ĐẠO CAO ĐÀI VÀ OOMOTO GIÁO (Bài 1)

Cập nhật 2015-09-08 09:46:07

(Lễ Sanh Ngọc Duyên Thanh)
 
Vào dịp Lễ Hội Yến Diêu Trì năm 2015 nầy, Hội Thánh Cao Đài TTTN long trọng tiếp đón Phái Đoàn Giáo Hội Oomoto giáo (Nhật Bản) và các Phái Đoàn của Tiên Thiên Cứu giáo Hồng Vạn (Tao Yuan) của Đài Loan, Singapore, Mã Lai. Đây là bước ngoặc lịch sử của Đạo Cao Đài trong việc giao tiếp với quốc tế, và cũng chứng tỏ là những ứng hiện của Thiên cơ đã đến (chúng tôi sẽ nói sau ở Bài 2).
            Đặc biệt Phái Đoàn Giáo Hội Oomoto gồm 50 thành viên do chính Nữ Giáo chủ của Giáo Hội hướng dẫn (Bà Kurenai Deguchi), chứng tỏ Giáo Hội Oomoto rất tôn kính Đạo Cao Đài và cũng bày tò tấm lòng nhiệt tình và kính trọng đối với Hội Thánh TTTN. Đây là lần đầu tiên một vị Giáo Chủ Oomoto đến với Đạo Cao Đài, trong khi các lần trước chỉ là những vị Đại diện mà thôi.
Lý do trước tiên của việc Giáo Hội Oomoto giáo viếng thăm Hội Thánh TTTN là do lời mời của Ngài Đầu sư Thượng Tám Thanh, Chưởng Quản Hội Thánh Cao Đài TTTN, và cũng đễ đáp lễ Phái Đoàn Hội Thánh đã tham dự Đại lễ Miroku của Giáo Hội Oomoto giáo vào các ngày 5/5/13 (26 tháng 3 năm Quý Tỵ) đến 14.3.2013. Lý do thứ 2 có tính cách lịch sử là việc viếng thăm của Phái Đoàn Giáo Hội Oomoto có mục đích đánh dấu lịch sử  80 năm giao hảo giữa Đạo Cao Đài và Giáo hội Oomoto (1935 - 2015). Lý do thứ 3 có tính cách thần bí là Giáo hội Oomoto đã được Thiêng liêng truyền dạy có sứ mạng truyền bá Đạo Cao Đài. Riêng một giáo hội khác gần giống như Oomoto giáo là Hinomoto (thành lập do cơ bút và nhận chỉ dạy của các Đấng Thiêng liêng qua cơ bút), đã được một Đấng Thiêng liêng truyền dạy phải tìm về Thánh Địa là TTTN (sẽ nói sau).
           Để quý đồng đạo hiểu rõ hơn về Oomoto giáo Nhật Bản khi Giáo hội nầy viếng thăm TTTN trong dịp Lễ Hội Yến Diêu Trì năm nay, chúng tôi xin trình bày trong 3 bài, như sau:
                    
Bài 1:  Liên hệ giữa Đạo Cao Đài và Nhật Bản về Tôn giáo trong 80 năm.
Bài 2: Thành lập và tôn chỉ của Oomoto giáo.
Bài 3 : Tương đồng giáo lý giữa Đạo Cao Đài và Oomoto giáo.
           
 
Bài 1: ĐẠO CAO ĐÀI VÀ NHẬT BẢN TRONG 80 NĂM LỊCH SỬ.
 
           Nói đến liên hệ giữa Đạo Cao Đài và Nhật Bản, thiết tưởng trước hết phải nói đến công cuộc nghiên cứu Đạo Cao Đài tại Nhật hiện nay ra sao, rồi mới đi ngược dòng lịch sử, tìm xem sự liên hệ đó trong 80 năm qua như thế nào?
 
I-              Công cuộc nghiên cứu Đạo Cao Đài tại Nhật hiện nay.
 
           Trên Thế giới hiện nay đang lắng nghe tiếng nói của Đạo Cao Đài mà chúng tôi đã trình bày trong nhiều bài trước. Nói riêng ở Nhật Bản, "Hội những nhà nghiên cứu Đạo Cao Đài ở Nhật" (Association of Caodai Researchers in Japan), được thành lập vào tháng 3 năm 2012 tại Thành phố Nagoya, lớn thứ 3 ở Nhật Bản (sau Tokyo và Osaka) để nghiên cứu Đạo Cao Đài. Hội có 5 Hội viên. Tất cả đều có sang Việt Nam và có viếng TTTN, và trước đó có liên lạc với Lễ Sanh Thượng Cảnh Thanh, Quyền Trưởng Ban Đại Diện Hội Thánh tại Hải Ngoại, nhờ hướng dẫn. Năm Hội viên là:
- Giáo sư Tiến sĩ (GSTS) Miyazawa Chihiro (VĐH Nanzan, TP Nagoya, Nhật Bản) -Nữ GSTS Ito Mariko (Viện Bảo tàng Quốc gia đặc trách Dân Tộc học) - GSTS Takatsu Shigeru (VĐH Seisa) - Giảng sư Kitazawa Naohiro (VĐH Tokyo) đang soạn Luận án Tiến sĩ (có lẽ đến năm nay đã trình Luận án rồi) - và Giáo sư Ninh Thiên Hương (VĐH Southern California - Hoa Kỳ). Hai vị GSTS Miyakawa Chihiro và Giảng sư Kitazawa Naohiro đều có đến Việt Nam 2 năm và có đến TTTN ở 6 tháng để nghiên cứu về Đạo Cao Đài. Cũng nên biết 2 vị nầy biết đọc, nói và viết tiếng Việt rất giỏi.
           Giáo sư Ninh Thiên Hương có tháp tùng Phái đoàn VĐH Dhaka, Bangladesh, viếng thăm TTTN và dự Hội Yến Diêu Trì năm 2010. Cô Ninh Thiên Hương nhận học bổng 1 năm của "Hội thân hữu cho sự phát triển Khoa học Nhật Bản" (Japan society for the Promotion of Science).Lúc đó, Cô đang soạn Luận án Tiến sĩ về Tôn giáo Á Đông, và giảng dạy tại VĐH Southern California cùng với GSTS Janet Hoskins. Cô Ninh Thiên Hương đã đậu Tiến sĩ năm 2013 tại Đại học Southern California (Hoa Kỳ) với đề tài Luận án của Cô viết về Tôn giáo Cao Đài. GSTS Janet Hoskins là Giáo sư về Nhân chủng học và Tôn giáo ở VĐH Southern California, Hoa kỳ. Bà vừa xuất bản quyển: "The Divine Eye and The Diaspora" (Tạm dịch: "Thiên nhãn và Cộng đồng hải ngoại" (do University of Hawaii Press xuất bản, năm 2015). Bà đang học tiếng Việt để nghiên cứu Đạo Cao Đài. Hai vị nầy là 2 nhà nghiên cứu về Đạo Cao Đài ở California và ở Việt Nam.
           *** Nói riêng về cô Ninh Thiên Hương: Cô Ninh Thiên Hương đã đậu Tiến sĩ năm 2013, tại Viện Đại Học Southern California với đề tài: "Religion of a different Color: Vietnamese Catholic and Caodai US - Cambodia Ties in Comparative Perpective".  
           Cô đã từng là Giảng sư ở VĐH Massachusetts - Phân khoa Tôn giáo Williams College  (2012-2014); Giảng sư ở Phân Khoa Nhân chủng và chương trình nghiên cứu Á Châu Thái Bình Dương (Carson California 2014), và Giảng sư Phân khoa Nghiên cứu Người Mỹ gốc Á châu (University of California at Santa Barbara (2015). Bài giảng của cô ở Đại Học thường nói về các Tôn giáo Á Châu và sự toàn cầu hóa. Cô tham gia nhiều công tác xã hội vả tôn giáo nói chung, nói  riêng về Đạo Cao Đài, từ 2014 đến nay. Cô là Ủy viên điều hành Đại Hội Quốc tế lần thứ 1 của Cao Đài (Organizing Committee Member "The First Caodai international Conference" (?)) (Caodaiconference.com (Hochiminh City, Vietnam).
           Cô viết nhiều bài báo, riêng về Đạo Cao Đài, có 2 đề tài, như sau:
- "The Caodai Mother Goddess in a Globalizing World: Meditation between Religious Universalism and Homeland Orientation among Vietnamese Caodaists in the US".
- "God needs a Passport" Vietnamese Caodaists in Cambodia struggle for Religious and Ethnic Recognization across national border".
            Nhiều chương sách cô viết, nói riêng về Đạo Cao Đài, như "Faith in Ethnicity, The Homeland Ties and Diasporic Formation of Vietnamese Caodaists in US and Cambodia".
            Các bài nghiên cứu về Cao Đài đăng trong Encyclopedia, như: "Caodaism" và các bài về Tôn giáo của người Mỹ gốc Việt. ***
 
