THĂM MỘ ĐỨC NGUYỆT TÂM CHƠN NHƠN VÀ VIẾNG TRUNG TÂM THẦN LINH HỌC ALLAN KARDEC

Cập nhật 2012-07-05 10:09:56

(Tin Paris ngày 3/4/2012 – Tường thuật của Tua Lê) 


 

Sau cuộc thuyết trình về Đạo Cao Đài tại Viện Đại Học Vienna, thủ đô nước Áo, Phái Đoàn Cao Đài gồm có 13 vị đến từ các tiểu bang như Washington DC, Virginia, New Jersey, Massachussetts, New York, tiếp tục đi đến thủ đô Paris (Pháp) vào ngày 30 tháng 3 năm 2012. Mục đích đến Paris là muốn đi viếng thăm mộ của Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn, hay Victor Hugo, vị Chủ Trưởng Hội Thánh Ngoại Giáo của nền Đại Đạo chúng ta. Rất ít đồng đạo Cao Đài có căn duyên đến viếng thăm Ngài từ ngày lập Đạo đến nay, cho nên đây là một cơ hội có một không hai trong đời người tín hữu Cao Đài. Mộ của Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn nằm trong Điện Panthéon, ngay trung tâm thành phố Paris. Điện này được xây cất vào năm 1758 dưới thời Vua Louis XV để làm nhà thờ, sau đó vào năm 1791 thì Quốc Hội Pháp đổi lại thành một nơi chôn cất các vĩ nhân có công với nước Pháp, và trước cổng Điện có ghi chữ “Aux Grands Hommes La Patrie Reconnaissante” (“Tổ Quốc ghi ơn các vĩ nhân”). Điện Panthéon hiện chứa khoảng 80 mộ của các vĩ nhân Pháp, trong đó có những nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học, chính trị gia nỗi tiếng của nước Pháp và thế giới như Voltaire, Jean-Jacques Rousseau, Victor Hugo, Emile Zola, Marie-Curie, Louis Braille, Jean Jaurès, v…v…. Phái  Đoàn đã đến trước mộ của Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn, tất cả cầu nguyện xin Ngài ban ơn lành, sau đó cùng chụp hình kỷ niệm.

Trước đó hai ngày, ngày 28/03/2012, Phái Đoàn cũng đã đi xe lửa cao tốc xuống thành phố Lyon, theo lời mời của Trung Tâm Thần Linh Học Allan Kardec tại đây (Centre Spirite Lyonnais Allan Kardec). Lý do là Trung Tâm này đã khám phá Đạo Cao Đài là một tôn giáo dựa vào “cơ bút”, đã viết bài về Đạo trên tờ nguyệt san “Le Spiritisme” của họ vào tháng 9 năm 2011, và nhờ vậy muốn gặp các tín hữu Cao Đài để tìm hiểu thêm. Xin nhắc lại nếu chúng ta xem lại quyển Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, thì vào ngày Thứ tư, 27-10-1926 (âl 21-9-Bính Dần), Đức Chí Tôn có giáng cơ nói về Ông Allan Kardec như sau : “Nhơn loại hiện chịu đau khổ bởi nhiều cuộc tai biến. Thầy đã sai Allan Kardec, Flammarion, cũng như Élie và Thánh Jean Baptiste, là những bực Tiền Thánh báo tin ngày giáng sinh chấn động của Chúa Cứu Thế Jésus Christ, nhưng chúng nó, đứa thì bị hành hạ, đứa khác bị giết chết. Bởi ai? Cũng bởi loài người. Chính con của Thầy cũng bị các con giết mất. Các con chỉ biết tôn sùng Người bằng Tinh thần chớ không bằng Thánh chất.” 

Như vậy Allan Kardec là một vị Thánh được Đức Chí Tôn giao cho một sứ mạng, đó là sáng lập triết lý Thần Linh Học để báo tin trước là sẽ có một tôn giáo tương lai dựa vào triết lý này, do đó Allan Kardec với Đạo Cao Đài không có gì xa lạ, mà chỉ cần thời gian thì cả hai sẽ gặp gỡ và hợp tác với nhau trên phương diện thần linh học, tìm hiểu thêm về sự huyền bí của thế giới  vô hình, nhứt là cần biết linh hồn sẽ đi về đâu sau khi rời khỏi trần gian.

