KÝ SỰ TRUYỀN GIÁO HÀN QUỐC (5/7-10/7/2016) (Bài 2)

Cập nhật 2016-08-27 23:35:22

KÝ SỰ TRUYỀN GIÁO HÀN QUỐC (5/7-10/7/2016)  (Bài 2)
PHÁI ĐOÀN HỘI THÁNH CAO ĐÀI TÒA THÁNH TÂY NINH THUYẾT TRÌNH TRƯỚC ĐẠI HỘI CÁC TÂN TÔN GIÁO
 
*I-Khung cảnh những ngày Đại hội CESNUR ở VĐH Daejin.
 
Ngày Thứ ba 5/7/16, chúng tôi trong Phái đoàn Hội Thánh Cao Đài gồm 5 người, dù khởi hành không cùng một địa điểm,  đã có mặt đầy đủ ở điểm hẹn là Viện Đại học Daejin- Hàn Quốc. Đó là Giáo Hữu Thượng Cảnh Thanh - Trần Quang Cảnh (Trưởng Ban Đại Diện Hội Thánh tại Hải Ngoại, California- Hoa kỳ), Trưởng Phái đoàn, tôi, Lễ sanh Ngọc Tua Thanh (Thánh Thất Hoa Thạnh Đốn, Hoa kỳ), Phó đoàn, đặc trách thu nhận thông tin, Giáo Sư Tiến sĩ (GSTS) Ninh Thiên Hương (California Polytechnic University, San Luis Obispo), Thạc sĩ Grzegorz Fraszczak (Aberdeen University, Scotland), và Thạc sĩ Jason Paul Greenberger (University of the West, Rosemead, Hoa Kỳ).
 
Lúc 4 giờ chiều trong ngày, sau khi nhận phòng ở ký túc xá của Viện Đại học, chúng tôi tề tựu ở Đại sảnh dành cho Giáo sư gọi là Professor’s Hall, VĐH Daejin. Trước mặt và trong Đại sảnh có treo những tấm biển với dòng chữ: “Religious Movements in a Globalized World- Korea, Asia and Beyond” (tạm dich :Phong trào tôn giáo trong thế giới toàn cầu hóa - Hàn quốc- Á châu và các Quốc gia khác). Tại đây Giáo hữu Thượng Cảnh Thanh Trần Quang Cảnh, đã quá vui mừng gặp lại vài người bạn củ đã gặp nhau 16 năm trước như GSTS Massimo Introvigne (Chủ Tịch Cesnur, Giáo Sư tại Pontifical Salesian University, Torino, Ý), Ông Dan Fefferman (Chủ Tịch Liên Minh quốc tế cho Tự do Tôn giáo, Washington DC Hoa Kỳ), GSTS J. Gordon Melton (VĐH Baylor, Waco, Texas, Hoa kỳ), GSTS Eileen Barker (Trường Kinh tế Luân Đôn- Anh), và người bạn mới quen là GSTS Lee Gyungwon, VĐH Daejin, Hàn quốc. Các Vị nầy hiện giữ vai trò quan trọng trong Đại hội CESNUR 2016 nầy.
 
Cả ngày 5/7 nầy chỉ là ngày tập họp các Tham dự viên, và tạo cơ hội cho các Tham dự viên gặp nhau. Rồi chiều ngày nầy từ 17.30giờ-18.00 giờ dành cho việc ghi danh các Phái đoàn tham dự. Sau đó là Buổi lễ Khai Mạc Đại hội tại Đại sảnh Professor’s Hall kéo dài từ 18.00 giờ- 20.00 giờ, dưới sự chủ tọa của GSTS Myeonjae, Chủ Tịch VĐH Daejin và GSTS Chongsuh Kim, Chủ tịch Học Viện Nghiên cứu các tân tôn giáo Hàn quốc (Korean Academy of New Religious- KANR). Mục đích buổi lễ là giới thiệu Lịch sử của Phong trào các tân tôn giáo ở Hàn quốc.
 
Các Tham dự viên thấy GH Thượng Cảnh Thanh và Tôi mặc Đạo phục trắng tinh anh đều chăm chú nhìn rồi đến niềm nở bắt tay chúng tôi. Các Phái đoàn cũng có nhiều người cũng mặc Đạo phục trắng, nhưng các Tham dự viên chỉ chú ý chúng tôi, có lẽ họ có nghe qua giáo lý Đạo Cao Đài mà họ sẽ tìm hiểu trong kỳ Đại hội nầy.
 
Theo chương trình Đại hội kéo dài trong 5 ngày, gồm 2 ngày rưỡi hội thảo bắt đầu từ thứ Tư 6/7, và chấm dứt vào trưa ngày thứ sáu 8/8/16 và 2 ngày rưỡi, từ buổi chiều hôm đó và 2 ngày kế tiếp, các Tham dự viên nếu không có gì trở ngại, được hướng dẫn đi tham quan. Trong thời gian 2 ngày rưỡi Đại hội, Viện Đại học Daejin đài thọ ăn và ở, còn 2 ngày rưỡi đi tham quan thì các người nào muốn tham dự thì tự đài thọ mọi chi phí.
 
Riêng trong 2 ngày rưỡi Đại hội (6-7 /8 và nửa ngày 8/8/16), các Tham dự viên ăn tập thể theo thể thức tự chọn ở Phòng ăn trong Đại sảnh Professor’s hall, theo một chế độ rất bình đẳng không phân biệt quốc gia, chủng tộc, đẳng cấp xã hội. Các món ăn đều được ghi tên và đặc biệt có bàn ăn riêng toàn là món ăn chay. Tất cả các Tham dự viên đều được tiếp đải như nhau, tự chọn món ăn, tự chọn chỗ ngồi thích họp, và trao đổi chuyện trò với người khác, cùng quây quần ăn uống và hàn huyên tâm sự với nhau, nên bửa ăn đơn giãn nhưng vui vẽ trong tình, bạn hữu bốn phương.
 
Tuy việc ăn ưống không phải là vấn đề chính của Hội nghị, nhưng “có thực mới giựt được Đạo”, nên chúng tôi cũng xin ghi ra cho quí đồng đạo biết sự chu đáo của Ban Tổ chức. Trong 2  ngày Đại hội, từ 13.00 giờ đến 14.30 giờ là ăn trưa ở Professor’s hall, từ 18.30 -20.30 giờ là ăn tối ở Cafeteria Grazie bửa thứ tư, và ở Professor’s hall vào thứ năm. Bửa thứ sáu 8/8/16, Đại hội chỉ có trong buổi sáng, nên ăn trưa ở Professor’s hall từ 12.00giờ- 13.00giờ, xong ra xe bus đi tham quan lúc 13.30 giờ .
 
Cũng nên nói thêm, Đại hội được tổ chức thuyết trình ở Daejin Education Building, buổi sáng ở lầu 1 dành cho thuyết trình trước Phiên họp khoáng đại (Plenary session), buổi chiều ở lầu 2 dành cho  thuyết trình trước Phiên họp Nhóm hay là Phiên họp song song (parallel sessions). Tùy theo tính cách quan trọng của bài thuyết trình, Ban Tổ chức xếp vào Phiên họp khoáng đại hay phiên họp Nhóm. Hội nghị có 3 có buổi sáng dành Thuyết trình trước Phiên họp Khoáng đại và 2 buổi chiều dành cho Thuyết trình trước Phiên họp Nhóm.
 
Mỗi buổi hội thảo (buổi sáng từ 9.30 giờ đến 13.00giờ,  và buổi chiều từ 14.30 giờ -18.00 giờ) có 2 xuất mỗi xuất kéo dài khoảng 1.30 giờ. Mỗi xuất dành cho một hay nhiều Phiên họp (session), mỗi Phiên họp có 3 hoặc 4 đề tài mang ra thuyết trình nên có 3-4 Thuyết trình viên. Trong phiên họp khoáng đại chỉ có một phiên họp duy nhứt, toàn thể Tham dự viên vào trong một phòng họp (Phòng 103) để cùng nghe thuyết trình một số đề tài giống nhau. Thường mỗi Phiên họp có 3-4 đề tài thuyết trình. Còn trước Phiên họp Nhóm thì các đề tài được chia ra trong nhiều Phiên họp nhỏ. Các Thuyết trình viên được chia thành nhiều Nhóm nhỏ 3-4 người thuyết trình 3-4 đề tài trong mỗi phòng riêng biệt. Các Tham dự viên thích đề tài nào thì vào phòng liên hệ nghe. Các Nhóm nghe thuyết trình cùng một lúc song song nhau.  Mỗi đề tài dài khoảng 25 phút. Xong một xuất là nghỉ giải lao 20 phút để uống cà phê, rồi trở vô tham dự xuất khác.
 
*II-Nội dung các bài thuyết trình trong Đại Hội.
 
Theo chủ đề của Hội nghị là “Religious Movements in a Globalized world: Korea, Asia, and beyond”, tức Hội nghị nầy chú trọng đến đối tượng là các phong trào tân tôn giáo ở Hàn quốc , Á châu và các Quốc Gia khác, và trong bối cảnh thế giới toàn cầu hóa. Nói khác, mục đích của Hội nghị là thảo luận các phong trào tân tôn giáo xuất hiện ở Á châu có khuynh hướng toàn cầu hóa, chớ không phải khai thác giáo điều các tôn giáo củ mấy ngàn năm qua chỉ có mục tiêu cục bộ. Nếu Hội nghị có nói đến các tôn giáo củ như Phật, Thiên chúa, Hồi giáo, là chỉ đề cập đến các điều canh cải của các tôn giáo nầy phù hợp với khuynh hướng tôn giáo hiện nay và trào lưu toàn cầu hóa mà thôi.
 
Tuy chủ đề chỉ đề cập các phong trào tân tôn giáo ở Á Châu, nhưng Trung Tâm Nghiên cứu các tân tôn giáo (CESNUR - Center for Studies on New Religions) là cơ quan quốc tế, mà GSTS Massimo Introvigne là Chủ tịch, trụ sở chính ở Ý, mỗi năm tổ chức một lần luân phiên ở một quốc gia trên thế giới. Tổ chức CESNUR phối hợp tổ chức Đại hội với Hội đoàn quốc tế nghiên cứu các tân tôn giáo (International Society for the Study of New Religions - ISSNR), mà GSTS Milda Alisauskiene là Chủ tịch, và các tổ chức tôn giáo ở Hàn quốc như Học Viện Nghiên cứu các tân tôn giáo ở Hàn quốc (Korean Academy of New Religions - KANR) mà GSTS Kim Chongsuh là Chủ tịch, và Phân khoa Thần học Daesoon, thuộc VĐH Daejin, mà GSTS Lee Gyungwon là Khoa trưởng Phân khoa nầy.
 
Theo lời giới thiệu của GSTS Myeonjae, Chủ tịch VĐH Daejin, thì chính GSTS Lee Gyungwon Khoa trưởng Phân khoa Thần học Daesoon và GSTS Kim Wook, Giám đốc Học Vụ Daesoon đã mang Hội nghị CESNUR vào khuôn Viên VĐH Daejin.Chính GSTS Lee Gyungwon đã gặp HH Trần quang Cảnh tại VN vào đầu năm 2016 nhân một chuyến đi công tác tại đây, và thảo luận về Đạo Cao Đài. Do đó, GS muốn mời đại diện Hội Thánh Cao Đài TTTN sang dự Hội nghị CESNUR ở Hàn quốc vào tháng 7, 2016. GSTS Lee Gyungwon tuy không thuộc Phái đoàn Cao Đài, đã viết một bài thuyết trình về giáo lý Đạo Cao Đài sẽ đọc trong Đại Hội, mà chúng tôi sẽ nói sau. Chính ông đã mời GH Thượng Cảnh Thanh và Tôi về lưu trú ở Thánh địa Tôn giáo Daesoon trước khi qua VĐH Daejin, và tiếp đón chúng tôi như thượng khách để tỏ lòng kính trọng Đạo Cao Đài, như đã nói ở bài trước. Còn GSTS Kim Wook là người tiếp đón chúng tôi vô cùng chu đáo trong 2 ngày chúng tôi tạm lưu trú ở Thánh địa, đã tiếp xúc thân mật với chúng tôi và giải thích cho chúng tôi nghe về tôn giáo Daesoon.
 
*-Với chủ đề nói trên, chúng tôi thấy Đại Hội chú trọng các vấn đề sau:
 
1/ Bài giới thiệu” Religion and globalization: Korea and the world) do chính GSTS Massimo Introvigne, Chủ tịch CESNUR, đọc mở đầu các buổi thuyết trình, nói về phong trào tân tôn giáo ở Hàn quốc và tương quan giữa các tôn giáo nầy với thế giới trong xu hướng toàn cầu hóa. Trong phần tân tôn giáo Hàn quốc, chúng tôi nhận thấy 2 tân tôn giáo nổi tiếng ở Hàn quốc là Tôn giáo World Peace and Unification hay là Unification church của Đạo sĩ Moon và tôn giáo Daesoonjinrihoe . Cả 2 tôn giáo nầy đều có khuynh hướng thống nhứt và toàn cầu hóa. Tôn giáo Unification Church được thuyết trình trong phiên họp khoáng đại xuất 2, với 3 đề tài, và nhiều đề tài ở các phiên họp Nhóm. Tôn giáo Daesoon được thuyết trình trong nhiều đề tài có tính cách nồng cốt của Đại Hội. Có bài thuyết trình so sánh tôn giáo Daesoon với Nhất Quán Đạo (I-kuan Tao Đài Loan) và Đạo Cao Đài (Việt Nam), hoặc so sánh tôn giáo Daesoon với tôn giáo Weixinshengjiao (Đài Loan).
 
Tôn giáo Daesoon chúng tôi sẽ trình bày trong một bài riêng. Còn tôn giáo Unification Church do Đạo Trưởng Sun Myung Moon (1920-2014) thành lập năm 1954. Tôn giáo nầy đã được truyền bá qua Âu châu và Hoa kỳ. Đạo trưởng Moon đã đi khắp Hoa Kỳ, thuyết giáo trước số đông đảo người nghe vào những năm 1970, do đó tôn giáo nầy phổ biến khắp thế giới. Đạo trưởng Moon và bà vợ thứ 2 có 14 người con. Sau khi ông qua đời, con thứ là Hyun Jin lên thay cha, tức Preston Moon. Đạo Unification từ đây bất hòa trong gia đình và phân hóa. Năm 2010, Preston Moon lập ra một tổ chức khác có tên Family Peace Association, khác với Unification Church trước đây.
 
2/Các phong trào tân tôn giáo ở Đông Á Châu như Tiên Thiên Cứu Giáo Hồng Vạn (T’ienti) ở Đài Loan, Nhất Quán Đạo (I-kuan Tao) ở Á châu và Đạo Cao Đài ở Việt Nam, Phật giáo canh tân của Đài Loan, và các phong trào tôn giáo mới hiện đại  ở Trung hoa (Pháp Luân Công - Falun Gong) và Nhật Bản (Kampo - tôn giáo bí truyền thành lập từ những năm 1970), các phong trào tân tôn giáo ở Mông cổ, các phong trào tân tôn giáo ở Nam Hàn, phong trào Tân Khổng giáo, v…v...
 
3/ Thời đại mới và sự trở về của tôn giáo bí truyền (Esotericism). Các phương thức thiên về vô vi như Yoga, Thiền Misa và các nghi thức thờ cúng (cult). Misa là viết tắt cụm từ Movement for Spiritual Integration into the Absolute” (Phong trào tâm linh hội nhập vào thể tuyệt đối) thành lập năm 1990 ở Lỗ Ma Ni, là một trong những tân tôn giáo nổi cộm ở châu Âu. Tôn giáo nầy thiên về dục vọng. Ngoài ra có phong trào tân tôn giáo y học (Universal medecine), thành lập năm 1999 bởi Serge Benhayon, ở North Rivers của New South Wales, Úc. Tôn giáo ầy kết họp giáo dục bí truyền (thiền - esotericism) và khoa vật lý trị liệu.
 
4/Các phong trào tân tôn giáo khác như Mormon, Do Thái giáo và Hồi giáo, Phật giáo xoay vòng (Won Buddhism), phong trào tân tôn giáo Tablighi Jama ở Kyrgyzstan, sau khi Liên sô sụp đổ năm 1991, phong trào tân tôn giáo Channelers ở Nga
 
Trong 5 buổi thuyết trình, Đại hội có 68 đề tài thuyết trình của hàng chục Thuyết trình viên ở khắp thế giới, thuộc nhiều chủng tộc khác nhau và thuộc nhiều tôn giáo khác nhau. Thuyết trình viên là các vị Giáo sư Tiến sĩ, các Thạc sĩ chuyên ngành Tôn giáo, và các nhà Nghiên cứu Tôn giáo nổi tiếng trên thế giới. Nội dung các bài Thuyết trình rất sâu sắc về giáo lý và cao siêu về Thần học và triết học, nếu không có căn bản hiểu biết phổ thông và hiểu biết về tôn giáo đối chiếu sẽ không lãnh hội được. Cho nên, khi tham dự một buổi thuyết trình, tham dự viên có cảm tưởng là đang ngồi trong một lớp học Cử Nhân hay Thạc Sĩ, nghe Giáo Sư giảng bày trên bục giảng.
 
*Các đề tài thuyết trình của Phái đoàn Hội Thánh Cao Đài TTTN.
 
Đạo Cao Đài có 5 buổi thuyết trình trong đó có 2 buổi thuyết trình trong phiên họp khoáng đại (thật ra là 3, vì trong cùng một buổi thuyết trình, Giáo hữu Thượng Cảnh Thanh Thuyết trình về Đạo Cao Đài và giới thiệu TTTN, còn Thạc sĩ Jason Greenberger thuyết trình đề tài khác), để trình bày 3 đề tài gồm của GSTS Ninh Thiên Hương, của Giáo Hữu Thượng Cảnh Thanh và của Thạc sĩ Jason Paul Greenberger, còn 3 buổi thuyết trình trước Phiên họp Nhóm là các đề tài của Thạc sĩ Jason Paul Greenberger, của Thạc sĩ Grzegorz Fraszczak (Tâm Ba Lan) và của GSTS Lee Gyungwon.
 
Trong phiên họp khoáng đại của Đại hội, tổng số tham dự viên của Hội Nghị đước ước tính vào khoảng 100 người. Phái đoàn Cao Đài lúc nào cũng ngồi trên hàng ghế đầu, ngay chính giữa, nên tuy là một vinh hạnh, nhưng chúng tôi cảm thấy không thoái mái chút nào, lúc nào cũng phải giữ thái độ nghiêm túc, vì cả Hội trường lúc nào cũng đều nhìn vào chúng tôi.
 
Hai buổi thuyết trình của Phái đoàn Hội Thánh Cao Đài trước Phiên khoáng đại Đại hội, xảy ra từ 11.30 giờ đến 13.00 giờ ngày tứ năm 7/7/16, tức một ngày sau khi Đại hội bắt đầu .Trong khoảng hơn một tiếng đồng hồ, Phái đoàn Cao Đài thuyết trình 3 đề tài.
 
- GSTS Ninh Thiên Hương thuyết trình đề tài:” The Localization and Globalization of Việt Nam –Based New Religious movements: Innovation and Transformation within and beyond Asia” (Tạm dịch : Địa phương hóa và toàn cầu hóa của các phong trào tôn giáo ở Việt Nam-Sáng kiến và  biến đổi trong nước và ngoài nước và trong phạm vi Á châu”. Bài nầy nói về sự hồi phục và toàn cầu hóa của 3 tân tôn giáo ở Việt Nam là Cao Đài, Hòa Hảo và Đạo Thánh mẫu (Mother Goddess). Dầu các phong trào tôn giáo Việt nam chịu sự đè nén lâu dài suốt nửa thế kỷ 20 do sự xáo trộn về chánh trị, biến dạng và suy thoái kinh tế ở Việt Nam, các tôn giáo đó đã hồi sinh và thu phục lại quần chúng từ năm 1990. Tiếp theo phong trào “đổi mới” đã làm cởi mở kinh tế Việt Nam năm 1986, các tôn giáo nầy đã làm tăng sự chú ý  chính trị quốc tế để buộc chánh quyền Việt Nam đi theo các chánh sách tự do tôn giáo.
 
- Thạc sĩ Jason Paul Greenberger thuyết trình đề tài: “Common ground and Sacred Exchange- An Overview of Theological Similarities and an Account of Inter-religious Activities among Caodaism, Oomoto and Dao-Yuan” (tạm dịch : Bối cảnh chung và trao đổi thiêng liêng- Khái quát về những điểm tương đồng thần học và một nhận định về sinh hoạt liên tôn giáo giữa Cao Đài, Oomoto và Dao yuan”. Tác giả so sánh Đạo Cao Đài, Oomoto giáo và Dao yuan qua các khía cạnh là đơn thần giáo, mặc khải tâm linh, tôn giáo tổng hợp, quan niệm Âm Dương lưỡng thể.... Các tôn giáo nầy biết nhau rất sớm trong lịch sử và giữ sự liên hệ qua các cuộc gặp gỡ cho đến 2016. Thí dụ Đạo Cao Đài và Oomoto giáo giao tiếp nhau lần đầu năm 1935 và đã gặp nhau trên 20 lần, lần gần nhứt là vào tháng 5 năm 2016 vừa qua, khi gặp nhau tại Hội Nghị ULBA ở Bangkok, Thái Lan. Oomoto giáo và Dao Yuan đã có dấu móc xa xôi trở ngược về năm 1923. Các cuộc gặp gỡ nói trên được công chúng biết đến , nhưng chi tiết các cuộc gặp gỡ không phổ biến rộng rãi. Giáo Hữu Thượng Cảnh Thanh nhắm vào việc làm sáng tỏ việc nghiên cứu nầy.
 
- Giáo Hữu Thượng Cảnh Thanh, Trưởng Ban Đại Diện Hội Thánh tại Hải ngoại, thuyết trình giới thiệu Tòa Thánh Tây Ninh, ý nghĩa các kiến trúc của Đền Thánh, các Bửu Tháp Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh và kiến trúc cổng Tam quan, v..v.. và trình chiếu phim video ngắn về việc Hội Thánh đón tiếp các Phái đoàn Oomoto giáo, Tiên Thiên cứu giáo Hồng Vạn Đài Loan, Mã Lai, Tân gia Ba nhân dịp Đại Lễ Hội Yến năm 2015 tại Tòa Thánh Tây Ninh.
 
Sau buổi thuyết trình, nhiều Tham dự viên ngỏ ý muốn đến tham quan Thánh địa Tây Ninh. Ngoài ra các Giáo sư Đại học thuộc các Viện Đại học muốn mời Phái đoàn Cao Đài đến thuyết trình về Đạo Cao Đài tại Đại học của họ như: Mông Cổ, Vancouver (Canada), Nhất Quán Đạo ( Đài Loan), Luân Đôn (Anh), Đại Hàn, và 2 Viện Đại học nổi tiếng ở Âu châu là VĐH Milan (Ý) và VĐH Bordeaux (Pháp).
 
Còn 3 đề tài thuyết trình trong Phiên họp Nhóm: 2 đề tài được trình bày trong phiên họp Nhóm lúc 16.20giờ đến 18.giờ ngày thứ tư 6/7/16 bởi Thạc sĩ Jason Paul Greenberger và GSTS Lee Gyungwon (không thuộc Phái đoàn Hội Thánh Cao Đài), và một đề tài được Thạc sĩ Grzegorz Fraszczak thuyết trình trong phiên họp Nhóm ngày thứ năm 7/7/16 từ 16.20-18.00giờ
 
-Thạc sĩ Jason Paul Greenberger thuyết trình đề tài :”The Best of times, the Worst of times, the End of times?: A comparison of Eschatology in a Selection of popular New Asian Religions” (Tạm dịch: Thời huy hoàng. Thời tối tâm. Thời Mạt thế. So sánh thuyết mạt thế qua sự giải thích của các tân tôn giáo Á Châu được phổ biến”. Theo ông thời kỳ hiện nay là thời kỳ mạt thế, không còn tình người, đòi hỏi các tôn giáo thống nhứt lại để đưa nhân tính lên tột đỉnh của nó. Về điểm nầy, Ông so sánh quan niệm của 3 tôn giáo: Cao Đài, Nhất Quán Đạo (Yi Kuan Dao) và Daesoonjinrihoe. Theo ông, Đạo Cao Đài tự nhận là “Đức tin lớn về cửu rỗi toàn nhân loại kỳ ba” (The Great Faith for the Third Universal Redemption). Còn Nhất Quán Đạo cũng nhìn thời kỳ hiện nay là thời kỳ thứ 3 của Nhân loại, coi thời kỳ nầy là “Thời kỳ nở hoa của 3 thời đại Tam Dương (Prosperous Blooming of the Triple Yang) (Ghi chú: Tam Dương là Hồng Dương, Thanh Dương và Bạch Dương ) và Thời kỳ nầy là thời kỳ Bạch Dương (White Yang). Daesoonjinrihoe quan niệm khác về việc nầy, cho rằng thời kỳ nhân tính có 2 phần :  Thiên đàng trước kia là thời đại của Đạo Phật, Đạo Khổng và Đạo Thiên Chúa, Thiên đàng sau nầy theo quan niệm Daesoojinrihoe, Oomoto và Won Buddhism (Phật giáo xoay vòng) giải thích chi tiết xác nhận về thời kỳ của nhân tính so với 3 tôn giáo kia là Cao Đài, Nhất Quán Đạo và Daesoonjinrihoe. Nhưng Oomoto và Won Buddhism vẫn còn theo mẫu mực cho rằng thời kỳ hiện nay đòi hỏi theo qui định của các cựu tôn giáo.
 
- GSTS Lee Gyungwon trình bày đề tài:  “A Contrasting View of three Teachings in East Asian New Religions: Daesoonjinrihoe, I-Kuan Dao and Caodaism”(Tạm dịch: Nét nhìn tương phản của 3 giáo lý trong tân tôn giáo ở Á Đông: Daesoonjinrihoe, Nhất Quán Đạo và Đạo Cao Đài). Ông trình bày rằng 3 giáo lý Khổng, Phật, và Lão giáo tiêu biểu cho các tôn giáo truyền thống trong lịch sử các nước Đông Á châu. Trong thời kỳ mới, nhiều phong trào tôn giáo khác biệt tràn ngập quanh các tôn giáo ở Hàn quốc, Trung Hoa, và Việt Nam. Hầu hết các phong trào tân tôn giáo chứa đựng học lý riêng của mình, trong khi vẫn còn gìn giữ truyền thống của 3 tôn giáo nói trên. Nói khác, cái khác lạ của những tôn giáo tổng hợp là sơ khởi căn cứ vào 3 tôn giầo nầy. Bài khảo luận nầy nhằm so sánh 3 tôn giáo đặc biệt là Daesoonjinrihoe (Hàn quốc), Nhất Quán Dạo (Đài Loan) và Cao Đài giáo (Việt Nam) theo quan điểm của 3 tôn giáo truyền thống. Làm sao các tân tôn giáo hài hòa hay diễn đạt giáo lý của Khổng, Phật, Lão? Sự liên hệ về mặt xã hội của tôn giáo giữa các tôn giáo tân và cựu ở các nước Đông Á được trình bày.
 
