Hình ảnh

HỘI THẢO QUỐC TẾ LẦN THỨ NHẤT VỀ ĐẠO CAO ĐÀI

CHỦ ĐỀ :

“ĐẠO CAO ĐÀI VỚI GÓC NHÌN XUYÊN VĂN HÓA”

 

Lý do và mục đích tổ chức hội thảo

Đạo Cao Đài hay Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ra đời ở khu vực Nam Bộ vào nửa đầu thế kỷ 20 được bắt nguồn từ yếu tố hoà đồng tôn giáo. Khi đạo Cao Đài ra đời, Nam Bộ đã trở thành một vùng đất trù phú với: 

“Ruộng đồng mặc sức chim bay

Biển hồ lai láng mặc bầy cá đua”

Và là nơi tụ cư của nhiều tộc người khác nhau như Việt, Hoa, Khmer, Chăm, Mã Lai, Ấn,… Chính sự tụ cư này đã tạo nên một vùng văn hóa hỗn dung đặc sắc của Nam Bộ và ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng “cứu thế” của đạo Cao Đài.

Đạo Cao Đài ra đời trong bối cảnh mà văn hóa Nam bộ đã được hình thành và phát triển hàng trăm năm, nên đã tiếp thu, biến chuyển những yếu tố của văn hóa Nam bộ thành cái riêng mang tính đặc thù, như xem Thiên nhãn là một biểu tượng qui nhất các tôn giáo khác; hệ thống giáo lý, kinh sách do cơ bút mà có; chức sắc tôn giáo do “Thiên phong”… Tất cả đều tạo nên một vẻ huyền bí, nhưng lại rất gần gũi với tín ngưỡng dân gian Nam Bộ. Do đó, có thể nói, yếu tố đặc thù này về mặt lý thuyết vẫn không vượt ra ngoài bối cảnh chung của văn hóa Nam Bộ mà chỉ biến đổi để phù hợp với từng hoàn cảnh lịch sử, từng môi trường địa lý, từng tiểu vùng văn hóa… nhằm mục đích thu hút sự chú ý của nhiều tầng lớp, nhiều tộc người trong xã hội Nam bộ lúc bấy giờ.

Tôn chỉ của đạo Cao Đài là hiệp nhất các tôn giáo, dung hòa văn hóa của các tộc người. Nên trong buổi đầu khai đạo, người dân với nhiều thành phần, nhiều tộc người khác nhau đã xin gia nhập và trở thành tín đồ đông đảo của đạo. Nguyên nhân vì họ cảm nhận có sự gần gũi trong văn hóa – tín ngưỡng của tầng lớp và của tộc người mình.

Đến nay, đạo Cao Đài không chỉ phát triển mạnh mẽ ở Nam Bộ mà còn lan rộng ra cả nước Việt Nam, thậm chí còn phát triển mạnh ở một số nước trên thế giới như Úc, Mỹ, Pháp, Đức...

Là tôn giáo có nguồn gốc tại Nam bộ và đang phát triển mạnh trong 85 năm qua. Tài liệu nghiên cứu về đạo Cao Đài đến không chỉ các công trình do các học giả, nhà khoa học, tín đồ Cao Đài trong nước biên soạn mà còn có nhiều nguồn tài liệu do các nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới công bố như hai ấn phẩm liên quan đến lịch sử đạo Cao Đài là Lịch sử đạo Cao Đài (Histoire du Caodaisme) và Lịch sử và triết học đạo Cao Đài (Histoire et Philosophie du Caodaisme) của Gabriel Gobron, một nhà văn người Pháp và cũng là tín đồ của đạo Cao Đài, viết năm 1948 đến năm 1949. Trong hai tác phẩm này, G. Gobron đã phân tích khá rõ vai trò của Thần linh học trong việc hình thành và phát triển đạo Cao Đài. Ngoài ra, ông còn chú trọng giới thiệu giáo lý, luật lệ, lễ nghi, tổ chức giáo hội của tôn giáo này. Trong phần triết lý, ông viết “đạo Cao Đài có giá trị liên kết các phần tử, liên kết những người đang sống của thời hiện tại trong tất cả các địa phương, với những người đã chết của thời quá khứ, và chuẩn bị cho kiếp tái sinh tương lai”[1].

