HỘI THẢO VỀ ĐẠO CAO ĐÀI TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC DHAKA, BANGLADESH

Cập nhật 2018-03-18 23:21:28

(Tin Dhaka, Bangladesh ngày 7/3/2018 – Bài và hình ảnh: Tuấn Em và Thùy Trang của CaodaiTV)
 
Hội Thảo về Đạo Cao Đài được tổ chức vào ngày 4-6/3/2018 tại Khoa Tôn Giáo và Văn Hóa Thế giới, trường Đại Học Dhaka, Bangladesh. Hội thảo này là một tiêu chí đánh giá hoàn thành luận án tiến sĩ của Phó Giáo Sư Thạc Sĩ Mohamad Jahangir Alam về Đạo Cao Đài.
 
Phó Giáo Sư Alam với bằng cấp Thạc Sĩ về Cao Đài Giáo (Master in Caodaism) là giảng viên chính, giảng dạy bộ môn Đạo Cao Đài và là người được Cơ Quan Truyền Giáo Cao Đài Hải Ngoại cấp học bổng sang Việt Nam để học tiếng Việt và nghiên cứu về Đạo Cao Đài từ năm 2013 đến 2015. Hiện nay, Phó Giáo Sư Alam đang trong quá trình hoàn thiện luận án Tiến sĩ về chủ đề “Đạo Cao Đài: Sự phân tích dựa trên yếu tố lịch sử - xã hội về một nền tôn giáo dung hợp ở Việt Nam và mối liên hệ với các tôn giáo khác” (Dao Cao Dai: A Socio-historical Analysis of a Syncretic Vietnamese Religion and Its Relationship to other Religions).
 
Đạo Hữu Nguyễn Tuấn Em và Đạo Hữu Lý Thị Thùy Trang đã đại diện cho Giáo Hữu Thượng Cảnh Thanh (Trần Quang Cảnh), Trưởng Ban Đại Diện Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh tại Hải Ngoại, tham dự Hội thảo này và đã có các cuộc gặp gỡ chính thức với Giáo Sư Kazi Nurul Islam, Cựu Trưởng Khoa Tôn Giáo và Văn Hóa Thế Giới – người đã có công đưa Đạo Cao Đài làm môn học chính thức trong chương trình đại học của trường Đại Học Dhaka.
 
Ngoài ra, Đạo Hữu Nguyễn Tuấn Em cũng đã có bài tham luận trong buổi Hội thảo với chủ đề: “Đạo Cao Đài: Sự kết hợp hài hòa của các giá trị lịch sử, truyền thống và văn hóa Việt Nam” (Caodaism: A harmonious Blend of Vietnamese Historical, Traditional and Cultural Values) và thực hiện hai bài thuyết trình về những đặc điểm, giáo lý cơ bản của Đạo Cao Đài cho tổng cộng khoảng 100 Giáo Sư và sinh viên của lớp học về Đạo Cao Đài và của Đại Học Dhaka tham dự.
 
Ngoài ra, sinh viên cũng tham gia lập thành hoạt động nhóm, thảo luận và thuyết trình về những hiểu biết của các em về Đạo Cao Đài. Các sinh viên đã tỏ ra rất hào hứng, đóng góp và chia sẻ ý kiến một cách nhiệt tình, thể hiện kiến thức nền tảng rất tốt về Đạo Cao Đài mà các em đã tiếp thu.
 
Lớp học về Đạo Cao Đài được chính thức đưa vào giảng dạy cho sinh viên (giảng bằng Anh ngữ) của Khoa Tôn Giáo và Văn Hóa Thế Giới, trường Đại Học Dhaka, Bangladesh, từ niên học 2005-2006 sau chuyến viếng thăm và thuyết trình về Đạo Cao Đài vào tháng 3 năm 2003 của phái đoàn Cao Đài do Hiền Huynh CTS Trần Quang Cảnh làm Trưởng đoàn. Giáo sư Kazi Nurul Islam, cựu Trưởng Khoa Tôn Giáo và Văn Hóa Thế Giới cho biết là Tổng Thống Bangladesh và đồng thời là  Hiệu Trưởng Viện Đại Học Dhaka, Iajuddin Ahmed, sau khi tiếp Phái Đoàn Cao Đài tại Dinh Tổng Thống, đã trực tiếp chỉ thị GS Kazi Islam nghiên cứu đưa tôn giáo Cao Đài làm môn học chính thức trong chương trình đào tạo của Khoa Tôn Giáo và Văn Hóa Thế Giới (Department of World Religions and Culture).
 
Môn học về Đạo Cao Đài với tên gọi chính thức là “Truyền thống tôn giáo Cao Đài” (Cao Dai Religious Tradition) là một môn học thường xuyên, gồm 4 tín chỉ, được giảng dạy vào học kỳ 7 cho sinh viên năm thứ 3 của chương trình Cử Nhân đào tạo đại học 4 năm. Hiện nay, có tổng cộng 80 sinh viên theo học môn học này, tăng hơn gấp đôi so với số lượng là 35 sinh viên trong năm học đầu tiên đưa môn Đạo Cao Đài vào giảng dạy chính thức. Theo Phó Giáo Sư Alam cho biết, dự kiến năm học tới (2019) sẽ có khoảng 100 sinh viên đăng ký học bộ môn tân Tôn giáo này.
 
Hiện nay, nhiều sinh viên các khóa trước đã tốt nghiệp đại học và đang theo học các lớp thạc sĩ đều mong muốn nghiên cứu bộ môn Đạo Cao Đài và cho biết sẽ chọn Đạo Cao Đài làm đề tài nghiên cứu cho luận văn thạc sĩ của mình.
 
Nối gót Đại Học Dhaka, cũng xin nhắc lại là Viện Đại Học Vienna, Áo, cũng đã mỡ lớp học môn Cao Đài Giáo tại Phân Khoa Tôn Giáo vào tháng 3 năm 2016 cho sinh viên học Thạc Sĩ.
Có thể nói, việc đưa môn Đạo Cao Đài làm môn học chính thức giảng dạy trong môi trường học thuật tại trường Đại Học Dhaka cũng như các trường Đại Học khác là bước ngoặc lớn giúp cho nền Đại Đạo ngày càng phát triển vững bền.
 
Sau đây là một số hình ảnh sinh hoạt với các sinh viên tại Đại Học Dhaka, Bangladesh.