KÝ SỰ HÀNH TRÌNH ĐI VIENNA (ÁO QUỐC) VỚI PHÁI ĐOÀN HỘI THÁNH - THÁNG 05/2017.

Cập nhật 2017-09-10 07:31:26

Lễ Sanh Ngọc Tua Thanh.
 
Phái đoàn Hội Thánh Cao Đài TTTN rời TP Bordeaux (Pháp ) vào chiều ngày thứ bảy 13.5/17 để đi Vienna, Thủ đô nước Áo. Vì Phi trường ở Bordeaux không có chuyến bay trực tiếp đi Vienna, nên Phái đoàn phải trở lại Phi trường Charles De Gaulle ở Paris làm trạm trung chuyển rồi từ đó trực chỉ qua Vienna .
 
Vienna! Vienna! Thủ đô nước Áo. Tên nước Áo nghe xa lạ đối với người Việt Nam, nhưng là một quốc gia được nổi tiếng thế giới, với những nét đặc thù do Thượng đế ban cho mà không quốc gia nào có được. Còn địa danh Vienna (Wien-Vienne) được người Việt Nam nghe qua trong bài ca bất hủ “Le Beau Danube bleu” của nhạc sĩ Johann Strauss II , đã được Nhạc sĩ Phạm Duy phổ lời Việt cũng quá hay, nhưng chưa biết nhiều chi tiết về Thành phố nầy. Bây giờ Tôi xin cống hiến quý đồng đạo hiểu rõ về nước Áo (Austria) và Kinh thành Vienna để biết tại sao Phái đoàn Hội Thánh đến nơi nầy, mà theo Tôi nghĩ có lẽ do Thiêng liêng sắp đặt.
 
 * Nước Áo và Thủ đô Vienna: một thiên đường của hạ giới, một thủ đô âm nhạc của thế giới  và là một vùng đất tinh hoa của nhân loại.
 
Tôi đã một lần đi đến Vienna vào đầu xuân năm 2012 với “Phái đoàn đại diện Hội Thánh” do (lúc đó là) Lễ Sanh Thượng Cảnh Thanh hướng dẫn. Tuy là một quốc gia nhỏ bé ở Trung Âu, nhưng nước Áo có một lịch sử oai hùng và một hình ảnh không kém phần lãng mạng.
 
Nước Áo với danh xưng đầy đủ là Cộng Hòa Áo (Republik Osterreich- Republic of Austria), ở vùng Trung Âu châu, chỉ có diện tích 83.673 km2, với dân số 8.3 triệu (năm 2005), nằm lọt lòng giữa 7 quốc gia như Đức, và Cộng Hòa Czech (phía Bắc), Hungary và Slovakia (phía Đông), Italy và Slovania (Phía Nam), Thụy sĩ và một vài tiểu quốc như Liechtenstein (phía Tây).
 
Vienna, thủ đô nước Áo,  đã trải qua trong quá trình lịch sử từ xa xưa vào thế kỷ 1, được gọi là tiền đồn của Đế quốc La Mã. Vào thế kỷ 15 ,Vienna là Thủ đô Thần Thánh của “Đế quốc La Mã Thần Thánh” của Vương triều Habsburg. Vào thế kỷ 16-18, Vienna là trung tâm chánh trị văn hóa châu Âu với tên là “Đô hội văn hóa mới”.
 
Đầu thế kỷ 19, Áo chịu sự thống trị của Hoàng đế Pháp là Napoléon Bonaparte (Napoléon I) vì thua trận Ulm (20/10/1805) phải chịu nhượng một phần lãnh thổ cho Pháp và 6 tuần sau Áo lại thua trận Austerlitz phải giải thể Đế quốc La Mã Thần Thánh (1805) và Đế quốc của Vương triều Habsburg bị chia cắt (1806).
Nước Áo chịu sự xâm chiếm của Đức Quốc xã trong đệ nhị thế chiến, rồi sau đó chịu áp lực nặng nề của Liên Bang Xô Viết , nhưng nước Áo rất oai hùng vì nước Áo vẫn là nước Áo , không chịu sự thống trị của ngoại bang, và không bị chủ nghĩa cộng sãn xâm nhập. Ngày  nay nước Áo là một quốc gia độc lập theo chế độ Liên Bang và  dân chủ tự do Tây phương. Nước Áo là thành viên của Liên Hiệp quốc vào năm 1955, và là thanh viên của Liên Minh châu Âu từ 1995,  và Thủ đô Vienna được chọn là trụ sở thứ 3 của Liên Hiệp Quốc sau New York (Hoa Kỳ) và Geneva (Thụy sĩ).
 
Nước Áo và Thủ đô Vienna không kém phần lãng mạn vì được mệnh danh là Thiên đường của châu Âu, với nhiều di tích kể cả Thủ đô Vienna được cơ quan Unesco công nhận là “Di sãn của thế giới”, và cũng do thiên nhiên ưu đải cho cảnh trí hữu tình quyến rũ lòng người được gọi là “xanh” nhất thế giới, lúc nào cũng đẹp dù ở mùa nào trong năm, với số du khách hàng năm cả chục triệu người.
 
Thêm đó, người dân Áo không thể sống không có nhạc, khắp đường phố ngõ hẽm chỗ nào cũng nghe tiếng nhạc, vì Vienna là thủ đô của Âm nhạc thế giới, nơi tập trung những nhạc sĩ thiên tài, bậc thầy và lừng danh thế giới, đã từng được sống ở đấy như: Wolfgang Amadeus Mozart, Franz Schubert, Beethoven, Anton Bruckner, Anton Webern, Joseph Haydn, Johann Strauss I (Cha, vua nhạc Waltz chậm), Johann Strauss II (con, vua nhạc Waltz nhanh). .. tác giả những bài tình ca và thánh ca bất hủ lừng danh thế giới, thấm vào lòng người, như  “Beau Danube bleu” của Johann Strauss II, “Ave Maria” của Schubert, “Stille Nacht, Heilige Nacht” (của Mozart, nghĩa là” Đêm yên lặng , Đêm Thánh thiện”, được dịch là “Đêm Thánh vô cùng” được dịch từ tiếng Áo ra tiếng Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Việt nam, và đã được trình bày ở bất cứ ở Thánh đường nào của Thiên chúa giáo, Chính Thống giáo. Tin Lành, Anh giáo, Cơ đốc Phục Lâm, Methodist, Baptist Ân điển...
 
