ĐẦU NĂM GIÁP NGỌ: MỘT CHẶNG ĐƯỜNG NHÌN LẠI

Cập nhật 2014-02-12 10:18:41

ĐẦU NĂM GIÁP NGỌ: MỘT CHẶNG ĐƯỜNG NHÌN LẠI
CÔNG CUỘC TRUYỀN BÁ ĐẠO CAO ĐÀI TRÊN THẾ GIỚI
 
                                                                                                         Lễ Sanh Ngọc Duyên Thanh
 
            Tôi luôn giữ đức tin là Đạo Cao Đài sẽ  được hoằng khai khắp thế giới như Thánh giáo đã nói trước. Cho nên, Tôi thán phục Phái đoàn cao cấp Hội Thánh Cao Đài TTTN trong năm vừa qua đã đưa Đạo Cao Đài trở lại trường Quốc tế, bằng việc viếng thăm Oomoto giáo ở Nhật và 2 tôn giáo ở Đài Loan là Tiên Thiên Cứu Giáo Hồng Vạn (Tao Yuan) và Nhất Quán Đạo, có đức tin và giáo lý gần giống như Đạo Cao Đài. Tôi cũng ngưỡng mộ những công cuộc truyền giáo ở hải ngoại của các Phái đoàn truyền giáo Cao Đài do tự nguyện hay của Hội Thánh chỉ đạo đã thực hiện trong hơn 10 năm qua. Bởi vậy Tôi viết lại những thành quả nầy để ôn việc xưa, và tin tưởng ở tương lai của nền Đạo chúng ta.
  
Tôi nghĩ rằng đã đến lúc Đạo Cao Đài phổ truyền khắp thế giới.
 
            I- PHÁI ĐOÀN HỘI THÁNH TRUYỀN GIÁO HẢI NGOẠI.
 
             Năm Quí Mùi (2013), Đạo Cao Đài TTTN đã trở lại trường Quốc Tế, sau gần 60 năm vắng bóng. Việc nầy được dánh dấu bằng cuộc viếng thăm Giáo Hội Oomoto giáo ở Nhật Bản, Giáo Hội Tao Yuan (Tiên Thiên Cứu Giáo Hồng Vạn) và Giáo hội Nhất Quán Đạo ở Đài Loan, của Phái đoàn Hội Thánh Cao Đài TTTN, với sự lảnh đạo của Ngài Đầu sư Thượng Tám Thanh, Chưởng Quản Hội Thánh, theo lời mời của các tôn giáo nầy.
 
1-      Phái đoàn Hội Thánh Cao Đài viếng thăm Oomoto giáo ở Nhật Bản.
 
Trước hết, Phái đoàn Hội Thánh Cao Đài đi Nhật Bản, viếng thăm Oomoto giáo từ ngày 3/5/13 đến 5/5/13 theo lời mời của Giáo hội Oomoto, nhân dịp tham dự Đại lễ Miroku của tôn giáo nầy. Ngày đầu tiên (3/5/13, âl. 26 tháng 3 năm Quí Tỵ), Phái đoàn đến Trung Tâm Hành Chánh của Nhân loại Ái Thiện Hội  của  Oomoto giáo, chào thăm Ngài Noriyuki Taga và Ngài Yasuhiko Inagaki, Lãnh đạo Trung tâm Hành chánh Kameoka, tham quan Thánh điện Kameoka (là Thánh điện thứ 2 của Oomoto giáo), trực thuộc Khu Hành chánh Trung Tâm của Oomoto giáo. Ngày kế đó (4/5/13), Phái đoàn đến điện Kameoka tham dự lễ mừng sinh nhật thứ 56 của Ngài Kurenai Deguchi, Nữ Giáo chủ Oomoto giáo, trong thời gian 180 phút. Tại đây, Phái đoàn được Đoàn Tiên Giáo Đài Loan và Đoàn Phật giáo Thái Lan đến tiếp xúc thân mật và ngõ lời mời Ngài Đầu sư Thượng Tám Thanh và Hội Thánh Cao Đài đến viếng thăm tôn giáo của họ vào một ngày sắp tới. Cùng ngày, Phái đoàn đi Ayabe, Thánh địa chính của Oomoto giáo. Tại đây, Phái đoàn có buổi tọa đàm với khoảng 100 Chức sắc, và tín đồ Oomoto giáo. Ngài Đầu sư đã phát biểu về tôn chỉ,và mục đích của tôn giáo Cao Đài trong khoảng 30 phút, và sau đó đã trả lời thỏa đáng các câu hỏi nêu ra... Ngày sau cùng (5/5/13), Phái đoàn Cao Đài đến dự Đại lễ Miroku tại Thánh địa Ayabe, là Thánh địa chính của Oomoto giáo, qui tụ khoản 2500 người, kéo dài 180 phút, trong bầu không khí rất long trọng. Sau lễ, Ngài Đầu sư được mời lên phát biểu trước giáo chúng Oomoto giáo, chào mừng lễ hội, cầu nguyện thế giới hòa bình, và chúc Giáo hội Oomoto giáo phát triển mạnh mẽ, Vương quốc Nhật được phú cường, toàn thể nhơn loại được phát triển đời sống đạo đức vĩnh cửu. Sau đó, Ban Tổ chức Đại lễ hướng dẫn Ngài Đầu sư và Phái đoàn vào phòng khách đặc biệt diện kiến Nữ Giáo chủ Oomoto giáo, được Bà tiếp đón long trọng và thân mật.
 