           Chương trình của "Hội Nghiên cứu Đạo Cao Đài ở Nhật bản" là đi thuyết trình Đạo Cao Đài tại các Đại Học ở Nhật bản. Cụ thể GSTS Miyazawa Chihiro đã tổ chức 2 ngày Hội thảo bằng Anh ngữ và Nhật ngữ về Đạo Cao Đài tại Hội trường Waseda Hoshien, vào 2 ngày 30/6/12 và 1/7/12 với 5 đề tài thảo luận về Đạo Cao Đài. Tin tức cho biết số người đến dự vào khoảng 50 người, gồm có Giáo sư, sinh viên và các nhà nghiên cứu về tôn giáo. Các đề tài thuyết trình như sau:
- God Ethnicity in Diaspora: Vietnamese Caodaists in Cambodia and their global ties (Tạm dịch: Dân tộc của Thượng Đế trong Cộng đồng hải ngoại. Tín đồ Cao Đài Việt Nam ở Cambodgia và những liên hệ trên thế giới). Thuyết trình viên: Giáo sư Ninh Thiên Hương
- The Relational history between Caodai and Oomoto (Tạm dịch: Liên hệ lịch sử giữa Đạo Cao Đài và Oomoto giáo). Thuyết trình viên: GSTS Takatsu Shigeru.
- Political and Religions Relationship in Việt nam after the liberation (Tạm dịch: Mối liên hệ chính trị và tôn giáo ở Việt Nam sau ngày 30/4/75). Thuyết trình viên: Giảng sư Kitazawa Naohiro.
- Life and beliefs of a Caodai female adept at Hanoi temple (Tạm dịch: Đời sống và tín ngưỡng của một Nữ tín đồ Cao Đài ở Thánh Thất Hà Nội). Thuyết trình viên: nữ GSTS Ito Mariko.
- Preliminary research on the Divine and Temporal General Assembly of 1934 (Tạm dịch: Nghiên cứu sơ bộ về Hội Vạn Linh năm 1934). Thuyết trình viên: GSTS Miyazawa Chihiro.
 
           Chúng tôi ghi tất cả 5 bài thuyết trình để quý đồng đạo thấy rằng ở Nhật Bản, các nhà Nghiên cứu tôn giáo đã nghiên cứu Đạo Cao Đài đủ mọi khía cạnh, mà chính chúng ta cần nương theo đó mà học hỏi, dù chúng ta là tín đồ Cao Đài. Chẳng những ở Nhật bản, mà trên khắp thế giới, các nhà nghiên cứu tôn giáo đều đã đang hướng về việc nghiên cứu Giáo lý Cao Đài. Nhiều sinh viên cũng đã lấy đề tài về Đạo Cao Đài cho Luận án Tiến sĩ của mình. Ở Hoa Kỳ nếu chịu khó vào các thư viện, sẽ thấy có nhiều sách viết về Đạo Cao Đài. Ở các VĐH trên thế giới, cụ thể những nơi mà Phái đoàn truyền giáo Hội Thánh có đi qua, đều được mời đến thư viện rất lớn để giới thiệu một góc riêng biệt có nhiều sách viết về Đạo Cao Đài. Chúng ta là tín đồ Cao Đài, xin tự hỏi mình có biết tường tận về giáo lý của Đạo mình chưa? Những gì mình hiểu chỉ do từ chương, hay do thiên kiến chủ quan hẹp hòi của mình, chớ không phải do cái nhìn khách quan rộng mở bao quát. Thanh niên trí thức trẻ Cao Đài hiện nay rất giỏi sinh ngữ và trình độ kiến thức phổ thông cao, cần bỏ thiên kiến chủ quan của mình, mà lo việc nghiên cứu Đạo Cao Đài.
            Công cuộc nghiên cứu Đạo Cao Đài ở Nhật Bản hiện nay là do quá trình lâu dài,mà theo dòng lịch sử, Đạo Cao Đài đã được gieo trồng tiềm ẩn trên đất nước Phù Tang trong 80 năm qua
 
           II - Ngược dòng lịch sử tìm dấu ấn của Đạo Cao Đài trong lòng người Nhật.
 
