CÔNG CUỘC TRUYỀN BÁ ĐẠO CAO ĐÀI Ở HẢI NGOẠI (BÀI 3)

Cập nhật 2012-05-17 09:17:35

CHÚ THÍCH

 1)Nhân tài trí thức trên Thế giới đã từng cộng tác với CQTGHN :

  • Giáo Sư Tiến Sĩ Kazi Islam, Khoa Trưởng Phân Khoa Tôn Giáo Thế Giới, thuộc VĐH Dhaka, Bangladesh.
  • GSTS Sergei Blagov thuộc VĐH Moscow – Nga .
  • GSTS Janet Hoskins, thuộc VĐH  Southern California – Hoa Kỳ
  • GSTS Christopher Hartney thuộc VĐH Sydney – Úc.
  • GSTS Jéremy Jammes, Lyon, Pháp.

 

  • GSTS Nguyễn Khắc Tiến Tùng, thuộc VĐH Leipzig – Đức
  • GSTS Trần Mỹ Vân thuộc VĐH South Australia – Úc.
  • GSTS Nguyễn Huy, thuộc VĐH Laval, Québec – Canada.
  • GSTS Joe Hobbs, thuộc VĐH Missouri – Hoa Kỳ.
  • GSTS Lucas Pokorny, thuộc VĐH Vienna – Austria (Áo) và Aberdeen-Scotland
  • GSTS Miyazawa Chihiro, thuộc VĐH Tokyo, Nhựt Bản
  • Giảng sư Thạc sĩ Mohammad Jahangir Alam, thuộc VĐH Dhaka – Bangladesh
  • Giảng sư Thạc sĩ Mohammad Shaihk Farid, thuộc VĐH Dhaka – Bangladesh
  • Giảng sư Thạc Sĩ Ninh Thiên-Hương, thuộc VĐH Southern California, Hoa Kỳ

Các Luận án Tiến sĩ lấy đề tài về Đạo Cao Đài thu thập được:

            - Tiến Sĩ Victor Oliver với Luận án “Caodai Spiritism- A study of Religion in Vietnamese society”, đệ trình tại Đại học Syracuse (HK) năm 1970.

             - Tiến Sĩ Susan Werner, với Luận án “The Caodai: The Politics of a Vietnamese syncretic Religious movement”, đệ trình tại Đại học Yale University, Southeast Asia studies (HK), năm 1976

           – Tiến Sĩ Đệ tam cấp Pierre Bernardini, với Luận án: “Le Caodaisme au Cambodge; 1926- 1974”, đệ trình tại Đại học Paris (University de Paris), năm 1974.

          – Tiến sĩ Sergei Blagov, với Luận án: “The Caodai: A new Religious movement”, đệ trình tại Đại học Moscow, năm 1985.

          – Tiến Sĩ Trần Thu Dung, với luận án “Le Caodaisme et Victor Hugo”, đệ nạp năm 1996 tại Université de Paris VIIè, France

          – Tiến sĩ  Jeremy Jammes, với Luận án: “Le Caodaisme: rituels médiumniques, oracles et exgésèses: approche ethnilogique d’un mouvement religieux vietnamien et de ses réseaux”, đệ trình tại Đại học Paris, năm 2006

- Tiến sĩ Christopher Hartney, với Luận án về Đạo Cao đài tại Úc châu : “A Strange Peace: Dao Cao Dai and Its Manifestation in Sydney”, 2004

          – Thạc sĩ Mohammad Jahangir Alam, với Tiểu  Luận: “The concept of unity in Bahaism and Caodaism: a comparative study”, do GSTS Kazi Islam bảo trợ và HH Trần Quang Cảnh hướng dẫn, đệ trình tại Đai học Dhaka – Bangladesh, năm 2008.

