CUỘC PHÁN XÉT CUỐI CÙNG (TÁC GIẢ : EMILIEN HOFMAN)

Cập nhật 2019-02-06 21:56:22

 (Bài viết nói về Đạo Cao Đài Việt Nam trên tạp chí thông tin hàng đầu của Vương Quốc Bỉ mang tên Le Vif , được viết bởi nhà báo Emilien HOFMAN, số 1 ngày 03/01/2019, phát hành tại Bruxelles. Ký giả Hofman được Ban Đại Diên Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh Tại Hải Ngoại mời tham dự Đại Lễ Hội Yên Diêu Trì Cung tại Tòa Thánh Tây Ninh vào những ngày 22 đến 25 tháng 9 năm 2018 – Bản dịch của Lâm Hoàng Ngọc Diễm, thuộc Họ Đạo Bruxelles, Vương Quốc Bỉ - Xin xem bản chánh tiếng Pháp tại phần Pháp văn của trang mạng này).
 
Hai tiếng trống trong đêm và đám đông đứng giống như một người. Trong im lặng, mắt nhìn vào "Thiên Nhãn". Hai tiếng trống tiếp theo thông báo bắt đầu buổi lễ cúng nửa đêm. Trên ban công nhìn xuống kiến trúc đặc biệt của nội tâm Đền Thánh, đàn nguyệt, đàn tỳ ba và thanh la, anh em họ của đàn guitar và chiêng cồng, vang lên tiếng nhạc pha trộn âm nhạc Ả Rập, châu Á và đôi khi huyền bí. Bên dưới, những trật tự viên tách biệt sắp xếp tín đồ theo giới tính, theo phẩm vị Chức sắc và theo màu áo: Phái Thái thì màu vàng, Phái Ngọc thì màu đỏ và Phái Thượng thì màu xanh đứng ở giữa; tín đồ bình thường thì đứng ở hai bên. Bị bao quanh bởi những con rồng vươn lên như đèn chùm, hàng trăm tín đồ, đi chân không, trải thảm cho Đền Thánh. Bên ngoài, có hơn 10.000 người tham dự lễ khai mạc Đại Lễ nhằm vinh danh Đức Diêu Trì Kim Mẫu, vị Nữ thần Thánh Mẫu và thay mặt cho Đức Chí Tôn trong Đạo Cao Đài.
 
Elmer Nguyễn, nói tiếng Anh thông thạo vì là một tín đồ đã từng du học tại Đại Học Westminster, Anh Quốc, đã làm tình nguyện viên trong lễ Hội Yến kỳ này. Anh cho hay “Tôi đã tiếp cận và tìm hiểu đạo Cao Đài và tôi nhận thức ra được rằng ngoài cuộc sống vật chất bên ngoài thì thế giới tâm linh huyền bí trong mỗi con người đối với tôi phải được chú trọng. Đạo Cao Đài là một tôn giáo có tín dung hợp các tôn giáo lớn chủ yếu là Phật Giáo, Đạo Giáo, Nho Giáo, Hồi Giáo và Cơ Đốc Giáo. Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng cầu nối giữa các đức tin để mang mọi người lại gần nhau và mang lại hòa bình cho thế giới. Cho dù người tín đồ Cao Đài đi đến một nhà thờ, một Chùa Phật giáo hay một ngôi chùa nào khác, người Cao Đài cũng đều nhận được sự ban phước lành của Đức Chúa Jesus, Đức Phật và Đức Cao Đài, Đấng tối cao.
 