           1- Đức Hộ Pháp đặt nền móng truyền bá Đạo Cao Đài ở Nhật bản.
           Chúng tôi không có tài liệu để biết Đạo Cao Đài có ở Nhật hồi nào, chỉ biết Đức Hộ Pháp đã đặc cách phong cho Kỷ sư Nguyễn văn Hòa làm Lễ sanh tức Thượng Hòa Thanh, để đại diện Đạo Cao Đài ở Nhật Bản. Đến năm Giáp Ngọ (10/1954), khi Đức Hộ Pháp công du sang Nhật để rước di hài của Đức Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, đã tạm phong Lễ sanh phái Ngọc cho ông Nagafuchi, rồi sau nầy Đức Lý Đại Tiên Trưởng chấm phái thiệt thọ cho ông Nagafuchi là phái Thái tức là Thái Nagafuchi Thanh, để thay Lễ Sanh Hòa làm Đại diện Đạo Cao Đài ở Nhật (Đàn cơ ngày 23 tháng 10 năm Mậu Thân 12/12/68). Được biết Lễ Sanh Thái Nagafuchi Thanh là Giáo sư Đại học và là chủ nhiệm tờ Nhật Báo Maichini Simbun.
           Xin ghi lại lời phê của Đức Hộ Pháp (trg 61) ngày 29/3/54, như sau: "Tôi có ý muốn đặt những cơ sở của Đạo Cao Đài ở Đài Loan, cũng như tôi đã làm việc đó tại Pháp trong cuộc hành trình vừa qua của Tôi sang châu Âu. Thăm Đài Loan xong, Tôi sẽ qua Nhật Bản và sẽ lưu lại dó chừng ba bốn ngày để rước hài cốt của Hoàng Thân Cường Để về nước". Qua lời phê đó, chúng ta thấy ngày nay Hội Thánh TTTN tiếp đón Tiên Thiên Cứu Giáo Hồng vạn (Đài Loan) và Oomoto giáo (Nhật Bản) là đúng theo chí hướng của Đức Hộ Pháp .
           Hoạt động của Đạo Cao Đài ở Nhật chúng tôi không biết rõ vì ít có sự liên lạc, một phần vì tín đồ Cao Đài ở Nhật không bao nhiêu, một phần vì khiếm khuyết tài liệu, nhất là sau ngày 30.4.75. Tuy nhiên đến năm 1992, Hiền Tỷ Vương Ngọc Lan, CTS TT Montréal (Canada) có qua Nhật, ghé thăm Ngài Thái Nagafuchi Thanh, được Ngài cho biết Ngài rất tin tưởng Đạo Cao Đài, nhưng rất tiếc Ngài không biết gì Đạo Cao Đài ở Hải ngoại.
           Theo Tập San Cao Đài số 2, tháng 4.1992, cố Giáo Hữu Thượng Màng Thanh có được thư của Ngài Lễ Sanh Thái Nagafuchi Thanh và được biết Ngài Thái Nagafuchi Thanh đang cộng tác với một số đồng đạo và sinh viên Cao Đài để lo phát triển Đạo tại đây. Theo tập san Cao Đài số 3 tháng 7/1992, ông Tổng Vụ trưởng ngoại giao của Oomoto giáo (Nhật), có cho văn phòng Châu đạo biết: "Một Phái đoàn đại diện Cao Đài TTTN tại Nhật do Lễ sanh Thái Nagafuchi Thanh cùng Lễ Sanh Thượng Hòa Thanh hướng dẫn đến viếng trụ sở Nhân loại Ái Thiện hội (Jinrui Aizenkai = Ban Thế Đạo của Oomoto giáo), tại Kameoka, Tokyo, Nhật Bản, vào tháng 5/1992, để thắc chặc tình thân hữu giữa 2 tôn giáo Cao Đài và Oomoto giáo". Cũng trong tinh thần nầy, vào tháng 11/1993, cố Giáo Hữu Thượng Màng Thanh đã hướng dẫn một Phái đoàn Cao Đài TTTN ở Cali tham dự Đại Hội cầu nguyện các Tôn giáo lần thứ 3 do Oomoto giáo triệu tập ở Nhật bản. (Xem BTTĐ của TT HTĐ số 9/1994).
           Nói đến sự liên hệ của Đạo Cao Đài và Nhật Bản, chúng tôi cũng nói thêm về bài phát biểu của GSTS Trần Mỹ Vân thuộc VĐH "University of South Australia", trong cuộc hội thảo tổ chức tại Đại học Quốc gia Singapore  vào 2 ngày 15 và 16/12/1995, đăng trên Tạp chí "Journal of Southeast Asian Studies", phát hành vào tháng 3/1996. Chủ đề của cuộc hội thảo là: "Sự chiếm đóng của Nhật Bản tại các nước Đông Nam Á" (Symposium on the Japanese occupation in South East Asia). GSTS Trần Mỹ Vân do đó đã thuyết trình đề tài: "Japan and VietNam's Caodaists: a Wartime relationship (1939-1945)" (Sự liên hệ của Đạo Cao Đài với Nhật Bản trong những năm 1939-1945) trình bày sự hình thành của Quân đội Cao Đài, những khó khăn của Đạo đối với Nhật, Pháp và Việt Minh, và đưa ra lý do tại sao Đức Kỳ Ngoại hầu Cường Để không được hồi hương. Đề tài nầy đã được hội nghị hoan nghinh nhiệt liệt, vì nói lên một khía cạnh rất quan trong của lịch sử giữa Việt Nam và Nhật Bản (Xem BTĐĐ số 14/1996). Được biết Bà thường viết và thuyết trình nhiều vấn đề về Đạo Cao Đài. Đặc biệt, vào năm 2000, Bà thuyết trình tại một Hội nghị Sử gia thế giới, đề tài "Cuộc đời và sự nghiệp của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc".
 
