CÔNG CUỘC TRUYỀN BÁ ĐẠO CAO ĐÀI Ở HẢI NGOẠI (BÀI 2)

Cập nhật 2012-05-17 09:14:34

*** Tiếp tục sứ mạng truyền bá Đạo Cao Đài khắp Thế giới.

Trên đây chúng tôi đã ghi lại những công việc của CQTGHN đã làm trong 8 năm hoạt động, để quí đồng đạo  tường lãm. CQTGHN đang làm được nhiều việc hữu ích cho Đạo, thì lại tự tuyên bố ngưng hoạt động, khiến cho nhiều vị đồng đạo thắc mắc và tiếc rẽ. Sau nầy, chúng tôi mới hiểu là vì trên bước đường truyền giáo ở Hải ngoại, CQTGHN gặp phải một trở ngại lớn nhứt là cần phải trở về TTTN, để từ đó hướng dẫn cho rất nhiều người ngoại quốc muốn viếng thăm Tòa Thánh Tây Ninh để nghiên cứu về tôn giáo mới, nhưng rất tiếc là Hội Thánh hiện tại chưa có người để phụ trách việc này và khi đến TTTN, người nghiên cứu ở phương Tây cũng không phải dễ dàng nhận rõ yếu lý của Đạo nhà. Nhưng trở về với TTTN lại không phải là vấn đề đơn giản, xét về mặt tâm lý của một số đồng đạo.

 

TTTN  là Thánh địa của Đạo Cao Đài. Thánh giáo đã dạy : “Toà Thánh là cội nguồn”, và “Chi chi cũng do Tây ninh nầy mà thôi ”. Đức Phạm Hộ Pháp xây Tòa Thánh theo Thiên ý. Mỗi công trình kiến trúc, mỗi nét vẽ, mỗi hình ảnh chạm trổ, mỗi màu sắc, mỗi con số … đều gói ghém huyền lý sâu sắc trong đó. Quay lưng với TTTN  là quay lưng với Đạo. Hàng ngày có hàng trăm du khách trong đó có nhiều người ngoại quốc viếng TTTN, muốn tìm hiểu Đạo Cao Đài, mà không có ai hướng dẫn. Có nhiều Nhà nghiên cứu tôn giáo như GSTS Joe Hobbs thuộc VĐH Missouri  (Hoa Kỳ), GSTS Lucas Pokorny, thuộc VĐH Vienna (Áo, Austria) đến TTTN tìm hiểu Đạo Cao Đài, mà không có ai có khả năng giải thích.

Hình 7 – Phái Đoàn Cao Đài đến viếng Ông Min Khin, Quốc Vụ Khanh đặc trách tôn giáo Kampuchea tại Nam Vang (5/2005)

 

Hình 8 & 9 – Phát quà Xuân cho Giáo Nhi và Đồng Nhi

TTTN là của toàn Đạo Cao Đài, là nguồn gốc của Đạo, không phải của riêng ai, nhưng lại do Hội Thánh hiện hành quyền chịu trách nhiệm với Thiêng Liêng mà quản lý cơ nghiệp Đạo. Thế mà việc trở về TTTN đồng nghĩa với qui phục về Hội Thánh bị cho là “quốc doanh” hay là “phản Đạo”. Do đó, CQTGHN tự ngưng hoạt động, mỗi thành viên tùy ý đi theo con đường của mình. HH Trần Quang Cảnh chọn con đường trở về hợp tác với Hội Thánh trong nước, để có tư cách và cơ hội phục vụ Đạo và đi truyền bá Đạo khắp Thế giới hữu hiệu hơn và danh chánh ngôn thuận.

Ai ai cũng biết là trong hàng giáo phẩm của Hội Thánh hiện tại, có không ít Chức sắc Đại Thiên phong đáng kính, đã già yếu, quá tuổi về hưu, nhưng vẫn dành những năm cuối cùng của cuộc đời mình để phục vụ cho Đạo, trong mọi hoàn cảnh. Chúng tôi rất đau lòng khi nghe một số trí thức khoa bảng ở hải ngoại, gọi những Vị chức sắc Đại Thiên phong ở quốc nội đáng tuổi cha, ông mình bằng những danh từ bất kính,  trong khi ở các tôn giáo bạn, dù bất đồng chính kiến, mọi người vẫn cung kính gọi các giáo phẩm hành đạo trong nước bằng phẩm tước trong Giáo Hội hiện hành.