            Chú thích: Theo lời dạy của Đấng Ushitora no Konjin thì người lãnh đạo của Oomoto giáo phải là Nữ giới. Do đó, Giáo chủ của Oomoto giáo chỉ là Nữ dòng họ Deguchi (Bà Nao Deguchi, Bà Sumiko Deguchi, Bà Naoshi Deguchi, Bà Kiyoko Deguchi, Bà Kurenai Deguchi), còn người Phụ tá điều hành là Nam. Những Nữ Giáo chủ của Oomoto giáo đều được tín đồ của mình cung kính xưng tụng là "Kyoshu sama".  Những người lảnh đạo Phái đoàn Oomoto giáo đi khắp nơi, chỉ là Trưởng Phái đoàn, đại diện cho Giáo hội Oomoto giáo, hoặc giữ chức vụ  Chủ trưởng cơ quan  hành chánh cao cấp của giáo hội. Cũng cần phân biệt, Oomoto giáo là tôn giáo, còn Nhân loại Ái Thiện hội là cơ quan Phổ tế và truyền bá tư tưởng đại đồng của Giáo hội Oomoto.
 
             Cần phân biệt Giáo hội Oomoto giáo và Giáo hội Hinomoto (Liên Hiệp tôn giáo Hinomoto Mahashira) ở Nhật. Giáo hội Hinomoto, do Ngài Tamamitsu Fujino Miya hướng dẫn, có đến viếng thăm Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh vào ngày 22/2/73 (20 tháng 1 năm  Quí sửu), để nghiên cứu giáo lý Cao Đài, đã được Ngài Hiến Pháp Trương Hữu Đức và Chức sắc cao cấp Hội Thánh tiếp đón thân mật. Trước khi gặp Hội Thánh, cả Phái đoàn quì trước đại điện Đền Thánh bái lễ Đức Chí Tôn và đọc kinh cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Sau đó Phái đoàn Hinomoto đi thăm viếng một số cơ sở Đạo.
 
            Ngài Tamamitsu Fujino Miya, Đại diện cho Giáo Hội Hinomoto có gởi cho Ngài Hiến Pháp Trương Hữu Đức, một bức thư đề ngày 14/3/73 viết bằng Anh ngữ, trong đó có câu: " On December 13, 1972, I received the divine revelation at Mt Fuji: "There is a great Holy place in Vietnam. I prepared it for today.Go and make a tight connection with it". (Tạm dịch: "Vào ngày 13/12/1972, Tôi có nhận được mặc khải Thiêng liêng ở núi Phú sĩ, dạy rằng: "Có một Thánh địa vĩ đại tại nước Việt Nam. TA chuẩn bị Thánh địa ấy cho ngày hôm nay. Con hãy tìm đến và tiếp xúc với Thánh địa ấy").
 
             Cũng lưu ý, một Phái đoàn khác của Nhật là Thiên lý giáo, do ông Sơn Hải lý Nhất hướng dẫn, đã viếng thăm TTTN ngày 10/9/73 (14 tháng 8 năm Quí sửu) . Phái đoàn vào đại điện bái lễ ĐCT, quan sát tìm hiểu cách thờ phượng của Đạo Cao Đài, rồi đến Giáo Tông đường được Hội Thánh và Ngài Hồ Bảo Đạo tiếp kiến.
 
            Theo bản tin Anh văn của Nhân loại Ái Thiện hội, số ngày 20/3/98, trước năm 1975, Phái đoàn Oomoto giáo nhiều lần viếng thăm TTTN, để thắc chặc tình hữu nghị lâu đời giữa 2 Tôn giáo kể từ khi Ngài cố Giáo Chủ Kiyosumi Deguchi và quý vị Chức sắc Tiền khai còn sanh tiền, đồng thời đã xin Hội Thánh Cao Đài chấp thuận cho phép Oomoto giáo lảnh lịnh truyền bá giáo lý Cao Đài ra ngoại quốc.
 