             – Thạc sĩ Mohammad Shaikh Farid, với Tiểu luận: “Caodaism: A syncretistic religion in Việt Nam”, do GSTS Kazi Islam bảo trợ và HH Trần Quang Cảnh hướng dẫn, đệ trình tại Đại học Dhaka, Bangladesh, năm 2009. 

 2/ Sơ lược về Oomoto giáo (Oomoto religion)

 Oomoto giáo là một Tân tôn giáo được Thiêng liêng mặc khải cho Bà Nao Deguchi thành lập vào ngày 3 tháng 2 năm 1892 tại Ayabe (Nhật). Khởi đầu, Bà Nao Deguchi, sanh năm 1837 tại Ayabe, là một một nông dân quê mùa, nghèo khổ, mù chữ, lại gặp đời sống bất hạnh, vì chồng và các con đột ngột chết, để lại 2 đứa con gái, lúc Bà mới 50 tuổi. Trong lúc cùng cực, một hôm Bà nằm mê man và không nói được, kéo dàì 2 tuần lễ, thì một Đấng Thiêng liêng dẫn hồn Bà đi tự xưng là Ushitora no Konjin, cho biết là Đấng điều khiển các Thiên Thần khác trong vũ trụ, đã chọn Bà để giao trọng trách tái tục truyền bá mối Đạo đã có cách đây 3000 năm. Sau khi tĩnh thức, Bà viết lại những lời của Đấng Thiêng liêng, mặc dầu Bà không biết chữ, liên hệ đến Thế giới vô hình, chứa đựng những áng văn chương tuyệt tác, làm mọi người phải ngạc nhiên. Đấng Thiêng liêng dạy rằng “con người phải thay đổi lối sống hiện tại, hướng cuộc đời mình bằng sự tôn vinh giá trị con người, nghe lời Thượng Đế dạy rằng nhơn loại sinh ra vốn bình đẳng, không phân biệt giàu nghèo sang hèn hay cao thấp trong xã hội.” Quan điểm nầy hoàn toàn trái với quan điểm giai cấp vương quyền, lãnh chúa ngự trị lúc bấy giờ ở Nhựt, cũng như ở khắp Thế giới, cho rằng chỉ có Vua chúa là cấp thống trị. Bà Nao Deguchi cũng được Đấng Thiêng liêng báo trước sau nầy sẽ có người đến phụ lực cùng Bà để truyền mối Đạo của Thượng Đế.

Trong khi đó, Kisaburo Ueda, sanh năm 1872, con một người nông dân ở Kameoka, cha mất sớm, phải sống cuộc đời nghèo khổ, lại cũng gặp nhiều điều bất hạnh. Lúc được 26 tuổi, Ueda bị một toán cướp bắt đánh đập tàn nhẩn rồi liệng vào đống rơm. May mắn nhờ dân làng cứu cấp mang đến một ngôi nhà thờ và trị bịnh. Nơi đây, Ueda đã được Đấng Thiêng liêng mách bảo hướng dẫn đi vào núi để lo tu luyện học Đạo. Ueda lại được Thiêng liêng mách bảo phải tìm gặp Bà Nao Deguchi, để truyền Đạo theo sứ mạng đã định sẵn. Họ gặp nhau, bàn thảo đồng ý hợp tác vào năm 1899. Ueda sau kết hôn với con gái Bà Nao Deguchi và đổi tên là Onisaburo Deguchi. Chính Thượng Đế đã mặc khải cho Onisaburo Deguchi, rằng: “Ta sẽ thay đổi Thế giới đầy tị hiềm ganh  ghét và bạo lực nầy để biến cuộc sống trên trái đất trở thành một Thế giới Thiên Đàng, trong đó con người sống hài hòa, hạnh phúc mãi mãi với nhau”. Theo lời dạy của Đấng Ushitora no Konjin thì người lãnh đạo tinh thần của Oomoto giáo phải luôn luôn là nữ giới.

