KÝ SỰ NHỮNG NGÀY THÁP TÙNG PHÁI ĐOÀN HỘI THÁNH ĐI BORDEAUX, PHÁP – THÁNG 05/2017

Cập nhật 2017-09-10 07:03:47

Lễ Sanh Ngọc Tua Thanh.
 
Người ta nói “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Tôi tháp tùng Phái đoàn Hội Thánh Cao Đài TTTN đi truyền giáo Âu Châu 15 ngày, Tôi học được 15 sàng khôn. Trước hết, tôi nhận thấy Phái đoàn Cao Đài đi đến đâu cũng được đón tiếp nồng hậu, như thượng khách. Kế đến, Tôi thấy rất nhiều nhà nghiên cứu Tôn giáo chú tâm nghiên cứu Đạo Cao Đài, kể cả nhiều sinh viên học về Tôn giáo cũng làm Luận án Tiến sĩ về Đạo Cao Đài.Tôi cũng học được ở cá nhân Giáo sư Tiến sĩ Massimo Introvigne, VĐH Milan (Ý), tinh thần hăng say nghiên cứu Đạo Cao Đài, nhất là về Cơ bút , và hết lòng nâng đở và khuyến khích việc phổ biến Đạo Cao Đài trên trường Quốc tế. Tôi cũng học hỏi nhiều ở GSTS Jéremy Jammes (Pháp) và GSTS Lukas Pokorny (Áo) về sự hiểu biết rộng rãi giáo lý Cao Đài của 2 ông.
 
Phái đoàn Hội Thánh do đó, trong kỳ Âu du nầy, lần lượt qua Thuyết trình ở VĐH Bordeaux, theo lời mời của VĐH nầy, rồi qua Áo, tham dự lễ khai giảng lớp học Tôn giáo Cao Đài ở VĐH Vienna, kế đó qua Ý tham quan Tòa Thánh Vatica ở Roma,  theo lời mời của”Hội Đồng Cố Vấn Giáo Hoàng Đối Thoại Liên Tôn”, rồi thăm viếng Trụ sở chinh của Trung Tâm Nghiên cứu các Tân Tôn giáo (CESNUR) và thuyết trình Đạo Cao Đài ở “Hội chợ sách Quốc Tế” ở TP Turino (Ý) theo lời mời của GSTS Massimo Introvigne .
 
Tôi xin kể lại Ký sự đầu tiên là: “Ký sự ở TP Bordeaux
 
Bài 1: KÝ SỰ NHỮNG NGÀY Ở TP BORDEAUX.
 
* Hành trình đi Bordeaux.
 
Ngày thứ ba  9/5/17 Tôi có nhiệm vụ phải qua Pháp để tháp tùng Phái đoàn Hội Thánh Cao Đài TTTN, từ Việt Nam sang đó. Thú thật, ngày hôm đó, tôi quá nhiều việc ở sở làm, nên dù đã xin phép nghỉ, nhưng vẫn vào sở giải quyết cho xong một số công việc tồn đọng trước khi khởi hành. Mãi đến 4 giờ chiều mới xong việc. Tôi vội vã từ sở làm ở TB Maryland về nhà ở TB Virginia, cách nhau 50 dậm (miles). May quá hôm đó, trời không mưa và không kẹt xe như mọi khi, nên Tôi về đến nhà kịp lên Phi Trường không trể chuyến bay. Không kịp ăn cơm tối, Tôi vội lên Phi Trường Dulles (Washington) lúc 7 giờ tối, với món ăn nhanh (fastfood) của Mac Donald. Lên máy bay lúc 9.40 tối, tôi quá mệt, ngũ chập chờn, mãi đến khi cô Tiếp Viên mang thức ăn tối.
 
Tôi lại lim dim đi không biết từ lúc nào, đến khi nghe hành khách lao xao, tôi tỉnh ngủ, mới biết máy bay đang đáp xuống Phi Trường quốc tế Charles De Gaulle ( Paris- Pháp). Lúc đó là 10.40 sáng thứ tư 10/5/17 (giờ địa phương). Trời Paris vào Xuân với ánh nắng vàng nhạt trong sáng, đẹp rực rỡ, nhưng không khí còn hơi se sẽ lạnh.
 
