 4 ngày là đến Đại Hội, phải cấp tốc mời CQTGHN đến dự với tư cách Thuyết trình viên, nhưng đã quá trể . Ông Fefferman liền hỏi có người Đạo Cao Đài nào ở Ba Tây không , để người đó Đại diện. Lại nữa, có một Giáo sư tên Edmundo Benveng ở Sao Paulo (Brazil), viết thư trên Internet yêu cầu muốn biết thủ tục nhập môn Đạo Cao Đài. Người Ba Tây xin nhập môn Đạo Cao Đài? Tin hay không là tùy mỗi người].

- Hội nghị Thượng đỉnh Hòa Bình Thế giới (Millenium World Peace Summit) từ 28/8/2000 đến 31/8/2000, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, mục đích mời các vị Lãnh đạo tinh thần các Tôn giáo. Dù không đích thân tham dự,  CQTGHN đã gởi bài tham luận bằng Anh ngữ đến Ông Bawa Jain Tổng Thư Ký của Hội nghị, theo đề tài Hội nghị đề ra là: “Elimination of Poverty: The Caodai Experience” (Sự xóa bỏ nghèo khổ: kinh nghiệm của Đạo Cao Đài) .

Ngoài ra, Đạo Cao Đài được “Hội nghị Tôn giáo cho hòa bình toàn cầu” (All Religion Conference for Global Peace) ở Thủ đô Dhaka (Bangladesh), do Ông Ahmad Shafi Maqsood, chủ tịch Viện nghiên cứu Hazrat Mohammad, mời tham dự Hội nghị vào 29/8/2004, vì Ông nhận thấy triết lý của Tôn giáo Cao Đài là sự hòa đồng tôn giáo, có thể đem lại hòa bình cho thế giới đầy thù hận hiện nay. Tuy CQTGHN không tham dự, nhưng có GSTS Kazi Islam, Khoa trưởng Phân Khoa Tôn giáo Thế giới, thuộc VĐH Dhaka, Bangladesh, thay mặt. Ông đọc bản “Thông điệp Hòa Bình của Đạo Cao Đài”, với đề tài: “Đạo Cao Đài: Tôn giáo Hòa Bình” (Caodaism: Religion of Peace), được toàn thể Hội trường chăm chú theo dõi và hoan nghinh, tán thành.

Hình 3 & 4 – Tham dự Đại Hội Tôn Giáo ở Budapest, Hungary

Trong các lần tham dự Đại Hội Tôn giáo Thế giới, Đạo Cao Đài được tiếp đón rất trân trọng và được mời đọc tham luận chớ không phải chỉ ở bên lề, và sau phần tham luận, nhiều thành viên của Hội nghị đã đến niềm nở hỏi CQTGHN về Giáo lý Cao Đài. Cụ thể trong Hội nghị CESNUR lần thứ 13, GSTS Massimo Introvigné, Chủ tịch Ban chấp hành của CESNUR, là người biết và nghiên cứu rất nhiều về Đạo Cao Đài, tỏ ý vui mừng thấy có Đạo Cao Đài hiện diện, và thuyết trình đề tài “Globalization of Caodaism” ( Tính cách toàn cầu  của Đạo Cao Đài) . Ông có hỏi Đạo Cao đài có tín đồ Cao Đài nào ở Ý đại diện hay không để mời đến thuyết trình về Đạo Cao Đài; GSTS Jean Francois Mayer, thuộc VĐH Fribourg – Thụy Sĩ, cũng là Giáo sư Đại học Sorbonne (Pháp), nói rằng Ông biết Đạo Cao Đài từ lâu và đã nói với Sinh viên của Ông về Đạo Cao Đài, và  mong muốn có sự liên lạc thường xuyên với CQTGHN; GSTS Daniel W. Goodenough, Chủ tịch VĐH Bryn Athyn (Tiểu Bang Pensylvania – Hoa Kỳ) và GSTS Jerry Pankhust, thuộc VĐH Wittenburg, Tiểu Bang Ohio (Hoa Kỳ) , cả hai đều nhận định rằng Tôn giáo Cao Đài là một đề tài rất quan tâm; GSTS Nikandrs Gills, Đại diện Trung Tâm nghiên cứu Tôn giáo  thuộc Đại học Tổng hợp Latvia cũng nói chuyện thân mật với CQTGHN, và đã cùng với GSTS Introvigné tỏ ý rằng những vấn đề nghiên cứu Đạo Cao Đài sẽ được Đại hội CESNUR lần 14 ở thủ đô Riga (Cộng Hòa Latvia) năm 2000 quan tâm. Trong kỳ Hội nghị CESNUR lần 14, GSTS Marksedwick,VĐH Cairo (Ai cập), tỏ ý cho biết Giáo lý Cao Đài rất phong phú và rất cao siêu, GSTS Heinz Streib, VĐH Biefeld (Đức) cho biết cần có nhiều tài liệu Cao Đài bằng Anh ngữ.