Máy bay đến không phận thủ đô Vienna lúc 16.30 giờ ngày 13/5/17. Từ trên máy bay nhìn xuống, tôi thấy lại trước tiên hình ảnh của dòng sông Donau (Danube) xanh lơ hiền hòa thơ mộng hữu tình ngày nào. Sông Danube là đặc trưng của Vienna mà cũng là đặc trưng của nước Áo . Con sông nầy dài 2850 km, dài thứ 2 ở châu Âu, sau sông Volga ở Nga, bắt nguồn từ Đức qua Áo rồi chảy qua 10 nước Châu Âu, cuối cùng đổ vào Hắc Hải. Dòng sông Danube lúc nào cũng xanh lơ, cách thủ đô Vienna 60 km, nên nói đến Vienna là nói đến sông Danube.
 
Tôi hoài niệm mãi trong tâm tư dòng sông nầy lúc nào cũng đẹp và xanh lơ, nhưng lại bùi ngùi thương cảm một tình yêu say đắm, mà con sông Danube đã vô tình chứng kiến một cuộc chia ly đau khổ và mang đi mối tình đẹp tuyệt vời giữa Nhạc sĩ Thiên tài Johann Strauss II với một cô gái trẻ đẹp yêu ông tha thiết vì ái mộ thiên tài của ông. Đau đớn thay và cũng cao quý thay, dù yêu chàng nhạc sĩ Thiên tài tha thiết, cô quyết định cắt đứt mối tình đẹp lãng mạn đó và ra đi, khi cô biết ông đã có vợ, và xúc động trước cử chỉ dịu dàng và rất cao thượng của vợ ông khi gặp cô, dù bà đã biết tất cả mối tình vụn trộm của chồng.
 
Bài ”Le Beau Danube bleu”(Dòng sông xanh tuyệt vời) ra đời trong nổi niềm thương nhớ người yêu vĩnh viễn ra đi không một lời từ giả, đã trở thành nổi tiếng thế giới vượt thời gian  và không gian.  Đó là tiếng khóc nức nở, nghẹn ngào mà Nhạc sĩ Thiên tài Johann Strauss II đã viết lại nổi lòng của chính mình, chứa đựng tâm trạng thổn thức, nhớ nhung, đau khổ và tuyệt vọng khi ông vội vã đến bến tàu chạy theo níu lại người yêu thì con tàu đã vừa rời bến. Ông chỉ còn  nhìn chiếc tàu chở người yêu trẻ đẹp xuôi dòng sông Danube, một chuyến ra đi không trở lại.
 
Nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc lời Việt, có đoạn , như sau:
Một dòng xanh xanh, một dòng tràn mông mênh.
Một dòng sông ý biết, một dòng sầu mấy kiếp.
Một dòng trời xao xuyến, một dòng tình thương mến.
Một dòng còn quyến luyến, một dòng nhớ
Quay về miền đời lúc mơ huyền”
 
Máy bay đáp xuống Phi trường Vienna lúc 17 giờ ngày 13/5/17. Nhìn bên ngoài  là một buổi chiều ấm áp, ánh nắng Xuân vàng nhạc. Tôi vẫn in trí là cô sinh viên chuẩn Tiến sĩ Sarah Schoenberger trẻ đẹp, khả ái, hồn nhiên, vui tính đã từng đón chúng tôi năm 2012 sẽ lại đón Phái đoàn hôm nay. Sarah Schoenberger lúc đó khoảng 23 tuổi, được gọi thân thương là Sarah , lẽ dĩ nhiên thông thạo Anh ngữ và Đức ngữ (nước Áo nói tiếng Đức), lại biết cả Nhật ngữ và Hàn Ngữ, vì cô là sinh viên “Phân khoa Thần học và tôn giáo” (VĐH Vienna), đã tốt nghiệp Cử nhân Văn chương Nhật ngữ và Hàn ngữ là 2 ngôn ngữ khó “nuốt”. Cô đã chọn đề tài về Khổng giáo cho bậc Thạc sĩ, đã tốt nghiệp và được chấm đậu Ưu hạng.
 
Tiếp đó (năm 2012) cô đang định soạn Luận án Tiến sĩ Tôn giáo, nhưng chưa định chọn đề tài thuộc phạm vi nào, nên lúc đó, tôi đề nghị cô chọn đề tài về Cao Đài giáo. Không biết cô chọn đề tài nào, nếu cô chọn môn Cao Đài giáo thì Đạo Cao Đài lại có thêm một Giáo sư Tiến sĩ (GSTS) Cao Đài giáo cung cấp cho VĐH Vienna.
 
Tôi nao nức muốn gặp lại Sarah khả ái ngày nào để biết cô bây giờ ra sao. Nhưng rồi tôi có hơi chút thất vọng vì người đón tôi là một cô sinh viên khác. Tôi thấy mình ngớ ngẩn dường như nhớ nhung một chút gì đó, vì năm năm trôi qua, Sarah có lẽ đã đậu Tiến sĩ rồi làm sao ra đón Phái đoàn như tôi mong muốn.
 
 * Viện Đại Học Vienna (Universitat Wien)và nền giáo dục tân tiến của nước Áo .
 