- Thạc sĩ Grzegorz Fraszczak thuyết trình đề tài :” Esoteric Current in CaoDai: Inner transformation and Millenarian Aspect” (Tạm dịch: Dòng chảy tâm linh trong Đạo Cao Đài: Sự chuyển hóa nội tâm và viễn ảnh ngàn năm). Ông trình bày bối cảnh Đạo Cao Đài ra đời vào đầu thế kỷ 20, trong thời gian trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh, kể cả các xáo trộn về xã hội và chánh tri trong lịch sử Việt Nam, cùng với thời kỳ va chạm văn hóa giữa văn hóa cổ truyền Việt Nam và văn hóa của Pháp. Từ lúc khai sáng, Đạo Cao Đài đã có 2 dòng chảy thể hiện: một với  thực nghiệm hữu vi qua sự tổ chức cơ sở và truyền giáo, và một hướng về nội tâm và chuyển hóa tâm linh.
 
* III- Tham quan sau khi kết thúc Đại hội.
 
Ngày thứ sáu 8/7/16, sau khi Đại hội chấm dứt các phiên họp, chúng tôi ăn trưa từ 12.00giờ đến 13.30giờ ở Professor’s Hall, rồi mang hành lý ra xe bus đi tham quan. Tham quan hay không là tùy ý mỗi người và mội người tự đài thọ chi phí của mình.
 
Khởi hành 13.00giờ, chúng tôi hướng về Thánh địa của Tôn giáo World Peace and Unification ở TP. Cheongpyung . Thánh địa nầy ở xa Hán Thành, nên đoàn xe chúng tôi mất khá lâu mới tới.Thánh địa lại ở trên núi cao. Chúng tôi chỉ có thể chụp ảnh từ xa chớ không được phép chụp gần. Tru sở chính của Thánh địa là một tòa nhà nguy nga đồ sộ, có tên là Heaven Palace. Chúng tôi được mời vào bên trong nghe thuyết trình về tôn giáo nầy.
 
Đến 20.00giờ đoàn tham quan trở về TP Yeoju và đăng ký ở khách sạn Sun Valley Hotel.
 
Ngày thứ bảy 9/7/16, đoàn tham quan khởi hành lúc 9.00giờ để đến tham quan Thánh địa Tôn giáo Daesoon ở Yeoju . Khung cảnh hùng tráng tôn nghiêm và màu sắc xanh lá cây và đỏ tuy tương phản nhưng hài hòa, thể hiện bản sắc văn hóa Hàn quốc, mà chúng tôi đã mô tả trong bài trước. Bước chân vào Thánh địa, khách không được chụp hình, và phải mặc lễ phục của tôn giáo nầy. Các người chủ nhà cũng mặc lể phục tiếp phái đoàn tham quan.
 
Từ 13.00 giờ đến 17.00 giờ, đoàn tham quan di chuyển đến TP Jeonju, và đăng ký khách sạn Roni Hotel. Lúc 19.00 giờ đoàn tham quan du ngoạn làng Jeonju Hanok.
 
Chúa nhựt 10/7/16, lúc 9.00 giờ, đoàn tham quan đến viếng tôn giáo Won Buddhism (Phật giáo xoay vòng) ở Thánh địa Iksan. Từ 13.00giờ – 17.00giờ, đoàn tham quan trở về Hán Thành và chia tay.
 
*IV-Vững niềm tin sau chuyến đi Hàn quốc: Đã đến lúc Cơ Đạo chuyển biến theo thiên cơ .
 
Theo chúng tôi hiểu, Hội Thánh rất hoan nghinh việc các nhà nghiên cứu tôn giáo đến tham quan TTTN và tìm hiểu về Đạo Cao Đài. Hiện nay, mỗi ngày nhất là những ngày có Đại Lễ, ngoài hàng ngàn du khách người Việt, còn có hàng trăm du khách ngoại quốc đến tham quan TTTN để tìm hiểu Đạo Cao Đài, hoặc đến viếng TTTN như một thắng cảnh,  để quay phim chụp ảnh các công trình kiến trúc của Đền Thánh, rồi viết bài và đưa hình ảnh lên trang Mạng.  Sự kiện nầy phản bác lời nói bừa bãi của vài người ở hải ngoại từ lâu bịt mắt ngủ mê, nay bỗng giật mình thức dậy nói trong cơn mơ là TTTN nay vắng bóng người .
 