            Do đó, việc Phái đoàn Hội Thánh Cao Đài TTTN, với sự lãnh đạo của Ngài Đầu sư Thượng Tám Thanh, viếng thăm Giáo hội Oomoto, là sự nối tiếp chương trình giao hảo giữa 2 tôn giáo Cao Đài và Oomoto giáo, đã có từ năm 1935, theo sự chỉ dạy của Đấng Thiêng Liêng. Đã 2 lần Phái doàn Giáo hội Oomoto giáo viếng thăm Hôi thánh Cao Đài TTTN, đã gặp những Vị lãnh đạo cao cấp của TTTN là Đức Hộ Pháp, Đức Q. Giáo Tông năm 1933 - 1934, và Ngài Hiến Pháp Trương Hữu Đức năm 1974, để thắc chặc sự liên lạc và cũng để phát huy chủ thuyết đại đồng, huynh đệ của 2 tôn giáo nầy khắp thế giới. Mục tiêu nầy có tính cách thiêng liêng, nhưng đã 2 lần không thực hiện được vì những biến cố lịch sử trong đại. Dù sau nầy, Hội Thánh có gởi nhiều Phái đoàn viếng thăm Oomoto giáo theo lời mời của Giáo hội nầy, nhưng chỉ có tính cách Đại diện và xã giao. Phái doàn Hội Thánh lần nầy là Phái đoàn chính thức đầu tiên cấp lãnh đạo Hội Thánh, chính là để nối tiếp chương trình của quý vị Tiền Khai chưa thực hiện được. Do đó, Phái đoàn Hội Thánh đã được tiếp dón long trọng và đã được chính vị Giáo chủ Oomoto giáo tiếp kiến. Việc giao hảo giữa 2 tôn giáo nầy chẳng những ở quá khứ mà sẽ phát huy mạnh mẽ ở tương lai, vì đó là theo Thiên ý. Đây chỉ mới là bước đầu tiên. Hội Thánh Cao Đài TTTN phải nhận lảnh sứ mạng đó. Theo tôi, việc giao hảo chặc chẽ giữa Đạo Cao Đài và Oomoto giáo sẽ càng phát triển trong tương lai, và sẽ giúp cho Đạo Cao Đài tiến xa trên trường Quốc tế.
 
            2-- Phái Đoàn Hội Thánh Cao Đài viếng thăm Đài Loan.
           
Phái đoàn Hội Thánh Cao Đài TTTN dưới sự lảnh đạo của Ngài Đầu sư Thượng Tám Thanh, viếng thăm Đài Loan từ ngày 20/7/13 (13 tháng 6 năm Quý Tỵ) đến ngày 28/7/13 (21 tháng 6 năm Quí Tỵ) theo lời mời của Ngài Trần Chí Thành (Chen Chao Cheng), Tổng Chủ viện Tiên Thiên Cứu Giáo Hồng Vạn (Tao Yuan), sang dự Đại lễ kỷ niệm Đệ Thất chu niên Phân viện Đàn Tông và Lục thập tứ chu niên ngày thành lập Tổng Chủ viện của tôn giáo nầy.
             
Ngoài Đạo Tao Yuan, ngày 21/7/13, Phái đoàn Cao Đài có đến trụ sở của Nhất Quán Đạo theo lời mời của Tôn giáo nầy, dể trao đổi giáo lý và thắt chặc tình hữu nghị giữa 2 tôn giáo. Ngài Đầu sư Thượng Tám Thanh và Phái đoàn Hội Thánh đã được Ngài Lee Yu Chu, Tổng Lý Sư Trưởng Nhất Quán Đạo tiếp dón nồng nhiệt. Hai tôn giáo Cao Đài và Nhất Quán Đạo có những điểm tương đồng là cùng nhìn nhận một Đấng Thương Đế, tất cả nhân loại là anh em, cư xử nhau trong tình huynh đệ. Cả 2 vị lảnh đạo 2 tôn giáo đều nhìn nhận cần có sự hoạt động ngoại giao, tiếp xúc và trao đổi nhiều hơn nữa để 2 tôn giáo hiểu nhau sâu hơn, thắc chặc tình đoàn kết, và cùng hướng về mục tiêu chung là đem lại sự hòa bình cho nhân loại.
 
             Ngày 22/7/13 Phái đoàn Hội Thánh Cao Đài đã được Ngài Hứa Nhã Độ, Tông Chủ Viện Tiên Thiên Cứu Giáo Hồng Vạn và nhiều  chức sắc cao cấp nghinh tiếp tại trụ sở của tôn giáo nầy ở Đài Bắc (Thủ phủ của Đài Loan). Ngài Tông Chủ Viện ở tận Đài Nam cách Đài Bắc 200km đến Đài Bắc đến chủ trì buổi lễ và tiếp Phái đoàn Hội Thánh Cao Đài.
             