Phái đoàn Hội Thánh Cao Đài do Ngài Đầu Sư Thượng Tám Thanh hướng dẫn, thăm viếng Viện Đại Học Vienna, không phải do mục tiêu xã giao bình thường, mà trọng tâm là do thư mời của Giáo sư Tiến sĩ Lukas Pokorny, Khoa Trưởng “Phân Khoa Thần học và tôn giáo” VĐH Vienna, để Ngài Đầu sư phát biểu ở  Phân khoa nầy, nhân dịp môn Tôn giáo Cao Đài được bắt đầu giảng dạy tại Phân khoa nầy vào đầu Xuân 2017.
 
Được biết tôn giáo Cao Đài được giảng dạy  ở Phân khoa nầy là kết quả của cuộc thăm viếng của Phái đoàn Đại diện Hội Thánh vào mùa Xuân năm 2012, là một môn học bắt buộc trong chương trình Thạc sĩ Triết Học. Chương trinh nầy khác với chương trình giảng dạy về Cao Đài giáo ở VĐH Dhaka (Bangladesh), nhằm đào tạo Học vị Cử nhân Cao Đài giáo, Thạc sĩ Cao Đài giáo và Tiến sĩ Cao Đài giáo. Hiện nay đã có 10 sinh viên theo học Thạc sĩ Triết học trong đó có môn Cao Đài giáo.
 
Phái đoàn Hội Thánh đến Phi trường Vienna vào một buổi chiều Xuân nắng ấm, trái với lúc Tôi đến vào đầu Xuân năm 2012, lúc đó trời vẫn còn se sẽ lạnh. Một cô sinh viên niềm nở ra đón Phái đoàn, đưa Phái đoàn đến khách sạn Ibis Wien Mess, rồi ân cần hướng dẫn và săn sóc chu đáo mọi việc. Tiếp đó một nam sinh viên khác tên Dominique, có nhiệm vụ đến hướng dẫn Phái đoàn trong những ngày Phái đoàn ở Vienna.
 
Phái đoàn nghĩ ngơi một ngày, và cũng là thời gian chuẩn bị cho cuộc thuyết trình của Phái đoàn Hội Thánh vào ngày hôm sau (15/5/17) ở “Phân Khoa Thần Học và tôn giáo” VĐH Vienna.
 
Người Việt Nam hầu hết chỉ biết thoáng qua nước Áo mà trước năm 1975, đã được được phổ biến qua Phim “Nữ Hoàng Sissi” (Sissi Impératrice), một phim về Nữ Hoàng sầu muộn Sissi của nước Áo, chớ không biết vị trí quan trọng của nước Áo trong bối cảnh lịch sử Âu châu, cũng như chẳng biết nhiều về nền giáo dục vào bậc nhất thế giới của nước Áo ra sao, mà tôi nghĩ thời gian không lâu sau nầy sẽ có vai trò quan trọng trong việc phát triển Đạo Cao Đài ở Châu Âu.
 
Do đó tôi xin nói sơ lược về nền giáo dục ở nước Áo. Nên biết nước Áo có một nền giáo dục vào bậc nhất thế giới, luôn cập nhật để phù hợp với trào lưu tiến hóa của nhân loại, tiêu biểu là VĐH Vienna (Universitat Wien). Viện Đại Học Vienna ở Thủ đô Vienna, có khoảng 1 triệu 600 ngàn dân (năm 2005), một thành phố đẹp tuyệt vời của nước Áo và cả thế giới. VĐH nầy được thành lập năm 1365 bởi Vua Rudolph của nước Áo, lúc ông còn trị vì. Đây là một VĐH lớn nhất của miền trung Châu Âu thời đó, cổ kính và danh tiếng nhất thế giới của những nước nói tiếng Đức.
 
Gần 75% nhân viên của VĐH Vienna là khoa học gia và Viện sĩ. Trải qua 650 năm hình thành và phát triển VĐH Vienna luôn tự hào là chiếc nôi của những nhân tài thế giới. Có 10 Giáo sư Nam từng đoạt giải Nobel, trong số có 5 Vị đoạt giải Nobel Y học và 3 Vị Nữ đã được giải Nobel về Hòa Bình, Văn học và Y học.
VĐH Vienna dạy bằng tiếng Đức vì người Áo nói tiếng Đức, và những ngoại ngữ như Anh , Pháp, La tinh, Ý đại lợi. Theo thống kê gần nhất, VĐH nầy hiện có 91 ngàn sinh viên theo học, 180 khóa học, 56 chương trình giảng dạy bậc Cử nhân, 117 chương trình bậc Thạc sĩ, 4 chương trình Diploma, và 11 chương trình Tiến sĩ.
 
Sinh viên quốc tế theo học tại VĐH nầy là 63 ngàn, từ hơn 100 nước trên thế giới, trong số 221 ngàn sinh viên theo học tại Áo. VĐH có 50 giảng đường, trên 100 Phòng Hội nghị nghiên cứu chuyên đề, 20 Phòng Thí nghiệm và một Thư viện khổng lồ.
 
VĐH Vienna có 60 cơ sở giảng dạy ở khắp Thủ đô Vienna, có mối liên kết với nhiều Đại học và Trung Tâm giảng dạy  của nhiều  quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. VĐH Vienna có các chương trình giảng dạy về Y tế, Luật, Kinh doanh và Kinh tế, công nghệ thông tin, kỷ thuật, Khoa học. Ngoài ra còn có các môn Khoa học máy tinh, khoa học lịch sử và văn hóa khoa học, đời sống, Thiên văn học, Tâm lý học .
 
Phân khoa Thần học và Tôn giáo, VĐH Vienna có trên 2000 sinh viên theo học. Khoa trưởng Phân khoa nầy là GSTS Lukas Pokorny.
 
*Phái đoàn Hội Thánh thuyết trình tại VĐH Vienna.
 
Ngày thứ hai 15/5/17, lúc 16g 30 ,Phái đoàn Hội Thánh đến VĐH Vienna, đã được Ban Giám “Phân khoa Thần học và Tôn giáo” tiếp đón trọng thể, và được Sinh viên Dominique (SV môn Cao Đài giáo) thay mặt Ban Giám đốc hướng dẫn tham quan một số nơi và Thư viện khổng lồ của VĐH, ở đây có một ít sách viết về Đạo Cao Đài. SV Dominique giải thích cho Phái đoàn biết tường tận chi tiết về thành lập và hoạt động của Viện Đại Học Vienna.  
 
