LTS – Sau đây là bài Thuyết Đạo nhân dịp Lễ Trung Nguơn Rằm tháng 7 Tân Mão – 2011 của Giáo Sư Thượng Minh Thanh, Trưởng Ban Đại Diện Hội Thánh tại Thành Phố Hồ Chí Minh.
NAM MÔ CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT
Kính Hội Thánh
Kính Chức sắc Thiên phong, Chức việc các Cơ quan ban bộ và toàn Đạo
Kính Huynh, Tỷ, Đệ, Muội, Đồng Đạo,
Hôm nay, Đồng Đạo Cao Đài chúng ta thiết Đại Đàn trọng thể khắp các ngôi Thánh Thất, Điện Thờ kính niệm Đại Lễ Trương Nguơn.
Thuở ban sơ mở Đạo, theo “Tứ Thời Nhựt Tụng Kinh” in năm 1928, do nhị vị Thượng và Ngọc Đầu Sư bấy giờ, phụng soạn và ban hành, chưa thấy có quy định về Tam Nguơn hành Đại Lễ. Ấy cũng bởi, buổi đầu, các Đấng Thiêng Liêng và chư vị Tiền bối mãi lo tập trung cho nên hình tướng của Cơ Tận Độ, hầu kịp thời cứu khổ nhơn sanh; nuôi dưỡng cùng một niềm tin, tìm sự tương trợ tương thân, giữa những người dân nô lệ bấy giờ.
Tuy nhiên, Đại Lễ Trung Nguơn theo truyền thống đạo lý phương Đông, vốn đậm tính nhân văn rõ nét. Nền Đạo Nhà Nam, với tinh thần tiếp biến văn hóa của dân Nam đã trân trọng tiếp thu. Qua quá trình hoàn thiện nghi tiết Đạo Lễ, nền Đại Đạo chúng ta đã quy định Trung Nguơn hành Lễ Đại Đàn, ngưỡng vọng Ân Thiên vì sự bình yên nhân thế.
Kinh điển Đạo Nhà dù không lý giải nhiều về ý nghĩa Đại Lễ Trung Nguơn. Nhưng quan niệm về Nguơn, Hội vận hành của Phương Đông; quả thật có mối quan hệ cơ bản với ý nghĩa của Tam Kỳ Phổ Độ. Đạo Cao Đài của Nước Nam ta đã phát triển ý nghĩa Ngươn Hội vận hành”; với tinh thần lạc quan của dân tộc, mà hướng về “sự cứu rỗi kỳ ba của Thượng Đế ở Phương Đông ( 3e Amnistie de DIEU en Orient). Điều này, còn có nghĩa là nhân loại, nhờ đức hiếu sinh của Đấng Đại Từ Phụ mà chắc chắn rằng: không thể lâm vào cảnh diệt vong tận thế. Bởi lẽ Đức Chí Tôn là Đấng Toàn Năng, đã từ tâm
Tận Độ, thì làm sao có ngày Tận Thế, đó mới là nét đặc thù của Đạo Nước Nam, có ra đời trong cảnh khốn đốn gian nan, vẫn tràn đầy nhân hậu lạc quan, hướng đến sự bình an cho sanh chúng
Thưa Huynh Tỷ Đệ Muội Đồng Đạo.
Đạo Cao Đài thiết Đại Đàn Trung Nguơn còn trân trọng ý nghĩa nguyện cầu xá tội vong nhân, trọng ân hiếu nghĩa của ngày Vu Lan Bồn Hội và cảm thông sâu sắc với những oan hồn cô đơn lạnh lẽo, không nơi nương tựa cầu nguyện siêu thăng cho người đã khuất vừa là hiếu đạo làm người, vừa mang tư tưởng khoan dung theo truyền thống nghĩa nhân. Nhưng thiết nghĩ, bài học mà Đồng Đạo ta nên ghi khắc nằm lòng:
Ấy là thuở sinh thời phải trọn nghĩa trọn nhân, sống hữu ích cho nước cho dân; thì khi thanh thản rời bỏ cõi trần, công tội đã định phân, hẳn người thân nhẹ phần nhọc công cầu siêu độ. Bởi lẽ:
Làm người Nhân Nghĩa không tròn,
Câu kinh siêu độ khó mòn tội căn
Làm người giữ vẹn Nghĩa Nhân
Câu kinh siêu độ thêm phần tôn vinh.
Tưởng nhớ đến người đã khuất, lo lắng cho thế gian bên kia luôn có ý nghĩa tích cực là nêu gương trong sáng cho người đang sống ở thế gian hiện tiền. Sự chăm sóc, góp phần giúp đỡ cho người không may cơ nhỡ túng nghèo, đang lăn lộn giữa trần đời, luôn là cần thiết với ý nghĩa vun bồi công đức cho người đã khuất lẫn người đang sống. Rằm tháng Bảy cũng là dịp nhắc nhở mỗi tín đồ Cao Đài chúng ta biết tự thân xét suy tội – phước, mà bồi đức lập công, để sống không thẹn với đời, thác nhẹ nhàng nơi cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.
Huynh Tỷ Đệ Muội Đồng Đạo kính mến,
Với Đại Lễ Trung Nguơn, kinh điển Đạo Nhà dù ít đề cập. Thế nhưng, nền tảng tư tưởng dân tộc lại giúp Đồng Đạo ta hiểu thêm giáo lý của Đạo Nhà. Bởi Thượng Đế đã đến từ Phương Đông và Đất Nước Việt Nam hữu hạnh chính là nơi Thượng Đế lựa chọn để khai cơ Tận Độ.
Nguyện cầu Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu và Các Đấng Thiêng Liêng gia ban hồng ân chư chơn linh Cửu Huyền Thất Tổ và các đẳng chơn hồn tảo đắc siêu thăng, an nhàn cực lạc, do tử tôn lập thân hành Đạo, tích phước hựu tội, hiếu nghĩa vi tiên, cùng gia sức hộ trì sanh chúng giải thoát tiền khiên, thoát ly khổ nạn, thanh nhàn hạnh phước, vĩnh sùng chánh giáo, đắc kỳ Ngươn Hội Trung Nguơn Đại Xá.
NAM MÔ CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT.