CÙNG VỀ TÒA THÁNH TÂY NINH KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ VÍA ĐỨC CHÍ TÔN

Cập nhật 2013-02-20 13:07:59

(Tin Tòa Thánh Tây Ninh ngày 18/02/2013)- Tường thuật của Giáo hữu Thái Thọ Thanh và Phóng Viên Bích Vân)
 
Theo thông lệ thường niên, ngày 9 âm lịch hàng năm, người người khắp nơi tụ về Tòa Thánh Tây Ninh cùng nhau mừng đại lễ vía Đức Chí Tôn. Năm nay cũng vậy, dưới vòm trời trong xanh, Tòa Thánh Tây Ninh lại rộn ràng chào đón gần vài chục ngàn người. Họ đến đây, mang theo những ước nguyện đầu năm, cùng nguyện cầu Đức Chí Tôn và kính dâng lên Ngài những ước mong về một Năm Mới tốt đẹp và tràn đầy phúc lộc.
 
Bá tánh nguyện cầu
Bà Sáu Nhung ngụ quận 8, thuộc Họ đạo Sài Gòn, năm nay 83 tuổi. Ở tuổi này người già thường không muốn đi đâu xa, vì chân tay, gân cốt đã mỏi mệt. Nhưng bà Nhung thì khác, bà thức giậy từ rất sớm, khoác lên mình bộ lễ phục trắng tinh cùng đoàn người tiến về Tòa Thánh với tâm trạng phấn khởi. Bà vừa cười vừa nói: “Tôi cầu nguyện Đức Chí Tôn ban cho tôi sức khỏe dài lâu. Tôi có 4 đứa con nhưng không nhờ được đứa nào. Mình phải tự lo cho mình để không phải phiền đến con cháu. Chỉ có Đức Chí Tôn mới giúp tôi có được điều tôi đang mong”.
 
Cũng như bà Nhung, bà Thái Thị Nê sống gần Tòa Thánh cũng một mực nhờ con trai đưa bà đến dự thánh lễ cầu nguyện vào lúc 12g khuya ngày đại lễ để “cầu xin Đức Chí Tôn ban cho có sức khỏe đặng có sức mà đi lại bán vé sống qua ngày”. Bà cụ 70 tuổi hai mắt đã mù lòa vì căn bệnh cườm khô hơn 8 năm qua. Bà không còn nhìn thấy đường đi, nhưng bà tin “Ánh mắt của Đức Chí Tôn luôn soi đường cho tôi và giúp tôi bán vé số mỗi ngày. Chẳng có ai gạt tôi dù chỉ một đồng hay một tờ vé số nào. Tất cả là nhờ có Ngài phù hộ. Cuộc sống của tôi an bình là nhờ có Ngài ban cho”.
 
Thánh lễ cầu nguyện khuya hôm ấy đông nghẹt người. Hàng ngàn người gồm các chức sắc và các tín đồ trật tự theo hàng tiến vào chánh điện để tiến hành cầu lễ, trong khi hàng ngàn tín đồ khác mặc lễ phục trắng nghiêm trang tọa lạc ở bên ngoài sân gạch trước cây Bồ Đề và xung quanh chánh điện cùng hiệp thông dâng lời cầu nguyện lên Đấng Chí Tôn.
 
Chị Trần Thị Dung, 35 tuổi, bị khuyết tật hai chân vì chứng sốt bại liệt từ nhỏ là một tín đồ Phật giáo, chị cũng tìm đến đây và cầu xin Đức Chí Tôn ban cho chị sức khỏe và công việc may mặc của chị ngày càng tốt đẹp hơn. Dung nói: “Đức Chí Tôn là Cha chung của tất cả chúng ta. Ngài yêu thương tất cả, không phân biệt một ai”. Ước mong có một gia đình êm ấm là ước mơ thầm kín bấy lâu nay của Dung. Chị nghĩ là người khuyết tật thì ước mơ này thật là xa vời lắm, chị đã dâng lên Đức Chí Tôn ước nguyện này và tin Ngài sẽ giúp cho ước ao của chị trở thành sự thật.
 
Nguyện cầu cho các cháu học hành, thi cử đỗ đạt, chị Cao Thị Hồng, một phụ nữ độc thân ở Trảng Bàng, còn xin vài cành hoa huệ đem về trưng trên bàn thờ nhà mình. Chị tin khi rước phước lộc của Đức Chí Tôn về nhà thì gia đình chị êm ấm, khỏe mạnh và người mẹ già sẽ khỏi được bệnh tật. Quanh năm sống với ruộng đồng, người phụ nữ 48 tuổi vẫn luôn luôn nhớ đến các dịp lễ trọng đại. Chị tin: “Tham dự và xin ơn trên với lòng thành tâm thì Đức Chí Tôn sẽ ban cho chúng ta”.
 
Cùng góp công tạo phước
Hàng ngàn người đến dự đại lễ vía Đức Chí Tôn để bày tỏ lòng thành kính với Ngài, nguyện cầu với Ngài và cũng là dịp giúp cho các đạo hữu tạo phước cho bản thân và cho con cháu mai sau.
 
Trong cái nóng hầm hập của khu bếp ăn, Ông Tiêu Xế luôn tay múc canh chua từ một chiếc chảo lớn, rồi cẩn thận đổ vào một chiếc nồi cho các thanh niên trẻ đưa qua Trai đường phục vụ bữa ăn cho bà con phương xa đến dự đại lễ. Ông Xế không thể nhớ nổi là đã nấu được bao nhiêu nồi canh chua, chỉ biết là “cứ nấu hết nồi này lại nấu đến nồi khác, phải làm liên tục để kịp phục vụ giúp bà con no lòng. Họ cầu nguyện được ơn thì mình cũng được hưởng phước”.
 