ĐI VỀ CÕI NIẾT BÀN
 
GS Massimo Introvigne không thích cá. Và Ông cũng không thích bánh phòng tôm chiên. Bị ép buộc vào chế độ ăn chay vào giữa trưa, nhà xã hội học của tôn giáo Ý này thỏa mãn cơn khát tò mò của ông ta bằng cách tìm Giáo Hữu Cảnh Trần, Trưởng Ban Đại Diện Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh tại Hải Ngoại, để giải thích : "Trong hai lần, Đức Thượng Đế đã tiết lộ sự thật của mình cho con người dưới hình dạng con người (Thí dụ : Thánh Moses và Đức Chúa Jesus bên Công Giáo). Thánh ngôn của Đức Ngài đưa ra trong sự mong manh không thông hiểu của con người. Hôm nay, Đức Thượng Đế quyết định đem lại sự hòa bình thông qua phương thức thần linh học. Đạo Cao Đài tương ứng với sự tha thứ lần thứ ba này của Thượng Đế”. Ông Massimo giải thích giống như một nhà truyền giáo.
 
Cuối tuần này, Cảnh Trần hướng dẫn một đoàn các học giả tôn giáo quốc tế đến thăm viếng địa điểm linh thiêng là Tòa Thánh Tây Ninh, tương đương với Tòa Thánh Vatican, cách thành phố Hồ Chí Minh 90 km về phía bắc.
 
Tôn giáo Cao Đài được sinh ra chính thức vào năm 1926 khi vị Đốc Phủ Ngô Văn Chiêu, công chức của Nhà nước Pháp, nhận được thông điệp của Đấng Tối cao trong các buổi cầu cơ. Nhiệm vụ của Ông ta rất rõ ràng: Thu thập lại các tín ngưỡng trên thế giới để tạo lập hòa bình.
Trong hai năm, Ông Chiêu truyền bá lời dạy này và sử dụng Thiên Nhãn để tượng trưng cho sự “hiện diện khắp nơi và thấy tất cả" của Thượng Đế. Sau đó Ông Chiêu rút vào một cuộc sống tu thiền riêng tư.
 
Đạo Cao Đài sau đó tìm được một vị lãnh đạo trong con người của Ông Lê Văn Trung, một chàng trai trẻ được chỉ dạy qua linh hồn của một nhà thơ Trung Quốc vào thế kỷ thứ 8 đã chết đuối vào một buổi tối khi say rượu, khi cố gắng thu thập một vầng trăng. Kế bên Ông Trung còn có Ông Phạm Công Tắc, người đảm nhận lảnh đạo tiếp theo bằng cách tổ chức và phát triển tôn giáo này cho đến khi ông qua đời vào năm 1959. Trong địa điểm linh thiêng của Tòa Thánh Tây Ninh, ngôi nhà của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc là nơi dành cho những tín đồ nhiệt thành nhất đến thăm viếng. Một số người cầu nguyện bên ngoài trước cửa Hộ Pháp Đường, những người khác được phép đến thăm nội thất của Ngài, khám phá những bức ảnh xưa, hàm răng giả và chiếc giường cũ.
 
Cái chết không làm lo lắng những người tín đồ theo đạo Cao Đài, vì đó là một phần của sự tiến hóa của linh hồn trên con đường hoàn thiện. "Có năm cấp bậc khác biệt của linh hồn: Nhân, Thần, Thánh, Tiên và cuối cùng là Phật", Cảnh Trần nói. Sau khi chết, cơ thể vẫn còn trên trái đất nhưng linh hồn quay trở lại cõi trên, từ nơi nó xuất phát. Để chuyển sang cấp bậc tiếp theo, linh hồn nhận một nhiệm vụ để trỡ xuống thế gian mà hoàn thành. Trong một xác thịt khác và một thế giới khác. Vũ trụ quan Cao Đài bao gồm 72 địa cầu có thể sinh sống được. Sau khi đi qua trái đất, địa cầu thứ 68, linh hồn được đi lên Địa cầu 67 và cứ thế theo thứ tự giảm dần. Ngôi Địa cầu cuối cùng? Cõi Niết bàn.
 
