TANG LỄ CỐ GIÁO SƯ THƯỢNG BÉ THANH (NGUYỄN VĂN BÉ) , PHÓ ĐẠI DIỆN HỘI THÁNH TẠI TP. HCM

Cập nhật 2013-03-04 11:07:46

 
(Tin  Sàigòn ngày 4/3/2013 – Tường thuật của Giáo Sư Thái Thọ Thanh)
Giáo Sư Thượng Bé Thanh sống trong môi trường đạo đức lập thân hành đạo 46 năm qua phục vụ lý tưởng cao cả qua các chức vụ Hội Thánh giao phó: Phó Đầu Tộc Đạo, Cai Quản Họ Đạo Sài Gòn, Phó Đại Diện Hội Thánh tại TP Hồ Chí Minh, phụ trách Ban nghi lễ Tòa Thánh Tây Ninh, vì lý do sức khỏe kém, Hiền huynh được phép nghỉ dài hạn về tư gia dưỡng bệnh, tuổi cao, sức yếu lâm trọng bệnh, Hiền huynh nằm điều trị tại bệnh viện Nguyễn Trải, TP.HCM, hơn 6 tháng, bệnh càng ngày càng trầm trọng, bác sĩ nhận thấy không thể cứu chữa được nữa, cho xuất viện, gia đình đưa Hiền huynh về Thánh Thất Sài Gòn, lúc 20 giờ ngày 20 tháng giêng Quý Tị (1/3/1013) để an dưỡng, nhưng chỉ 30 phút sau Hiền huynh trút hơi thở cuối cùng và mãn nguyện cuộc đời, nơi này đã từng gắn bó nhiệm vụ thiêng liêng hơn 40 năm qua. Hưởng thọ 84 tuổi.
Tang lễ theo hàng phẩm Giáo Sư:
§ Theo luật Đạo tôn giáo Cao Đài tử táng trong 3 ngày (Tam nhựt bất cấm).
§ Hàng phẩm Giáo Sư linh cửu quàn tại Báo Ân Từ hành lễ tang: cúng tế, cầu siêu và chèo thuyền.
Ngày 20/1 Quý Tỵ (1/3/2013) tại Thánh Thất Sài Gòn hành lễ tang:
Dâng sớ lên Đức Chí Tôn có ý nghĩa báo lên Ơn Trên có một vị Đệ Tử vừa quy vị, cầu xin Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu và các Đấng Thiêng Liêng cứu độ chơn linh cho vị ấy được siêu thăng thoát hóa.
Thành phục phát tang:
·         Lễ thành phục là tẩn liệm bao bọc thi hài kín đáo an toàn có ý nghĩa vô cùng, trân trọng thi hài người mới mất.
·         Lễ phát tang là tang phục thường may loại vải trắng mỏng, để cho các con cháu thọ tang, thể hiện lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ, thân tộc.
·         Hành lễ tang theo nghi châm chước tại Thánh Thất.
Ngày 21/1 Quý Tỵ (2/3/2013) đăng điện, cúng tế và cầu siêu:
Con tế cha (ơn sanh thành dưỡng dục sâu nặng, dù ở hoàn cảnh nào cha mẹ không quản ngại khó nhọc, mong con khôn lớn nên người tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ hết lòng tôn kính, cha mẹ mất, cư tang hết lòng bi thương).
Vợ tế chồng: khi chồng mất người nữ tín đồ phải giữ lòng trong sạch mà thờ phượng và cúng tế chồng theo đạo nghĩa của người vợ.
Phụ tế là dành cho chức sắc, chức việc đạo hữu và thân bằng quyến thuộc phụ tế.
Chức sắc từ phẩm Giáo Hữu trở lên thì được chèo Hầu tại Điện Thờ Phật Mẫu.
Chèo Hầu được Ban Tổng Trạo trình diễn theo nghi thức hát Bộ. thành phần gồm có: Tổng Lái, Tổng Mũi. Tổng Thương và Tổng Khậu cùng 12 Bá Trạo. Bí pháp chèo Hầu hay chèo Thuyền Bát Nhã mang ý nghĩa là đưa những người phước đức vượt bến mê bể khổ đẻ đến bên kia bờ giác, tức là dắc Đạo trở về cõi Thiêng Liêng hằng sống.
23/1 Quý Tỵ (4/3/2013) lễ Di Quan đến Đền Thánh:
·         8 giờ Thuyền Bát Nhã đưa linh cửu Giáo Sư Thượng Bé Thanh đến đặt tại Nghinh Phong Đài Đền Thánh Tòa Thánh, Ngài Cải Trạng Lê Minh Khuyên, Phó Chưởng Quản Hội Thánh đặc trách Pháp Luật cầu nguyện vô vi, không có hành pháp độ thăng như ngày xưa.
·         Trưởng huynh Phối Sư Ngọc Hồng Thanh, Thượng Thống Lại Viện, tuyên đọc tiểu sử và công nghiệp hành đạo 46 năm của Giáo Sư Thượng Bé Thanh.
·         Cầu siêu: Rất đông chức sắc, chức việc và đồng đạo đến dự và tụng bài kinh cầu siêu để cầu xin Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu và các Đấng Thiêng Liêng, Địa Tạng Vương Bồ Tát, Thất Nương Diều Trì Cung ân xá cho vong hồn Giáo Sư Thượng Bé Thanh được siêu thăng tịnh độ.
·         Lễ động quan: Cầu siêu xong, Ban Đạo Tỳ khiêng linh cửu lên Thuyền Bát Nhã đưa đến Cực Lạc Thái Bình, Thánh Địa Cao Đài Tòa Thánh, Đồng Nhi đọc kinh Hạ Huyệt (3 lần) và đọc Vãng Sanh Thần Chú (3 lần) khi dứt niệm câu chú của Thầy thi linh cửu được từ từ hạ xuống huyệt là nơi yên giấc nghìn thu vĩnh biệt.
·         Giáo Sư Thượng Bé Thanh đã làm tròn bổn phận nơi mặt thế và sứ mạng Hội Thánh đã giao phó. Nay công viên quả mãn trở về bái mạng Ngọc Hư Cung để nhận phần thưởng Thiêng Liêng cao quý.