(Tin Tây Ninh ngày 25/2/2012)
Kể từ khi Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn và Đức Hộ Pháp thành lập Hội Thánh Ngoại Giáo để phổ truyền Đạo tại hải ngoại thì vào thời đó chỉ có hai quốc gia là Pháp và Kampuchia là có sự hiện diện của Đạo Cao Đài, hoạt động của Hội Thánh Ngoại Giáo vào thời mới lập Đạo bị hạn chế, một phần cũng do nơi sự biến chuyển về mặt Đời của nước Việt Nam. Đến năm 1973 thì Hội Thánh đã chuyển từ danh xưng Hội Thánh Ngoại Giáo sang danh xưng Cơ Quan Truyền Giáo Hải Ngoại (CQTGHN), tuy nhiên vào thời này cũng không có hoạt động gì về truyền giáo cho người ngoại quốc. Từ năm 1985 thì tại hải ngoại, đồng đạo Cao Đài đã tựu tập và thành lập các Thánh Thất ỡ Hoa Kỳ, Úc Châu, Canada, Pháp, Đức, nhờ vậy công tác truyền giáo cho người ngoại quốc của CQTGHN mới bắt đầu tiếp tục hoạt động lại (1998) qua những chuyến đi tham dự các Hội Nghị tôn giáo thế giới, đi thuyết trình về Đạo tại các Viện Đại Học ở Hoa Kỳ, Canada, Úc, Bangladesh.
“Nam Bắc cùng rồi ra ngoại quốc” đó là câu thánh ngôn của Đức Chí Tôn mà bất cứ người tín đồ Cao Đài nào cũng đều thuộc nằm lòng. Ngày hôm nay, sau khi ổn định các sinh hoạt đạo sự tại quốc nội, Hội Thánh bắt đầu chú trọng đến việc phổ truyền Đạo cho người ngoại quốc. Hằng ngày tại Đền Thánh, có từ 200 đến 300 du khách ngoại quốc đến viếng thăm Đền Thánh, nhưng Hội Thánh không thể làm gì để giải thích về Đạo vì lý do dễ hiểu là thiếu nhân sự, thiếu tài chánh, thiếu phương tiện để phụ trách một công tác rất quan trọng này. Nói và giải thích Đạo bằng tiếng Việt đã là khó, nói chi đến giảng nghĩa bằng Anh ngữ, Pháp ngữ, Nhựt ngữ, Đức ngữ, v…v… Sách vỡ về Đạo bằng Anh ngữ rất hiếm hoi, cho nên vấn đề ưu tiên ngày nay là làm sao có nhiều người viết sách về Đạo Cao Đài bằng ngoại ngữ dưới sự hướng dẫn của Hội Thánh.
Bước đầu thành công của Hội Thánh hiện nay là một Đại Học Hồi Giáo, Đại Học Dhaka ở quốc gia Bangladesh, giảng dạy về môn Cao Đài Giáo cho sinh viên lớp Cử Nhân, ngang hàng với các tôn giáo lớn khác như Thiên Chúa Giáo, Phật Giáo. Đặc biệt Đại Học này cấp bằng Thạc Sĩ Cao Đài Giáo cho hai Giáo Sư giảng dạy môn Cao Đài. Nhân dịp Lễ Hội Yến năm 2010, một Phái Đoàn của Viện Đại Học Bangladesh đã đến viếng Tòa Thánh Tây Ninh và đã diện kiến với Ngài Đầu Sư Thượng Tám Thanh, Chưởng Quản Hội Thánh. Nhân cơ hội này, Giáo Sư Khoa Trưởng Kazi Nurul Islam đã xin Hội Thánh chấp thuận bảo trợ cho một Thạc Sĩ người Hồi Giáo đến Tây Ninh làm luận án để lấy cấp bằng Tiến Sĩ Cao Đài Giáo.
Giáo Sư Mohammad Jahangir Alam có bằng Thạc Sĩ Cao Đài Giáo, phụ trách giảng dạy môn Cao Đài từ năm 2008, nay muốn tiếp tục con đường học vấn cao hơn, tức là muốn lấy văn bằng Tiến Sĩ Cao Đài Giáo. Có thể nói, nếu việc học hành trôi chảy êm xuôi và đương sự tốt nghiệp vào năm 2013, thì Đạo Cao Đài có một Tiến Sĩ Cao Đài Giáo đầu tiên trong lịch sử Đạo, và đây là một bước tiến quan trọng trong công tác phổ truyền Đạo cho toàn thế giới.
Sự hổ trợ cấp học bổng của Hội Thánh đã đưa Mohammad Jahangir Alam đến VN vào ngày 2/2/2012, đương sự bắt đầu học tiếng Việt trong một năm rưởi tại Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn (University of Social Sciences and Humanity – USSH) tại TP. HCM, sáu tháng sau đó (năm 2013) sẽ về Tây Ninh học Đạo để chuẩn bị viết luận án : “Multifaceted Contribution of His Holiness Ho Phap Pham Cong Tac: A Critical Analysis” (tạm dịch : Sự đóng góp muôn mặt của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc : một sự phân tích nghiêm trọng). Dĩ nhiên có những người sau đây hướng dẫn đương sự trong tiến trình học vấn và làm luận án : Lễ Sanh Ngọc Cảnh Thanh, Tiến Sĩ Huỳnh Ngọc Thu của Đại Học USSH và Giáo Sư Janet Hoskins của Đại Học USC, California, Hoa Kỳ. Ngoài ra, Ông Wayne Chornohus, người đạo gốc Canada, nhập môn tại Tòa Thánh năm 2009, hiện cư ngụ tại Tp. HCM và dự định sẽ về cư ngụ tại Tòa Thánh để làm công quả, giúp đỡ đương sự về nếp sống mới hằng ngày tại VN, hầu đương sự không bị ngỡ ngàng trong đời sống mới.
Ngày 25/2/2012, Lễ Sanh Ngọc Cảnh Thanh hướng dẫn hai vị Alam và Chornohus về Tây Ninh trình diện Hội Thánh, và đã diện kiến với Ngài Đầu Sư Thượng Tám Thanh, Chưởng Quản Hội Thánh, với sự hiện diện của Ngài Q. Ngọc Chánh Phối Sư Ngọc Thưởng Thanh, Giáo Sư Ngọc Nhơn Thanh, Q. Thượng Thống Học Viện kiêm Giám Đốc Hạnh Đường, Giáo Sư Ngọc Hồng Thanh, Tổng Quản Văn Phòng Ngọc CPS, Giáo Sư Thái Côn Thanh, Tổng Quản Văn Phòng Thái CPS.
Theo lời huấn dụ của Ngài Đầu Sư Thượng Tám Thanh thì kể từ nay, bất cứ ai muốn nghiên cứu về Đạo Cao Đài, nhứt là những người ngoại quốc, sẽ đều được Hội Thánh quan tâm, hướng dẫn trong việc nghiên cứu và giúp đỡ hết mình.