KÝ SỰ TRUYỀN GIÁO HÀN QUỐC TỪ 5/7- 10/7/2016 (Bài 1)
Cập nhật 2016-08-20 23:54:25
KÝ SỰ TRUYỀN GIÁO HÀN QUỐC TỪ 5/7- 10/7/2016 (Bài 1)
Lễ Sanh Ngọc Tua Thanh
Tôi sang Hàn Quốc lần nầy là lần thứ 2 trong vòng 2 năm. Lần thứ nhứt, Tôi tháp tùng Phái đoàn Hội Thánh Cao Đài TTTN do Ngài Đầu sư Thượng Tám Thanh hướng dẫn, sang Hàn Quốc dự Hội Nghi Thượng đỉnh Tôn giáo hòa bình Thế giới (WARP summit) tháng 9/2014 ở Thủ đô Hán Thành. Lần nầy Tôi tháp tùng Phái đoàn Ban Đại diện Hội Thánh tại Hải ngoại, do HH Giáo Hữu Thượng Cảnh Thanh hướng dẫn, cũng đến Hán Thành để thuyết trình về Đạo Cao Đài tại Đại Học Daejin, do Trung Tâm nghiên cứu các Tân Tôn giáo (CESNUR= Center for studies on New Religions) tổ chức.
Mục đích Phái đoàn Cao Đài tham dự Hội nghị CESNUR là để thuyết trình về Đạo Cao Đài chớ không phải đến để có mặt. Niềm danh dự và tự hào của Phái đoàn là Đạo Cao Đài có đề tài thuyết trình nhiều nhứt gồm 5 đề tài, trong đó có 3 đề tài được thuyết trình trước phiên họp khoáng đại, còn 2 đề tài thuyết trình trong phiên họp nhóm. Lý do tôi được biết là Hội nghị rất ngưỡng mộ Đạo Cao Đài và muốn biết rõ hơn về Tôn giáo nầy, là do sự đề xuất của GSTS Gyungwon Lee người Đại Hàn, là Trưởng Ban Tổ Chức của Hội nghị. GSTS Lee đã qua Việt Nam nghiên cứu về Đạo Cao Đài, có viếng thăm Tòa Thánh Tây Ninh và có gặp Giáo Hữu Thượng Cảnh Thanh để tham khảo ý kiến.
Trong 5 đề tài thuyết trình thì GSTS Gyungwon Lee thuyết trình một đề tài, còn lại 4 đề tài thì 4 người trong Phái đoàn đảm nhận. Đó là HH GH Trần Quang Cảnh thuyết trình giới thiệu Đạo Cao Đài và TTTN, rồi kế đó ông Jason Paul Greenberger thuyết trình đề tài về sự liên hệ giữa 3 tôn giáo Cao Đài, Oomoto và Tao Yuan, ông Jason còn thuyết trình một đề tài khác nữa là “Thời Mạt kiếp”, ông Grzegorg Fraszczak thuyết trình đề tài về thần linh học của Cao Đài, và cuối cùng GSTS Ninh Thiên Hương thuyết trình về Đức Phật Mẫu.
HH Trần Quang Cảnh với cương vị Giáo hữu đủ tư cách làm Trưởng đoàn và Thuyết trình, còn tôi là Phó đoàn đặc trách ghi nhận và quan sát Hội Nghị. Hội nghị gồm các thành viên là Giáo sư Tiến sĩ ở các Đại học trên thế giới, hoặc các Học giả tôn giáo có nhiều công trình nghiên cứu đáng kể. Do đó Hội nghị đòi hỏi người thuyết trình viên tại Hội Nghị phải là Giáo sư Tiến sĩ hay chuẩn Tiến Sĩ (Ph.D Candidate), hoặc là một nhân vật đặc biệt được mời theo đúng mục đích và đề tài của Hội nghị đề ra.