GSTS Lukas Pokorny, vào năm 2012 còn là Giáo sư của Phân khoa “Thần học và Tôn giáo” do GSTS Hans Gerald Hoedl làm Khoa trưởng. Bây giờ ông được thay thế làm Khoa Trưởng Phân khoa nầy. Ông cũng là Giáo sư môn Tôn giáo Á châu thuộc VĐH Aberdeen, Tô Cách Lan.
 
GSTS Lukas Pokorny là người Áo, có vợ Việt Nam quê ở Hải Phòng. Năm 2012, ông là Phó Giám đốc  “Chương trinh nghiên cứu học tập” của “Phân khoa Nghiên cứu về  Á đông” của VĐH Vienna. Ông tốt nghiệp Thạc sĩ “chương trình nghiên cứu tôn giáo đối chiếu”. Ông cũng có bằng Tiến sĩ về Triết học. Ông cũng nghiên cứu lịch sử, triết học, tôn giáo Hàn quốc. Nhiều năm qua, ông đang nghiên cứu về  các tôn giáo Á Đông, đặc biệt chú trọng vai trò của Khổng giáo đối với những phong trào Tân tôn giáo tại đây. Do đó, ông tìm hiểu các Tân tôn giáo ở Nhật, Đại Hàn, Trung Quốc, và đã đến Việt Nam nghiên cứu 2 tôn giáo Cao Đài và Hòa Hảo.
 
Ông đã đến Sàigòn và TTTN vào tháng 7 năm 2010, đã gặp (lúc đó là) Lễ Sanh Thượng Cảnh Thanh, thảo luận về giáo lý Cao Đài, rồi ông được giới thiệu gặp (lúc đó là ) Giáo sư Thượng Minh Thanh để được hướng dẫn tham quan TTTN và các cơ sở Đạo, như  Đền Thánh, Điện Thờ Phật Mẫu, Trí Huệ Cung, Trí Giác Cung, Ao Thất Bửu, TT Bình Thạnh, TT Gò Vấp. Đi đến mỗi nơi ông đều mặc Đạo phục Cao Đài và tham dự các thời cúng.
 
GSTS Lukas Pokorny chú tâm nghiên cứu cơ bút và Hội Long Hoa của Đạo Cao Đài.
Vào 18g30 ngày đó, Phái đoàn Hội Thánh do Ngài Đầu Sư hướng dẫn được mời vào phòng Hội nghị. GSTS Lukas Pokorny và quý vị Giáo sư của Phân khoa chào mừng Ngài Đầu sư và Phái đoàn và tiếp đón hết sức nồng hậu. Có khoảng 30 Giáo sư, giảng viên, nhiều nhà nghiên cứu tôn giáo và sinh viên theo học môn Cao Đài đến nghe Ngài Đầu Sư phát biểu. Ngài Đầu Sư trình bày khai quát sự hình thành Đạo Cao Đài và giáo lý Đạo Cao Đài. Lời phát biểu của Ngài Đầu sư được  chuyển dich ra Anh ngữ trên màn ảnh, nên không cần thông dịch. Hội trường hoan nghinh nhiệt liệt. Tiếp đó, một phim video tài liệu ngắn về sinh hoạt Đạo Cao Đài ở TTTN được chiếu trên màn ảnh nhằm giới thiệu Thánh địa Tây Ninh. Sau đó Giáo Hữu Thượng Cảnh Thanh lên bụt thuyết trình giải thích bằng Anh ngữ bổ túc bài phát biểu của Ngài Đầu sư.
 
Tiếp theo là phần đặt câu hỏi với Ngài Đầu Sư khá lý thú, đã được Ngài trả lời thông suốt. Có một câu hỏi rất khó trả lời, Hội nghị bàn thảo sôi nổi nhưng chưa có giải đáp chính xác. Đó là câu hỏi: “Hội Long Hoa có hay chưa”. GSTS Lukas Pokorny quan tâm tìm hiểu Hội Long Hoa nên câu hỏi nầy giúp ông hiểu sâu hơn Hội Long Hoa. Rốt cuộc Hội nghị tán thành ý kiến của Ngài Đầu Sư là: Hội Long Hoa chưa khai mở.
 
Bên lề Hội nghị GSTS Lukas Pokorny có trình bày ý định thành lập tại VĐH Vienna một “Trung Tâm nghiên cứu Cao Đài”, bằng việc sẽ thiết lập một Thư viện Cao Đài tại đây, với nhiều sách bằng Anh và Việt ngữ viết về Đạo Cao Đài, và về Văn học, Văn hóa, Văn minh Việt Nam, vì nghiên cứu Đạo Cao Đài phải biết các khía cạnh đó. Hiện sơ khởi, ông đã mua được trên 200 quyển sách như nói trên bằng Anh và Việt ngữ, nhờ sự góp sức của nhiều vị GS biết tiếng Việt như GSTS Jéremy Jammes và Học giả Grzegorz Fraszczak (người Ba Lan, đang ở TTTN để học tiếng Việt và nghiên cứu Đạo Cao Đài để viết Luận án Tiến sĩ).
 
Ông cũng đề xuất ý kiến hợp tác với nhiều GSTS biết tiếng Việt dịch cuốn Pháp Chánh Truyền ra Anh ngữ, như GSTS Jéremy Jammes (VĐH Paris-Pháp), GSTS Massimo Introvigne (VĐH MiLan -Ý) , GSTS Sergei Blagov( VĐH Moscow- Nga), rồi sau khi hoàn tất, bản dịch sơ thảo  sẽ chuyển qua 2 vị GSTS người Mỹ duyệt bổ túc là GSTS Joe Hobbs (VĐH Missouri- Hoa Kỳ) và GSTS Janet Hoskins (VĐH South California- HK).
Theo Tôi, dịch PCT ra Anh ngữ rất khó vì tiếng Việt rất phong phú có nhiều nghĩa, khó hiểu hết những ý cao siêu của ĐCT  ẩn tàng trong đó. Nhưng trước mắt  phải nói đến vấn đề đầu tiên là”Tiền đâu” ?
 