             2 - Sự liên hệ giữa Đạo Cao Đài và Oomoto giáo trong 80 năm qua.
            Phái đoàn đông đảo Oomoto giáo, với sự hướng dẫn của chính Nữ Giáo chủ Oomoto giáo, tham gia Hội Yến Diêu Trì năm nay (2015) tại TTTN, là để kỷ niệm 80 năm ngày giao hảo giữ Đạo Cao Đài và Oomoto giáo.
           Theo tài liệu của hồ sơ lưu trử của Oomoto giáo, tháng 2/2015, viết bởi Ông Masamichi Tanaka, thuộc Phân bộ Quốc tế của Oomoto giáo thì trong 80 năm việc giao hảo giữa Đạo Cao Đài TTTN và Oomoto giáo như sau:
           - Năm 1935, Ông Kiyozumi Kakechi, Đặc sứ của Vị Lảnh đạo tinh thần của Oomoto giáo đến Việt Nam. Vào tháng 10 năm đó (1935), Đạo Cao Đài và Omoto giáo công nhận sự liên kết giao hảo với nhau.
           (Theo tài liệu, năm 1955, Đức Hộ Pháp đã gởi thư đề ngày 11 tháng 7 năm Ất Mùi (1955) cho Ngài Yashuro Shimonoka, Tổng thơ ký Ủy Ban tổ chức Hội Nghị tôn giáo thế giới ở Nhật, cho biết Ngài không đi dự Đại Hội Tôn giáo thế giới được và sẽ cử một Phái đoàn Hội Thánh đi thay Đức Ngài là Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước, làm Trưởng Phái đoàn, cùng với Thượng Chánh Phối sư Trần ngọc Sáng và Bác sĩ Trương Kế An).
           - Tháng 4 năm 1956, Vị Đại diện của Đạo Cao Đài tham dự Đại Lễ mùa Xuân của Oomoto giáo.
           - Tháng 7 năm 1956, Ngài Isao Deguchi , Hội trưởng Nhân loại Ái Thiện hội, Đại diện Oomoto giáo dự Lễ Khánh thành Tòa Thánh Cao Đài ở Đà Nẳng (Hội Thánh Cao Đài Trung Việt). Ngài cũng viếng thăm Tòa Thánh Tây Ninh.
           - Tháng 11 năm 1968, Thừa sử Lê Quang Tấn viếng thăm Oomoto giáo ở Nhật.
           - Tháng 11 năm 1969, Ngài Eizo Itoo viếng thăm Tòa Thánh Tây Ninh.
           - Tháng 8 năm 1973, Ngài Teruaki Furuta và 2 thành viên viếng thăm Tòa Thánh Tây Ninh. (Theo tài liệu, từ 5-7/11/1973, cố Giáo hữu Thượng Màng Thanh, Đại diện Hội Thánh tham dự Đại hội tôn giáo do Oomoto giáo tổ chức ở Thánh địa Ayabe).
           - Tháng 9 năm 1974, Ngài Teruaki Furuta và 2 thành viên của Oomoto giáo thuộc Phân bộ Nông Nghiệp là quí ông Hase Gawa Akihiro (kỷ sư trưởng) và Hase Gawa Tatsuo, cùng một số tín đồ Oomoto giáo và nhân sĩ tháp tùng, viếng TTTN và tặng 2 máy cày và 1 máy chụp hình.
 