Trước những lời chỉ trích nặng nề của một vài đồng đạo hải ngoại trong việc HH Trần Quang Cảnh nhận đặc biệt phẫm Lễ Sanh do Hội Thánh ân phong, chẵng những trong Đạo Cao Đài mà còn được phổ biến ra ngoài Đạo, HH Trần Quang Cảnh cho đó là một cơn khảo đảo phải gánh chịu trên đường hành Đạo, chỉ mong rằng với thời gian và cơ hội sẽ chứng tỏ thiện tâm của mình. Những sự khảo đảo nầy HH đã tiên liệu trước, nên đã tự đình chỉ CQTGHN, để một mình gánh chịu mọi trách nhiệm. HH chỉ xin bày giải Đạo tâm, để đưa ra chương trình hành Đạo trong tương lai gần, là sẽ tiếp tục con đường truyền giáo Cao Đài ra Thế giới với tư cách một chức sắc của Hội Thánh.Tùy theo Hội Thánh quyết định, HH Trần Quang Cảnh cho biết, trong những ngày rất gần, có thể sẽ lảnh nhiệm vụ  trao đổi ý kiến về Đạo Cao Đài với các Nhà nghiên cứu tôn giáo trên Thế giới qua mạng internet, đồng thời sẽ cố gắng thành lập một Ban Cố Vấn gồm các Giáo Sư Tiến Sĩ ngoại quốc đã từng hợp tác với mình; tạo thêm mối quan hệ với những nhà nghiên cứu trong nước và tìm phương xây dựng một đội ngũ tín đồ thế hệ trẻ năng động, hiểu thông giáo lý và giỏi ngoại ngữ để tiếp xúc với quốc tế, và dịch kinh sách Đạo ra ngoại ngữ, hoặc thiết lập một trung tâm giải thích Đạo Cao Đài cho các du khách ngoại quốc và các Nhà nghiên cứu Tôn giáo ngoại quốc đến viếng thăm TTTN. HH sẽ tiếp tục đi thuyết giảng Đạo Cao Đài ở Đại học Dhaka, Bangladesh, theo lời mời của Phân khoa Tôn giáo này; hoặc ở VĐH Missouri, theo lời mời của GS Joe Hobbs trước đây,  cũng như sẽ đi sang VĐH Vienna (Austria), VĐH Aberdeen (Scotland, Ái Nhĩ Lan), theo lời mời của GS Lucas Pokorny. Hơn nữa, có rất nhiều Sinh viên ngoại quốc muốn đến  Tòa Thánh Tây Ninh để nghiên cứu làm luận án Tiền Sĩ, cho nên cần phải có sự hiện diện của HH tại Tòa Thánh để hướng dẫn họ (hiện tại có một sinh viên Nhựt, sang năm sẽ có 1 sinh viên Bangladesh, là Giảng sư Mohammad Jahangir Alam). Theo HH Cảnh, việc phổ biến Đạo hữu hiệu nhứt là làm sao hội nhập được vào các Viện Đại Học ngoại quốc để họ giảng dạy  môn Tôn giáo  Cao Đài,  từ đó, sẽ có nhiều sinh viên nghiên cứu và viết về Đạo Cao Đài, và sẽ có rất nhiều sách viết về Đạo Cao Đài bằng nhiều thứ tiếng. VĐH Dhaka ở Bangladesh giảng dạy Tôn giáo Cao Đài là bước tiến đầu tiên, một mẫu mực để các Đại Học khác noi gương theo sau này. Do đó, trong chương trình dài hạn, HH sẽ thuyết giảng về Đạo Cao Đài ở nhiều Trung Tâm nghiên cứu Tôn giáo và ở các VĐH trên Thế giới, trước tiên là các nơi mà trước kia CQTGHN được mời nhưng không có thời gian và cơ hội đến được, và sau đó là những nơi khác, nếu có lời mời.

HH Trần Quang Cảnh cho biết “nhân vô thập toàn”, xin chấp nhận mọi lời phê phán của công luận, chỉ cầu nguyện Đức Chí Tôn và các Đấng Thiêng liêng hộ trì cho HH thành công trong  tâm nguyện truyền bá Đạo Cao Đài ra trường Quốc tế, để chủ thuyết Đại đồng Chủng tộc, Đại đồng tôn giáo và lý tưởng “Bác ái và Công bình” của Đạo Cao Đài, trở thành tư tưởng chủ đạo cho nhân loại hiện nay, để cứu vãn điều mà Đức Chí Tôn đã nói trước, cách nay gần 90 năm: “Lửa thù hận tràn ngập khắp hoàn cầu”. Đã đến lúc chúng ta phải thực hiện việc truyền bá Đạo Cao Đài khắp Thế giới càng sớm càng tốt, trước thảm họa nhân loại tự hủy diệt vì lòng hận thù chủng tộc, vì  sự xung đột tôn giáo ngày càng trở nên thảm khốc. Chúng ta làm được điều đó là vâng theo Thiên ý cách nay gần 90 năm, trong Thánh giáo của Đức Chí Tôn ngày 12 tháng 3 năm Bính Dần (23/4/1926), đã dạy :     “Đạo phát trễ một ngày là một ngày hại nhơn sanh. THẦY nôn nóng nhưng mà Thiên cơ chẳng nghịch đặng, nên phổ thông trắc trở ”( TNHT).