Vì không có chuyến bay từ Phi Trường quốc tế Charles de Gaulle đến TP Bordeaux, nên tôi phải chuyển máy bay nhỏ từ một Phi trường nội địa là Phi Trường Orly. Do đo, Tôi mặc vội áo khoát, ra khỏi Phi Trường, rồi gọi Taxi đi qua Phi trường nội địa Orly , cách 1 giờ lái xe. Tuy là Phi Trường nội địa , nhưng Phi Trường Orly ngày xưa là Phi Trường quốc tế của Paris, trước khi có Phi Trường Charles De Gaule, nên Phi Trường Orly cũng khá đẹp và rộng rãi.
 
Tại Phi Trường Orly Tôi gặp Giáo sư Tiến sĩ Jéremy Jammes đang chờ ở đó. Hai chúng tôi cùng mua vé máy bay đi Bordeaux. Chúng tôi đến TP Bordeaux rồi vào khách sạn Ibis đã đặt chỗ trước, lúc 4 giờ chiều cùng ngày. Phái đoàn Hội Thánh Cao Đài TTTN chưa đến. Chúng tôi đợi Phái đoàn ở đây.
 
Xin nói rõ, Phái đoàn Hội Thánh Cao Đài TTTN theo lời mời của “Hội Đồng Cố vấn Giáo Hoàng Đối Thoại Liên Tôn” ấn định là 15 Vị. Phái đoàn đi từ PT Tân sơn Nhất lúc 7.45 giờ sáng thứ tư 10/5/17 (Giờ VN), trực chỉ Paris, đến Paris lúc 17,30 chiều (giờ địa phương), rồi đến 20.35 giờ, Phái đoàn chuyển sang máy bay nhỏ đi Bordeaux.
 
Đến Phi Trường Bordeaux lúc 21.35 giờ. Phái đoàn HT đến khách sạn Ibis vào khoảng 23 giờ khuya cùng ngày 10/5/17 (giờ Pháp). Phái đoàn phải đi ngủ sau một ngày hành trinh dài mệt mõi. Bây giờ ở Việt Nam khoảng 5 giờ sáng ngày thứ năm 11/5/17, là lúc phần nhiều người thức dậy chuẩn bị đi làm việc cho ngày mới. Trọn ngày thứ năm 11/5/17 (giờ Pháp), Phái đoàn nghỉ ngơi sau chuyến hành trình dài và để quen với giờ giấc mới ở Pháp chênh lệch 6 giờ với giờ Việt Nam vì múi giờ. Như vậy Phái đoàn  gồm cả tôi là 16 người.
 
 * Giáo sư Tiến sĩ Jéremy Jammes là ai?
 
Tôi muốn nói nhiều về các công trình nghiên cứu nhân chủng học ở vùng Đông Á và Đông Nam Á của GSTS Jéremy Jammes cũng như những nghiên cứu rất nhiều của ông về Đạo Cao Đài , để thấy rằng tại sao ông có mặt tại VĐH Bordeaux.
 
GSTS Jéremy Jammes là người Pháp, Giáo sư Đại học Brunei, và là Giám đốc Trung Tâm Á Đông sự vụ ở đây. Ông đã trải nghiệm những công cuộc nghiên cứu về nhân chủng học Đông Á và Đông Nam Á ở các nước như Việt Nam, Thái lan, Cambodia.
 
Ông sanh năm 1974. Tốt nghiệp Cử nhân Xã Hội học ở Đại học Lyon (1996), tốt nghiệp Thạc sĩ Xã hội Nhân chủng và Xã hội học (1998) và tốt nghiệp Tiến sĩ về Xã hội nhân chủng và xã hội học (2006) với đề tài về Đạo Cao Đài, đệ trình tại University Paris: “Le caodaisme: rituels mediumniques, oracles et exégèses. Approche ethnologique d’un mouvement religieux vietnamien et de ses réseaux”. Trước khi đệ trinh Luận án nầy, ông Jéremy Jammes có đưa cho HH Trần Quang Cảnh (lúc chưa thụ phong Lễ sanh) xem qua và góp ý.
 