Oomoto giáo từ khi thành lập đến nữa thời gian đầu của Thế kỷ 20 đã bị chánh quyền đàn áp hai lần vì đi ngược lại quan niệm vương quyền thống trị thời bấy giờ. Mãi đến sau  năm 1945, sự đàn áp ngưng lại. Sau nhiều năm tranh đấu, Oomoto giáo được phục hưng trở lại, hoạt động như xưa, càng ngày càng tự do phát triển và ảnh hưởng mạnh trong xã hội Nhựt ngày nay.

Đạo Cao Đài và Oomoto giáo có sự quan hệ chặc chẽ từ năm 1935. Nhiều lần và trong nhiều năm, có nhiều Phái đoàn Oomoto giáo viếng thăm TTTN, được Hội Thánh tiếp kiến và trao đổi quan điểm và chương trình hành đạo. Ngày 14/3/1972 Đại diện Giáo hội Oomoto giáo có gởi cho Ngài Hiến Pháp Trương Hữu Đức một bức thư bằng Anh ngữ, trong đó có câu: “Tôi nhận được lời minh khải của Đấng Tối cao ở núi Phú Sĩ cho biết có một Thánh Địa vĩ đại ở nước Việt Nam. Ta đã chuẩn bị ngày hôm nay. Con hãy tìm và liên lạc chặc chẽ với Thánh địa ấy”. Trong thư Oomoto giáo cũng muốn có sự liên lạc giữa hai Tôn giáo.

PHÁI ĐOÀN OOMOTO GIÁO, NHẬT BẢN, VIẾNG THĂM TÒA THÁNH TÂY NINH

             Qua bản tin tức bằng Anh Văn của Nhân Loại Ái Thiện Hội (tức Oomoto ở Nhật Bản), số 20 Mar – Apr 1998, cho biết là một phái đoàn Oomoto giáo đã đến thăm Việt Nam từ ngày 7 đến 14 tháng 2, 1998  và đã đến viếng Tòa Thánh Tây Ninh. Đây là lần đầu tiên sau 1975, Đạo Oomoto mới trở lại thăm Đạo chúng ta. Phái đoàn gồm có quý ông Rev. Masato Deguchi, Rev. Mitsuo Yamasaki, Rev. Ginrui Aizenkai và ông Hidetoshi Takeda (tên Việt Nam là Võ Thanh Tùng) làm Thông dịch viên. Phái đoàn đã được Ngài Đầu Sư Thượng Tám Thanh, Hội Trưởng Hội Đồng Chưởng Quản tiếp đón. Được biết là trước năm 1975, Đạo Oomoto đã nhiều lần viếng Tòa Thánh Tây Ninh, để thắt chặc tình hữu nghị lâu đời giữa hai Tôn giáo kễ từ khi Ngài Cố Giáo chủ Kiyosumi và Chư Chức sắc tiền khai Cao Đài còn sanh tiền, đồng thời xin Hội Thánh chấp thuận cho phép Oomoto giáo được lảnh lịnh truyền bá giáo lý Cao Đài ra ngoại quốc.

Vào đầu năm 2001, một Phái-đoàn của Oomoto Giáo, gồm trên 30 người, cũng đến viếng thăm Thánh-Thất New South Wales, Sydney, Australia nhân dịp tham dự hội nghị về Ngôn ngữ thống nhất cho nhân loại tại Thành Phố Adelaide, Tiểu bang South Australia. Phái đoàn đã được Hiền-Tài Nguyễn Chánh-Giáo thuyết-trình về sự phát triển Cao-Đài Giáo tại Úc-Châu trong gần 2 tiếng đồng hồ, do Kỷ-Sư Nông-nghiệp Nguyễn văn Mân, vốn du-học tại Nhật-bản trước năm 1975 làm thông-dịch.

3/ Công cuộc truyền giáo hải ngoại vào thời kỳ mới lập Đạo.