Đặc biệt trong Đại hội Tôn giáo Thế giới IARF (International Association for Religious Freedom) lần 31 tại Thủ đô Budapest (Hung gia Lợi) năm 2002, Phái đoàn Cao Đài đạt được 3 thành quả sau đây: 1/ Lần đầu tiên, Đạo Cao Đài được đưa lên hàng đầu, vì Ban Tổ chức đã chấp thuận cho Đạo Cao Đài trình bày về nền Đại Đạo trong phiên họp khoáng đại và nghiêm trọng của buổi lể khai mạc (chỉ có 3 Tôn giáo được lưu ý là Phật giáo Tây Tạng, Đạo Bahai, và Đạo Cao Đài). 2/ Phái đoàn được GSTS Abdelfattah Amor, Đặc sứ LHQ về Bất dung Tôn giáo, tiếp kiến riêng về tình trạng tôn giáo ở VN. 3/ GSTS Kazi Islam, Khoa trưởng Phân khoa Tôn giáo Thế giới, VĐH Dhaka, Bangladesh, tỏ ý vui mừng khi biết tôn chỉ và Giáo lý Cao Đài, và liền đó muốn đem Đạo Cao Đài vào chương trình giảng huấn của Phân khoa của ông. Sau đó vào năm 2008, Đạo Cao Đài được chính thức dạy ở Ban Cử Nhân của Phân khoa Tôn giáo thuộc VĐH Dhaka, Bangladesh (mỗi năm có khoảng 40 sinh viên theo học), rồi đến năm 2010 Phái đoàn VĐH Dhaka, do GSTS Kazi Islam hướng dẫn đã đến viếng TTTN, và mời Phái đoàn Hội Thánh Tòa Thánh Tây Ninh đến thuyết giảng Đạo Cao Đài ở Phân khoa nói trên. Cũng nên biết, Pakistan trước năm 1950 là Hồi Quốc, gồm Tây Hồi (Pakistan hiện nay) và (Đông Hồi) (Bangladesh hiện nay). Bangladesh là một nước Hồi giáo ôn hòa, thành lập vào năm 1950, tách ra từ Hồi Quốc, sau cuộc nổi dậy đẩm máu làm chết 3 triệu người, có số tín đồ Hồi giáo đông hàng thứ nhì trên thế giới (120 triệu), sau  Indonésia, sẽ có thể là cửa ngỏ để Đạo Cao Đài tìm sự hoà hiệp với thế giới Hồi giáo.

Hình 5 – Phái Đoàn Cao Đài thuyết trình tại VĐH Dhaka, Bangladesh

Hình 6 – Tổng Thống Bangladesh tiếp kiến Phái Đoàn Cao Đài

Ngoài công việc chung của CQTGHN, chúng tôi cần nói đến những đóng góp riêng của 3 Thành viên của CQTGHN, là TT Montréal (Canada), TT New South Wales (Úc), và TT New Orleans (HK) :

a/ Thánh Thất Montréal vào tháng 10/1998, HTỷ Nguyễn Ngọc Lan và HH Nguyễn Đắc Đậu, đã phối hợp với Viện Bảo Tàng Quốc gia Canada để trình bày về Đạo Cao Đài, trong chủ đề về những thành quả của người Á châu tại Canada. Cuộc triển lãm nầy đã thu hút được trên mấy trăm ngàn người tham dự. Gian hàng VN với Đạo Cao Đài được nhiều người chú ý.

b/ Thánh Thất New South Wales (Sydney), Úc, được xây cất theo mẫu số 4 của TTTN, vào ngày 2/7/2001, đã thực hiện chương trình quay phim giới thiệu Tôn giáo Cao Đài cho người Úc, do sự phối hợp giữa TT nầy và sự hướng dẫn của HT Nguyễn Chánh Giáo, GSTS Christopher Hartney và GSTS Trần Mỹ Vân với Chương trình truyền hình Compasss của Đài Australian Broadcasting Corporation Television (ABCTV). Chương trình nầy được trình chiếu trên Đài ABCTV vào năm 2002, được nhiều khán giả Úc khen ngợi. Ngày 4/8/2001 đài ABCTV đến thu hình Đàn cúng ở  TT New South Wales và phỏng vấn nhiều vị đạo hữu ở Thánh Thất, đặc biệt phỏng vấn GSTS Trần Mỹ Vân, thuộc VĐH South Australia. Ngoài ra, TT New South Wales là nơi có nhiều đoàn thể Tôn giáo bạn đến thăm viếng, cũng là nơi tham quan của nhiều học sinh và sinh viên từ Tiểu học đến Đại học ở Thành-Phố Sydney và các thành-phố lân cận trong Tiểu-bang New South Wales, Australia.

c/ Thánh Thất New Orleans, Tiểu Bang Louisiana (HK) là TT đầu tiên xây cất theo mẫu số 4 tại Hoa Kỳ, đã thực hiện một chương trình phát thanh hàng tuần về Đạo Cao Đài, do HH Nguyễn văn Đông phụ trách.