Đạo Cao Đài là Đạo của toàn thế giới, chứ không phải của riêng nước Việt Nam, cho nên việc phổ biến Đạo cho toàn thế giới là công việc mà người tín đồ Cao Đài nào cũng cần phải quan tâm và tùy khả năng thực hiện. Đạo Cao Đài ngày nay có mặt tại Hoa Kỳ, Úc, Canada, Pháp, cũng không  ngoài những lời tiên tri và sắp xếp của các Đấng Thiêng Liêng.( Tg ngày 15 tháng 9 năm Bính Dần, -24/10/1926 của ĐCT : “ Nam Bắc cùng rồi ra ngọai quốc”). Đức Chí Tôn  cũng đã dạy: “Trong Tam kỳ Phổ độ nầy các con phải độ rỗi nhơn loại khắp cả năm châu, thì trách nhiệm ấy lớn lao là bực nào”. (Thánh Giáo ngày 25/7/26- TNHT). Chúng ta truyền bá Đạo Cao Đài khắp Thế giới là vâng theo Thiên ý, và nối tiếp công việc của quí vị Tiền khai vào thời kỳ lập Đạo, vì thời cuộc không thuận lợi mà đã  phải bỏ dở dang (chú thích 3).

Hình 10 – Phái Đoàn Bangladesh với Ngài Đầu Sư Thượng Tám Thanh trước Giáo Tông Đường (9/2010)

Hình 11 – Phái Đoàn Bangladesh với Cải Trạng Lê Minh Khuyên trước Đền Thánh

Ở đây, có một vấn đề mà người đệ tử Cao Đài cần thành tâm chiêm nghiệm, hầu đặt niềm tin vào Thiên Lý, mà trọn tùng.

Đức Chí Tôn khai cơ tận độ kỳ ba, cứu rỗi chúng sanh, mà “chúng sanh là toàn cả nhơn loại”. Đức Chí Tôn đã không mở đạo ở các đại cường quốc văn minh tiên tiến, phương tiện dồi dào, cho dễ bề quảng truyền Đạo pháp. Người lại “Giáo Đạo Nam Phương” vào thời nước ta lệ thuộc ngoại bang, dân chúng lầm than, vô vàn cơ cực; rồi dai dẳng chiến tranh thử thách!…

Phải chăng đất nước Việt Nam đã được Ơn Trên ưu ái? Trước hết và tại đây, Đức Chí Tôn giá ngự, trở thành Đấng Đại Từ Phụ ban ân sủng Thiêng Liêng cho con cái thân thương của Người. Ấy cũng bởi suốt quá trình lịch sử, dân tộc ta thường xuyên chịu đựng và hóa giải ách thống trị ngoại nhân, bị dày vò áp bức mà vẫn kiên gan bảo toàn Nghĩa Nhân truyền thống. Lịch sử đã tôi luyện dân tộc Việt có được truyền thống hội nhập văn hoá, rất khoan dung độ lượng, tạo môi trường hòa hợp các luồng văn hoá Đông – Tây, biết trân trọng ngưỡng mộ Chư Đạo Tổ các tôn giáo của Nhất kỳ và Nhị kỳ Phổ Độ. Từ trải nghiệm lịch sử, dân tộc ta biết lấy Đại đồng tính làm nên đặc điểm bản sắc văn hóa của riêng mình. Đất nước và dân tộc Việt Nam xứng đáng với đức hiếu sinh của Đấng Chí Tôn Thượng Đế. Vì vậy, Việt Nam trở thành nơi có vùng Thánh Địa, ươm hạt giống lành, gieo khắp nhân gian. Đạo Nhà Nam không mang tính dân tộc cực đoan; cũng không vì tính Đại Đồng mà quên nguồn bỏ cội.

Đáng mừng thay! Vạn sự do Thiên Lý an bài. Mỗi độ Thịnh-Suy, Đắc-Thất, Hợp-Tan, đều có ý của Thầy. Con nhà đạo phải bền lòng tin tưởng.

Cũng đáng buồn thay! Trí lự phàm nhân mãi vấn vương định kiến, thích bàn chuyện thiệt hơn, mãi bước chân trên nẽo vô minh, càng xa cách Tổ Đình, e khó nỗi bảo tồn Thiên Lý.

Kết luận: Mọi việc đều do Thiên cơ xoay chuyển.