Cần nói thêm 3 vị GSTS là Massimo Introvigne, Jéremy Jammes và Lee Gyungwon có mặt ở Bordeaux, nay cũng theo chân Phái đoàn có mặt ở Hội nghị. Ngoài ra, lúc 20g15 hôm đó Phái đoàn Hội Thánh có mở tiệc khoản đải, trong số có Đoàn Duy Tâm Thánh Giáo Đài Loan (Weixin Shengjiao) và Đoàn Đại Tuần Chơn Lý Giáo (Daesoon Jinhiroe) là 2 tôn giáo đã theo Phái đoàn Hội Thánh đi Bordeaux, cũng sang Vienna. Cô GS  Fiona Chang thay mặt Đoàn Duy Tâm Thánh Giáo và GS Kim Wook, thay mặt Đoàn Đại Tuần Chơn Lý Giáo tặng quà cho Ngài Đầu Sư.
 
*Hội Long Hoa có khai mở hay chưa?
 
Tôi xin mở dấu ngoặc, mạn phép có cùng quan điểm với Ngài Đầu sư với 2 lý do, không biết đúng không, nhưng để góp ý cho vui chớ làm sao biết chuyện ở Thiên đình.
 
Lý do 1/ Về phương diện hữu hình. Hội Long Hoa là một kỳ thi dành cho những những người hiền đức ứng thí để được vào sống đời Thượng ngươn Thánh đức, mà theo giáo lý :”Người hiền gầy dựng, kẽ dữ tiêu tan”. Hiện nay con người tàn ác vô luân làm sao được dự Hội Long Hoa. Đại Đạo Tam Kỳ phổ độ được ĐCT khai sáng năm Bính Dần 1926 là trường huấn luyện để sàng sảy và đào tạo sĩ tử, tức là những người hiền lương Đạo Đức. Có sĩ tử mới có khai mở Hội Long Hoa, có nghĩa là  chỉ có những người hiền lương đạo đức mới được dự Hội Long Hoa. Như vậy Hội Long Hoa chưa mở. Đạo Cao Đài kéo dài thất ức niên, trong   đó có thời kỳ Đạo Cao Đài đào tạo sĩ tử để có đủ công đức tham dự Hội Long Hoa. Thời gian nầy trùng hợp với ý kiến Phật giáo, theo đó, còn trên 600 năm nữa mới đến Hội Long Hoa. Kinh Đại Tường có câu “Hội Long Hoa Tuyển phong Phật vị”. Phật vị không phải theo nghĩa đen là có địa vị những Vị Phật, mà có nghĩa là những người thuần lương đạo đức, tận thiện tận mỹ được vượt qua Long Hoa Hội.
 
Có sách nói rằng Hội Long Hoa đã khai mở rồi ở Thiên đình để đón nhận 92 ức nguyên nhân hồi cựu vị. Tôi không đồng ý nầy, vì 100 ức nguyên nhân xuống trần thời khai thiên, chỉ có 8 ức đã hồi cựu vị còn 92 ức vì quyến luyến hồng trần chưa chịu về, nên trong TKPĐ nầy ĐCT sẽ đem hết họ trở về ngôi vị củ, nhưng không phải về một lượt, mà về theo 2 đường: 1/một số nguyên nhân nói trên kể cả một số nguyên nhân sau nầy vâng lịnh xuống trần giáo hóa dân, còn giử bản chất Thượng đế, khi đắc đạo sẽ về ngôi vị củ, không qua kỳ khảo thí của Hội Long Hoa. 2/ Số nguyên nhân còn lại còn nhiều bản tính phàm tục sẽ phải tu nhân đạo như trên 6 tỷ người còn lại trên hành tinh, để rèn luyện bản chất thuần lương đạo đức, để dự Hội Long Hoa, rồi tiếp tục tu tiến mới hồi cựu vị.
 
Lý do 2/ Về phương diện vô vi. Theo Đạo sử, Nhân loại đã trải qua 2 thời kỳ Phổ độ, hiện đang ở trong thời kỳ Phổ độ thứ 3, gọi là Tam Kỳ Phổ độ. Cứ mỗi thời kỳ Phổ độ có một Hội Long Hoa vào cuối thời kỳ đó. Nói khác, mỗi Hội Long Hoa chấm dứt một thời kỳ Phổ độ. Như vậy Tam kỳ Phổ độ chưa dứt thì chưa khai mở Tam Hội Long Hoa.
 
Mỗi Hội Long Hoa có một Đấng Thiêng liêng giáng thế. Tam Long Hoa Hội do Đức Phật Di Lạc chủ trì. TTTN là biểu trưng của Long Hoa Hội, và Tượng Đức Phật Di Lạc trên nóc Hiệp Thiên Đài biểu trưng Ngài sẽ chủ trì Hội Long Hoa. Nhưng Hội Long Hoa chưa đến. TTTN chưa có cơ bút chỉ dạy của Ngài, chỉ có một chi phái có cơ bút của Ngài nhưng rất ít.
 
Thời kỳ Phổ độ lần thứ 3 hay Tam Kỳ Phổ Độ  bắt đầu lúc nào và sẽ chấm dứt lúc nào? Tam Kỳ Phổ độ bắt đầu từ thời điểm khai sáng Đạo Cao Đài (năm Bính Dần-1926) nhưng chưa biết kéo dài trong bao lâu. Đạo Cao Đài có danh xưng chánh thức là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, kéo dài Thất ức niên tức 700.000 năm, nên nhiều người nghĩ rằng thời kỳ Phổ độ kéo dài thất ức niên. Có đúng không?
 