Trong mục tiêu mở rộng hoạt động của CQTGHN sang Âu châu, năm 2001, HH Trần Quang Cảnh đã  thảo luận với một số đồng đạo ở Paris (Pháp), với sự hiện diện của GSTS Trần Mỹ Vân, để thành lập một cơ quan truyền giáo ở Âu châu . “Mission Étrangère du Caodaisme en France” (Cơ quan truyền giáo Cao Đài hải ngoại Cao Đài Pháp quốc) do đó được thành lập. CQTGHN Pháp quốc cho biết mạng lưới internet “Le Caodaisme” bằng Việt ngữ được thành hình, từ đó Đạo Cao Đài được đưa  chính thức vào internet tại Pháp. Khách hàng của mạng lưới không chỉ là những người Việt cần sao chép kinh để cúng như trước, mà là những người đến từ các nơi như: Pháp, Tây ban Nha, Ý, Hòa Lan, Anh, Mã lai, Đài Loan, Tiệp khắc, Balan, Trung quốc, Hoa Kỳ, Úc, có cả Saudi Arabia nữa. Họ cần tìm những tài liệu Đạo Cao Đài bằng Pháp văn trước kia, hoặc nhờ dịch sang tiếng Pháp các bài kinh, do yêu cầu  của những sinh viên soạn luận án Tiến Sĩ. CQTGHN Pháp quốc cho biết đã được Đài Phát Thanh Radio France Chanel, (một bộ phận của Đài Phát Thanh Radio France) đề nghị phỏng vấn và thu âm các buổi hành lể tại TTTN, cho chương trình phát sóng về các Tôn giáo toàn cầu. Sau khi hội ý với CQTGHN/PQ, CQTGHN/HK đã giới thiệu Ông Christian Koeler, người phụ trách chương trình nói trên, với quí vị chức sắc tại VN, và Ông Koeler đã về VN ngày 5/2/2002 để thực hiện chương trình nầy tại Tòa Thánh Tây Ninh.

Ngoài công việc truyền giáo ở hải ngoại và kiện đòi đất Đạo ở Nam Vang, CQTGHN còn tổ chức được 4 kỳ Đại Hội Cao Đài Hải Ngoại tại các tiểu bang ở Louisiana, Texas, California, Washington DC, mục đích là để các tín đồ thảo luận những công tác đạo sự chung của hải ngoại. CQTGHN còn lo việc cứu trợ,  như từ 1999 – 2006,  CQTGHN cổ động đồng đạo ở Hoa Kỳ, Úc, Canada giúp đở tài chánh cho Viện Dưỡng lão và quý vị chức sắc ở TTTN; kêu gọi đồng đạo ở Hải ngoại đóng góp 22.000 mỹ kim để cứu trợ nạn nhân nạn lụt miền Trung VN năm 1999, và quyên góp được 8.500 Úc kim và 10.000 mỷ kim của đồng đạo ở Úc, HK, Canada để cứu trợ nạn nhân nạn lụt miền Tây năm 2000. Trong số tiền 10.000 Mỹ kim, một phần được trích ra để mua quà Xuân cho Chức sắc nghèo khó, quí vị ở Viện Dưỡng lão và các cô nhi, đồng nhi của Đạo. Những năm 2002, 2003, 2004, 2005, CQTGHN phát động phong trào gây quỷ Cây Mùa Xuân cho quí vị Chức sắc và đồng đạo nghèo khó ở quê nhà với số tiền thu mỗi lần lên đến khoảng 10.000 mỹ kim. Ngoài việc giúp đở tài chánh cho Thánh Thất Kiêm Biên kiện đòi đất Đạo năm 2003, CQTGHN giúp đở tài chánh nâng cao Báo Quốc Từ lên cao 1,50m vì bị ngập nước.

Nhiệm vụ quảng truyền Đại Đạo vốn vô biên và cao trọng vô ngần. Đạo tâm con Nhà Đạo xa quê luôn nặng mối lo toan. Tự xét mình, may duyên ngộ đạo giữa cõi trần hoàn, nguyện báo đáp Thiên Ân trong muôn một.

xin xem tiếp bài 2