Năm 1970, R.B. Smith có bài “Giới thiệu về đạo Cao Đài” (An introduction to Caodaism) in trong tạp chí School of Oriental and African stuties số XXXIII. Bài viết mang tính giới thiệu về một tôn giáo mới ở Nam Bộ của Việt Nam, đề cập đến quá trình hình thành và phát triển của đạo Cao Đài, trong đó nhấn mạnh đến vai trò sáng lập của ông Ngô Văn Chiêu và những vị phò loan khác[2].

Liên quan đến vấn đề tư tưởng, chính trị và văn hóa của đạo Cao Đài, năm 1974, tác giả Jayne S. Werner làm luận án tiến sĩ với tiêu đề Đạo Cao Đài: Đời sống chính trị của một phong trào tôn giáo hỗn dung của người Việt (The Cao Đài: The Politics of a Vietnamese Syncretic Religious Movement) và sau đó, năm 1981, dựa trên nội dung của luận án này, bà viết ra quyển sách Chính trị nông dân và giáo phái tôn giáo: Nông dân và chức sắc trong đạo Cao Đài ở Việt Nam (Peasant  Politics and Religious Sectarianism: Peasant and priest in the Cao Dai in Viet Nam). Trong công trình này, bà Werner xem đạo Cao Đài là phong trào nông dân lớn nhất Việt Nam thời thuộc Pháp, đã thu hút hàng vạn tín đồ là nông dân tham gia và có tầm ảnh hưởng đáng kể đến nền chính trị ở Nam Bộ lúc bấy giờ. Bà viết “Đạo Cao Đài có một điều mới mẽ cho mọi người. Sự khéo léo kết hợp truyền thống Tam giáo và sự diễn giải rõ ràng, chính xác truyền thống Tam giáo, không những tạo ra sức hút văn hóa mãnh liệt mà còn đưa ra nguồn sinh lực mới”[3]. Công trình của bà Werner có thể xem là công trình chuyên sâu về yếu tố chính trị của đạo Cao Đài trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX.

Năm 1929, G. Coulet, học giả người Pháp, đã cho xuất bản quyển sách Thờ cúng và tôn giáo ở các xứ Việt Nam trong Đông Dương (Cultes et Religions de l’Indochine An-namite), trong đó đề cập đến đạo Cao Đài. Tác giả đã phân tích bối cảnh văn hóa – xã hội Nam Bộ vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX và cho thấy đây là một xã hội hỗn dung và con người Nam Bộ có tính khoan dung tôn giáo. Do đó, khi đạo Cao Đài của người Việt ra đời đã dung hòa tính hỗn dung truyền thống của dân tộc, nên trong giáo lý, tư tưởng và cách hành đạo của Cao Đài luôn biểu hiện tính dung hòa tôn giáo, và đặc biệt là yếu tố tam giáo truyền thống của dân tộc được biểu hiện rất rõ nét trong đạo Cao Đài. G. Coulet còn phân tích tinh thần hỗn dung tôn giáo của người Việt đã dẫn đến sự pha trộn trong văn hóa tín ngưỡng của đạo Cao Đài, bằng chứng là thuật chiêu hồn của phương Tây và thuật cầu cơ của phương Đông được hội tụ trong đạo Cao Đài.