Giáo sư Tiến sỉ Ninh Thiên Hương, tốt nghiệp Tiến sỉ với Luận án về Đạo Cao Đài, có rất nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu Đạo Cao Đài tại quốc nội và hải ngoại và các tôn giáo ở Đông Nam Á. Hiện nay Cô dạy về Xã hội học (Sociology) ở Đại Học San Luis Obispo, tiểu bang California, Hoa Kỳ. Ngoài ra, cô còn là Thành viên của Nhóm Nghiên cứu Đạo Cao Đài ở Nhật Bản. Cô còn viết nhiều bài Khảo luận rất có giá trị về Đạo Cao Đài đã đăng trong các Tạp chí Quốc tế (xin xem lại Mạng caodai.com.vn, viết rất nhiều về cô Ninh Thiên Hương). Cha mẹ cô là người Việt nam, gia đình qua Hoa Kỳ theo diện H.O lúc cô mới 8 tuổi. Vậy mà bây giờ cô đổ Tiến sĩ, dạy Đại học Mỹ, hiểu biết rất uyên thâm về tôn giáo, thuyết trình và giải đáp mọi vấn đề thông suốt và lưu loát, (lẽ dĩ nhiên bằng tiếng Anh với giọng hoàn toàn Mỹ, như một người Mỹ bản xứ), làm Hội nghị rất thán phục.
Hai ông Jason Paul Greenberger và Grzegorz Fraszczak đang soạn Luận án Tiến sĩ với đề tài về Đạo Cao Đài. Nói một cách thân mật, 2 ông là “sinh viên Tiến sĩ”, kỳ thật 2 ông là Học giả uyên thâm về tôn giáo.
Ông Grzegorz Fraszczak là người Ba Lan, giảng dạy ở Đại học Aberdeen,Scotland, trên dưới 55 tuổi, được học bổng của Ban Đại Diện Hội Thánh tại Hải ngoại cấp để lưu trú ở Việt Nam và Tây Ninh học tiếng Việt và nghiên cứu Giáo lý Cao Đài, với sự hướng dẫn của Giáo Hữu Trần Quang Cảnh, để trình Luận án Tiến sĩ. Ông rất phóng khoáng cởi mở, ăn mặc nói năng tự do không gò bó, giao thiệp rộng rãi, nên ở Việt Nam ông có tên rất Việt Nam là Tâm Ba lan. Ông có nhiều bạn Đạo ở Hội nghị, đi lung tung, nên ở Hội nghị ít khi thấy ông ngồi chung với Phái đoàn.
Ông Jason Paul Greenberger rất trẻ, đẹp trai, độ trên 30-35 tuổi, là học trò của GS Ninh Thiên Hương. Ông rất thích nghiên cứu về các Tôn giáo Á Đông, và rất vui mừng khi biết thêm một tôn giáo mới là Cao Đài. Tôi không biết rõ về ông, vẫn nghĩ ông là một thanh niên trẻ đẹp trai hào hoa, cho nên khi gặp ông ở Thánh Địa Tôn giáo Daesoonjinrihoe, Hán Thành, khi trò chuyện thân tình, ông mới cho biết ông có bằng Thạc Sĩ Thần Học Phật Giáo, là một Đại Đức ở bên Phật Giáo, giữ trường chay. Ông Jason ngoài sự hiểu biết sâu rộng về tôn giáo đối chiếu, còn rất giỏi và thông thạo tiếng Hàn và tiếng Hoa. Ông đến Đại Hàn sớm là vì muốn tìm hiểu thêm về Tôn giáo mới Daesoonjinrihoe (tạm dịch “Đại Tuần Chân Lý Hội Bổn Bộ Đạo Tràng”).
Năm người chúng tôi ở 5 nơi khác nhau, có nhiều việc bận rộn riêng, nên không khởi hành cùng một nơi, một lúc, nhưng điểm hẹn là Đại học Daejin Hán Thánh vào ngày 5/7/16. Ông Tâm Ba lan khởi hành từ Việt Nam. Cô Ninh Thiên Hương đang có công tác giáo dục ở Hòa Lan Âu châu, nên từ đó Cô qua Hán Thành. Ông Jason đang có công tác nghiên cứu ở Đại Học Daejin nên ông đến đó trước một mình.
Tôi và Huynh Cảnh hẹn nhau ở Phi Trường Los Angeles để cùng qua Hán Thành. Riêng tôi khởi hành ở Phi Trường Washington lúc 17g25 chiều ngày 30/6/16 đi Cali. Đến Phi Trường Los Angeles lúc 19g55 chiều cùng ngày, Tôi đợi Huynh Cảnh ở đây để cùng đi chung chuyến bay lúc 1g45 sáng ngày 2/7/16 để đi Đài Loan. Đến Đài Loan lúc 6 giờ sáng cùng ngày (2/7/16) rồi đáp chuyến bay qua Hán Thành (Seoul) Hàn Quốc. Đến Hán Thành vào lúc 11 giờ sáng cùng ngày (2/7/16).Thời tiết không lạnh không nóng. Phong cảnh thanh lịch và tươi mát lôi cuốn lòng người.