Ngoài tiếng Pháp và tiếng mẹ đẻ, Ông viết, đọc và nói tiếng Anh và tiếng Việt trôi chảy.Ngoài ra  Ông nói trôi chảy tiếng Spanish và Edê -Jorai( Malayo- Polynesien language)
 
Về phương diện hợp tác sưu tầm , Ông cộng tác với Viện Nghiên cứu Á châu (VĐH Brunei -2014); Trung Tâm nghiên cứu Đông Á (VĐH Montréal- 2013);Trung Tâm Đông Nam Á (Paris-2011); Viện Sưu Tầm Đông Nam Á (2010- Bangkok).
 
Về Phạm vi nghiên cứu, GSTS Jeremy Jammes chuyên tâm nghiên cứu về Nhân chủng học ở các nước Đông Á và Đông Nam Á, trong các lãnh vực:Nhân chủng học về chánh trị (ở Đông Á, Đông nam Á,chánh trị và tôn giáo Việt nam, Tình trạng Hoàn tục, chủng tộc thiểu số); Nhân chủng học và lịch sử các tôn giáo (Thiên chúa,P hong trào tân tôn giáo, Tin lành, Phật giáo canh tân, Cao Đài); Nhân chủng học  và khoa học (khoa học, Tôn giáo và canh tân, Thiền, Thông linh học,Thông thần học); Nghiên cứu về chủng tộc (Liên hệ giữa vùng thấp vùng cao); Nghiên cứu Địa lý địa phương (Việt Nam, Cambodia, Đông Nam Á, Đông Á).
 
Về lãnh vực viết sách và viết bài nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế, ông đã viết rất nhiều sách đã xuất bản hoặc dự kiến sẽ xuất bản trong năm 2017 trở đi, cũng như nhiều bài nghiên cứu về nhân chủng học đã đăng trong các tạp chí quốc tế.Ông viết một mình, hoặc cộng tác với người khác, bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và cả tiếng Việt. Phạm vi ông nghiên cứu là vấn đề nhân văn ở các nước Đông Á, Đông Nam Á và các quốc gia mới phát triển như Việt Nam, Cambodia, Thái Lan .
 
Luận án Tiến sĩ của ông đã được xuất bản với nhan đề là :”Les oracles du Cao dai: Étude d’un movement religieux vietnamien et đe ses réseaux”(XB năm 2014=593 trang). Ông viết nhiều sách về Đạo Cao Đài và dự trù xuất bản nhiều sách khác như, “Vietnam under the Eye of a redemptive society. Emergency and developement of Caodai religion (250 trg, dự trù xb năm 2017);” Đạo Cao Đài tại Viet Nam và trên Thế giới”(300trg, dự trù xb năm 2016)…
 
Ông viết nhiều bài nghiên cứu về Cao Đài bằng Việt, Anh, Pháp ngữ,đăng trên các Tạp chí quốc tế, hoặc đăng chung trong sách nhiều tác giả,như:”Caodai in time of War: spirit of struggle and struggle of spirit”xb tháng 3/2016);”Theo đường mòn. Ghi chú cuốn nhật ký hành trình dân tộc học của nhà truyền giáo Jacques-Dournes tại Viet Nam :”Caodaism and its global networks.An Ethnological approach of a Vietnamese religious movement in Vietnam, Cambodia, and overseas”;”Géopolitics du religion au Vietnam”; “Thông Thiên học ou la société thésophique au sud Viet nam”;”Viet Nam:Divination and politics and Religious network in southern Vietnam from The Temple of three doctrines (Tam Tông Miếu)to Caodaism”; “Caodai and it global network”;” Saint siege Caodaist de Tây Ninh and le médium Pham Công Tắc”; “Caodaites de Bến Tre- Viêt Nam after 1975, la pratique médiumnique occulaire en question”; “Cao Trieu Phat :religious military and political leader”;” Cao Đài, Caodaism”, “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ”….
 
Lẽ dĩ nhiên , ông viết nhiều về các biến đổi của tôn giáo ở đây (như Phật giáo canh tân, tình trạng hoàn tục…), phong trào tân tôn giáo và tình trạng xã hội trổi dậy ở các quốc gia nầy, cũng như những vấn đề thông linh và trở về tâm linh … đặc biệt ông viết rất nhiều về Đạo Cao Đài và một ít bài về Đạo Hòa Hảo.
 