Nhà Hội Vạn Linh mới được chánh quyền trao trả lại cho Hội Thánh năm 2015. Hội Thánh đã cho tu sửa theo tiêu chuẩn quốc tế để dùng làm Nhà Khách. Hội Thánh dự định trong Nhà khách sẽ có một thư viện có nhiều sách nghiên cứu tôn giáo thế giới, và nhiều phòng ngũ, phòng họp được trang bị đầy đủ tiện nghi hiện đại, sẽ dùng làm nơi cho các nhà nghiên cứu ngoại quốc đến tạm trú để nghiên cứu tôn giáo Cao Đài. Chúng tôi tin tưởng mọi diễn biến Cơ Đạo giống như Đức Lý Giáo Tông đã báo trước: “Tòa Thánh là nơi người ngoại quốc đến đây học Đạo” và giống như ý nghĩa xây cất tòa nhà này lúc ban đầu của Đức Hộ Pháp là dùng làm trụ sở cho Hội Thánh Ngoại Giáo và lập nơi thờ phượng Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn tại đây.
 
Một điều quan trọng chúng tôi muốn nêu ra là mọi việc đạt kết quả hay không là do sự đóng góp công quả của toàn Đạo về nhân lực và tài lực. Nhiều VĐH muốn gởi sinh viên đến TTTN học Tiếng Việt và học Giáo lý Cao Đài để trình luận án Tiến sĩ, nếu được Hội Thánh cấp học bổng. Thực tế việc nầy đã có là sinh viên Mohammad Jahangir Alam thuộc VĐH Dhaka (Bangladesh) và sinh viên Grzegorz Fraszczak (Tâm Ba Lan) (Ái Nhỉ Lan) đã được học bổng do Ban Đại Diện Hội Thánh Cao Đài TTTN tại Hải Ngoại cấp để họ có chi phí ở Việt Nam 2 năm soạn thảo luận án Tiến sĩ. Hai sinh viên nầy sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ sẽ giảng dạy môn tôn giáo Cao Đài ở VĐH Dhaka (Bangladesh) và VĐH Vienna (Áo). Mới đây VĐH Vienna cũng muốn gởi một sinh viên đến Việt Nam và TTTN học tiếng Việt và học Đạo, để đào tạo Giáo sư giảng dạy môn Tôn giáo Cao Đài ở VĐH Vienna, nếu được cấp học bổng như 2 sinh viên kia. Vấn đề Hội Thánh cấp học bổng cho sinh viên ngoại quốc đến TTTN học Đạo là cần thiết nhưng sẽ lâm vào bế tắt nếu sau nầy số sinh viên đến TTTN du học càng nhiều, vì lấy tiền đâu cấp học bổng. Chúng tôi nghĩ chỉ trông chờ ở các Vị Mạnh Thường quân.
 
Ngoài 2 sinh viên đến TTTN học đạo để bảo vệ luận án Tiến sĩ Cao Đài giáo, chúng tôi thấy phải nói đến Sinh viên Jason Paul Greenberger. Ông là học giả uyên thâm về tôn giáo, trẻ tuổi đẹp trai, nhưng bỏ hết cám dỗ của đời để theo đường Phật Pháp. Ông là Đại Đức Phật giáo, giỏi tiếng Hoa, tiếng Hàn, lẽ dĩ nhiên cả tiếng Mỹ là tiếng mẹ đẻ. Thế mà ông rất nghèo vì ông chỉ lo nghiên cứu tôn giáo. Ông rất thích nghiên cứu về đề tài Cao Đài, luôn luôn sẳn sàng giúp đỡ Giáo Hữu Thượng Cảnh Thanh khi cần đến. Trong lúc Phái đoàn Cao Đài qua Hàn quốc, Ông đã đến Thánh địa tôn giáo Daesoon trước để nghiên cứu tôn giáo nầy theo lời mời của VĐH Daejin. Nghe nói ông sẽ được VĐH Daejin mời cộng tác nghiên cứu tôn giáo Daesoon đối chiếu các tôn giáo khác vì ông giỏi tiếng Mỹ, Hoa và Hàn, nhất là ông hiểu biết uyên thâm về Phật giáo và có lẽ vì ông đang nghiên cứu về Đạo Cao Đài, là tôn giáo đang được VĐH Daejin rất ngưỡng mộ.
 
Chúng tôi tin tưởng rằng những nơi đi thuyết trình về Cao Đài, Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn chắc chắn sẽ giúp cho nơi đó sẽ nghiên cứu và giảng dạy về môn Cao Đài Giáo. Chuyện nầy đã xảy ra ở VĐH Dhaka (Bangladesh - giảng dạy Cao Đài giáo từ 2010) và VĐH Vienna (Áo - sẽ giảng dạy Cao Đài giáo vào đầu mùa Xuân niên khóa 2017), hai nơi này giảng dạy môn Tôn giáo Cao Đài sau khi Phái đoàn Cao Đài đến thuyết trình (VĐH Dhaka năm 2003, VĐH Vienna vào tháng 3 năm 2012) . Chúng tôi cũng hy vọng VĐH Missouri (Hoa Kỳ) sau khi nghe Phái đoàn đến thuyết trình (tháng 9 năm 2012), sẽ nghiên cứu giảng dạy môn tôn giáo Cao Đài ở đây trong tương lai. Như vậy, cho đến ngày hôm nay, Đạo Cao Đài đã được giảng dạy ở 2 Đại học ở 2 Châu là Á, Âu, hy vọng trong tương lai gần sẽ được giảng dạy tại một Đại học ở Mỹ châu, để từ đó sẽ là vết dầu loang trải rộng khắp nơi trên thế giới. Xin nói rõ không phải Đạo Cao Đài chỉ được nói đến trong một vài bài giảng, mà là các Đại học nầy đào tạo học vị Cử nhân Cao Đài giáo, Thạc sĩ Cao Đài giáo và Tiến sĩ Cao Đài giáo như ở VĐH Dhaka (Bangladesh).
 