Ông Jason vì nghiên cứu Tôn giáo Daesoonjinrihoe (nói gọn là Daesoon) nên đã đến Thánh địa Đạo nầy trước. Ông ra phi trường Hán Thành đón chúng tôi. Huynh Cảnh đề nghị cả 3 cùng mướn Khách sạn ở Hán Thành, vì tưởng VĐH Daejin ở Hán Thành, nhưng ông Jason bảo chúng tôi mua vé xe bus đi đến Thành Phố (TP) Yeoju nơi tọa lạc Thánh Địa của Tôn giáo Daesoon, vì Thánh Địa ở xa Thủ Đô Hán Thành khoảng 2 giờ lái xe. Bây giờ tôi mới biết VĐH Daejin thuộc Tôn giáo Daesoonjinrihoe. Tôi vẫn thắc mắc tại sao chúng tôi phải đến Thánh địa Tôn giáo Daesoonjinrihoe trước mà không đến thẳng VĐH Daejin? Có lẽ ông Jason rủ chúng tôi đến nơi ông đang làm việc cho biết và cho có bạn. Thôi thì cả 3 cùng đến đó cho vui.
Khi đến TP Yeoju, có một cô Sinh Viên tên Jimin Kim học về Thần Học ra tận bến xe buýt đón chúng tôi chở về Trụ sở Thánh địa chánh của Tôn giáo Daesoon để tạm trú. Đây là nơi ông Jason đang hoàn thành việc nghiên cứu tôn giáo đối chiếu giữa Đạo Cao Đài và Đạo Daesoon. Tôi rất ngạc nhiên vì không phải ông Jason chủ động mời chúng tôi đến tham quan Thánh địa, mà là dường như có ai đó sắp xếp trước để chúng tôi được đưa đến đây ngoài dự đoán. Tôi lại ngạc nhiên nữa là chỉ riêng có Huynh Cảnh và Tôi được mời, ngoài ra không ai được mời nữa. Tôi cũng không hết ngạc nhiên khi được Cơ Quan Hành chánh Quản Trị Thánh địa tiếp rước vào hàng “Thượng khách” (VIP), mà những Chức sắc cấp thấp như 2 chúng tôi không bao giờ nghỉ đến, và rất ái náy khi đón nhận sự tiếp rước nồng nhiệt nầy. Ông Jason cho biết đây là sự ưu đải đặc biệt của Cơ Quan hành chánh quản trị Tôn giáo Daesoon (Daesoon administration) kể cả ông Giám đốc điều hành hành chánh, Kim Wook (Department of Academic Affairs = Phân bộ Đại học vụ Daesoon).
Ngoài sự tiếp đón vào hàng “Thượng khách”, Ban Giám đốc Cơ quan quản trị đặc biệt gởi cô sinh viên Jimin Kim hướng dẫn và tháp tùng chúng tôi đi đây đi đó trong Thành phố, trong mấy ngày chúng tôi tạm trú ở đây. Chỗ chúng tôi tạm trú do Trung Tâm Giáo Dục Thanh Niên (Youth Education Center) quản lý, có đầy đủ tiện nghi với 4 tầng lầu, gồm những phòng làm việc, phòng hội họp, phòng sinh hoạt, phòng ăn, nhà bếp, v…v… và tầng lầu 4 thì có khoảng 20 phòng dành cho thượng khách (VIP) tạm trú. Cơ quan nầy do Tôn giáo Daesoonjinrihoe điều hành, cùng ở Thành Phố Yeoju, Tỉnh Gyeonggi, Hàn quốc. Vì ở đây không có món ăn chay, nên cả 3 chúng tôi nhờ cô Kim hướng dẫn đi ăn cơm ở một tiệm ăn hoàn toàn món chay ở Thành phố. Món ăn chay khá ngon miệng chủ yếu là các món nấm và rau cải.