Ông cũng nghiên cứu về người Èdê, trong bài: “Symbolisme et représentative du corps regard sur les objects fissés des Édê Kpa de Banmethuot” , và dự kiến xuất bản các quyển tự điển:”Édê -English Vietnamien dictionary”(400 trg, dự trù xb năm 2018);”Dictionary Jorai- Francais “( 400 trg , xb  2018); “Tự điển Jorai- Viet”(400tr, 2018).  
 
*  Cô sinh viên người Hoa khả ái, chuẩn Tiến sĩ Cao Đài giáo Đại Học Paris, trong những ngày ở Bordeaux.
 
Trong ngày nghỉ sau cuộc hành trình dài, Tôi được GSTS Jéremy Jammes giới thiệu một cô sinh viên Tiến sĩ người Hoa, khoản 30 tuổi, vóc dáng Á đông, tóc xỏa ngang vai như một cô gái Việt Nam, trông vui tính và phúc hậu. Cô nói tiếng Việt rất giỏi như một người Việt Nam trí thức. Cô cho biết tên cô là “Nguyên Soái”.Tôi ngạc nhiên hỏi cô có nói đùa không? và có biết chữ “Nguyên Soái” nghĩa gì không? Lẽ dĩ nhiên Tôi biết cô có tên Hoa, nhưng tại sao cô lại dịch ra là “Nguyên Soái”, nghe có vẽ kiêu kỳ, trịch thượng. Cô chỉ cười bảo cô thích tên ấy. Tôi cũng không hỏi tên Hoa của cô, khi cô không nói ra.
 
 Mãi sau khi Tôi rời Bordeaux đi Áo, rồi từ Áo đến Roma để tham quan Tòa Thánh Vatican, ngày 19/5/17, Tôi mới được  email của cô viết bằng tiếng Việt rất trôi chảy, nội dung nguyên văn (kể cả dấu hỏi ngã) như sau: “Cháu xin chào Bác Tua. Cháu là Thiệu Chu Soái (Shao Zhun Shuai). Bây giờ cháu đang học Tiến sĩ tại Paris và nghiên cứu về Đạo Cao Đài. Rất vui và may mắn được gặp Bác tại Bordeaux. Đây là địa chỉ email của Soái. Hi vọng sẽ có cơ hội gặp lại. Chúc Bác vui và hành đạo thuận lợi. Cháu Soái”. Bây giờ tôi mới biết tại sao cô xưng tên là Nguyên Soái. Trước đây Tôi thấy tên cô nghe kiêu căng , bướng bỉnh, bậy giờ lại thấy tên cô dí dởm, thân thương, muốn mãi gọi cô là “Nguyên Soái”.
 
Trở lại những ngày ở Bordeaux, Cô cho Tôi biết cô quê ở Hàng châu (Trung Hoa). Hàng châu quê hương của cô, theo cô kể, cùng Tô châu là 2 Thành phố, mà cô tự hào là có phong cảnh hữu tình đẹp nhất  ở Trung  Hoa, và là di sãn của thế giới,  cũng là quê hương của nghề dệt lụa nổi tiếng thế giới. Cô đã đậu Thạc sĩ (Master) ở Đại Học Hàng châu (Trung Hoa), rồi du học qua Đại học Paris (Pháp), để nghiên cứu vế tôn giáo.
Đối tượng cô nghiên cứu là Đạo Cao Đài. Cô bảo là cô thích nghiên cứu Đạo Cao Đài, để viết Luận án Tiến sĩ. Tôi hỏi cô làm sao cô nghiên cứu Đạo Cao Đài, ai hướng dẫn cho cô ? Cô đưa ra quyển sách của GSTS Jéremy James dầy 593 trang , vốn là Luận án Tiến sĩ của ông, và bảo nhiều lần cô qua Việt Nam, nhờ bạn bè hướng dẫn tham quan TTTN và cho cô tài liệu Đạo Cao Đài, chớ chẳng ai hướng dẫn cả. Tôi cho cô biết chính Giáo hữu Thượng Cảnh Thanh sẽ giúp cô hiểu giáo lý Cao Đài và hướng dẫn cô viết  luận án. Gặp GH Thượng Cảnh Thanh , cô cho biết muốn viết luận án với đề tái Nữ giới trong Đạo Cao Đài. GH Thượng Cảnh Thanh bảo sẽ giúp cô chọn đề khác vì đề tài về phụ nữ khô khan khó viết.
 
