GIÁO LÝ (TIẾP PHÁP TRƯƠNG VĂN TRÀNG)

Cập nhật 2012-02-15 10:24:24

Chúng tôi quan niệm rằng: Kẻ học Đạo có liên đới quan hệ trong ba đời: ở đời hiện tại, chúng ta phải tìm học những kinh nghiệm của các Đấng Tiền bối, còn lưu truyền trong kinh điển. Đó là đời hiện tại học với đời quá khứ. Đến lượt chúng ta ở đời hiện tại cũng phải làm việc lưu truyền cái gì mà chúng ta đã chứng minh kinh nghiệm cho đời vị lai. Tiền tấn, hậu kế, phương thức ấy giúp loài người nghiên cứu liên tục, khám phá Đạo tự nhiên, tiềm tàng trong vũ trụ, vạn vật. Hoặc nói rõ là: Nhơn loại lần hồi phát minh đường Chánh đạo đưa chúng sanh trở về với Cội sanh mình là Thái Cực Thánh Hoàng.

Nhắc lại, gần đây thời kỳ khoa học thực nghiệm cực thạnh lan tràn từ Tây sang Đông phương. Sự kiện ấy làm lung lay lòng tín ngưỡng của người Việt Nam. Không ít nhà Nho gần như thối chí bút nghiên. Thiền học thì không vui phổ truyền Phật pháp. Người nhơn thế, như chúng tôi, chỉ còn phưởng phất tinh thần Đạo Đức truyền thống mà thôi.

Đến năm Ất Sửu (1925) Đức Chí Tôn dùng huyền diệu Cơ bút khai mở mối Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Phép Tiên gia huyền nhiệm ấy đánh mạnh vào tiềm thức của chúng tôi, làm cho lòng tín ngưỡng bừng tỉnh. Thì chúng tôi mới nhận ra rằng con đường giải thoát kiếp trầm luân, khổ hải, để dành cho chúng sanh mà Tam giáo đã vạch sẵn từ ngàn xưa vẫn còn chói sáng dằng dặc trong ký ức mọi người. Thế mà, từ trước chúng tôi không nghĩ đến. Lần khai Đại Đạo nầy, Đức CHÍ TÔN không lập Giáo lý riêng, mà chỉ qui nguyên Tam Giáo, hiệp nhứt Ngũ Chi thành một học thuyết Đại Đồng. Đó là mối đầu tiên làm cho chúng tôi hồi tưởng đời sống của người xưa, để làm gương soi sáng cho người nay.

Là một Đồng Tử, trong số 12 vị Đồng Tử, chúng tôi nhờ kinh nghiệm Cơ bút, tìm hiểu Chơn lý, Đức tin nhờ đó mà thành lập kiến cố sức mạnh tinh thần ấy soi sáng và đôn đốc chúng tôi học hành Đạo lý.

Sự nghiên cứu Giáo lý thời xưa và phối hợp với Thánh Ngôn của các Đấng Thiêng Liêng lập thành một học lý đối với chúng tôi, lúc ban đầu, không phải dễ dàng như lấy đồ trong túi, nhưng, may thay Đức CHÍ TÔN hằng cận kề dạy bảo: Đức Ngài dạy phải bớt điều không thích hạp, phải thêm những điểm cần thiết, cắt nghĩa những câu văn khó hiểu, chung qui, những bài học góp nhặt thành lập giáo lý nầy, chúng tôi đã cống hiến cho các bạn đồng môn hồi năm 1950 và được tái bản hai lần nữa. Sau khi xuất bản quyển "Trên Đường Tấn Hóa" chúng tôi cần thấy phải tái bản quyển Giáo Lý nầy một lần thứ tư nữa. Âu cũng là một việc thêm thắt những chi tiết khuyết điểm, cần cho quyển Giáo lý Đại Đạo được đầy đủ thêm hơn.

QUYỂN GIÁO LÝ GỒM CÓ 3 PHẦN

1. Về mặt Tôn giáo.

2. Vũ Trụ và Nhơn Sanh Quan.

3. Hạ Thừa và Thượng Thừa.
PHỤ LỤC I

4. Hườn nguyên Tam Bửu.

PHỤ LỤC II

5. Nho Giáo lược khảo.

6. Đạo Giáo lược khảo.

7. Phật Giáo lược khảo.

Quyển Giáo lý gồm có 3 phần như trên. Ấy là học thuyết của Đại Đạo: còn hai phần phụ lục sau là Hườn nguyên Tam Bửu và Tam Giáo lược thuật. Vả lại, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ nền tảng là học lý Tam Giáo Qui Nguyên; chúng tôi lược khảo Tam Giáo là có ý để cho học giả biết qua chỗ Tam Giáo Đồng Nguyên và Hườn nguyên Tam Bửu là cứu cánh của sự tu học.

Có điều chúng tôi xin thưa là: Đứng về mặt tu tỉnh, chúng tôi nhắm vào mục đích Vũ trụ và Nhơn sanh quan để soạn thảo chớ không đề cập đến Xã hội học. Thiết tưởng, chúng ta cứ tu thân trước đi, nhiên hậu sẽ tề gia, trị quốc, và bình thiên hạ cũng như cỗ nhơn đã quan niệm.

Nếu như tu thân rồi mà sở hành còn có khuyết điểm chúng ta cũng có thể sửa đổi được vì chúng ta biết điều phải quấy, lẽ thiện ác rồi theo đó mà thu xếp. Dầu sự việc không được Chí thiện chớ cũng không đến nỗi sai xa Thiên lý. Cổ nhơn nói rằng: "Bổn lập nhi Đạo sanh" là lẽ ấy.

Thưa Quí vị Độc Giả,

Một Giáo lý đã rộng lắm rồi; nay Tam Giáo và Ngũ Chi qui nhứt thì thử hỏi Đạo Pháp rộng rãi đến dường nào? Đứng trước cái biển pháp bao la vô biên ấy: Chúng tôi với tài đức kém cỏi đường đột soạn quyển sách nầy, dĩ nhiên sự khuyết điểm không ít. Xin quí Ngài lượng thứ cho. Chúng tôi rất vui lòng tiếp nhận những lời giáo hóa của quí vị Đại Đức, để sau nầy sửa chữa thêm bớt cần cho quyển sách trở nên đầy đủ thêm hơn hầu lưu truyền cho đoàn hậu tấn.

Soạn giả

Tiếp Pháp TRƯƠNG VĂN TRÀNG

Cẩn chí