• Trang chủ
  • Tin tức đạo sự
  • THUYẾT TRÌNH VỀ ĐẠO CAO ĐÀI TẠI HỘI THẢO QUỐC TẾ CÁC NỀN TÂN TÔN GIÁO TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC BORDEAUX, PHÁP

THUYẾT TRÌNH VỀ ĐẠO CAO ĐÀI TẠI HỘI THẢO QUỐC TẾ CÁC NỀN TÂN TÔN GIÁO TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC BORDEAUX, PHÁP

Cập nhật 2024-06-20 05:14:00

(Tin Bordeaux, Pháp ngày 16/6/2024)
 
Từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 6 năm 2024, tại Trường Đại Học Bordeaux, Pháp, đã diễn ra Hội thảo quốc tế về các nền tân tôn giáo CESNUR 2024 (Center for the Study of New Religions) với chủ đề: “The Contribution of Minority Religions to Society” (Tạm dịch: Sự đóng góp của các nền tôn giáo thiểu số cho xã hội), do sự kết hợp tổ chức của Trung Tâm Nghiên Cứu Các Nền Tân Tôn Giáo (CESNUR), Trường Đại Học Bordeaux, Pháp, Trung Tâm Nghiên Cứu Văn Hóa – Văn Học của Thế Giới Nói Tiếng Anh (CLIMAS) và Hội Quốc Tế Nghiên Cứu Các Nền Tân Tôn Giáo (ISSNR).
 
Hội Thảo Quốc Tế Các Nền Tân Tôn Giáo tại Trường Đại Học Bordeaux, Pháp năm nay đã quy tụ nhiều giáo sư uy tín, tiêu biểu trong ngành nghiên cứu tôn giáo thế giới như:
- Giáo sư Bernadette Rigal-Cellard – Chủ trì Hội Thảo – Trường ĐH Bordeaux, Pháp
- Giáo sư Eileen Barker – Trường ĐH Kinh Tế Luân Đôn
- Giáo sư Massimo Introvigne – Giám đốc Trung tâm CESNUR
- Giáo sư Rosita Soryté - Liên đoàn Tự do Tín ngưỡng Châu Âu, Rome và Turin, Ý
- Giáo sư Susan Palmer – Trường ĐH Concordia, Montreal, Canada.
- Giáo sư Gordon Melton – Trường ĐH Baylor, Texas, Hoa Kỳ
- Giáo sư Benjamin Penny – Trường ĐH Quốc Gia Úc
- Giáo sư George D. Chryssides – Trường ĐH York St. John, Anh Quốc
- Giáo sư David W. Kim – Trường ĐH Quốc Gia Úc và ĐH Kookmin, Hàn Quốc
- Giáo sư Fiona Hsin-Fang Chang – Học Viện Duy Tâm Thánh Giáo, Đài Loan.
- Giáo sư Edwad Irons – Viện Văn hóa, Thương mại và Tôn giáo, Hồng Kông
 
Hơn 100 giáo sư, tiến sĩ và nhà nghiên cứu tôn giáo đến từ 25 quốc gia đã tham dự Hội Thảo lần này, được chia thành 23 nhóm phát biểu, chia sẻ nội dung nghiên cứu về những đóng góp của các nền tân tôn giáo, thiểu số cho sự phát triển của xã hội. Đặc biệt các Giáo Sư liệt kê trên đã từng đến tham quan Tòa Thánh Tây Ninh và có một số tham dự Đại Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung năm 2018.
 
Phái đoàn thuyết trình về Đạo Cao Đài gồm 5 người, đã được Ban Tổ Chức Hội Thảo mời tham dự với tư cách là người tín hữu Cao Đài và có kinh nghiệm nghiên cứu về sự phát triển của Đạo Cao Đài trong hơn một thập kỷ vừa qua, bao gồm:
1. GH Thượng Cảnh Thanh (Trần Quang Cảnh) – Cựu Trưởng Ban Đại Diện Hội Thánh tại Hải Ngoại, làm Trưởng đoàn.
2. LS Hương Thoàn – Thành viên đoàn
3. LS Hương Trừ - Thành viên đoàn
4. LS Hương Trang – Thành viên đoàn
5. Đạo hữu Trần Quang Trung (sinh sống ở Lyon, Pháp) – Thành viên đoàn
 
Bài tham luận trong Hội Thảo của GH Thượng Cảnh Thanh, kết hợp nghiên cứu và thuyết trình với GS Bernadette Rigal-Cellard (ĐH Bordeaux), diễn ra trong phiên thảo luận số 2, ngay sau phần khai mạc Hội Thảo, với tựa đề: “100 Years of Cao Dai: A Cao Dai Missionary’s Reflections on Faith and Identity” (Tạm dịch: 100 năm của Đạo Cao Đài: Đôi Điều Suy Nghĩ về Đức Tin và Bản Sắc (về Đạo Cao Đài) của Một Nhà Truyền Giáo).
 