Tôi lại giới thiệu cô với 2 vị chức sắc là Phối sư Côn và Phối sư Hồng để 2 vị nầy giúp ý kiến và tài liệu Đạo cho cô.Tôi giới thiệu cô với Phối sư Hương Đắt để khi cô đến TTTN nghiên cứu thì sẽ được bà tiếp đón thuận lợi, chẳng hạn như lo ăn , ở khi lưu trú ở TTTN . Sau cùng Tôi giới thiệu cô với Ngài Đầu sư Thượng Tám Thanh để được phép dễ dàng mọi khi tham quan TTTN và tìm tài liệu để viết Luận án Tiến sĩ.Thế là cô Nguyên Soái được sự giúp đở hoàn toàn của những vị chức sắc cao cấp có thẩm quyền.
 
Tôi hỏi cô làm sao cô biết Phái đoàn Hội Thánh Cao Đài đến Bordeaux mà cô đến vậy. Cô nói các trường Đại học ở Paris đều có dán thông báo, báo Phái đoàn Hội Thánh Cao Đài TTTN thuyết trình Đạo Cao Đài ở VĐH Bordeaux, để những sinh viên nghiên cứu về tôn giáo nếu muốn thì đến đó nghe. À ra thế! Phái đoàn Hội Thánh có tầm vóc lớn hơn Phái đoàn Cao Đài đại diện Hội Thánh đi thuyết trình ở Viện Đại học Vienna (Áo) năm 2012, lúc đó không được phổ biến các nơi khác. Do đó , trong buổi Phái đoàn HT thuyết trình , Hội trường chật nứt thính giả, khoảng 90 người , hầu hết là những Giáo sư, Giảng viên, những nhà nghiên cứu và sinh viên theo học về tôn giáo, nhất là những sinh viên nghiên cứu Đạo Cao Đài đều có mặt. Cũng nên biết trong hàng ngủ những nhà nghiên cứu tôn giáo tham dự nghe thuyết trinh, có một GSTS người Pháp, nói tiếng Việt rất giỏi, đang nghiên cứu Đạo Hòa Hảo.
 
Hồi còn nhỏ, Tôi cứ nghĩ phải giỏi tiếng Anh tiếng Pháp để thuyết giảng Đạo Cao Đài cho người ngoại quốc hiểu. Ngày nay kỷ thuật vi tính tiến bộ, mọi người tự động  tìm hiểu và phổ biến Đạo Cao Đài qua Internet. Chính GSTS Lukas Pokorny cũng nhờ đọc Internet mà biết Đạo Cao Đài và liên lạc GH Thượng Cảnh Thanh. Ngày nay, nhiều nhà nghiên cứu tôn giáo và sinh viên nghiên cứu Đạo Cao Đài đều học tiếng Việt để tự đọc và  tra cứu tài liệu và kinh sách Đạo Cao Đài bằng tiếng Việt.
 
*Buổi thuyết trình của Phái đoàn Hội Thánh tại Viện Đại Học Bordeaux.
 
Ngày thứ sáu 12/5/17 , vào 1.00 giờ Phái đoàn đến VĐH Bordeaux Montaigne. Tại đây có sự tiếp đón long trọng của VĐH mà Đại diện là  Bà GSTS Bernadette Rigal Cellard, Khoa trưởng Phân Khoa Tôn giáo và xã hội, VĐH Bordeaux (lúc trước là Trường ĐH Bordeaux 3) , trước khuôn viên VĐH, có sự hiện diện của  GSTS Massimo Introvigne và GS TS Jéremy Jammes trong cuộc tiếp đón đó, cùng với sự có mặt của đại diện 2 tôn giáo Weixin Shengjiao( Đài Loan) và Daesoon Jinrihoe (Đai Hàn) mà Phái đoàn Đại diện Hội Thánh quen khi thuyết trình Đạo Cao Đài ở Hội nghị các Tân Tôn giáo (CESNUR) ở Hàn quốc năm 2016. Họ vì mến mộ Đạo Cao Đài nên xin tháp tùng Phái đoàn Hội Thánh, cùng đi để họ nhân dịp  giới thiệu tôn giáo của họ trước Hội nghị.
Cũng xin nhắc lại VĐH Bordeaux Montaigne chính là trường Đại Học Bordeaux 3, ngày trước là một trong 4 trường ĐH thuộc VĐH Bordeaux . Mỗi trường dạy một ngành riêng biệt. Kể từ 1/1/14, Trường Đại Học Bordeaux 3 tách khỏi VĐH Bordeaux , trở thành độc lập lấy tên Viện  Đai học Bordeaux Montaigne, trụ sở ở TP Pessac. VĐH Bordeaux Montaigne dạy về Ngôn ngữ, Nghệ thuật, Văn học, và các môn khoa học Xã hội. Trường cũng có Khoa Báo chí và đào tạo Tiến sĩ Nhân Văn.
 