Hiện nay Đạo Cao Đài được phổ truyền thế giới, nhiều người ngoại quốc nghiên cứu Đạo Cao Đài, thường thắc mắc Đạo Cao Đài là Đạo Phổ độ hữu hình hay Đạo vô vi . Nếu là vô vi tại sao có chức năng Phổ độ? Nếu Phổ độ, tại sao Thánh giáo gọi ”Đại Đạo Tam Kỳ là Đạo vô vi” (TNHT)? Do đó có quan niệm phân chia Đạo Cao Đài làm 2 Phái : Phái Phổ ĐộPhái Vô Vi. Quan niệm phân chia Đạo Cao Đài như vậy có đúng không? Do đó tôi mạo muội lạm bàn để mong góp một phần nhỏ lý giải các thắc mắc nói trên căn cứ vào Tam Long Hoa Hội là cột móc thời gian.
 
Theo Tôi thời gian 700.000 năm là đoạn đường để toàn thể nhân loại trở về hồi cựu vị , có 2 giai đoạn:
 
 -Giai đoạn 1 là Thời kỳ Tam kỳ Phổ Độ là thời gian ngắn từ lúc Đạo Cao Đài khai mở (năm 1926) đến Tam Hội Long Hoa, là thời kỳ Phổ độ để dẫn con người trở nên thuần lương đạo đức, tận thiện tận mỹ mà dự Hội Long Hoa. Trong giai đoạn nầy ĐĐTKPĐ là một tôn giáo hữu hình, có Tịch Đạo Thanh Hương, Đức Lý Tiên Trưởng là Giáo Tông vô vi.
 
-Giai đoạn 2 là thời kỳ sau Hội Long Hoa đến Thất ức niên. ĐĐTKPĐmột tôn giáo vô hình, là thời kỳ vô vi, theo như Thánh giáo “ĐĐTKPĐ là một Đạo vô vi”, có Tịch Đạo Đạo Tâm, Đức Phật Di Lạc giáng lâm (không biết Ngài giáng lâm trong xác phàm hay bằng huyền diệu cơ bút), vì nhân loại sau Hội Long Hoa đều là những người thuần lương chí mỹ, là bậc Thánh ở trần gian, sẽ tự mình độ lấy mình mà tiến lên Tiên vị và Phật vị. ĐCT đã dùng chữ “Tam Kỳ Phổ Độ” để làm danh xưng cho ĐĐTKPĐ vì tất cả các sự kiện hữu hình đều xảy ra trong thời kỳ nầy, còn sau Hội Long Hoa là thời kỳ vô vi không còn phổ độ hữu hình mà là tự độ.
Tôi hiểu như vậy vì căn cứ vào:
 
-PCTCG:”Chịu dưới quyền Thiêng liêng của Tạo Hóa, sanh sanh tử tử, luật lệ ấy vốn do Trời, số số căn căn Thiên điều đã định, người chỉ đặng một quyền tự lập , là mình làm chủ lấy mình, luân luân chuyển chuyển, giồi cho đặng Thánh đức căn sanh, đặng lên tột phẩm vị Thiêng liêng, mới nhập vào cửa vô vi, thể cùng Trời đất” (mục HTĐ)
 
- Thánh giáo:”Thời kỳ mạt pháp nầy khiến mới có Tam Kỳ Phổ độ, các sự kiện hữu hình sẽ bị hủy phá tiêu diệt, Thầy đến chuyển đạo lập lại vô vi, thử coi bên nào chánh lý. Hữu hình thì tiêu diệt đặng chớ vô vi chẳng thế nào diệt đặng”(Thánh giáo ngày 27 tháng 6 năm Bính Dần-4/8/1926-TNHT trg 121).
 
- Lời dạy của ĐHP :
 
+ Hiện nay nhân loại đang ở vào thời kỳ Hạ ngươn của Tam Chuyển, thường gọi là Hạ Ngươn mạt pháp. Tam Long Hoa Hội sẽ chấm dứt Hạ Ngươn Tam Chuyển để bước qua Thượng Ngươn của Chuyển kế tiếp là Tứ Chuyển của nhân loại gọi Thượng Ngươn Tứ Chuyển hay Thượng Ngươn Thánh đức (Thuyết Đạo). Trong thời kỳ  đó con người đều là bậc Thánh ở trần gian. Như vậy Tam Long Hoa Hội có vai trò vừa chấm dứt Hạ Ngươn vừa chấm dứt Tam Chuyển.
 
+ Con người tu tiến theo nấc thang 5 cấp, không bỏ cấp được, gọi là ngũ chi Đại Đạo. Ba chi đầu là Nhân đạo, Thần đạo, Thánh đạo để lập thế giới Đại đồng của Thời Thượng Ngươn Thánh đức, là trạm dừng chân của những người hiền nhơn thánh triết để sẽ tiếp tục tu tiến, đắc thành chánh quả, vào bực trọn lành, thoát khỏi luân hồi, hiệp một cùng Thượng Đế (Diễn văn ĐHP tại Đền Thánh ngày 14-2 Mậu Thìn-5/3/1928- Bước đầu học Đạo của HT Nguyễn văn Hồng- trg221). Như vậy sau khi con người vượt qua 3 cấp là đi đến Hội Long Hoa, là trạm dừng chân trên đường tu tiến.
 
 * Biểu tượng Thượng Đế trong khung Tam giác trong Nhà thờ Karlskirche.
 