             - Hội Thánh Ngoại Giáo (HTNG) do Đức Hộ-Pháp Phạm Công Tắc thành lập ở Nam Vang (Cao Miên) vào năm 1927, đặt dưới quyền Chưởng-Quản thiêng liêng của Đức Chưởng-Đạo Nguyệt-Tâm Chơn-Nhơn (Victor Hugo) và vị Chủ trưởng hữu hình đầu tiên là Ngài Giáo Sư Thượng Bảy Thanh (lúc đó là Giáo Hữu). Chỉ trong vòng một năm , HTNG độ được hàng vạn người nhập môn.

             – Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt thông báo cho Thế giới biết Đạo Cao Đài ra đời. Kết quả là ngày 13/11/ 1931, Phái Thần bí Triết học (Église Gnostique) của Đức đã phúc đáp là muốn liên giao với Đạo Cao Đài. Trong thư phúc đáp đó, (do Trưởng lão của Giáo hội là Ông Godwin ký), đã yêu cầu được Đại diện Đạo Cao Đài thông truyền về Lịch sử, Hiến chương, Giáo lý và những nghi lễ bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Hòa Lan, để nhờ đó (nguyên văn)” có thể tổ chức các Giáo hội Cao Đài ở những Quốc gia như Đức, Áo, Thụy Sĩ, Hòa Lan, Bỉ, Lituani, Lethetiens và Estheniens”. Thật ra, trước khi Giáo hội Gnostique của Đức gởi thư này, thì đã có nhiều du khách Đức đến TTTN vào những tháng đầu năm 1931, lưu tâm đến Đạo Cao Đài, và đã ghi chép, chụp nhiều hình ảnh, rồi trở về hải thuyền ở bến cảng Sài gòn ở 3 hôm. Ba bốn tháng sau, Hội Thánh nhận được một số báo Berliner Illustriete Zeitung ra ngày 21/6/1931, có nhan đề “Giáo phái mới lạ nhứt Thế giới” do W. Bossard viết, kèm theo nhiều hình ảnh của TTTN (xem quyển Tiểu sử Đức Q. Giáo Tông Thượng Trung Nhựt, trg 71-82, của soạn giả Phối Sư Thượng Cảnh Thanh). Sau vài lần liên lạc bằng thơ tín, Hội Thánh mất liên lạc với Eglise Gnostique.

Lý do mất liên lạc như sau: Ngày 16/4/1937, Ngài Giáo Sư Thượng Bảy Thanh đến yết kiến Thống sứ Bắc Kỳ là Yves Chatel. Vị nầy trước kia đã giữ chức Phó Toàn Quyền Đông Dương, nên biết rõ về Đạo Cao Đài TTTN. Sau những câu xã giao thông thường, Vị Thống Sứ thình lình hỏi: “Đạo Cao Đài truyền bá ra Đức quốc đi đến đâu rồi?” Ngài Giáo Sư liền biết việc Hội Thánh TTTN liên lạc với nhóm Eglise Gnostique đã bị Chánh quyền Đông Dương hết sức lưu ý. Đặc biệt là trong thư thứ 2 gởi Hội Thánh vào năm 1936, nhóm Eglise Gnostique báo tin trước là sẽ có Phái đoàn Gnosticisme sang thăm Hội Thánh TTTN và xin mời một số Chức sắc Cao Đài sang Đức truyền Đạo và sẵn sàng đài thọ hết chi phí. Bức thư nầy đã bị Chánh quyền Pháp kiểm soát, nên sau đó, Hội Thánh mất liên lạc luôn với Nhóm Eglise Gnostique, rồi hoàn toàn bị bế tắc, do sự ngăn chặn của Chánh quyền Pháp, thủ tiêu hết thơ từ liên lạc giữa 2 bên, không cho Đạo Cao Đài liên lạc với Đức, là nước đang có chiến tranh với Pháp. Theo Ngài Huệ Lương Trần văn Quế, trong bức thư thứ 2 gởi Hội Thánh,  ngoài việc xin kinh sách, Eglise Gnostique còn đề nghị hiệp nhứt giữa 2 Đạo. (xem: Huệ Lương: Lý do bành trướng mau lẹ của ĐĐTKPĐ: Cao Đài giáo -  Đại Đạo nguyệt san số 13, trang 30).