- Theo tài liệu thì vào ngày 11/3/74, ông Kuhawara dại diện Oomoto giáo, hướng dẫn Phái đoàn đến TTTN và được Ngài Hiến Pháp Trương Hữu Đức tiếp. Trong dịp nầy ông Kuhawara có chuyển lời mời của Giáo hội Oomoto xin Hội Thánh cử Đại diện đến dự Đại hội Liên minh thế giới do Oomoto giáo tổ chức vào tháng 6/1975, tại Thánh địa Ayabe (Nhật). Ngài Hiến Pháp nhận lời. Cũng nói thêm ngày 30 tháng 9 năm Quí Sửu ( 25/10/1973), một Phái đoàn Phật giáo Nagono do Thượng Tọa Yosheka Toichi làm Trưởng Phái đoàn ( gồm 18 thành viên) đến viếng TTTN. Phái đoàn vào Đại điện tụng kinh cầu nguyện và bái lễ Đức Chí Tôn cùng tìm hiểu ý nghĩa của Đền Thánh. Phái đoàn được Ngài Hiến Pháp tiếp đón nồng hậu.
          
           Vì biến cố 30/4/75, việc giao hảo giữa TTTN và Giáo hội Oomoto bị gián đoạn, cho đến năm 1998, Oomoto giáo mới trở lại viếng TTTN:
           - Tháng 2/1998, Ngài Masato Deguchi và Ngài Mitso Yamasaki viếng TTTN. Theo tin tức bằng Anh ngữ của Nhân loại Ái Thiện hội, số 20/3/1998, Phái đoàn Oomoto giáo thăm Việt Nam từ ngày 7 đến 14/2/1998, và có viếng TTTN. Đây là lần đầu tiên sau năm 1975, Oomoto giáo mới trở lại thăm Đạo Cao Đài. Phái đoàn gồm có quí Ngài Masato Deguchi, Mitso Yamasaki, Ginrui Aizenka và Hidetoshi Takeda (tên Việt Nam là Võ Thanh Tùng) làm thông dịch viên. Phái đoàn được Ngài Đầu sư Thượng Tám Thanh, Hội trưởng HĐCQ tiếp đón (Xem BTĐĐ số 21, 8/1998).
           - Tháng 11/1999, Ngài Yasumi Hirose, Hội Trưởng Nhân Loại Ái Thiện Hội, và các Ngài Kyotaro Deguchi, Masato Deguchi và 10 thành viên Oomoto giáo viếng TTTN.
           - Tháng 7 năm 2012 , 12 Thành viên Oomoto giáo viếng TTTN.
           - Tháng 5 năm 2013, Ngài Đầu sư Thượng Tám Thanh, Chưởng Quản Hội Thánh TTTN cùng 14 thành viên, viếng Oomoto giáo ở 2 Thánh địa Kameoka và Ayabe.
           - Vào tháng 9 năm 2015, Ngài Kurenai Deguchi, Nữ Giáo chủ Oomoto giáo và khoảng 50 thành viên sẽ đến tham dự Lễ Hội Yến Diêu Trì, do lời mời của Ngài Đầu sư Thượng Tám Thanh.
  