Trong những năm gần đây, Janet Hoskins cũng có bài viết liên quan đến đạo Cao Đài như “Sáng tạo cá nhân và thần lực của Phạm Công Tắc” đăng trong quyển Hiện đại và động thái của truyền thống ở Việt Nam: Những cách tiếp cận nhân học do NXB Đại học Quốc gia TP.HCM ấn hành năm 2010Bài nói về vai trò của Phạm Công Tắc trong việc sáng lập và tạo dựng uy thế cá nhân trong đạo Cao Đài ở Việt Nam. Bà Hoskins còn làm bộ phim về đạo Cao Đài ở hải ngoại để nói về sự ly hương (diaspora) của tín đồ Cao Đài ở Mỹ và công cuộc xây dựng phát triển đạo Cao Đài trên đất Mỹ kể từ sau năm 1975. Jeremy Jammes cũng có bài viết liên quan đến đạo Cao Đài với nhan đề “Tiên tri và chính trị ở miền Nam Việt Nam: Từ Tam Tông miếu đến đạo Cao Đài”. Bài viết này cũng được in trong quyển sách Hiện đại và động thái của truyền thống ở Việt Nam: Những cách tiếp cận nhân học. Nội dung của bài viết nói về sự chuyển dịch quyền lực tôn giáo từ Ngũ chi Minh đạo sang một tôn giáo mới do người Việt sáng lập ở miền Nam Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ XX. Ngoài ra, Jeremy Jammes còn có bài viết “Caodaism and its global networks: An Ethnological Analysis of a Vietnamese Religious Movement in Vietnam and abroad” (Đạo Cao Đài và mạng lưới toàn cầu của nó: Một phân tích Dân tộc học về phong trào tôn giáo ở Việt Nam và hải ngoại) đăng trên tạp chí Moussons 13-14 số đặc biệt về Lịch sử Việt Nam trong bối cảnh đương đại (Vietnam Histoire et perspectives contemporaines). Bài viết này phân tích về mạng lưới quan hệ giữa đạo Cao Đài ở Việt Nam và đạo Cao Đài ở các nước trên thế giới, trong đó nhấn mạnh đến tính lịch sử trong việc hình thành và phát triển đạo Cao Đài ở nước ngoài. Thien-Ninh Huong cũng có bài viết liên quan đến đạo Cao Đài ở nước ngoài với tên là “God Needs a Passport: The Struggle of Vietnamese Caodaists in Cambodia for Religious and Ethnic Recognition Across National Borders” (Thượng đế cần một Hộ chiếu: Cuộc đấu tranh của tín đồ Cao Đài người Việt tại Campuchia cho sự công nhận tôn giáo và sắc tộc bên kia biên giới quốc gia) trên tạp chí Encounters ngày 4/8/2011. Bài viết đề cập đến sự xuất hiện đạo Cao Đài ở Campuchia và quá trình hoạt động của tín đồ đạo Cao Đài nhằm nổ lực tìm kiếm chỗ đứng trong sinh hoạt tôn giáo tại một quốc gia Phật giáo. Ngoài ra, bài viết còn nói rõ mối liên hệ giữa những tín đồ Cao Đài ở Campuchia và tín đồ Cao Đài ở Tây Ninh trong sợi dây liên kết cùng chi phái.

Để tiếp tục làm phong phú thêm nguồn tài liệu nghiên cứu về đạo Cao Đài, chúng tôi sẽ tổ chức Hội thảo Quốc tế lần thứ nhất về đạo Cao Đài với tiêu đề “Đạo Cao Đài với góc nhìn xuyên văn hóa” (Caodaism in Cross-culture Perspectives).

Hội thảo được tổ chức nhằm hướng đến các mục đích:

  • Làm phong phú thêm nguồn tài liệu nghiên cứu về đạo Cao Đài
  • Giới thiệu đạo Cao Đài với cộng đồng thế giới như một sản phẩm đặc trưng của văn hóa người Việt tại Nam Bộ
  • Gợi nguồn cảm hứng cho các nhà khoa học trong nước và quốc tế tiếp tục nghiên cứu về đạo Cao Đài không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các quốc gia khác trên thế giới.

Thời gian và địa điểm tổ chức hội thảo

Hội thảo được dự kiến tổ chức vào ngày xx tháng xx năm 2016 tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh); số 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.

Ban Tổ chức chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm tham gia của quí nhà khoa học ở Việt Nam và trên toàn thế giới.

Bài viết xin gửi về:

Ngôn ngữ: tiếng Việt và tiếng Anh

  • Tóm tắt (khoảng 500 từ) gửi trước ngày TBD
  • Toàn văn (trên 4.000 từ) gửi trước ngày TBD

 


[1] Gobron, Gabriel. 1949. Lịch sử và triết lý của đạo Cao Đài (Histoire et Philosophie du Caodaisme), Paris: Dervy, người dịch Nguyễn Văn Hồng, http://www. personal. usyd. edu. au/~cdao/booksv

[2] Smith, R. B. 1977. “An introduction to Caodaism” trong tạp chí School of Oriental and African stuties, pp.337-338

[3] Werner, S. Jayne. 1981. Peasant Politics and Religious Sectarianism:Peasant and priest in the Cao Dai in Viet Nam, Monograph Series No. 23 Yale University Southeast Asian Studies. pp.55

Caodai Conference - © 2016 DeraCMS