Đài lễ kỷ niệm nầy tập trung khoảng 300 Chức sắc và Giáo chúng Tiên Thiên Cứu Giáo Hồng Vạn từ nội địa Đài Loan, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Mã Lai, Myanmar và Hoa Kỳ về tham dự. Buổi lễ tổ chức trong Đại sảnh, nơi đặt nghi thờ Đức Thái Thượng Đạo Tổ, kéo dài trong 90 phút. Ngài Đầu Sư và Phái Đoàn Hội Thánh được long trọng giới thiệu trong Đại lễ. Phái đoàn cũng được Ngài Tổng Chủ Viện mời tham quan đàn cơ của tôn giáo nầy. Đàn cơ do chính ngài Tổng Chủ Viện  chủ trì với 2 đồng tử cầm cơ, 1 vị xướng đọc Thánh văn cùng các vị hầu bút. Cơ viết bằng tiếng Trung Hoa. Ngài Tổng Chủ Viện  cho biết cơ do Đức Thái Thượng Đạo Tổ giáng ban cho Đạo Cao Đài.
 
             Ngày 23/7/13, Ngài Tổng Chủ Viện trao bức Đại Tự do Đức Thái Thượng Đạo Tổ giáng cơ ban cho Đạo Cao Đài ngày hôm qua, trong  đó có chữ PHƯỚC, có nghĩa là "Phú Quý, Phước đức, Trường thọ, Kiên trì, Khai thức", và chữ CAO ĐÀI CHÚNG TU, có nghĩa là "chúng sanh tu theo Đạo Cao Đài". Kế đó Ngài Tổng Chủ Viện trao cho Ngài Đầu Sư bài Thánh giáo của Đức Thái Thượng Đạo Tổ giáng cơ bằng tiếng Trung Hoa nói trên chưa dịch sang tiếng Việt, khi dịch xong sẽ chuyển lại sau. 
 
Trong cuộc tiếp xúc giữa 2 Tôn giáo  Cao Đài và Tiên Thiên Cứu Giáo Hồng Vạn, Ngài Đầu sư được mời phát biểu trước Đại hội, giải thích về giáo lý, tổ chức và tôn chỉ Đạo Cao Đài, và trả lời thỏa đáng các câu hỏi, đã được Đại hội hoan nghinh nhiệt liệt. Sau cùng, Ngài Đầu sư trao quà cho Ngài Tổng Chủ Viện, đó là bức tranh sơn mài có hình TTTN, đối lại Ngài Tổng Chủ Viện cũng tặng lại một chiếc dĩa bạc có biểu tượng của Tiên Thiên Cứu Giáo Hồng Vạn.
           
Phái đoàn Hội Thánh cũng có tham quan 2 địa điểm quan trọng là Đền thờ Quan Thánh Đế Quân và Đài Kỷ niệm Đức Tôn Trung Sơn (Tôn Dật Tiên ) ở Đài Bắc. Sau đó Phái đoàn Hội Thánh viếng thăm Viện Bảo tàng Tôn giáo Thế giới. Nơi đây trưng bày mô hình các Đền thờ, Thánh đường của các tôn giáo từ xưa tới nay như: Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Ấn độ giáo, Phật giáo, Lão giáo, Đạo giáo, Do Thái giáo, Đạo Shinto, Tôn giáo cổ Ai Cập, Tôn giáo cổ Maya. Không biết chừng nào sẽ có mô hình Tòa Thánh Tây Ninh trong Viện Bảo Tàng nầy? Việc nầy tùy nơi chúng ta sau nầy.

      

Báo Hoa ngữ ở Đài Bắc có viết về cuộc viếng thăm 2 Tôn giáo ở Đài Loan của Phái đoàn Hội Thánh Cao Đài, đã được dịch sang Việt ngữ từ bản tiếng Anh, có đoạn như sau:" Lần đầu tiên Phái đoàn Tôn giáo Cao Đài ở Việt Nam đến thăm Đài Loan, mở ra chuyến viếng thăm đầy thiện chí giữa 2 bên, cũng như là một trang mới trong lịch sử tôn giáo. Đặc biệt, hiếm ai biết lịch sử của Tôn giáo Cao Đài được thành lập ở Việt Nam, nghi lễ thờ phượng, giáo thuyết, cách cầu nguyện, hành lễ, đã được phân định rõ trách nhiệm cho chức sắc, chức việc và tín đồ và những quy định khác nữa. Tất cả những điều nầy dường như vẫn còn là sự bí ẩn đối với nhiều người. Thật sự là, nhiều người vẫn chưa và không hiểu Tôn giáo Cao Đài ở Việt Nam, thậm chí cảm thấy nó rất lạ. Vì thế nhân chuyến thăm lần nầy và hân hạnh được trực tiếp gặp gỡ những chức sắc đứng đầu của tôn giáo nầy ở Đài Loan, tổ chức các cuộc hội thảo cũng như đến thăm một số chùa Phật giáo nổi tiếng ở Đài Loan , cùng nhau trao đổi những quan điểm, những ý tưởng thuyết pháp, nhằm để học hỏi lẫn nhau. Những điều nầy thực sự sẽ mang lại được nhiều kinh nghiệm đáng giá, đặc biệt, kiến thức hoạt động, sự quản lý về khoa học kỹ thuật hiện đại, nghiên cứu một cách có hiệu quả về những kiến trúc, những ý tưởng đổi mới để tạo điều kiện cho việc cải thiện, đổi mới trong tương lai".
 