           3 - Tìm hiểu về Oomoto giáo, cần lưu ý các điểm:
 - Theo lời dạy của Đấng Ushitora no Konjin thì người lãnh đạo của Giáo hội Oomoto giáo luôn luôn là Nữ: 1/ Giáo chủ đầu tiên là bà Nao Deguchi (1837-1918); 2/ Kế tiếp là con gái út của Bà Nao, tức vợ của Ngài Onsaburo Deguchi, là Bà Sumiko Deguchi (1882-1952); 3/ Con gái lớn của Bà Sumiko và Ngài Onisaburo là Bà Naohi Deguchi (1902-1990); 4/ Con gái của Bà Naohi là Bà Kiyoko Deguchi (1935-2001), và 5/ Cháu 3 đời của Bà Nao Deguchi là Bà Kurenai Deguchi là Giáo chủ hiện nay (sanh năm 1956, được tấn phong ngày 24/4/2001). Cũng theo lời dạy của Đấng Ushitora No Konjin, Chủ trưởng hành chánh phải luôn luôn là Nam, nhưng không phải luôn là Deguchi.. Những Nữ Giáo chủ của Oomoto giáo đều được Tín đồ của mình cung kính xưng tụng là "Kyoshu sama". Những người lãnh Đạo Phái đoàn đi khắp nơi chỉ là Trưởng Phái đoàn, Đại diện Giáo hội Oomoto giáo, hoặc giữ chức vụ chủ trưởng cơ quan hành chánh cao cấp của Giáo Hội.
- Nhân Loại Ái Thiên Hội là Cơ quan Thế Đạo của Giáo hội Oomoto giáo. Oomoto giáo là một tôn giáo.
- Giáo hội Oomoto có 2 Thánh địa là Kameoka và Ayabe. (Sẽ giải thích ở bài sau).
- Ngoài Oomoto giáo viếng TTTN thường xuyên, còn có 2 giáo phái khác cũng đã từng viếng TTTN. Đó là: 1/ Phái đoàn Thiên Lý Giáo, do ông Sơn Hải lý Nhất hướng dẫn đã viếng TTTN ngày 10/7/73 (14 tháng 8 Quí Sửu). Phái đoàn vào Đại Điện lễ bái Đức Chí Tôn, quan sát tìm hiểu cách thờ phượng của Đạo Cao Đài, rồi đến Giáo Tông Đường, được Hội Thánh và Ngài Hồ Bảo Đạo tiếp kiến. 2 / Phái đoàn Hinomoto giáo do Ngài Tamamitsu Fujino Miya hướng dẫn đã đến viếng thăm TTTN vào ngày 22/2/73 (20/1 năm Quí Sửu), để nghiên cứu giáo lý Cao Đài. Chúng tôi chưa có tài liệu để biết rõ Hinomoto (Liên hiệp các tôn giáo Nhựt Bản) là một hệ phái của Oomoto giáo, hay là một Giáo hội khác với Oomoto .Theo chúng tôi Oomoto giáo và Hinomoto giáo đều có nguồn gốc từ Đạo Shinto ở Nhật Bản vì có một số điểm giống nhau bắt nguồn từ Đạo Shinto (Thần đạo) (bài sau giải thích).
            Oomoto giáo và Hinomoto giáo có điểm giống nhau thứ nhứt là thành lập và nhận sự chỉ dạy của các Đấng Thiêng liêng qua cơ bút.
 