HUYỀN DIỆU VÀ ĐẠI TỪ BI
 
Các lối đi trong Chợ Dâng Hiến không có gì đáng ghen tị so sánh với Quảng trường Times Square (Luân Đôn) : tiếng ồn ào, người đông đảo, và cảnh tượng rực rỡ  của đèn neon trong 101 gian hàng trưng bày của khu lễ . Bên cạnh những kim tự tháp trái cây và nến, sự sùng kính của các tín đồ được thể hiện bằng những sáng tạo như một con phượng hoàng chế biến với những gói bột cà-ri hay những con hạc chế biến bằng các củ hành tây hoặc một con rồng trong lá đu đủ. "Mọi người mất rất nhiều thời gian để làm mọi thứ để dâng hiến lên Đức Diêu Trì Kim Mẫu, Toni Lý, một tín đồ tình nguyện viên cho biết. “Người ta chỉ trưng bày trái cây, bánh và hoa. Thực phẩm này sẽ được phân phối vào ngày mai cho trẻ em. Các em thích đến đây.” Và các em không phải là những người duy nhất. Trong Lễ hội, khoảng 200.000 tín đồ trong cả nước, theo các nguồn tin, đến thăm viếng các gian hàng trưng bày quen biết của họ. Ở vài con đường phố khác, ta thấy các dòng người tín đồ đang chờ nhận các buổi cơm chay ăn miễn phí.
 
Bị chặn bởi các lễ nghi tiếp tân, Grzegorz Frąszczak không tham gia vào buổi lễ. Không sao, vì sau vài năm nghiên cứu về tôn giáo này, nhà xã hội học Ba Lan biết sự hào phóng của những người theo đạo Cao Đài. "Đây là một trong những lý do cho sự phổ biến của tôn giáo này trong một xã hội Việt Nam đặc biệt bởi sự không quan tâm đến người cao niên, ông nói. Dưới thời Pháp thuộc, nhiều người Việt Nam cảm thấy xuống hạng dân thứ hai. Việc Thượng Đế chọn đất nước của họ để truyền bá một tôn giáo mới có nghĩa là mang lại hòa bình, do đó được coi như là một phép lạ”. Chịu ảnh hưởng của bối cảnh chính trị và xã hội đầu thế kỷ 20, Đạo Cao Đài được xây dựng trên cơ sở truyền thống và văn hóa châu Á, nhưng cũng kết hợp các yếu tố phương Tây như biểu tượng của việc trưng bày hoa quả và thứ bậc của các chức sắc, trong đó có Ông Cảnh Trần. Một điều lệ của tôn giáo là cấm dùng thịt và cá. "Giết hại động vật giống như giết chết những người anh em của chúng ta vẫn lạc hậu trên con đường tiến hóa", biện minh cho người đàn ông nhỏ bé này đang thoát ra khỏi quá trình giảm dần lượng tiêu thụ thịt của mình, gợi nhớ đến một số phương pháp nhất định để ngừng hút thuốc.
 
Các chức sắc cao cấp về mặt lý thuyết có đặc quyền thông công với Đấng Cao Đài và các Đấng Thiêng liêng. Trong các buổi cầu cơ, quý vị này sử dụng một cây cơ để trao đổi với thế giới bên kia. Ngay khi giao tiếp bắt đầu, hai người đồng tử ngồi đối diện nhau gây ra chuyển động cái giỏ khoảng hai mươi centimet, bên trên có một cái đầu con chim phượng bằng gỗ. Cái mỏ của con chim huyền thoại có thể gỏ trên một tấm ván biểu đồ theo thứ tự chữ cái, hoặc vẽ các chữ cái bằng một bút lông, hoặc thậm chí di chuyển trên một bảng được phủ bằng cát mịn để viết các thánh ngôn. Không có cuộc cầu cơ nào được tổ chức từ năm 1975 (đọc ở nơi khác), nhưng những thánh ngôn nhận từ trước đến nay vẫn được nuôi sống phong trào Cao Đài.
 