Xin nhắc lại, GSTS Massimo Introvigne quen với HH Trần Quang Cảnh , lúc HH còn là Hội Trưởng Cơ Quan Truyền giáo Hải ngoại, trong kỳ Hội nghị các Tân Tôn giáo (Cesnur) năm 1999, ở TP Bryn Athyn, TB Pennsylvania ( Hoa Kỳ). Ông rất mến mộ Đạo Cao Đài và hết lòng nâng đở việc phổ biến Đạo Cao Đài. Chính ông đã mời Phái đoàn Đại diện Hội Thánh tham dự và thuyết trình tại Hội nghị của Trung Tâm các Tân Tôn giáo (CESNUR) ở Hàn quốc (2016), và năm 2017 nầy, chinh ông mời Phái đoàn Hội Thánh thăm trụ sở Trung ương của CESNUR ở Turino (Ý) mà ông là Chủ tịch, và tham dự Hội chợ quốc tế Sách ở TP Turino (Ý) mà ông là người tổ chức. Cũng chinh ông giới thiệu Phái đoàn Hội Thánh viếng Tòa Thánh Vatican và thuyết trình tại VĐH Bordeaux.
 
Tuy là một trí thức và giáo sư Đại Học, một nhà nghiên cứu tôn giáo uyên thâm, nhưng  ông không phải trầm tư mặc tưởng , trái lại ông rất vui tính và khôi hài, thường hay trò chuyện thân mật , cởi mở với Tôi, chớ không nghiêm nghị khép kín như một nhà Triết học.
 
Ngài Đầu sư được bà GS Khoa trưởng mời vào Hội Trường ngồi hàng đầu và ngay chính giữa. Khời đầu,Ngài Đầu sư Thượng Tám Thanh chào mừng quan khách và ngỏ lời cám ơn sự đón tiếp của VĐH, sau đó tặng Bà GSTS Khoa Trưởng món quà lưu niệm là Hình Tòa Thánh Tây Ninh. Kế đó Ngài lên bục thuyết trình giảng sơ lược về tổ chức và giáo lý Cao Đài. Màn hình trình chiếu phiên dịch Anh Pháp ngữ cùng lúc không cần qua người thông dịch. Sau khi Ngài Đầu sư trình bày, GSTS Jéremy Jammes và GH Thượng Cảnh Thanh giải thích thêm về Đạo Cao Đài bằng Pháp ngữ , cho thinh giả hiểu rỏ hơn và đặt câu hỏi nếu có. Trong lúc 2 Vị trinh bày thì hình ảnh đặc trưng của Đạo Cao Đài được chiếu phụ họa trên màn hình như Tòa Thánh Tây Ninh, Lá cờ Đạo…
 
Phần trả lời câu hỏi rất gay go vì nhiều câu hỏi về cơ bút được đặt ra, làm diễn giả cũng khó trả lời, như kỷ thuật cơ bút , các hình thức cơ bút, đồng tử,  cơ bút hiện nay tại Việt Nam thế  nào, tương lai sẽ ra sao…Tuy nhiên rồi các câu trả lời cũng được giải quyết ổn thỏa. Sau cùng là trinh chiếu vidéo về sinh hoạt đạo sự tại TTTN . Buổi thuyết trinh của Đạo Cao Đài được hoan nghinh nhiệt liệt.
 