           Một điểm giống nhau thứ hai là cả hai Giáo hội đều nhận sự chỉ dạy của Đấng Thiêng liêng rằng phải quy về Thánh Địa là TTTN và nghiên cứu tìm hiểu về Đạo Cao Đài. Sau khi viếng TTTN trở về, Ngài Tamamitsu Fujino Miya có gởi cho Ngài Hiến Pháp Trương Hữu Đức một bức thư bằng Anh ngữ đề ngày 14/3/73, trong đó có câu: "On December 13, 1972, I received the divine revelation at Mt Fuji: "There is a great Holy Place in Vietnam. I prepare ít for today. Go and make a tight connection with it". Tạm dịch: Vào ngày 13/12/72, Tôi có nhận được mặc khải Thiêng liêng ở núi Phú sĩ, dạy rằng: "Có một Thánh địa vĩ đại ở nước Việt Nam. TA muốn chuẩn bị Thánh địa ấy cho ngày hôm nay. Con hãy tìm đến và tiếp xúc với Thánh địa ấy."
            Một điểm giống nhau thứ ba là cả hai Giáo hội đều chủ truơng hòa hợp các tôn giáo và đều có tôn chỉ lo cho cuộc sống an vui hạnh phúc của con người.
           Một điểm giống nhau sau cùng là cả 2 Giáo hội đều sùng bái Đạo Cao Đài.
            Khi viếng TTTN vào ngày nói trên, trước khi gặp Hội Thánh, cả Phái đoàn Hinomoto giáo đồng quì trước Đền Thánh để cầu nguyện cho Hòa Bình Thế giới. Sau đó Phái đoàn được Ngài Hiến Pháp Trương Hữu Đức tiếp kiến và đàm đạo thân mật. Trong thư bằng Anh ngữ nói trên gởi Ngài Hiếp Pháp có đoạn (tạm dịch): "Ngày nay loài người đối diện thời kỳ cuối cùng, và chúng ta là những người của tôn giáo, cần phải có sự phối hợp chặc chẽ nhau, cái sự phối hợp đã được thành lập theo ý muốn và và lòng yêu thương vô bờ bến của Thượng Đế để đẩy mạnh công cuộc cứu nguy cho thế giới".
 
Kết Luận.
           Qua 80 năm giao hảo giữa 2 Tôn giáo Cao Đài và Oomoto, luôn luôn có những biến cố xảy ra làm ngăn cản sự phát triển mối bang giao nầy. Năm 1935, mối giao hảo giữa 2 Tôn giáo mới bắt đầu, phải dừng lại ở điểm xuất phát vì Đức Q. Giáo Tông qui tiên và sau đó chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, cùng với chánh sách đàn áp Đạo Cao Đài của nhà cầm quyền thuộc địa Pháp. Năm 1956, Hội Thánh không thể sang Nhật dự Lễ vì lúc đó tình hình Đạo sự rối ren và  Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước bận lo giải quyết thỏa ước năm Mậu Thân với Chánh Phủ Ngô Đình Diệm. Năm 1974, Ngài Hiếp Pháp Trương Hữu Đức không sang Nhật được vì tình hình chính trị Việt nam lúc đó đang biến loạn. Năm 1998, Oomoto giáo sau thời gian dài không liên lạc TTTN, trở lại viếng Hội Thánh, nhưng lúc đó Hội Thánh mới được phục hồi do Hiến chương năm 1997, tình hình đạo sự chưa ổn định, nên không có ý định xuất ngoại.
           Năm 2013, Phái đoàn Hội Thánh Cao Đài TTTN, với sự lảnh đạo của Ngài Đầu sư Thượng Tám Thanh viếng thăm Giáo hội Oomoto, đã được tiếp đón trọng thể, là sự nối tiếp chương trình giao hảo giữa 2 tôn giáo đã có trong 80 năm qua, theo sự chỉ dạy của Đấng Thiêng liêng. Đây là lần đầu tiên một Phái đoàn chính thức cấp giáo hội, do một vị Lảnh đạo Hội Thánh, viếng thăm Giáo Hội Oomoto. Rồi đây, một Phái đoàn của Oomoto giáo gần năm mươi người, cũng là lần đầu tiên do chính Vị Nữ Giáo chủ Oomoto giáo, Bà Kurenai Deguchi, hướng dẫn, sẽ dự Đại Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung năm nay (2015) tại TTTN. Hội Thánh dành mọi sự tiếp đón long trọng cho Phái đoàn Oomoto giáo.
            Cuộc gặp gỡ giữa 2 Giáo hội tại TTTN để đánh dấu 80 năm hữu nghị giữa 2 tôn giáo, mà cũng là vâng theo Thiên ý. Theo tôi, việc giao hảo giữa Đạo Cao Đài và Oomoto giáo sẽ càng phát triển tốt đẹp và thuận lợi để đưa Đạo Cao Đài tiến xa trên đường Quốc tế ./.
 
Lễ sanh Ngọc Duyên Thanh.
8/9/2015
 
Xin xem bài 2: Thành lập và Tôn chỉ của Oomoto giáo.