Ngày hôm sau 3/7/16, cô Kim hướng dẫn cả 2 chúng tôi và ông Jason đi tham quan Thánh địa Daesoon. Khung cảnh Thánh địa rộng bao la với nhiều hàng cây xanh thẩm bao bọc các kiến trúc liên hợp vĩ đại cổ kính, với các mái nhà cong giống như các mái đình ở Việt Nam, cao vút chập chùng trên đồi cao, đặc trưng của văn hóa Hàn quốc. Màu sắc cây cối và các công trình kiến trúc hài hòa theo cung cách Á đông, nhất là những màu tương phản của xanh lá cây và đỏ thẩm thể hiện những nét văn hóa đặc thù của bản xứ, tạo nên một vẽ đẹp trang nghiêm và tịch mịch của một nơi tu hành, làm xao xuyến lòng người muốn xa cõi tục. Ông Jason có cảm tưởng là chúng tôi “đi vào một khu cổ điển Á châu sơn bằng cọ sơn. Mỗi nơi chúng tôi đi qua, đều vây quanh bởi những cây cảnh tinh khiết, những vườn cẩn đá, những suối nước chảy, và những công trình kiến trúc truyền thống”. Tôi không thể dùng ngòi bút tả hết các cảnh đẹp của khung cảnh nầy được, xin quí độc giả xem các hình ảnh kèm theo đây.
Chúng tôi dự định nhờ cô Kim dẫn đến thăm chào hỏi ông Giám Đốc Ban Quản trị hành chánh Thánh địa (GS Wook Kim) thì may quá chúng tôi lại gặp ông đã ở sẵn ở Văn phòng. Ông vui vẽ mời chúng tôi trò chuyện thân mật và dùng trà. Qua câu chuyện, tôi được biết GSTS Lee đã giới thiệu nhiều về Đạo Cao Đài, nên Tôn giáo Daesoon biết rất rõ và rất ngưỡng mộ Đạo Cao Đài trước khi Phái đoàn Cao Đài đến. Có lẽ vì lý do này nên Ban Quản Trị hành chánh Tôn giáo Daesoon mới tiếp đải chúng tôi như Thượng khách, để tỏ sự kính trọng. À ra thế! Tiếp đó, ông giải thích sơ lược về Tôn giáo Daesoon và những điểm tương đồng về Thần học và giáo điều giữa Tôn giáo nầy và Đạo Cao Đài, mà Tôi sẽ trình bày trong một bài riêng biệt sau.
Chúng ta đều biết Oomoto giáo (Nhật), Tiên Thiên Cứu giáo Hồng Vạn (Taiwan, Malaysia, Singapore, Thái lan), và ngay cả Nhất quán Đạo Đài Loan, có giáo lý gần giống như của Đạo Cao Đài, là tổng hợp Tam giáo, nhất là đều xử dụng cơ bút. Do đó các tôn giáo nầy rất ngưỡng mộ Đạo Cao Đài, và một số vị lảnh đạo đã đến tham quan TTTN. Riêng Oomoto giáo, như mọi người đã biết, do mặc khải của Thiêng liêng ở núi Phú sĩ, dạy phải tìm về Thánh địa là TTTN, nên năm 2015 chính vị Nữ giáo chủ hướng dẫn Phái đoàn đến TTTN.
Tôn giáo Daesoon có giáo lý gần giống giáo lý Cao Đài, như quan niệm tổng hợp 3 tôn giáo là Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo, nhất là cũng xử dụng cơ bút, sẽ qui về Đạo Cao Đài hay không? Không biết có Thiêng liêng chỉ dạy hay không mà Tôn giáo Daesoon rất ngưỡng mộ Đạo Cao Đài.
Không biết rồi các tôn giáo Á đông có giáo lý và cách hành đạo tương đồng sẽ qui tụ về Thánh địa Tây Ninh theo lối chùm nho hay không? Theo tôi, việc đó sẽ đến theo sự sắp đặt của Thiêng liêng (Thánh Giáo 20/2/26 TNHT trg 9: “Thầy đã hàng ngày nói với các con rằng: Muôn việc chi Thầy đã bố hóa vào lòng các con. Như Các con tinh điều chi tức Thầy đã định rồi), mà những người Tín đồ Cao Đài có nhiệm vụ làm chất keo để nối kết họ đến với chúng ta. Đức Chí Tôn đã lập các Tôn giáo tương đồng với Đạo Cao Đài ở khắp nơi. Một đồng đạo đã nói là Sứ giả của Thượng đế đã ở khắp nơi trên thế giới. Việc nầy Đức Chí Tôn đã nói trước: “Thầy chưa giáng cơ lập Đạo tại nước Nam, chứ chư Thần Thánh Tiên Phật dùng huyền diệu nầy mà truyền Đạo cùng Vạn quốc” (TG 12/11/26- TNHT trg 51). Chúng ta có vai trò đánh trống gỏ mõ để kêu gọi họ đến với chúng ta.