            Hội Thánh Cao Đài TTTN, do Ngài Đầu sư Thượng Tám Thanh lãnh đạo, đã viếng thăm Oomoto giáo ở Nhật Bản và 2 Tôn giáo khác là Tiên Thiên giáo và Nhất Quán Đạo ở Đài Loan, chỉ là bước đầu tiên trên đoạn đường dài, để đưa Đạo Cao Đài trở lại trường Quốc Tế. Chúng tôi nghĩ rằng, trong một ngày rất gần, Hội Thánh sẽ tiếp Phái đoàn cao cấp của Oomoto giáo do Nữ Giáo chủ lảnh đạo đến viếng TTTN. Trước hết, vì để đáp lễ Ngài Nữ Giáo chủ và Giáo hội Oomoto giáo đã tiếp đón long trọng Phái đoàn Hội Thánh Cao Đài tại Nhật, để thắc chặc sự giao hảo giữa 2 Tôn giáo, nhưng ý nghĩa sâu xa có tính cách thiêng liêng, là để thục hiện nguyện vọng của Oomoto giáo là tìm đến Thánh địa TTTN, theo như lời dạy của Đấng Thiêng Liêng ở núi Phú sĩ, và theo lời tiên tri của một Đấng Thiêng liêng, Oomoto giáo có sứ mạng phụ giúp truyền bá Đạo Cao Đài. Theo chúng tôi, ngoài Phái đoàn cao cấp Oomoto giáo, Hội Thánh cũng sẽ mời Phái đoàn cao cấp của Tiên Thiên giáo và Nhất Quán Đạo ở Đài Loan, cũng như Phái đoàn cao cấp Tiên Thiên giáo ở Singapore để mở rộng sự giao hảo có tính cách Quốc tế. Theo chúng tôi, đây là bước khởi đầu để kết hợp, có tính cách chùm nho, các tôn giáo có đức tin và đường lối hành đạo gần giống nhau  quy về TTTN, để từ đó cùng phổ truyền nền Đạo khắp thế giới, như lời dạy trong cơ bút của Đức Thái Thượng Đạo Tổ ban cho, là "Cao Đài chúng tu". Lẽ dĩ nhiên, Hội Thánh phải có một cơ sở khang trang đầy đủ tiện nghi có đẩng cấp Quốc tế mới tiếp dón Phái đoàn cao cấp các tôn giáo, và các Phái đoàn nghiên cứu tôn giáo trên thế giới. Trụ sở nầy ở đâu, có lẽ Hội Thánh đã có dự kiến rồi, nhưng vấn đề đầu tiên, vẫn là tiền đâu để xây dựng cơ sở đó.
 
            II-TIẾP ĐÓN CÁC PHÁI ĐOÀN NGOẠI QUỐC CỦA HỘI  THÁNH.
           
Ba công tác ngoại giao đáng chú ý của Hội Thánh, đó là Tiếp Phái đoàn Tòa Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ, tiếp Phái đoàn của Tòa Thánh Vatican và tiếp đón Phái Đoàn Tao Yuan Singapore-Malaysia.
 
            - Hội Thánh tiếp Phái đoàn Tòa Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ gồm Ông Lê Thành Ân, Tổng Lãnh sự HK tại TPHCM, và Bà Kathleen Peoples, Tùy Viên chính trị, ngày 10/2/12 (19 tháng Giêng năm Giáp Dần) tại Giáo Tông Đường TTTN. Đây là bước rẽ lịch sử của cơ Đạo. Ngài Đầu sư và Phái đoàn trao đổi ý kiến rất thân mật và vui vẻ. Ông Tổng Lãnh sự trình bày tổng quát nhiệm vụ của mình trong thời gian 3 năm tại Việt Nam về kinh tế, thương mại, giáo dục giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, đồng thời giúp đở về phương diện từ thiện và xã hội cho nhân dân Việt Nam, Ngài Đầu sư cũng trình bày những thành quả thu được về hoạt động của Đạo Cao Đài trong và ngoài nước.
 