Chẳng những nhiều người ngoại quốc muốn nghiên cứu Đạo Cao Đài hoặc soạn Luận án Tiến sĩ về Đạo Cao Đài, mà người Việt Nam bây giờ cũng mở rộng việc nghiên cứu Đạo Cao Đài. Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn (University of Social Sciences and Humanities) ở TPHCM có mở bộ môn Nghiên cứu các tôn giáo, trong đó có Đạo Cao Đài, và có mời Hội Thánh cử chức sắc đến giảng dạy. Một nhà nghiên cứu tôn giáo là GS Huỳnh Ngọc Thu đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ với đề tài về Đạo Cao Đài, và hiện là Giáo sư Khoa Trưởng Khoa Nhân Văn tại Đại Học nói đây.
 
Ngoài ra, trong Đại hội CESNUR 2016 này, GS Chae Young Kim thuộc Viện Đại Học Sogang, Hán Thành, có xin GH Thượng Cảnh Thanh giúp đỡ cho một sinh viên Việt Nam, hiện là Giáo Sư tại VĐH Hà Nội, giỏi Anh ngữ và Hàn ngữ, đang du học Hàn quốc, để bảo vệ Luận án Tiến sĩ bằng Anh ngữ về Cao Đài giáo. Sinh viên này đang bị bế tắc trong vấn đề tìm kiếm tài liệu bằng Anh ngữ nên cần đến sự giúp đỡ của GH Thượng Cảnh Thanh.
 
Như vậy càng ngày các nhà Nghiên cứu tôn giáo ngoại quốc đến viếng  TTTN để tìm hiểu Đạo Cao Đài càng nhiều. Rất nhiều trí thức trẻ Việt Nam trong hay ngoài nước, tốt nghiệp Đại học và hậu Đại học, kể cả học vị Tiến sĩ và tương đương, cũng đã có khuynh hướng tham gia nghiên cứu Đạo Cao Đài ngày càng gia tăng. Nếu họ muốn nhập môn Đạo Cao Đài, thì đích thực họ xứng đáng là những Vị Hiền tài và Quốc sĩ tương lai, và là những tài nguyên quí của Đạo, vừa có học thức, vừa có hàng phẩm cao, đủ điều kiện đảm nhận việc truyền giáo quốc tế sau nầy.
 
Hiện nay tre đã già mà măng chưa mọc, thế hệ già ở hải ngoại và quốc nội đã trên dưới 8 bó, sức yếu, mắt mờ răng rụng, trí óc lẩm cẩm khi nhớ khi quên, nên bỏ hết tham vọng cá nhân để vun quén đào tạo thế hệ kế thừa, là những Hiền Tài và Quốc sĩ tương lai cho Đạo. Thế hệ già vốn tính bảo thủ cục bộ, tinh thần cá nhân vị kỷ chưa bỏ được, nên cần an thân thủ phận, chỉ nên làm những thanh ván lót cầu cho thế hệ trẻ đi qua, chớ đừng nghĩ là người dẫn thế hệ trẻ qua cầu. Bởi vì thế hệ trẻ hiện nay có hiểu biết phổ thông cao hơn thế hệ cha ông rất nhiều, có trình độ học vấn cao, sinh ngữ lưu loát, có giao tiếp rộng rãi với quốc tế, dễ dàng hội nhập trào lưu tiến hóa vượt bực của thế giới hiện nay, nhất là trong lãnh vực vi tính khám phá nhiều kỳ bí của các tôn giáo trên thế giới, sẽ có tầm nhìn khách quan rộng mở, mới phù họp với trào lưu hiện nay của thế giới là toàn cầu hóa. Xin quí vị cao niên suy nghĩ lại coi hiện nay vị trí của mình ở đâu?
 
Lời nói sau cùng của chúng tôi là mọi chuyển động của cơ Đạo hiện nay đều đúng theo thiên cơ nói trước cách nay 90 năm:” Nam Bắc cùng rồi ra ngoại quốc”, và “Đạo Thành từ bên ngoài”, “Tòa Thánh là nơi người ngoại quốc đến học Đạo”. Tình hình chính trị của đất nước biến chuyển thế nào chúng ta không biết trước được. Tất cả là do Thiên cơ. 90 năm trước chưa ai hiểu câu “Nam Bắc cùng rồi ra ngoại quốc” có ý nghĩa gì, mà bây giờ việc đó đã ứng hiện. Là tín đồ Cao Đài, chúng ta nền bỏ qua các thiên kiến chính trị, mà chỉ nên lo vún quén nền Đạo cho vững chắc để lần hồi Cơ Đạo được tốt đẹp hơn, để thực hiện lời dạy của Đức Chí Tôn. Các cơ chế Đạo hiện nay chỉ là để thích họp với hoàn cảnh đất nước, rồi sẽ biến đổi tùy theo hoàn cảnh đất nước cho phép, cũng như mỗi mùa một loại áo phù họp, không thể mùa Đông mặc áo lụa, mùa hè mặc áo ấm. Mọi mưu toan phá rối và đòi xóa bỏ Hội Thánh hiện nay chỉ là không tưởng, do một thiểu số tín đồ cố chấp vì hư danh xách động, đã hoàn toàn trái Thiên ý, chỉ làm cho cơ Đạo đi đến chỗ rối loạn.
 
Lễ sanh Ngọc Tua Thanh (Virginia - 25/8/2016)