Nhớ lại năm 2012, Phái đoàn Đại Diện Hội Thánh được VĐH nhờ cô Sinh viên chuẩn Tiến sĩ Sarah hướng dẫn tham quan Thành phố Vienna để biết những di tích lịch sử đã dược Unesco công nhận là di sãn quốc tế, như những Tượng đài lịch sử ghi lại những chiến tích anh hùng của nước Áo, những Đền đài cung điện hoàng gia hùng vỉ tráng lệ theo kiểu baroque thời trung cổ (đồ sộ, cao và tráng lệ) đánh dấu một thời Vienna là Trung tâm văn hóa và chính trị Châu Âu, nơi vang bóng của những nhân vật nổi tiếng thế giới  và những Nhà thờ kiểu gothic (có tháp nhọn và cao), hay những nhà thờ vừa cổ kính uy nghi vừa hoành tráng nguy nga tiêu biểu cho đức tin Thiên chúa giáo của 75% người dân Áo, xây dựng một phần theo kiến trúc thời La Mã, nhưng pha trộn kiến trúc Chính thống giáo, hoặc Hồi giáo, Do Thái giáo... (sẽ nói sau) (Xin xem Ký sự truyền giáo châu Âu năm 2012- Lễ sanh Ngọc Duyên Thanh   - caodai.com.vn).
 
Lần nầy Phái đoàn Hội Thánh cũng được VĐH hướng dẫn tham quan vài nơi tiêu biểu cho đức tin của ngưới dân Áo mà 75% theo Thiên Chúa giáo La Mã. Nói riêng Thủ đô Vienna biểu tượng của Giáo quyền của Thiên chúa giáo La Mã, theo Wikipedia năm 2005, có 49,2% Thiên chúa giáo La Mã, 8% Hồi giáo, 6% Chính Thống giáo, 4,7% Tin Lành, 0,5% Do Thái giáo, 0,5% Công giáo cổ, 5,7% theo các tôn giáo khác, nhưng Phật giáo rất ít, còn lại 25,6% không theo tôn giáo nào.
 
Nói chung, kiến trúc các nhà thờ ở Vienna không hoàn toàn theo hẵn kiến trúc Thiên Chúa giáo La Mã (2 tháp chuông nhọn cao vút), mà còn ảnh hưởng theo kiến trúc baroque (nặng nề đồ sộ) trong đó có pha trộn kiến trúc Hồi giáo (nóc tròn hình bán cầu chụp xuống Tòa nhà chính) và Chính thống giáo ở Nga (có nhiều tháp đỉnh nhọn, hoặc nhiều bán cầu lật úp hoặc có hình nấm hoặc hoa sen lật ngược màu sắc rực rỡ phủ lên trên nhiều tháp hình trụ tròn chi chít trên nóc tòa nhà - rất khó diễn tả xin xem Wikipedia) mà tôi thấy tiêu biểu là Vương Cung Thánh Đường Saint Stéphen (nhiều đỉnh nhọn kiểu gothic) xây dựng vào thế kỷ 13, được cơ quan Unesco công nhận là di sãn quốc tế,  nhà thờ St. Leopold,  và nhà thờ Karlskirche, có nóc nữa cầu tròn, được xây dựng pha trộn kiến của các tôn giáo nầy. Riêng nhà thờ Karlskirche còn thể hiện ảnh hưởng Do Thái giáo trong trang trí bên trong nhà thờ.
 
Tôi thấy cần nói đến nhà thờ Karlskirche mà Tôi tin rằng Thượng Đế đã để thông điệp ở đây  từ xa xưa, trước khi giáng trần năm 1926 ở Việt Nam. Nhà thờ nầy được xây dựng vào năm 1716, hoàn thành năm 1739, cao 55m, rộng 40m, 2 tháp chuông cao vút ở hai bên, đỉnh 2 tháp chuông có hình trụ tròn chồng lên, bên trên trụ tròn  được chụp lên bởi nửa bán cầu hoặc hoa sen lật ngược, tháp giữa cao 72m gồm cả vòm hình bán cầu tròn ở giữa, trên đó là Thánh giá biểu hiệu Giáo quyền Thiên Chúa. (Đa dạng, rất khó diễn tả-xin xem hình vào trong Google)
 
Bên trong nhà thờ cũng vô cùng lộng lẩy tráng lệ với trần nhà cao vút , trên trần và chung quanh vách đều được trang trí bởi những bức họa vĩ đại thời trung cổ để biểu dương Thánh thần. Ở tận cùng và trên cao có hình một Tam giác tỏa hào quang bên trong có 4 chữ cổ. Bốn chữ đó theo bí giáo Do Thái Kabbalah được viết ra là YHVH hay là YAHWEH, có nghĩa là Thượng Đế. YHVH là chữ viết tắt của chữ YOD-HÉ- VAU-HÉ. Khi vũ trụ chưa hình thành, người Do Thái cung xưng Thượng Đế là YOD HÉ VAU HÉ, viết thành YHVH. Khi vũ trụ hình thành, người Do Thái chia vũ trụ làm 4 phần ở 4 phương trời (Đông Tây Nam Bắc) tức viết rời thành Y-H-V-H tức Vạn Hữu. Vậy khi tụ YHVH là Thượng Đế. Khi tán Y-H-V-H là Vạn Hữu. Có nghĩa là Thượng Đế là Vũ trụ và Vũ trụ là Thượng Đế, Thượng Đế ở trong Vũ trụ chớ không phải ở ngoài vũ trụ và tạo ra Vũ trụ như thuyết Sáng Thế.
 
Ngoài ra theo Bí giáo Do Thái, YOD có nghĩa là Bản thể. HÉ gồm 2 phần tượng trưng 2 động lực Âm Dương, tương sinh tương khắc, nguyên thủy tạo thành Vạn Hữu. VAU là chữ thứ 6, số 6 tức Lục hợp, 6 phương trời (có lẽ vì thế mà cờ Do Thái là Ngôi sao 6 góc) và con số 7 của huyền học Do Thái (6 đỉnh nhọn và trung tâm) rất huyền bí (Xin xem giải thích trong Google, vì khó hiểu nổi).
 