Đức Chí Tôn dạy rằng: “Nền Đạo chinh nghiêng, ấy là do Thiên định. Nước có trị loạn, đời có hưng vong, thì Đạo tất phải có dùn  thẳng, quanh co, rồi mới đến thẳng răng đường ngay mà lập nên thể thống… Cuộc biến đổi nơi thế tình là do Thiên thơ định đoạt. Rủi may, may rủi khá biết có Thầy, có Đạo; vui lòng thiện niêm, thì sự lo lắng mảy mún chi của con, cũng có nơi Thiêng liêng biết đến, nghe!” (Thánh Giáo ngày 9 tháng 2 năm Tân Mùi (26/4/31 – TNHT). Tình hình đạo sự sẽ biến đổi, nhưng biến đổi thế nào? Chưa ai biết. Chúng tôi ước mong cơ Đạo biến chuyển từ từ để Hội Thánh hiệp vầy đông đảo người tài đức, đủ sức thực thi PCT và TL một cách tuần tự và êm thắm. Còn  nếu tình hình đạo sự thay đổi đột ngột, sẽ tạo điều kiện cho những phe nhóm cơ hội, trong nước cũng như hải ngoại, ai cũng cho mình là thành phần nồng cốt trung kiên của Đạo, tự cho là có quyền thay đổi Hội Thánh hiện tại, chừng đó chắc chắn sẽ gây tình trạng Đạo loạn. Xin hãy hết lòng vì Đạo theo lời dạy của Đức Chí Tôn: “Các con cứ làm, mọi việc Thầy đã định trước” ,  “Các con muốn điều chi thì Thầy đã định rồi”, và   “Đạo cao  phó có tay cao độ, Gần gũi sau ra vạn dặm trường” (TNHT). Chuyện ngày hôm nay không giống chuyện ngày hôm qua, lại càng không giống chuyện ngày sau. Làm sao phân được chánh, tà ?. “Lẽ chánh tự nhiên có lẽ tà, Chánh, tà  hai lẽ đoán sao ra” (TNHT). Dân gian VN có câu: “Tận nhơn lực mới tri Thiên mạng”. Truyện Kiều có câu: “Bắt phong trần, phải phong trần, Cho Thanh cao, mới đặng phần Thanh cao”.

Để kết luận, chúng tôi xin trích Thánh Giáo của Đức Thái Thượng Đạo Tổ ngày 16 tháng 7 năm Giáp Tuất (1934), như sau: “Cơ Trời mầu nhiệm đối với đời, mà máy Thiên cơ đối với Đạo lại càng huyền vi thậm trọng hơn nữa, có lẽ tâm phàm dù cao kiến đến đâu, cũng chưa đạt thấu được… Nên biết rằng, mỗi việc chi đều có hạn định, có căn nguyên, dầu các bậc tiền bối cũng vậy. Phải lấy nét đạo đức mà xét đoán, thì mới hiểu thấu sự huyền nhiệm vĩ đại của Chí Tôn sắp đặt… Nếu luận tà chánh thì chưa ai dám còn mang mắt phàm xưng tụng mình là chánh. Cái tà vì Thiên thơ xử dụng, tà vì thử thách của Tam giáo Tòa, tà vì  những quỉ xác hồn ma lẫn lộn của quỉ vương để làm cho công phu lở dở. Mỗi cái tà có duyên cớ ấy, ngày sau đều có sự biến đổi Thiêng liêng, hoặc có một kết quả. Ngày chung qui, chỉ đem về Thầy một chữ Tâm, và những công nghiệp đã gây cho sanh chúng.”  (TNHT).       

Sau cùng, chúng tôi viết bài nầy, với tư cách một trong rất nhiều người đã cộng tác với CQTGHN trước đây để đưa Đạo Cao Đài ra trường Quốc tế, là  không phải để tranh luận với ai hay để biện bạch thay cho HH Trần Quang Cảnh, mà chỉ để công luận của tuyệt đại đa số đồng đạo trong và ngoài nước rộng đường phán xét một cách công bằng.  HH. Cảnh với bản chất hiền hòa, trung thực, với đức tính nhẫn nhục, dấn thân của một người tu, chắc chắn sẽ vượt qua mọi trở ngại đế nối tiếp hoài bảo của Phụ thân là đem chân lý Đại Đạo gieo truyền khắp năm châu.

Nhìn về quá khứ, mà tin tưởng ở tương lai; Đạo nhà Nam có rạng rỡ khắp Đông – Tây, hẳn phải nhờ quý Bạn Đạo chung tay hiệp sức.

  Hà Ngọc Duyên

Nguyên Chủ Bút Đặc San “Bản Tin Đại Đạo” (xuất bản từ 1990 đến 2006)    

Hoa Thịnh Đốn, tháng 7, 2011

 XIN XEM TIẾP BÀI 3  (PHẦN CHÚ THÍCH)