            – Giáo Hữu Thương Vinh Thanh (Trần Quang Vinh)  truyền bá Đạo Cao Đài ở Pháp.

Cũng trong mục tiêu truyền bá Đạo Cao Đài ra ngoại quốc, vào năm 1931, nhơn dịp Ngài Giáo Hữu Thượng Vinh Thanh (sau được Thiên phong Phối sư) được chánh phủ bảo hộ phái qua Pháp dự cuộc đấu xảo quốc tế tại Vincennes (Paris), Đức Q. Giáo Tông và Đức Phạm Hộ Pháp đề nghị Ngài Giáo Hữu, nhơn chuyến đi nầy, truyền bá Đạo Cao Đài và vận động  chánh giới Pháp tại Paris, kêu gọi họ bênh vực cho Đạo Cao Đài đang bị chánh quyền thuộc địa khủng bố, đàn áp. Kết quả, vào tháng 2/1932, Thượng và Hạ nghị viện Pháp đã biểu quyết Đạo luật nhìn nhận sự tự do tín ngưởng của Đạo Cao Đài, và ân xá cho tất cả tín đồ nào bị phạt vạ. Cũng trong dịp nầy, Ngài Giáo Hữu độ được 15 người Pháp nhập môn, toàn là trí thức, trong đó có 5 Vị được phong hàng Chức sắc, như Ngài Gabriel Gobron được Thiên phong Tiếp Dẫn Đạo Nhơn. Chính Ngài Gabriel Gobron là một nhà văn và nhà báo có tiếng tăm trong các cuộc Hội nghị quốc tế ở Âu châu, đã đảm nhận văn phòng Đại diện của TTTN ở Pháp, và nhiều lần thuyết trình Đạo Cao Đài ở các Diễn đàn Âu châu, trong các kỳ Đại hội Quốc tế về Thần Linh học ở: Barcelona – Tây Ban Nha (1934), Luân Đôn – Anh (1936), Glasgow,  Anh (1937) Paris – Pháp (1939). Nhờ Ngài mà thanh danh Đạo Cao Đài được loan truyền ở Âu châu, lan đến Ba tây (Brazil – Nam  Mỹ)  và Hoa kỳ.

            – Giáo Sư Thượng Bảy Thanh mở Đạo ở Vân Nam Trung Hoa.

Năm 1937, Ngài Giáo Sư Thượng Bảy Thanh được chuyển bổ đi truyền giáo ở Hà Nội, năm sau, Ngài đáp xe lửa đi qua Vân Nam (Trung hoa) để phổ độ, nhưng không thành công vì bất đồng ngôn ngữ, và vì thời cuộc lúc đó đang có nội chiến. Tuy nhiên Ngài cũng phổ độ được vài chục người nhập môn.

             – Mở Đạo ở Congo ( Phi Châu).

Năm 1966, Ngài Phối Sư Thượng Vinh Thanh mở Đạo ở Congo, độ được 32 Đạo hữu nam nữ, và lập Bàn trị sự vào ngày 7/2/1972 gồm 8 chức việc nam,  nữ và khoảng 100 Tín đồ. Chánh trị sự lúc đó là Ông Mata Georges.

              – Mở Đạo ở Nhật.

Không biết Đạo Cao Đài được mở ra ở Nhật lúc nào, chỉ biết có Lễ Sanh Thái Nagafuchi Thanh là Đại diện Đạo Cao Đài ở Nhật. Ông là Giáo Sư Đại học và là chủ tờ Đại Nhật báo Mainichi Simbun.

- Truyền bá Đạo Cao Đài bằng Báo chí.