Tối hôm đó , Viện Đại học khoản đải Phái đoàn Cao Đài và quan khách tại một nhà hàng sang trọng .Món ăn rất ngon, toàn rau cải, nấu theo kiểu Ý, tức nhiều bơ, phó mát, nên nhiều vị kiêng cử ăn rất dè dặt. Người ta thấy cùng ngồi chung bàn ăn với  6 Vi Nữ Cao Đài có GSTS Massimo Introvigne, GSTS Jéremy Jammes và Sinh viên Nguyên Soái. Hai vị Giáo sư rất vui tính hòa đồng, còn cô Sinh viên Nguyên Soái duyên dáng trong y phục đen và mái tóc thề xỏa ngang vai. Chắc họ đều nói tiếng Việt. Bàn tiệc của Ngài Đầu sư và chức sắc cao cấp, càng khắc khe hơn vì quí vị tuân Ngũ giới cấm nên không uống rượu, dù đó là rượu chát Bordeaux quí lâu năm, bất kỳ du khách nào đến Bordeaux đều phải nếm qua, và là đặc sản nổi tiếng của Bordeaux mà Đai Học mang ra đải khách.
Ngày hôm sau thứ bảy 13/5/17, Phái doàn nghỉ ngơi để chiều hôm ấy lúc 17.30 lên máy bay đi Paris, rồi qua Áo.
 
*Những cuộc du ngoạn tại Bordeaux.
 
Ngày 13/5 là ngày Phái đoàn nghỉ ngơi chuẩn bị lên đường đi Paris lúc 17.30 giờ, lại là ngày thứ bảy. VĐH có ý kiến hướng dẫn Phái đoàn đi tham quan TP Bordeaux. Theo tài liệu về TP Bordeaux đã đăng trên trang Mạng Hội Thánh, chúng tôi được biết đến Bordeaux có 2 việc mà du khách phải biết . Đó là thắng cảnh TP Bordeaux , trong đó có nhiều thắng cảnh được Unesco công nhận là di sãn thế giới, và rượu vang Bordeaux nổi tiếng thế giới.
 
Lẽ dĩ nhiên Phái đoàn đã được hướng dẫn xem các thắng cảnh. Tài liệu đã có giải thích, Tôi không nói lại. Tôi chỉ nói những gì tôi được giải thích về đặc trưng của rượu vang  Bordeaux nổi tiếng thế giới mà người Việt Nam trong nước chắc chắn có thưởng thức qua. Tuy nhiên rượu vang Bordeaux bày bán ở các cửa hàng lớn ở Việt Nam hay được phục vụ ở các Nhà hàng sang trọng chỉ là rượu thường.
 
Du khách thường đến tham quan Tòa nhà Thương xá L’Intendent, Thánh địa của dân sành rượu để được mua một vài chai rượu vang làm quà. Phái đoàn không có mục đích mua rượu nhưng cũng đến tham quan Tòa Thương xá nầy, gồm 4 tầng, bên trong có cầu thang hình xoắn ốc, trưng bày khoảng 15 000 chai rượu vang đủ loại, đủ thời kỳ, có chai rượu củ hàng trăm năm. Rượu càng lâu năm càng ngon và càng quí, không dễ gì ở Việt Nam có được. Giá trị của các chai rượu được trưng bày tùy theo tầng. Tầng thấp (rượu thường), tầng giữa (trung bình), tầng cao nhất (loại quý và mắc tiền).
 
Nếu người Trung Hoa uống Trà là một nghệ thuật, nếu người Nhật uống trà là một Đạo, nếu người Hàn quốc uống Sâm là một truyền thống, nếu người VN uống cà phê phin là để thưởng thức hương vị cà phê, thì người dân Bordeaux uống rượu vang Bordeaux cũng phải biết một số qui tắc căn bản dể thưởng thức hương vị rược. Đó là một nghệ thuật. Do đó ở Bordeaux có lớp dạy thử rượu, lệ phí hàng trăm Âu kim chớ không ít, để thưởng thức hương vị của rượu vang Bordeaux ngon như thế nào, nhất là rượu quí rất mắc tiền.
 
Nói tới rượu vang Bordeaux ngon nhất thế giới, tức phải nói tới kỷ thuật trồng nho ở Bordeaux. Do đó Phái đoàn được hướng dẫn tham quan các khu vực trồng nho bạt ngàn. Có nhiều khu vực trồng nho mênh mông, của nhiều chủ khác nhau, nối tiếp nhau hoặc ở nhiều nơi ở Bordeaux.
 