            Riêng Bà Kathleen Peoples, Tùy viên chính trị thuộc Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ngày 24/ 10/11 (26 tháng 9 năm Tân Mão), có đến thăm Thánh Thất Trần Hưng Đạo Sài Gòn, mục đích tìm hiểu về quyền tự do tín ngưỡng của Đạo Cao Đài tại Việt Nam.
 
            Đến ngày 5/7/13, Ngài Đầu sư Thượng Tám Thanh và Ngài Phối sư Thượng Minh Thanh Đại diện Hội Thánh Cao Đài TTTN, đến dự lễ tiếp tân nhân ngày lễ Độc lập thứ 237 của Hoa Kỳ, đã được sự tiếp ăn cần của hai vị Đại sứ Hoa Kỳ David Shear và Tổng Lãnh sự Lê Thành Ân.
 
             - Hội Thánh tiếp đón Đại diện Tòa Thánh Vatican.Ngày 18/11/12, Hội Thánh tiếp Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli cùng 11 vị Giám mục, Linh Mục Quản hạt và Chánh xứ, nhân chuyến mục vụ tại Tây ninh, ghé thăm Hội Thánh Cao Đài TTTN. Cùng đi với Phái đoàn có Ngài Giuse Nguyễn Tấn Tước, Giám Mục Địa Phận Phú Cường và Ngài Phêro Trần Đình Tứ, nguyên Giám Mục Địa Phận nầy.
 
            Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli là TGM địa phận Capreae (Ý), sau đó được bổ nhiệm làm Đại diện Tòa Thánh Vatican tại các Quốc gia Indonesia và Timor- Leste (2006), và hiện nay tại Singapore, Malaysia, và Brunei- Darussalam (từ tháng 1/2011), kiêm nhiệm Việt Nam. Ngài Đầu sư Thượng Tám Thanh và Quí vị chức sắc cao cấp trong Hội Thánh tiếp đón Phái đoàn rất nồng hậu tại Giáo Tông Đường, và hướng dẫn tham quan Đền Thánh.
 
            Ngoài ra, ngày 1/12/12 (18 tháng 10 năm Nhâm Thìn ), Đại sứ  Úc tại Việt Nam Hugh Borrowman cùng Phu nhân và Bí thư thứ 2 là David Skowronski đến thăm Hội Thánh TTTN, đã được Ngài Đầu sư và Quí vị chức sắc tiếp đón tại Giáo Tông Đường, và được Ngài Đầu sư giải thích về tổ chức, tôn chỉ và nghi lễ của Đạo Cao Đài.
 
             - Hội Thánh tiếp Phái đoàn Tao Yuan Singapore-Malaysia.
 
            Ông Ho Koon Sang, Phó Hội Trưởng Tao Yuan (Tiên Thiên Cứu Giáo Hồng Vạn) Singapore và Malaysia cùng Phu nhân là Bà Tan Chai Cheak và con gái là Ho Tze Huey, từ Singapore viếng thăm TTTN, vào ngày 2/12/13. Phái đoàn viếng thăm Đền Thánh TTTN, và Báo Ân Từ. Sau đó Phái đoàn đã được Ngài Đầu sư Thượng Tám Thanh tiếp đón tại Giáo Tông Đường. Ông Ho Koon Sang cho biết đây là lần đầu tiên ông đến TTTN, mục đích là tìm hiểu, để sang năm 2014, nhơn dịp kỷ niệm 78 năm thành lập Hội Hồng Vạn tại Singapore, sẽ tổ chức một Phái đoàn đến giao lưu cùng Đạo Cao Đài và tham quan TTTN. Ngài Đầu sư đã giới thiệu về Đạo Cao Đài, lịch sử, giáo lý, nghi lễ thờ cúng, công cuộc hành đạo và cơ cấu tổ chức Đạo Cao Đài...
 
 - Nhiều nhà nghiên cứu Tôn giáo đến viếng TTTN và nghiên cứu Đạo Cao Đài.
 
            Vào dịp lễ Hội Yến Diêu Trì năm 2010, Phái Đoàn Viện Đại Học Dhaka, do Giáo sư Tiến sĩ Kazi Islam, Khoa Trưởng Phân Khoa Tôn giáo Thế giới VĐH Dhaka, Bangladesh, hướng dẫn cùng với Phu nhân của ông là cựu Khoa Trưởng Phân Khoa Tôn giáo Thế giới nói trên và 2 vị Giảng sư Thạc sĩ của Phân Khoa là Thạc sĩ Jahangir Alam và Thạc sĩ Shaikh Farid, đã đến viếng TTTN, và có mời Phái đoàn Hội Thánh TTTN đến thuyết giảng Đạo Cao Đài ở Phân khoa nói trên.
 