Vậy theo Bí giáo Do Thái, Thượng Đế được quan niệm bằng hình Tam giác tỏa hào quang bên trong có 4 chữ YHVH. Quan niệm nầy chẳng khác giáo lý Đạo Cao Đài về : “Thiên nhãn trong khung Tam giác” ở Đền Thánh, và quan niệm  “Nhất bản tán vạn thù. Vạn thù qui nhứt bản” của Đạo Cao Đài.
Theo Bí giao Do Thái, YHVH tượng trưng Thượng Đế bên trong, Tam giác tượng trưng Khí Dương phóng phát, hào quang chung quanh chỉ Vạn Hữu. Bốn chữ YHVH trong khung Tam giác được diễn tả cụ thể bằng “Thiên nhãn trong Tam giác” của đồng một  mỹ kim, hoặc trong một số nhà thờ ở Hoa Kỳ và Canada, trong nhà thờ Chính Tòa Aachen (Aachen Cathedral - Đức), và còn thấy được trong Điện Versailles (Pháp).
 
Tôi nghĩ rằng ngoài 2 tôn giáo Đông phương là Khổng giáo và Lão giáo, đã góp phần lý giải giáo lý Cao Đài, nếu các nhà nghiên cứu tôn giao cố gắng tìm hiểu thêm tôn giáo bí truyền Do Thái, để giải thích Đạo Cao Đài thì có thể sẽ lý giải được nhiều điều còn huyền bí ẩn tàng trong giáo lý Cao Đài.
 
Như vậy, biểu tượng của ĐCT đã được Ngài báo trước ở khắp nơi trên thế giới trước rồi, rồi đến năm 1926, Ngài mới lập Đạo Cao Đài ở Việt Nam để xiển dương hình ảnh của Ngài bằng biểu tượng “Thiên nhãn trong khung Tam giác” ở Đền Thánh TTTN cho toàn nhân loại biết, để truyền bá khắp  thế giới giáo lý “Nhứt bổn tán vạn thù, Vạn thù quy nhứt bổn”, nhằm hoằng khai chủ thuyết “Đại Đồng nhân loại” cho nhân loại, để kêu gọi nhân loại tránh cảnh tương tàn tương sát vì kỳ thị tôn giáo và kỳ thị chủng tộc, trong một thế giới không còn tình người hiện nay.
 
                                         
               Nhà thờ Chính Thống Giáo                                                    Nhà thờ Hồi Giáo
 
Thay kết luận- Có phải Nước Áo và Thủ đô Vienna là nơi được ĐCT chọn để gieo cấy hạt giống Cao Đài?
 
Tôi xin nêu vấn đề để quý đồng đạo suy nghĩ. Theo Tôi, nước Áo và Kinh thành Vienna, có những điểm Thượng Đế đã ban cho, mà không nơi nào có được, có thể sẽ là nơi được ĐCT chọn để gieo trồng Giáo lý cứu thế của Người qua Đạo Cao Đài, nên mới dẫn dắt Phái Đoàn Hội Thánh Cao Đài  đến Vienna:
 
-          Nước Áo và Kinh thành Vienna được mệnh danh là Thiên đường của Châu Âu, đã được Thượng Đế ban cho  cảnh trí thiên nhiên đẹp tuyệt vời được coi là “Xanh nhất”, hữu tình và đẹp nhất Thế giới mà cơ quan Unesco công nhận là di sãn của nhân loại.
 
-          Nước Áo và Kinh thành Vienna có nhiều Tượng đài lịch sử hùng vĩ, nhiều Đền đài nguy nga tráng lệ thời Trung cổ bậc nhứt thế giới, nhiều kiến trúc nhà thờ hoành tráng, vĩ đại mà một số đã được Unesco công nhận là di sãn của Thế giới.
 
-          Nước Áo mà tiêu biểu là VĐH Vienna có một nền giáo dục tiến bộ bậc nhất thế giới, có nhiều Giáo sư khoa học được giải Nobel và nhiều Nhạc sĩ bậc Thầy lừng danh giới, nên Thủ đô Vienna được mệnh danh là “cái nôi của những nhân tài thế giới” và cũng là “Thủ đô của âm nhạc Thế giới” .
 
 Rõ ràng nước Áo và Thủ đô Vienna được Thượng Đế ban cho mọi tinh hoa của nhân loại.
 
-          Nước Áo có 75% dân số theo Thiên chúa giáo La Mã vì từ thế kỳ thứ 1, Áo là Tiền đồn của Đế Quốc La Mã , và một thời gian dài (1278-1520), Áo, dưới sự cai trị của Vương triều Habsburg chịu ảnh hưởng Thiên chúa giáo La mã, được coi là trung tâm và Vienna được coi là trái tim của “Đế chế La Mã Thần Thánh” có phạm vi lãnh thổ rộng lớn trải dài gồm Đức, Áo, Thụy Sĩ, miền đông nước Pháp, Bỉ, Hòa Lan, miền Tây Ba Lan . Nhưng riêng Vienna tuy có hơn 50% dân số theo Thiên chúa giáo La Mã nhưng cũng có nhiều tôn giáo khác phát triển như Hồi giáo, Chính Thống giáo, Do Thái giáo..., đã được thể hiện qua  kiến trúc pha trộn của các Nhà thờ như đã nói trên, có thể dễ dàng đi đến hòa đồng tôn giáo.
 
-          Biểu tượng Thượng Đế thể hiện trong nhà thờ Karlskirche ở Thủ đô Vienna, theo quan niệm Bí giáo  Do Thái, bằng Khung Tam giác tỏa hào quang bên trong có 4 chữ cổ có nghĩa là Thượng Đế . Biểu tượng nầy cũng chính là biểu tượng “Thiên nhãn trong khung Tam giác” của Đạo Cao Đài ở Đền Thánh TTTN.
 
Tôi tin ĐCT đã sắp đặt một cách huyền dịệu mãnh đất thiêng sẵn sàng cho Giáo lý Cao Đài nẩy nở. Đây là nhiệm vụ Thiêng liêng mà ĐCT giao phó cho toàn thể tín đồ Cao Đài chúng ta./.
 
 Lễ Sanh Ngọc Tua Thanh. (Hoa Thịnh Đốn tháng 9/2017)