Ông Giám đốc hành chánh cho biết Tôn giáo Daesoon là một tôn giáo mới ở Hàn quốc, được thành lập vào năm 1969, chưa tới 50 năm mà có được 2 triệu tín đồ. Ông cũng giải thích cho chúng tôi rõ về tổ chức vật chất của tôn giáo Daesoon gồm Thánh đường trung ương gồm nhiều kiến trúc liên hợp (central headquarters temple) tọa lạc ở TP Yeoyu, tỉnh Gyeonggi, Hàn quốc. Ngoài ra còn có nhiều Thánh đường liên hợp khác ở các tỉnh như : Mt Geumgang, TP.Toseong, tỉnh Gangwon; ở TP Junggok, Hán Thành; ở TP Pocheon, Tỉnh Gyeonggi ; và một Thánh đường xây dựng đơn giản ở Jeju tỉnh Jeoyu. Một Cơ quan về Xã hội cứu tế (Social welfare foundation). tỉnh Yeoyu, cạnh Thánh đường trung ương. Ở tỉnh Gyeonggi có một Bệnh viện ở TP Bundang gọi là Bundang Jesseng Hospital. Về hệ thống giáo dục thì ở trung ương, tỉnh Gyeonggi, có một VĐH là Daejin University ở TP Pocheon, và ở nhiều tỉnh có Trường trung học cấp 3 (high school) thuộc hệ thống Daejin.
Về tổ chức hành chánh thì ở trung ương gọi là Dojeon có Hội đồng điều hành trung ương (Central Council), và dưới có nhiều Bộ phận (board) như: Phổ thông giáo lý sự vụ (Propagational Affairs), Chỉnh huấn sự vụ (Rectificational Affairs), Huấn thị tôn giáo sự vụ (Religious Order Affairs), Ban Kiểm kê (Audit), Ban Thanh khiết (Edification), và sau cùng có một cơ quan gọi là Giáo dục vụ (Academic Affairs). Dưới mỗi Bộ phận có các Chi (sector). Thí dụ Bộ phận Phổ thông giáo lý có Chi Phổ thông giáo lý địa phương và Chi Thanh khiết địa phương. Thí dụ Bộ phận Chỉnh huấn có Chi chỉnh huấn địa phương. Thí dụ Bộ phận Huấn thị tôn giáo sự vụ có Ủy ban huấn thị sự vụ, Ban kế hoạch, Ban tổng vụ, Ban Đại học vụ, Ban Nghi lễ vụ. Bộ phận Kiễm kê có Ủy Ban Thanh tra và Ủy Ban Kỷ luật. Bộ phận Thanh khiết có Phân bộ giáo huấn và Phân bộ Thanh khiết cơ thể. Riêng về Vụ Giáo dụ có Quỹ giáo dục VĐH Daejin (Daejin University Education Foundation) và Hội Học bổng Daesoon (Daesoon Scholarship Association).
Tôi ghi ra Tổ chức của Tôn giáo Daesoon chi li, là để so sánh với Tổ chức của Đạo Cao Đài. Đạo Cao Đài cũng có kế hoạch phát triển trong chiều hướng đó, nhất là về Phước Thiện và Giáo dục đại chúng, nhưng hoàn cảnh hiện tại không cho phép.
Cuộc trà đàm giữa chúng tôi và ông Giám đốc điều hành càng làm tăng thêm sự thân thiện giữa Tôn giáo Daesoon và Đạo Cao Đài.
Ngày hôm sau 4/7, Ban Giám đốc cho nhân viên hướng dẫn chúng tôi tham quan Lăng Tẳm hai vị Vua nổi tiếng của Hàn quốc, đó là Vua Sejong (trị vì 1418-1450) và Vua Hyojong (trị vì 1649-1659). Buổi chiều hôm đó, toàn thể Ban Giám đốc Điều hành chiêu đải chào mừng chúng tôi đến với tôn giáo Daesoon và đến với VĐH Daejin.
Sáng hôm sau 5/7, chúng tôi được Ban giám đốc cho xe chở chúng tôi đến VĐH Daejin ở TP Pocheon, nhận phòng ở Ký túc xá trong Viện Đại Học vào lúc 4 giờ chiều, để rồi ngay vào lúc 6 giờ chiều, tham dự buổi tiệc tiếp tân và khai mạc Hội nghị CESNUR.
Xin xem bài 2: “ Phái đoàn Cao Đài thuyết trình thành công tốt đẹp tại Hội nghị CESNUR”.
Lễ sanh Ngọc Tua Thanh (Virginia 15/08/2016)