DISNEY, HUGO, RỒNG
 
"VICTOR HUGO LÀ MỘT TÍN ĐỒ VỀ THẦN LINH HỌC VÀ ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI VIỆT NAM BIẾT TIẾNG PHÁP TRONG NHỮNG NĂM 1920, THÌ TÊN TUỔI CỦA ÔNG TA TIÊU BIỂU MỘT THẦN TƯỢNG TRANH ĐẤU CHO NHÂN QUYỀN "
 
Với lối trang hoàng đặc sắc, Đền Thánh hùng vĩ có vẽ như các cung điện của Disney, của buổi lễ Giáng sinh. Bức bích họa chính tại sảnh Đền Thánh cũng gây bất ngờ. Victor Hugo xuất hiện ở đó viết dòng chữ "Thượng Đế và Nhân loại. Tình yêu và Công lý.” Nhà thơ Victor Hugo vốn là một vị Thánh, có nhiệm vụ xuống trần thế để truyền bá mối Đạo. "Tôi làm dưới quyền của Ông ta", Cảnh Trần nói, biết rằng tác giả đã chết bốn mươi mốt năm trước khi thành lập tôn giáo. Victor Hugo là một tín đồ của chủ nghĩa Thần linh học và đối với tất cả những người Việt Nam học tiếng Pháp vào những năm 1920, tên của ông gợi lên một hệ tư tưởng nhân văn. Chính nhờ những bài viết của mình mà nhà văn truyền tải thông điệp thống nhất của Cao Đài. Những nhân vật vĩ đại khác của Cao Đài gồm có Joan of Arc, Marie Curie hay Lenin. Những cái tên này không gây ngạc nhiên cho Grzegorz Frąszczak. "Những người này đã chiến đấu vì tự do, vì hòa bình và cố gắng phát triển như con người. Đó là lý do tại sao họ được tôn kính, không phải vì họ làm việc thần kỳ, sinh viên tiến sĩ này nói. Đó là một quyết định của người dân. Một người có năng khiếu dạy kiến ​​thức của mình và do đó duy trì nghệ thuật này qua các thời đại cũng sẽ được coi như là một vị thánh.
 
Một điều không thể bỏ qua, cuộc diễn hành đánh dấu sự hoành tráng của buổi Đại Lễ. Bức tượng Joan of Arc là một phần của cỗ xe của Đức Phật Mẫu và Cửu Vị Tiên Nương di chuyễn đến Đền Thánh cùng với sự nhào lộn của các diễn viên, nhạc sĩ và vũ công cải trang thành con Phụng. Vào khoảng gần 10 giờ đêm, con Rồng nhan,  được hơn trăm người đội múa, quyết định phun lửa trước đám đông bị chinh phục. "Chỉ ở dưới chân Tòa Thánh là con rồng ngoan ngoãn.” Cảnh Trần giải thích. Nếu ra khỏi nơi này, con Rồng sẽ đập phá như thể được ra tù và đó sẽ là một tai họa cho nhân gian. Thánh ngôn cho chúng tôi biết như vậy.”
 
Rất cần thiết cho tôn giáo Cao Đài, thần linh học vẫn còn nhiều người đặt câu hỏi và đôi khi bị mang tiếng là một tôn giáo không trật tự. Grzegorz Frąszczak cho biết đó là một phản xạ tự nhiên của người phương Tây xem như là một dị giáo. "Ở châu Á, mọi người dân tin tưởng nhiều vào cuộc sống hơn là tín điều. Họ có một đường hướng để tuân theo, nhưng họ giải thích và dạy tôn giáo của họ dựa trên kinh nghiệm của họ, cho dù điều đó có liên quan đến cuộc sống hàng ngày của họ hoặc của các tôn giáo khác.” Với một nụ cười cuối cùng, nhà xã hội học Ba Lan xin chào tạm biệt. Xin hẹn gặp lại ở Địa Cầu 67.
 
(Tác giả : Emilien Hofman. Bản dịch : Lâm Hoàng Ngọc Diễm)