Trong phiên thảo luận này, GS Gordon Melton (Hoa Kỳ), GS Massimo Introvigne (Ý), GS Jason Greenberger (Hàn Quốc), GS Benjamin Penny (Úc) và GS Fiona Hsin-Fang Chang (Đài Loan) cũng đã thuyết trình về bài tham luận của mình.
 
Ngoài ra, xin liệt kê một vài đề tài trong số 71 đề tài thuyết trình như sau :
 
-Quỷ Cốc Tử và đường hướng thực hành trong Duy Tâm Thánh Giáo (Wangchan Laozu in Weixin Shengjiao Practices)
-Hòa bình, Công lý và Cải cách Thuế ở Đài Loan và Quốc tế: Các phong trào tôn giáo mới, lợi ích chung và trường hợp Thái Cực Môn (Peace, Justice, and Tax Reform in Taiwan and Internationally: New Religious Movements, the Common Good, and the Case of Tai Ji Men)
-Bài kiểm tra Nhân chứng Giê-hô-va: Tôn giáo thiểu số và tôn giáo Khoan dung trong thế giới đương đại (The Jehovah’s Witness Test: Minority Religions and Religious Tolerance in the Contemporary World)
-Giáo hội Thống nhất và Nhật Bản: Chính xác thì chuyện gì đang xảy ra? (The Unification Church and Japan: What Is Exactly Happening?)
-Thờ cúng tổ tiên và đồng tử trong Giáo hội Các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Ky tô ở Pháp (Ancestor Worship and Mediumship in The Church of Jesus Christ of Latter-day Saints in France)
-Ahmadi Tôn giáo hòa bình và ánh sáng: Sự xuất hiện của một Tôn giáo mới (The Ahmadi Religion of Peace and Light: The Emergence of a New Religion)
-Một nghiên cứu so sánh về trách nhiệm xã hội của các Tân Tôn giáo ở Hàn Quốc (A Comparative Study on the Social Responsibility of New Religions in South Korea)
-Hồi giáo, các phong trào tôn giáo mới và xã hội (Islam, New Religious Movements and Society)
-Đóng góp của các Phong trào Tôn giáo Mới cho Xã hội ở Lithuania (Contributions of New Religious Movements to Society in Lithuania)
-Các lãnh vực khác nhau của tâm linh bản địa Châu Phi (The Different Sectors of African Indigenous Spirituality)
 
Sau Hội Thảo, Ban Tổ Chức đã hướng dẫn các thành viên tham dự tham quan một Trung Tâm Phật Giáo Tây Tạng (Dhagpo Kagyu Ling) ở Thành phố Saint Leon Sur Vezere, Pháp. Đặc biệt tham quan Lâu Đài De Losse (Château de Losse) được Bá Tước Jean II De Losse (1508-1580) xây cất từ năm 1576 tại làng Thonac, vùng Dordogne/Perigord, nhưng đến năm 1930, Công Chúa Như May (1905-1999), con của Vua Hàm Nghi, mua lại lâu đài này và sống tại đây đến năm 1999. Lăng mộ của Vua Hàm Nghi và Công Chúa Như May được chôn tại làng Thonac, cách Lâu đài De Losse hơn 500m.
 
Đạo Cao Đài một lần nữa được thuyết trình trước hàng trăm giáo sư, học giả uy tín, đến từ hơn 25 quốc gia tại Hội Thảo Quốc Tế CESNUR 2024 ở Trường Đại Học Bordeaux, Pháp. Một kết quả rất khích lệ là Giáo Sư Laurentiu Tanase, dạy về Tôn Giáo của Đại học Bucharest, xứ Romania, muốn mời Phái Đoàn Cao Đài đến Đại học này thuyết trình về Đạo Cao Đài cho sinh viên của ông ta tại đây vào năm tới 2025. Đồng thời Giáo Sư Livia Kohn, Đại Học Boston, tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ, cũng muốn mời Phái đoàn Cao Đài tham gia một Hội Nghị Quốc tế về Đạo Giáo, tổ chức tại Đại Học Transylvania ở Thành phố Brasov, Romania, vào tháng 6 năm 2025.
 
Hy vọng trong tương lai không xa, sẽ có nhiều giáo sư, học giả hơn nữa quan tâm, nghiên cứu, và phổ truyền nền Đại Đạo do chính Đức Chí Tôn khai mở bằng huyền diệu cơ bút tại nước Việt Nam.
 
Sau đây là một số hình ảnh của Hội Nghị:
 
 
HỘI NGHỊ NGÀY 1 (12/6/2024)
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
HỘI NGHỊ NGÀY 2 (13/6/2024)
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
HỘI NGHỊ NGÀY 3 (14/6/2024)
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
NGÀY 4 (15/6/2024) - THAM QUAN TRUNG TÂM PHẬT GIÁO TÂY TẠNG
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
NGÀY 4 (15/6/2024) - THAM QUAN LÂU ĐÀI "CHÂTEAU DE LOSSE"