Ngoài công cuộc truyền giáo của Hội Thánh, còn có cuộc truyền bá Đạo Cao Đài do các vị Tiền khai tự làm lấy bằng cách xuất bản Đặc san “La Revue Caodaique” (Cao Đài nguyệt san) vào năm 1928 bằng Pháp ngữ, chủ biên là quí Ngài Phan Trường Mạnh, Nguyễn Trung Hậu, Nguyễn Phan Long, Nguyễn Đức Trân v.v… Nguyệt san nầy được gởi đến các nước như Pháp, Anh, Đức, Bỉ, Hòa Lan, Ý, Áo, Thổ nhỉ Kỳ  v .v…

Vào năm 1948, Ngài Phan Trường Mạnh có viết nhiều bài bằng Pháp ngữ về Đạo Cao Đài gởi phổ biến ở ngoại quốc, sau đó, gom lại xuất bản với nhan đề  “La voie du Salut Caodaique” vào năm 1950. Các bài nầy đã từng được sự tán thưởng của Tổng Lảnh sự Hoa Kỳ ở Sài gòn (ngày 2/8/1948), Cao ủy Pháp ở Đông Dương (22/5/1948), Cơ quan văn hóa Pháp (16/6/48), Tòa Tổng Lảnh sự Ấn ở Sài gòn (2/2/49), Cơ quan Koumingtan của Trung Hoa (với lời viết bằng chữ Hán được dịch ra Pháp ngữ là “C’est le message de Salut diffusé à l’humanité entière”, và bức thư của Nguyệt san France – Asie ( 28/12/1948).

Vào những năm 1950-1960, Châu Đạo Sài gòn cũng có phát hành tờ “Đại Đạo Nguyệt San” rất được đồng đạo trong nước hoan nghênh.

            – Truyền bá Đạo Cao Đài qua các cuộc thăm viếng  của các Phái đoàn quốc tế.

               Năm 1950, có 2 Phóng viên người Hoa Kỳ đến viếng TTTN, được tiếp chuyện với Đức Phạm Hộ Pháp. Trong cuộc tiếp xúc đó, Đức Phạm Hộ Pháp cho biết Trung Hoa sẽ thờ phượng Tôn giáo Cao Đài, còn nước Mỹ sẽ có sứ mạng truyền bá Đạo Cao Đài khắp Thế giới. Lời tiên tri nầy xin chờ thời gian trả lời. Chính ký giả Lucien Bodard (Pháp) cũng có đến viếng TTTN vào khoảng năm 1954, trực tiếp phỏng vấn Đức Phạm Hộ Pháp, sau đó, viết về cuộc gặp gỡ đó. Cũng nên nhắc đến Nhà văn Graham Greene có đến viếng TTTN, và viết quyển “The quiet American” (Người Mỹ thầm lặng) rất  phổ biến, có mô tả  và phẩm bình kiến trúc TTTN.

Hội Thánh TTTN cũng đã từng mời nhiều nhân vật quốc tế đến viếng thăm Tòa Thánh Tây Ninh, như Phái đoàn do vị Thống Tướng Phi Luật Tân viếng Tòa Thánh ngày 17/10/1964, cùng ngày với Phái đoàn USOM (Hoa Kỳ), ngoài ra còn có Phái đoàn Á căn đình (Argentina) viếng Tòa Thánh Tây Ninh ngày 15/10/1964, và Phái đoàn Hoa Kỳ do Phó Đại sứ Hoa Kỳ và Bộ Trưởng Tư Pháp Robert Kennedy viếng Tòa Thánh ngày 1/11/1964. Dĩ nhiên cũng có rất nhiều Phái Đoàn quốc tế khác đến viếng thăm Tòa Thánh trong mấy chục năm qua mà chúng tôi không thể liệt kê hết ra đây. Các cuộc viếng thăm nói trên gián tiếp quảng bá Đạo Cao Đài ra trường quốc tế…

--- HẾT ---