            GSTS Joe Hobbs thuộc VĐH Missouri, Columbia, Hoa Kỳ và GSTS Lucas Pokorny (VDH Vienna, Áo) có đến viếng thăm TTTN vào năm 2008 (GSTS Joe Hobbs) và năm 2010 (GSTS Lucas Pokorny). Trong tương lai sẽ có nhiều Nhà Nghiên cứu tôn giáo đến TTTN để tìm hiểu Đạo Cao Đài.
 
            Thánh giáo của Đức Lý Giáo Tông ngày 29/2/27, như sau: "Chư Đạo hữu phải hiệp sức nhau đặng lập thành Tòa Thánh, chi chi cũng ở tại Tây Ninh nầy mà thôi. Vì là Thánh Địa, vã lại phong thổ tốt cho nhiều nước ngoại quốc đến đây học Đạo. Lão muốn nơi khác mà Chí Tôn không chịu". Hiện nay mới có 2  Nghiên cứu sinh ngoại quốc đến học Đạo ở  TTTN và học tiếng Việt ở Đại học Khoa học Nhân văn TPHCM, để soạn Luận án Tiến sĩ về Cao Đài giáo. Đó là  Ông Mohammad Jahangir Alam (Thạc sĩ Cao Đài giáo, Giảng sư thuộc Viện Đại học Dhaka, Bangladesh) và ông Gregory Fraszczak (53 tuổi , người Ba Lan, hiện sinh sống tại Tô cách Lan. Ông tốt nghiệp Thạc sĩ Tôn giáo tại VĐH Aberdeen, Tô cách Lan (Scotland). Ông biết rành các thứ tiếng như Ba Lan, Anh, Ý, Nga, Đức, Gaelic). Đề Tài của Luận án Tiến sĩ của ông Jahangir Alam là "Cuộc đời và sự nghiệp của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc", và của ông Gregory Fraszczak là "Lịch sử và giáo lý Cao Đài". Như Thánh giáo đã nói trước, rồi đây sẽ có nhiều người ngoại quốc đến TTTN học Đạo.
 
            III- CÔNG CUỘC TRUYỀN BÁ ĐẠO CAO ĐÀI TRÊN THẾ GIỚI.
 
            Công cuộc truyền bá Đạo Cao Đài khắp thế giới thực hiện qua 2 giai đoạn:
 
            1- Do một số tín đồ Cao Đài hải ngoai thực hiện với danh nghĩa Cơ Quan Truyền giáo hải ngoại ( CQTGHN).  Cơ quan nầy do đồng đạo hải ngoại bầu lên và HH Trần Quang Cảnh được bầu là Hội Trưởng Hội Đồng Đại Diện, CQTGHN, đã hoạt động truyền giáo cho người ngoại quốc từ 1998 - 2006. CQTGHN đã đạt được nhiều kết quả đáng kể , như : Tham dự các kỳ Đại hội Tôn giáo Thế giới; Thuyết trình về Đạo Cao Đài tại một số VĐH trên thế giới; Giao tiếp và giải thích về Đạo Cao Đài cho những người muốn tìm hiểu Đạo Cao Đài; Tổ chức các buổi thuyết giảng Đạo Cao Đài cho các Nhà nghiên cứu Đạo Cao Đài... Ngoài ra, Phái đoàn đã được nhiều cơ sở nghiên cứu tôn giáo trên thế giới mời đến thuyết trình về Đạo Cao Đài mà CQTGHN chưa đáp ứng được. Tuy nhiên, một trở ngại là Phái đoàn CQTGHN khi đến thuyết trình ở các nơi trên thế giới thường được coi như một Nhóm học giả Cao Đài chớ không có tư cách tôn giáo, vì không có Chức sắc tham dự. Vì thế một số đoàn viên của CQTGHN xin quy tùng Hội Thánh Cao Đài TTTN để có danh nghĩa Phái đoàn Hội Thánh đi truyền giáo quốc tế.
 
            2- Phái đoàn truyền giáo của Hội Thánh.
             
Trong thời gian từ 22/3/12 đến 31/3/12, Phái đoàn truyền giáo của Hội Thánh do Lễ Sanh Ngọc Cảnh Thanh hướng dẫn đã đến thuyết trình về Đạo Cao Đài ở VĐH Vienna, Áo, một Quốc gia ở miền trung Âu Châu,  sau đó qua Pháp, viếng Hội Thần Linh học Allan Kardec ở Lyon. Tại đây Phái đoàn trao đổi quan điểm về thần linh học vởi Hội Thần Linh học, được trải nghiệm một đàn cơ, và đã được Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn, Chưởng Đạo Hội Thánh Ngoại giáo, giáng đàn dạy việc.
           