Ông Tiêu Xế là cha của 8 người con. Ở tuổi 72, ông vẫn phải lao động kiếm tiền lo cho hai vợ chồng và nuôi người con út học đại học, vì con cái đã ra riêng hết. Phương tiện lao động của Ông Xế là một chiếc xe đạp cũ. Mỗi ngày ông kiếm được 70.000 tiền công từ việc chở đồ thuê. Hy sinh 3 ngày lao động, người đàn ông có dáng người gầy gò đến phục vụ đại lễ với tâm tình thiện nguyện: “Mình có sức khỏe là nhờ Đức Chí Tôn ban cho. Mình dùng sức khỏe để phục vụ bá tánh chính là tạo phước cho mình. Mình được hưởng và con cháu mình cũng được hưởng nhờ”.
 
Cùng với tâm tình như Ông Xế, Bà Huỳnh Thị Nghĩa, 71 tuổi cho hay bà phục vụ Trai đường từ năm 48 tuổi đến nay. Sáu người con của bà đều đã thành đạt, người thì làm kỹ sư, người trở thành giám đốc. Bà tâm niệm: “Phục vụ bá tánh thì Đức Chí Tôn ban phúc cho mình và cho con cháu mình nữa”.  Mặc bộ lễ phục trắng nghiêm trang, nhưng bà Nghĩa không đi dép cao gót như những người phụ nữ khác đến dự đại lễ, bà chỉ đi đôi dép hai quai đơn giản “để chạy tới chạy lui cho nhanh, dọn bàn ăn hoặc dọn chén dĩa cho chu đáo”.
 
Theo lẽ thường, người lớn tuổi mới lưu tâm đến việc tạo phước cho con cháu mình, nhưng một thanh niên 33 tuổi lại có suy nghĩ khác. Người ấy là Lê Minh Sang. Chàng thanh niên trẻ cho rằng: “Tạo phước đức cần làm mọi lúc, khi còn trẻ thì hưởng phước đời mình, sau nữa là tạo phước cho con cháu mai sau”.
Cùng với các thanh niên khác phục vụ trong Trai đường, Sang đứng cạnh một thùng cơm lớn dài 2 mét, rộng 8 tấc, hơi nóng bốc khói nghi ngút, anh luôn tay xúc cơm phục vụ bữa ăn cho khách hành hương.
Làm nhân viên giao nước ngọt cho một công ty ở Thành phố Hồ Chí Minh, Sang đã xin nghỉ việc ba ngày để phục vụ đại lễ Vía Đức Chí Tôn. Sang cho hay mỗi năm anh về quê hai lần vào rằm tháng 8 và mùng 9 tháng giêng phục vụ hai dịp đại lễ trong năm và anh cảm thấy hạnh phúc với điều mình đã làm được.
Trong năm rồi, Sang nói rằng nhờ có phước lành Đức Chí Tôn ban nên anh đã thoát chết trong một tai nạn giao thông. Anh luôn cảm tạ Ngài vì ngài đã ban cho gia đình anh có sức khỏe và đủ ăn đủ mặc.
 
Trong khi những người phục vụ Trai đường tất bật với việc phục vụ bữa ăn, thì nhiều bổn đạo khác lo trưng trái cây, cắm hoa dâng Đức Chí Tôn và rửa tượng Kim Mao Hẫu. Những việc làm thiện nguyện trong tâm tình tạ ơn theo các bổn đạo “sẽ đẹp lòng Đức Chí Tôn” như họ cầu mong.
 
Chở những ước nguyện của bà con đạo hữu Họ đạo Sài Gòn đến nguyện cầu với Đức Chí Tôn, Bà Phạm Kim Sang, một người phụ nữ có gương mặt phúc hậu đã đài thọ cho bà con hai chuyến xe đến đại lễ. “Tôi mong những ước nguyện của các đồng đạo sẽ trở thành hiện thực và Đức Chí Tôn sẽ thương giúp họ vượt qua những đau khổ như tôi”, Bà Sang tâm sự. Niềm tin về tình yêu thương của Đức Chí Tôn với Bà Sang luôn luôn là tuyệt đối. Ngài đã giúp bà vượt qua đau khổ của cuộc đời làm dâu khổ sở, bị mẹ ruột hắt hủi, cuộc sống lam lũ với đủ các nghề se còng, bắt cá, buôn bán gạo, mua ve chai…để nuôi sống gia đình và lo cho con cái nên người.
Người phụ nữ là mẹ của bốn người con tâm tình: “Đức Chí Tôn đã thương ban cho tôi làm gì thì thành công nấy, nên tôi ước ao chia sẻ phước lành cho anh chị em xung quanh tôi”.
 
Ngày đại lễ đã khép lại và kết thúc tốt đẹp trong tình yêu thương đồng đạo. Chuyến xe yêu thương thiện nguyện của người phụ nữ có gương mặt phúc hậu nhưng chịu nhiều gian truân tạm thời dừng bánh để những đồng đạo lại trở về với gia đình họ. Cũng từ đây, niềm tin mãnh liệt về tình yêu thương của Đức Chí Tôn sẽ lan tỏa trong các gia đình, như ngọn lửa sưởi ấm cho gia đình họ và những gia đình đang gặp gian truân thử thách. Tin rằng họ sẽ vượt qua khổ đau. Tin rằng họ sẽ giữ mãi ngọn lửa yêu thương và lan tỏa ngọn lửa yêu thương ấy để sưởi ấm muôn lòng.
  (Tường thuật của Giáo Hữu Thái Thọ Thanh và Phóng Viên Bích Vân)