Có 120 ngàn mẫu (ha) đất  trồng nho, gồm 100.000 khu vực trồng nho. Trong mổi khu vực trồng nho có  một Tòa nhà, gọi nôm na là biệt thự. Không phải biệt thự nào cũng là Chateau (lâu đài). Có Biệt thự chỉ là một tòa nhà bình thường, nhưng có biệt thự đồ sộ như lâu đài. Trong mỗi biệt thự là nơi trưng bày mẫu rượu và bán rượu của khu trồng nho của mình. Khách đến biệt thự sẽ được nếm thử rượu rồi muốn mua hay không cũng được.
 
Phái đoàn tham quan các khu trồng nho quá rộng lớn nên đuối sức, phải dừng chân, chỉ riêng Tôi và GSTS Jéremy Jammes đi sâu hơn. Tôi được người hướng dẫn dẫn vào một Biệt Thự, tại đây có nhiều tài liệu về trồng nho ở Bordeaux.
 
Theo các tài liệu, có 5 vùng trồng nho ở Bordeaux được phân định bởi 2 bên bờ sông Gironde, một phần tư diện tích phía tây nam nước Pháp, vì ở vùng nầy có nguồn nước dồi dào từ Đại Tây Dương và khí hậu ôn hòa. Mỗi vùng chuyên trồng một giống nho đặc biệt và sãn xuất loại rượu vang đặc biệt cho vùng đó. Thí dụ: 1/ vùng Medoc ở mạn trái sông Gironde, chuyên sãn xuất rượu vang đỏ từ giống nho Cabernet Sauvignon và Merlot. 2/ Vùng Graves ở phía nam Medoc, cũng ở mạn trái sông Gironde, sãn xuất rượu vang đỏ lâu đời trước khi rượu Medoc ra đời Nổi tiếng ở vùng Graves, là rượu vang trắng, được sãn xuất từ những trái nho bị tấn công bởi một loài nấm đặc biệt. Loại nấm nầy hút hết nước bên trong khiến trái nho có lượng đường cô động tạo ra rượu vang có hương vị  ngọt rõ nét. 3/ Vùng Entre- deux- Mers quê hương của những chai rượu vang đỏ ngon nhất. 4/ Mạn phải sông Gironde là vung Libourais nổi tiếng thế giới với rượu vang Pemerol thơm ngon hảo hạng. 5/ Một vùng trồng nho lâu đời là Boung và Blaves có giống nho được trồng là Merlot, Cabernet Sauvignon, Cabernet blanc và Malbec.
 
Các cơ sở trồng nho được gọi là chateau. Có 3000 chateau. Rượu được sãn xuất lấy tên gọi của chateau, thí dụ Chateau Latour, Chateau Pontet Carlot. Rượu vang Bordeaux có nhiều tên gọi tùy cơ sở (hay Chateau) sãn xuất,chẳng hạn như Medoc, Pomerol, St Lulien, Margaux, Pauillac, Pessac, Leogman, Entre deux Mers, Sauternes, Barsac. Tên rượu được phân biệt do nơi Chateau nào sãn xuất.
 
Nói chung, nhờ có điều kiện tự nhiên, hệ thống sông ngòi thuận lợi, cùng được thổ nhưởng đa dạng mà rất nhiều giống nho thường hay có thể sinh trưởng tươi tốt tại đây giúp các giống nho nầy bộc lộ được hết phẩm chất đáng quý tạo ra trái nho có hương vị đặc trưng hiếm thấy ở bất kỳ vùng nào trên thế giới. Rượu vang có tinh cách độc đáo và hương vị tuyệt vời cũng do kỷ thuật như nhờ sự kết hợp của các giống nho trong các vườn nho, các vùng đất, khí hậu và sự lựa chọn của nhà sãn xuát rươu vang.. Bordeaux sãn xuất được cả rượu vang đỏ, rượu vang trắng và rượu vang ngọt.  Loại nào cũng được khen ngợi.
 
Lễ Sanh Ngọc Tua Thanh ( Hoa Thịnh Đốn 8/9/2017)