Allan-Kardec, tên thật là Hippolyte Léon Denizard Rivail,  sinh năm 1804 tại Lyon, France, mất năm 1869 (64 tuổi) . Ông là một Giáo Sư về môn Toán, Hóa Học và Vật Lý. Mãi đến năm Ông 51 tuổi thì mới bắt đầu nghiên cứu về linh hồn và vấn đề xây bàn. Ông là người tạo ra danh từ “Spiritisme” (tiếng Anh là Spiritism, tiếng Việt là Thần Linh Học) và viết nhiều sách về linh hồn nỗi tiếng như The Spirit’s Book (Cẩm Nang cho Linh Hồn), The Book of Mediums (Cẩm Nang cho Đồng Tử), the Gospel according to Spiritism (Giải thích Thánh Kinh theo Thần Linh Học), Heaven and Hell (Thiên Đàng và Địa Ngục). Các quyển sách này được viết qua các buổi cầu cơ, tức là qua cả ngàn cuộc nói chuyện với thế giới vô hình và đã được dịch ra qua hơn chục thứ tiếng, nhưng chưa có tiếng Việt. Trung Tâm Thần Linh Học Allan Kardec hiện có mặt trên toàn thế giới, nhiều nhứt là tại Hoa Kỳ, Âu Châu và Nam Mỹ. Cứ 5 năm một lần Trung Tâm Allan Kardec tô chức một Hội Nghị Thần Linh Học Quốc Tế có trên ngàn người tham dự, và phần đông các tham dự viên đều là đồng tử.

Mục đích cuộc viếng thăm Trung Tâm Thấn Linh Học Allan Kardec tại Lyon vì đây là quê quán của ông ta và Trung Tâm này rất nỗi tiếng trong cộng đồng thần linh học với việc huấn luyện đồng tử (giống như Hiệp Thiên Đài) và tổ chức hằng tuần những buổi cầu cơ dành cho công chúng, nghĩa là bất cứ ai muốn liên lạc với thân nhân đã qua đời, có thể gặp được qua các đồng tử của Trung Tâm. Lễ Sanh Ngọc Cảnh Thanh và Phái Đoàn đã được Ông Gilles Fernandez, Giám Đốc Trung Tâm, tiếp đón niềm nỡ, sau đó giải thích những việc làm của Trung Tâm, phương cách huấn luyện đồng tử,  các thể thức và điều kiện để công chúng tham dự một buổi cầu cơ. Ngược lại, Lễ Sanh Ngọc Cảnh Thanh giải thích sơ lược về Đạo Cao Đài, nhứt là về phương diện cơ bút, giải thích về sự khác biệt giữa việc cầu cơ tại Âu Châu và tại Tây Ninh ra sao. Sau đó Phái Đoàn Cao Đài đã dự một buổi cầu cơ dành cho công chúng trong khoảng 1 tiếng đồng hồ. Dĩ nhiên Phái Đoàn cũng đã hỏi thăm nhiều việc với thế giới vô hình. Sau cùng, Lễ Sanh Cảnh đã trao tặng Trung Tâm vài quyển sách về Đạo Cao Đài và một tấm plaque có hình Tòa Thánh Tây Ninh để lưu niệm.

Phái Đoàn Cao Đài tại Tháp Eiffel ở Paris

Trước Điện Panthéon

Trước tấm bảng kỷ niệm ghi cuộc đời Đúc Victor Hugo (Nguyệt Tâm Chơn Nhơn)

Mộ của Đức Victor Hugo hay Nguyệt Tâm Chơn Nhơn

Quang cảnh trong Điện Panthéon

Lễ Sanh Ngọc Cảnh Thanh và Ông Gilles Fernandez Giám Đốc Trung Tâm Allan Kardec

Các đồng tử đang tập trung tư tưởng

Phái Đoàn Cao Đài ngồi dự thính

Quang cảnh công chúng tham gia buổi cầu cơ

Trao tặng tấm plaque lưu niệm có hình Tòa Thánh Tây Ninh

Chụp chung hình kỷ niệm

Xin bấm vào đây để xem thêm các hình ảnh về cuộc viếng thăm hai địa điểm nói trên : caodai.com.vn/vn/albumdetail/vieng-duc-nguyet-tam-chon-nhon-va-trung-tam-allan-kardec-march-2012.html