Từ ngày 8/9/12 đến 12/9/12, một Phái đoàn truyền giáo của Hội Thánh do Lễ sanh Ngọc Cảnh Thanh hướng dẫn đã đến thuyết trình ở VĐH Missouri, Columbia, Tiễu bang Missouri, Hoa Kỳ, trước gần 400 sinh viên các cấp từ bậc Cử nhân, Thạc Sĩ đến Tiến sĩ. Phái đoàn đã được GSTS Joe Hobbs, Khoa Trưởng Phân Khoa Địa lý, và 4 GSTS khác của VĐH Missouri tiếp đón nồng hậu. Phái đoàn đã được 2 Nữ Phóng viên của báo Columbia Misourian và Radio Columbia, mỗi người dành trên 1 giờ để phỏng vấn Lễ sanh Ngọc Cảnh Thanh về Đạo Cao Đài.
 
            Trong tương lai, nếu được sự chấp thuận của Hội Thánh, Phái đoàn truyền giáo hải ngoại sẽ tiếp tục sứ mạng thuyết trình Đạo Cao Đài ở các VĐH trên thế giới, hiện đã có tên trên danh sach có sẵn.
 
            Để hiểu rõ các công cuộc truyền giáo ở hải ngoại trong nhiều năm qua, xin quý đọc giả xem các bài sau đây, đã đăng trên Mạng www.caodai.vn:
            - Công cuộc truyền bá Đạo Cao Đài ở hải ngoại
            - Ký sự truyền giáo Âu châu.
            - Quốc tế đang lắng nghe tiếng nói của Đạo Cao Đài.
 
KẾT LUẬN.
 
            Con đường truyền bá Đạo Cao Đài trên thế giới nêu trên chỉ là những bước nhỏ đầu tiên, trong tương lai sẽ còn phải đi xa hơn, nhưng sẽ đầy gian nan và thử thách, cần sự đồng tâm và cố gắng của tất cả huynh tỷ đệ muội chúng ta. Chúng tôi không dám bàn tán nhiều, chỉ xin ghi lại vài Thánh giáo:
 
            - "Đạo là Đạo, còn Chánh trị là Chánh trị. Các con chỉ vì Đạo, là phận sự các con, các con cũng chỉ biết Đạo mà thôi" (TG ngày 5-2 năm Đinh Mão. DL: 8-3- 1927) và "Chánh trị với Đạo chẳng buổi nào liên hiệp cùng nhau. Thầy nói ít, các con hiểu nhiều" (TG ngày 15 tháng 9 năm Bính Dần – DL. 21/10/1926 - TNHT).
            - "Nền Đạo chinh nghiêng, ấy là do Thiên định. Nước có trị loạn, đời có hưng vong, thì Đạo tất phải dùng thẳng quanh co rồi mới thẳng rẳng đường ngay mà lập nên thể thống". (TG của ĐCT ngày 9 tháng 2 năm Tân Mão - 26-4-1931- TNHT).
 
            "Cơ Trời mầu nhiệm đối với Đời, mà máy Thiên cơ đối với Đạo lại càng huyền vi thâm trọng hơn nữa, có lẽ tâm phàm dầu cao kiến đến đâu, cũng chưa đạt thấu được... Phải lấy nét đạo đức mà xét đoán thì mới hiểu thấu sự mầu nhiệm của Chí Tôn sắp đặt.
 
            Tà - chánh, cười ... Bần đạo nói thiệt, cũng chưa dám định đoạt. Trong cái rủi thường có cái may, trong cái may vẫn khép cầm sự rủi, khó mà lường được, điều cần là nên làm mà thôi. Nếu luận tà chánh, thì chưa một ai dám còn mang mắt phàm xưng tụng mình là chánh. Cái tà, vì Thiên thơ xử dụng, tà vì cơ thử thách của Tam Giáo Tòa; tà vì những quỉ xác ma hồn lẫn lộn của Quỉ Vương để làm cho công phu lở dở. Mỗi cái tà có duyên cớ ấy, ngày sau đều có sự biến đổi của Thiêng liêng, hoặc có một kết quả. Ngày chung qui, chỉ đem về Thầy một chữ Tâm và những công nghiệp đã gây thành cho sanh chúng" . (TG ngày 16 tháng 7 Giáp Tuất (1934) của Đức Thái Thượng Đạo Tổ- TNHT).
 
 Lễ Sanh Ngọc Duyên Thanh
(đầu tháng Giêng năm Giáp Ngọ 2014)